Gia Cát Lượng |
Muốn thuyết phục những người cứng rắn, không dễ biểu lộ chân tình, những người do dự không dám quyết, những người chỉ biết vâng vâng dạ dạ, ham sống sợ chết, chúng ta cần dùng biện pháp có hiệu quả là khích bác, khiến họ hoảng sợ, tức giận, từ đó bộc lộ ra bản tính của họ. Lúc này, bạn mới dễ dàng đối phó, đạt được mục đích của mình.
Tô Tần khéo khích Hàn vương
Tô Tần là nhà hoạt động chính trị nổi tiếng thời Chiến Quốc, là nhân vật đại diện cho những nhà tung hoành, từ lâu đã du thuyết nước Tần thực hiện chính sách liên hoành, tức là khiến cho nước Tần áp dụng phương pháp hoành hướng liên minh, phân hoá, chia rẽ chiến tuyến thống nhất của sáu nước nhưng không thành công. Thế là, để báo thù nước Tần, ông đã bỏ chủ trương liên hoành, chuyển sang chủ trương hợp tung sáu nước, cùng nhau chống lại nước Tần. Dưới đây là một ví dụ Tô Tần khéo khích Hàn vương áp dụng chính sách hợp tung.
Tô Tần đến nước Hàn, bái kiến Hàn Tuyên vương. Khi Tô Tần đưa ra chính sách hợp tung, để Hàn Tuyên vương có ấn tượng sâu sắc, ông bắt đầu nói chuyện sức mạnh của nước Hàn để Hàn vương ý thức được mình đang có sức mạnh to lớn. Đương nhiên, trước đó Tô Tần đã nắm vững rất rõ tình hình nước Hàn, vì thế, ông nói với Hàn vương một cách có căn cứ: “Phía Bắc nước Hàn có yếu địa chiến lược Củng Lạc và Thành Cao, phía Tây có nơi hiểm yếu Ích Dương, Thương Quy, phía Đông có khúc ngoặt, phía Nam có Hành Sơn, là nước có đất đai rộng lớn, thêm vào đó là mấy trăm binh mã dưới sự chỉ huy của đại vương, nước của đại vương thật là một nước lớn!“
Thấy vẻ mặt của Hàn vương lộ vẻ vui mừng, Tô Tần tiếp tục nói: “Còn một điều quan trọng hơn là nước Hàn có thể đúc cung nỏ tốt nhất thiên hạ. Cung nỏ được đúc ra ở Khê Tử, Thiếu phủ có sức mạnh rất lớn. Và điều đáng nói là quân đội của đại vương đã được huấn luyện vô cùng nghiêm ngặt, kỹ thuật bắn cung của các binh sĩ vô cùng cao siêu, trăm phát trúng cả trăm, chỉ dựa vào điều này thôi cũng có thể thấy khả năng chiến đấu mạnh mẽ của quân đội đại vương.“
Để tăng lòng tin của Hàn vương, Tô Tần không tiếc lời hay ý tốt. Ông liếc nhìn Hàn vương một cái rồi lại nói tiếp: “Cung tên được đúc ở nước Hàn rất nổi tiếng. Lính nước Hàn rất giỏi sử dụng cung tên đúc tại Minh Sơn. Cung tên đúc ở Thái Hà cũng lợi hại phi thường, trên cạn có thể bắn trúng ngựa, dưới nước có thể bắn trúng chim muông, là vũ khí đắc lực của binh sỹ. Ngoài ra, các loại binh khí khác của nước Hàn cũng vô cùng độc đáo, binh sỹ nước Hàn thật oai phong lẫm liệt.“
Những lời nói này của Tô Tần khiến Hàn vương vô cùng thoải mái, Tô Tần thấy thời cơ đã chín muồi, bèn nhằm thẳng vào vấn đề chính, khéo léo khích Hàn vương: “Một đất nước như thế này lại có minh quân lãnh đạo, binh sỹ hùng mạnh, nhưng dường như nó vẫn lệ thuộc vào nước Tần, thật khiến cho người khác ngạc nhiên. Đây là một nỗi nhục của nước nhà khiến con cháu đời sau phải chê cười, rất mong đại vương cân nhắc, suy nghĩ cẩn thận rồi hành sự!“.
Tô Tần nói đến đây thì phát hiện thấy Hàn vương mặt đỏ tía tai, xấu hổ vô cùng. Thế là Tô Tần không bỏ lỡ thời cơ tiếp tục triển khai thế tấn công tâm lý “khích tướng“:
“Đại vương nếu để cho một nước mạnh như thế này thần phục Tần thì hậu quả không thể tưởng tượng nổi, nước Tần sẽ cướp đoạt đất đai, doạ dẫm đại vương. Đến lúc đó e rằng nước Hàn chẳng thể còn uy phong như ngày nay. Cho dù biên cương nước Hàn nghìn dặm nhưng lòng tham của Tần vương vô đáy, Tần vương muốn thôn tính sáu nước để làm bá chủ thiên hạ, trong đó có cả đại vương. Bao nhiêu đất đai đó chẳng thể thoả mãn lòng tham ấy, huống hồ lãnh thổ của đại vương chỉ có hạn? Lấy lãnh thổ có hạn của đại vương để thoả mãn lòng tham vô hạn của Tần vương, điều này sao có thể đây? Nếu có một ngày Tần vương đòi hỏi đại vương cắt đất nhưng đại vương không muốn, Tần vương phẫn nộ, thì đại vương sẽ tấn công. Như thế, chiến tranh giữa Tần và Hàn là không thể tránh khỏi, đây chỉ là vấn đề sớm muộn mà thôi. Còn nếu đại vương không muốn có chiến tranh thì phải hy sinh sức mạnh của nước mình, cách làm này thật không sáng suốt! Tục ngữ nói rất hay ‘Thà chết còn hơn sống nhục'. Bây giờ đại vương xưng thần với Tần thì rõ ràng là 'sống nhục'. Dựa vào sự lãnh đạo anh minh của đại vương mà nước Hàn rộng lớn, binh sỹ tinh nhuệ đầy đủ lương thực, nhưng phải thần phục một nước khác tự đáy lòng thần cũng cảm thấy xấu hổ cho đại vương.“
Hàn vương vừa xấu hổ vừa nhục nhã, rút kiếm đứng dậy, ngước lên trời than rằng: “Đa tạ tiên sinh chỉ giáo, trẫm dù có chết cũng không đầu hàng nước Tần. Trẫm muốn áp dụng chính sách hợp tung của tiên sinh“.
Trong đoạn hùng luận này, Tô Tần đã nói tường tận thấu thiệt lợi hại trong quan hệ của Tần và Hàn, khiến cho Tần vương hiểu đạo lý xưng thần với Tần vương còn chẳng bằng liên minh năm nước khác. Tô Tần còn chỉ ra việc Hàn vương nhượng đất để thoả mãn lòng tham của Tần vương cũng chẳng giúp ích gì, từ đó khiến Hàn vương căm phẫn nước Tần. Cuối cùng, Tô Tần dẫn câu tục ngữ 'Thà chết còn hơn sống nhục' để khích Hàn vương, khiến Hàn vương ý thức được tầm quan trọng của chính sách hợp tung. Điều đó cũng khiến Tô Tần đạt được mục đích muốn khuyên của mình.
Đối với những người chần chừ lưỡng lự, do dự không quyết, cần phải khích họ mới có thể khiến họ xoá bỏ suy nghĩ an phận. Xin hãy xem ví dụ sau đây:
Gia Cát Lượng khéo khích Tôn Quyền.
Gia Cát Lượng là một nhà chính trị và nhà quân sự nổi tiếng thời Tam Quốc. Trong lĩnh vực quân sự, ông rất giỏi mưu lược, trong lĩnh vực ngoại giao, ông có tài ăn nói, hùng biện. Câu chuyện Gia Cát Lượng khẩu chiến với đám nho sĩ ngay cả đàn bà trẻ con cũng đều rõ.
Mùa hè năm 208 sau Công Nguyên, Tào Tháo về cơ bản đã thống nhất vùng Trung Nguyên, thế là ông ta liền dẫn đầu quân gần hai mươi vạn đại quân, chỉ huy quân đội xuống phía Nam với mưu đồ bình định luôn Kinh Châu và Đông Ngô, thống nhất phương Nam. Con trai của Lưu Biểu là Lưu Quỳnh không đánh đã hàng, chắp tay dâng Kinh Châu cho Tào Tháo. Lưu Bị thân cô thế cô khó mà chống lại quân Tào, liền rút về Hà Khẩu, cũng may có Lưu Kì đến tiếp ứng, Lưu Bị mới được thoát thân. Dù như vậy nhưng đại quân Tào Tháo lúc nào cũng có thể đánh đến, Lưu Bị ở vào một hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm; chỉ có liên kết với Tôn Quyền thì mới có thể chống lại quân Tào. Vì thế, việc có thể thuyết phục Tôn Quyền cùng liên thủ hay không có quan hệ trực tiếp đến sự sinh tử tồn vong của Lưu Bị. Trong bước ngoặt khẩn cấp và quan trọng này, Gia Cát Lượng đến Trung Đông để thuyết phục Tôn Quyền.
Lúc này, Tôn Quyền đang dẫn binh đóng ở Sài Tang và xem xét tình hình phát triển như thế nào. Đứng trước nguy cơ bị quân Tào tấn công từ các phía, nội bộ Tôn Quyền chia thành hai phe, một bên là phe chủ trương đầu hàng do Trương Chiêu cầm đầu, một bên là phe chủ chiến do Chu Du cầm đầu. Hai bên đều khăng khăng giữ ý kiến của mình, tranh luận liên hồi, vì vậy Tôn Quyền khó mà quyết đoán được.
Mới đầu, Gia Cát Lượng tiến hành cuộc khẩu chiến với phe chủ trương đầu hàng do Trương Chiêu đứng đầu tại triều đường và ông đã giành được chiến thắng hiệp một. Tiếp đó, ông tiến hành cuộc giao phong trực diện với Tôn Quyền.
Khi bái kiến Tôn Quyền ở triều đường, Gia Cát Lượng thấy Tôn Quyền là bậc râu hùm hàm én mày ngài, dáng vẻ đường hoàng, ông nghĩ thầm người này tướng mạo phi phàm, chỉ có thể dùng lời nói để khích ông ta, nếu khuyên nhủ trực tiếp thì không hiệu quả. Ngay từ đầu, Tôn Quyền đã hỏi tình hình quân đội của Tào Tháo, Gia Cát Lượng lập tức khuyếch trương thế lực quân Tào để kích cho Tôn Quyền tức giận. Tôn Quyền lại hỏi Gia Cát Lượng: “Hiện nay Tào Tháo đã chiếm lĩnh các vùng Kinh Châu, liệu ông ta có định tấn công vùng xa hơn nữa không?“
Cát Lượng trả lời: “Hiện nay quân Tào đóng trại ở ven sông, chế tạo thuyền chiến, nếu không phải là muốn tấn công Giang Đông thì là muốn đánh vào đâu?“
Tôn Quyền nói: “Nếu như chúng muốn thôn tính Giang Đông, theo ông tôi nên đánh hay không đây?“
Gia Cát Lượng liền nói thẳng không hề né tránh: “Hiện nay thiên hạ đại loạn, quần hùng nổi dậy, tướng quân đang đóng quân ở Giang Đông, Lưu Bị thì tập hợp quân sĩ ở Hán Nam để tranh đoạt thiên hạ với Tào Tháo. Bây giờ Tào Tháo đã bình định phương Bắc, lại xuống phía Nam chiếm được Kinh Châu, uy trấn bốn bề. Anh hùng không có đất dụng võ, do đó Lưu Bị mới đến đây. Hiện nay đại quân Tào Tháo đã áp sát biên giới, mong rằng tướng quản sẽ dựa vào lực lượng của mình để quyết định đối sách. Nếu tướng quân cho rằng quân Ngô đủ sức chống lại Tào Tháo thì tốt nhất hãy cắt đứt quan hệ với Tào Tháo trước, bày binh cố thủ. Còn nếu không thể thì hãy sớm giải giáp binh sĩ và đến cúi đầu xưng làm bề tôi của ông ta. Hiện nay, ngoài mặt tướng quân mang danh nghĩa phục tùng mà trong lòng do dự không quyết. Khi mọi việc đã vô cùng khẩn cấp mà không quyết đoán kịp thời, e rằng đại hoạ sắp đến thôi.“
Tôn Quyền hỏi lại: “Nếu sự tình đã như vậy, tại sao Lưu Bị còn không lập tức đến hàng Tào Tháo?“
“Hỏi rất hay, tôi cũng đang muốn hỏi ông câu này.“ Gia Cát Lượng thầm nghĩ: nếu lúc này không kích động ông thì đợi đến lúc nào nữa đây. Thế là Gia Cát Lượng ra vẻ khẳng khái, sục sôi nghĩa khí nói: “Điền Hoành năm xưa chỉ là một tráng sĩ nước Tề còn biết giữ vững tiết tháo, không chịu đầu hàng nhục nhã, huống hồ Lưu Bị lại là một tôn thân nhà Hán, anh hùng cái thế, những bậc hiền tài trong thiên hạ đều ngưỡng mộ ông, hướng về phía ông như trăm sông đổ về biển lớn. Nếu việc đại sự không thể thành công chỉ là ý trời. Thà phải chết chứ đâu thể quỳ dưới chân Tào tháo được?“
Đây chẳng phải là tỏ ra khinh thường Tôn Quyền sao. Một mặt thì khuyên Tôn Quyền nếu không đủ lực lượng hãy đầu hàng Tào Tháo, mặt khác lại nói rằng dù lực lượng Lưu Bị chưa đủ để chống Tào, song vẫn giữ vững tiết tháo, thà chết không chịu hàng. Đây chẳng phải rõ ràng là đánh giá thấp Tôn Quyền sao, để xem liệu Tôn Quyền có bực tức hay không?
Quả nhiên, sau khi nghe lời của Gia Cát Lượng, Tôn Quyền lập tức hầm hầm tức giận, phẩy tay bỏ đi, vào trong hậu đường. Phe chủ hàng bật cười ầm ỹ, Tổ Túc phe chủ chiến trách Gia Cát Lượng không nên trêu tức Tôn Quyền. Song Gia Cát Lượng mừng thầm trong lòng, xem ra kế khích tướng đã có hiệu quả.
Quả nhiên chẳng bao lâu, Gia Cát Lượng được mời đến hậu đường của Tôn Quyền, Tôn Quyền đã bộc bạch nỗi lòng với ông ta: “Những kẻ mà Tào Tháo ghét nhất trong đời là Lã Bố, Lưu Biểu, Viên Thiệu, Viên Thuật, Dự Châu (tức Lưu Bị) và ta. Hiện nay, ngoài ta và Dự Châu ra thì ông ta đã tiêu diệt hết rồi. Ta không thể dâng đất Đông Ngô cho kẻ khác và bị người ta điều khiển, ta đã hạ quyết tâm sẽ đánh lại Tào Tháo. Ngoài Dự Châu ra thì chẳng có thể cùng đối địch được với ta. Thế nhưng, sau khi Dự Châu thua trận, liệu chúng ta có thể chống lại Tào Tháo được không?“
Gia Cát Lượng đã phân tích kĩ lưỡng với Tôn Quyền những điều kiện có lợi, cuối cùng đã cho Tôn Quyền “uống một liều thuốc an thần“ và quyết định sẽ liên kết với Lưu Bị cùng chống quân Tào. Gia Cát Lượng biết rõ nếu khuyên trực diện thì khó mà thành công được, vì trong nội bộ phe cánh của Tôn Quyền còn có sự tranh luận của phe chủ chiến và phe chủ hàng. Nếu như trực diện khuyên thì khác nào biến mình thành một cá nhân bé nhỏ trong phái chủ chiến của Tôn Quyền, lí do chủ chiến nói ra chắc Tôn Quyền đã nghe nhàm tai rồi, tốt nhất hãy dùng lời nói để chọc tức ông ta, kích động hùng tâm tráng khí của ông ta, từ đó khiến ông ta nhanh chóng quyết tâm. Suy tính này hoàn toàn chính xác, tình hình phát triển sau này đã chứng minh cho sự chính xác trong phép khích tướng của Gia Cát Lượng.
Đối với những người lòng dạ sâu sa, nhất định phải dùng những thủ đoạn mạnh mẽ để kích động anh ta, khiến anh ta hầm hầm nổi giận, từ đó làm lộ ra thế giới nội tâm của mình. Xin mời hãy xem ví dụ sau đây:
Gia Cát Lượng mưu trí khích Chu Du.
Sau khi Gia Cát Lượng thuyết phục Tôn Quyền, ông hiểu rằng còn phải thuyết phục vị đô đốc trẻ tuổi nắm giữ toàn quyền binh mã nước Ngô là Chu Du. Vì vậy, ông nhờ Lỗ Tấn đưa thẳng đến gặp Chu Du. Chu Du cũng là người thông minh, nghe nói Gia Cát Lượng đến thăm liền hiểu ngay Gia Cát Lượng muốn thuyết phục Đông Ngô chống Tào để đạt được mục đích sau này. Thực ra, Chu Du không phải là không muốn chống lại Tào Tháo, ông vốn là thủ lĩnh phe chủ chiến trong phe cánh Tôn Quyền. Nhưng ông thấy rằng không thể dễ dàng nhận lời Gia Cát Lượng mà nên cố buông lỏng để khống chế chặt hơn, nên cố tỏ ra vẻ đầu hàng trước mặt ông ta, ép cho Gia Cát Lượng phải thuyết phục mình, thậm chí cầu xin mình, một là muốn sau này khống chế quân Lưu Bị, hai là muốn hạ thấp uy phong của “Ngọa Long tiên sinh“. Do đó, sau khi Gia Cát Lượng đến chẳng bao lâu, Chu Du liền lộ ra ý định đầu hàng.
Mới đầu, Gia Cát Lượng vẫn chưa biết ý đồ của Chu Du, định sẽ khuyên nhủ. Song không, Ngô Lỗ Túc đã “giúp “ ông. Lỗ Túc là một người thật thà, vừa nghe thấy Chu Du sắp đầu hàng khác hẳn với ý định hàng ngày của ông, tưởng rằng Chu Du đã đổi ý, liền lập tức trình bày khuyên can, và thế là hai người bắt đầu tranh luận gay gắt.
Gia Cát Lượng là người thông minh biết chừng nào, ông liền hiểu ngay trò bịp của Chu Du, vì thế ông thầm nghĩ cách khác. Thế là ông liền đứng đó mỉm cười xem hai người đó tranh luận. Chu Du vội hỏi Gia Cát Lượng vì sao bật cười. Gia Cát Lượng nói. “Tôi không cười ai cả, chỉ cười Lỗ Túc không hiểu thời cuộc“. Câu nói này ẩn ý rất sâu sắc, bề ngoài nói Lỗ Túc không hiểu tình thế nguy ngập, song thực ra là cười Lỗ Túc không nhìn ra trò lừa bịp của Chu Du. Chu Du khen ngợi Gia Cát Lượng “anh hùng sở kiến lược đồng“ với mình. Lỗ Túc nộ khí ngút trời, liền chất vấn Cát Lượng vì sao cũng đồng ý đầu hàng. Gia Cát Lượng thấy thời cơ đã đến liền nghiêm sắc mặt lại nói' “Tào Tháo rất giỏi dùng binh, trong thiên hạ không có ai xứng làm kẻ thù của ông ta. Trước đây còn có Lã Bố, Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Bị .. . dám chống đối lại ông ta, mà hiện nay những người này đều đã bị ông ta tiêu diệt rồi, giờ đã không còn ai dám chống lại ông ta nữa. Chỉ có Lưu Dự Châu không hiểu thời cuộc, còn muốn quyết một trận sống chết với ông ta, bây giờ đang trơ trọi ở Giang Hạ, e rằng khó mà bảo toàn tính mạng được. Nếu như tướng quân đầu hàng Tào Tháo thì có thể bảo toàn tính mạng, vợ con của mình vẫn có thể được hưởng thụ vinh hoa phú quý. Còn sự tồn vong xã tắc Đông Ngô chỉ nghe theo mệnh trời thôi.“ Những câu nói này càng khiến Lỗ Túc tức giận, trách mắng gay gắt Chu Du không lo lắng cho nước nhà.
Chu Du bị nói bóng nói gió đến mức giận cháy trong lòng, song ngoài mặt vẫn thản nhiên như không, vẫn còn muốn tiếp tục đối lời với Gia Cát Lượng, đến khi nào Gia Cát Lượng không kìm nổi nữa mà phải cầu xin mình mới thôi. Song ông ta có phần xem thường Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng thấy nên phải kích ông ta một trận, để Chu Du phải tự bộc lộ thế giới nội tâm của mình. Thế là, Gia Cát Lượng nói: “Tôi có một kế, không cần phải nộp lễ phẩm dê cừu, rượu quý, hay dâng ấn cống đất, cũng không cần phải đích thân sang sông, chỉ cần phái một tên lính, dùng thuyền đưa hai người đến bờ sông. Tào Tháo sau khi có được hai người này rồi thì hàng triệu binh hùng tướng mạnh của ông ta sẽ cởi giáp thu cờ quay về phương Bắc.“
Chu Du vội hỏi: “Đó là hai người nào mà có thể làm lui quân Tào?“
Gia Cát Lượng cố ý lưỡng lự không nói, sau khi khiến cho Chu Du vô cùng sốt ruột, ông mới chậm rãi nói: “Giang Đông nếu thiếu hai người này thì như một cây đại thụ mà thiếu tán lá, một kho lương thực mà thiếu hai hạt thóc, mà Tào Tháo sau khi có được họ thì sẽ vui vẻ rút lui.“
Chu Du sốt ruột không còn bình tĩnh được nữa: “Rút cục là hai người nào vậy?“
Gia Cát Lượng mỉm cười nói: “Khi tôi còn ẩn cư ở Long Trung, có nghe nói ở trên sông Chương Hà được xây một đài Đồng Tước, vô cùng tráng lệ, là nơi người ta đưa các cô gái đẹp được chọn khắp nơi vào đó. Tào Tháo vốn là một kẻ háo sắc, từ lâu ông ta đã nghe nói Kiều Công ở Giang Đông có hai cô con gái, cô lớn tên là Đại Kiều, cô thứ hai là Tiểu Kiều. Hai cô gái này đều có vẻ đẹp chim sa cá lặn, hoa ghen liễu hờn. Tào Tháo đã từng thề rằng: 'Nguyện vọng thứ nhất của ta là bình định bốn biển, lập thành đế nghiệp, nguyện vọng thứ hai là có được hai Kiều ở Giang Đông, đem về Đổng Tước để vui thú tuổi già, dù chết mà không ân hận.' Giờ đây, Tào Tháo cầm đầu đại quân, mắt như hổ đói, thực ra là chỉ để bắt được nhị Kiều ở Giang Đông mà thôi. Theo tôi, tốt nhất Chu tướng quân hãy tìm Kiều Lão Công, mua lại hai cô con gái của ông ta, tặng cho Tào Tháo. Tào Tháo sau khi có được nhị Kiều nhất định sẽ lui quân trở về. Cũng giống như Phạm Lãi cống Tây Thi. Tôi thấy Chu tướng quân mau chóng hành động đi.“
Tiếp đó, Gia Cát Lượng còn đọc thuộc lòng bài “Phú đài Đồng Tước “ mà Tào Tháo lệnh cho con trai viết. Khi đọc đến:
“Tùng minh dĩ hậu hi du hợp,
Đăng tầng đài dĩ ngu tình.
Kiến thái phủ chi quảng khai hội,
Quan thánh tức chi sở doanh,
Kiến cao môn chi tuấn nga hề,
Phù song quan hô thái thanh.“
Chu Du không nén tức giận, chỉ tay về phương Bắc mà chửi: “Tên giặc họ Tào kia, ngươi quả khinh ta quá lắm.“
Gia Cát Lượng làm ra vẻ hồ đồ, giả vờ khuyên Chu Du: “Trước đây, Đơn Vũ đã nhiều lần xâm phạm lãnh thổ nhà Hán, vua Hán đã phải gả công chúa để hoà hiếu kết giao, việc gì tướng quân phải để ý đến hai cô gái trong dân gian đó“
Chu Du cố kìm nén cơn giận nói: “Đó là tiên sinh không biết đó thôi. Đại Kiều là phu nhân của Tôn Trung Mưu (Tôn Quyền) còn Tiểu Kiều là vợ của ta.“
Gia Cát Lượng lập tức giả bộ kinh hoàng sợ hãi, luôn miệng xin lỗi: “Quả thực là Lượng tôi không biết nên đã nói bừa, đắc tội với tướng quân, mong tướng quân không trách tội.“
Chu Du rút thanh kiếm bên mình ra, chém một nhát làm chiếc bàn đứt làm đôi, rồi hét lên: “Ta và tên giặc họ Tào không đội trời chung, có hắn thì không có ta, có ta thì không có hắn!“
Gia Cát Lượng thấy Chu Du bộc lộ nội tâm của mình thì rất đỗi mừng thầm, song ngoài mặt còn khuyên Chu Du hãy nghĩ kĩ rồi hãy làm, để sau nay khỏi hối hận. Thực ra cách nói như vậy càng làm tăng thêm quyết tâm chống Tào của Chu Du.
Đến lúc này, Chu Du không thể che giấu nữa, đành phải nói thật với Gia Cát Lượng rằng. “Tôi kế thừa di thác của tiên chủ, sao có thể cúi mình hàng Tào được? Những lời tôi nói với ông lúc nãy chẳng qua là để thử ông thôi. Tôi từ lâu đã có ý muốn chống Tào, ngay cả khi đao kiếm kề cổ cũng không thể thay đổi quyết tâm đánh Tào của tôi.“
Đến đây trong cuộc khẩu chiến đấu mưu trí với Chu Du, Gia Cát Lượng hoàn toàn chiếm thế chủ động. Chu Du vốn định giở trò với Gia Cát Lượng, kết quả là từ thế chủ động chuyển thành bị động và ngược lại chính ông mời Gia Cát Lượng tới giúp ông cùng tiêu diệt giặc Tào.
Trong trận khẩu chiến này, Gia Cát Lượng đã thăm dò lời nói và sắc mặt để nắm chắc tâm lí đối phương, cố ý buông lỏng để khống chế chặt hơn, khéo dùng tình cảm kích tướng khiến cho đối phương phải bộc lộ hoàn toàn thế giới nội tâm, từ đó mà biến thế bị động thành thế chủ động và hoàn thành sứ mệnh đi thuyết phục Tôn Quyền cùng chống Tào. Chỉ bằng một chữ “khích“ này, Gia Cát Lượng đã tạo nên một đại chiến Xích Bích có một không hai.
Đối với những người hèn nhát nhu nhược, chỉ cần chúng ta áp dụng cách kích tướng thì có thể đạt được mục đích giao tiếp của mình. Bởi vì nếu nhìn từ góc độ tâm lí học, khi lòng tự trọng của một người bị kích thích mạnh mẽ đến bị tổn thương thì người đó luôn bộc lộ những tình cảm nội tâm của mình. Một khi tình cảm dâng trào thì mặc dù thường ngày, anh ta là một kẻ nhút nhát, nhu nhược nhưng lúc đó, đột nhiên anh ta sẽ trở nên dũng cảm gan dạ, dám nghĩ dám làm. Xin mời xem tiếp ví dụ sau đây.
Dân phụ khích trừng trị vua dâm đãng
Cách đây rất lâu, ở nước Boronai có một vị vua sống rất dâm đãng, trong hậu cung của ông ta có rất nhiều mĩ nữ, song ông vẫn chưa thoả mãn mà còn ban bố lệnh: “Tất cả các cô gái trong toàn quốc trước khi lấy chồng thì phải đến ngủ cùng quốc vương trước, sau đó mới có thể kết hôn“. Tất cả các phụ nữ có nhan sắc đều bị ông ta bắt vào trong cung để ông ta chà đạp thoả thuê thì mới thả ra. Trước hành động trái với luân thường đạo lý này của quốc vương, nhân dân cả nước dù căm hận tận xương tuỷ song cũng phải nén giận, không ai dám phản đối công khai.
Một hôm, có một dân phụ ngang nhiên cởi hết quần áo ngay trên đường phố có bao người qua lại rồi đứng đó mà đi tiểu. Những người xung quanh hết sức kinh ngạc, ai cũng mắng cô ta không biết xấu hổ. Người phụ nữ này trả lời rằng: “Vì mọi người là đàn bà cả, đàn bà cởi hết quần áo trước mặt đàn bà thì sao lại gọi là không biết xấu hổ chứ! Những người đàn bà như các vị đều đứng mà tiểu tiện, thì tại sao tôi lại không thể chứ?“
Người đi gần ở đó nói: “Rõ ràng chúng tôi là đàn ông, tại sao cô nói chúng tôi là đàn bà chứ?“
Người dân phụ mỉa mai: “Chẳng lẽ các vị được coi là đàn ông sao? Trên đất nước này, chỉ có mình quốc vương là đàn ông, những người khác là đàn bà. Nếu các vị là đàn ông, các vị sao có thể chịu để quốc vương làm nhục vợ, chị gái, em gái, con gái của mình như vậy?“
Những người xung quanh nghe xong ai nấy cúi gằm đầu xuống, mặt đầy hổ thẹn bỏ đi. Lời nói của người dân phụ một truyền mười, mười truyền một trăm, đàn ông trong nước đều cảm thấy người dân phụ này nói có lý: “Chúng ta mặc cho quốc vương làm nhục vợ, chị gái, em gái, con gái của chúng ta; chúng ta được coi là đàn ông không?“
Đúng, không thể nào chấp nhận được tên vua hoang dâm vô đạo này. Thế là sự căm ghét phẫn nộ vốn bị đè nén bấy lâu nay của đàn ông trong cả nước bỗng bùng lên như một ngọn núi lửa, khí thế ngút trời, mọi người lao vào hoàng cung bắt lấy quốc vương rồi đánh ông ta chết tươi.
Người phụ nữ trong hoàn cảnh không thể nhịn được nữa không tiếc phải hi sinh chính mình, dùng hành động làm kinh ngạc mọi người để kích thích những người sống nhẫn nhục, khiến cho bọn họ sau khi vô cùng xấu hổ không biết trốn đi đâu đã bộc lộ ra sự phẫn nộ đã bị kìm nén bấy lâu nay, từ đó mà đạt được mục đích là trừng phạt tên vua hoang dâm vô đạo, bảo vệ rất nhiều chị em phụ nữ. Hành vi của người phụ nữ này là một hành vi cao thượng quên mình vì người khác. Vì vậy, sau khi người phụ nữ này mất đi, mọi người đều lập một tấm bia lớn cho bà, đời đời nhớ ơn bà.
Trong một số tình huống đặc biệt nhất định, phép khích tướng sở dĩ có hiệu quả hơn các cách khác chính là vì phép khích tướng đã sử dụng lời nói có ý cố tình hạ thấp đối phương. Một khi dối phương bị gắn vào hình tượng không đẹp này, ở anh ta sẽ phát ra một tham vọng bảo vệ hết mình hình tượng đẹp đẽ của mình. Từ đó sẽ dùng những lời nói hay hành động để thể hiện mình không phải như vậy, tự nhiên anh ta đã vô tình thay đổi lập trường và thái độ dao động trước kia, từ đó anh ta hướng tới lập trường và thái độ mà người nói chuyện đang mong muốn.
Khi vận dụng cách khích tướng cần chú ý những lời nói được dùng cần phải phù hợp với đặc điểm của đối phương, phù hợp với mục tiêu mà mình theo đuổi, hơn nữa thái độ phải “ôn hoà“, “thân thiện“, không nên quá chọc tức đối phương. Ngoài ra, phép khích tướng cần phải được dùng thật khéo léo, kín đáo, rõ ràng rành mạch, khiến đối phương tự nhiên phải hành động theo ý đồ của chúng ta.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét