Đời vua Chiêu Vương nước Kinh, có người Thạch Chử làm quan rất công bình chính trực.
Một hôm, đang đi tuần trong hạt thấy ở ngoài đường có kẻ giết người. Thạch Chử đuổi bắt, thì ra chính cha mình, bèn quay xe trở lại rồi chạy đến trước sân rồng nói rằng:
Kẻ giết người là cha tôi. Bắt cha mà làm tội thì tình không nỡ, vì cha mà bỏ phép nước thì lý không xuôi. Làm quan đã không giữ phép thì phải chịu tội.
Vừa nói vừa kề gươm vào cổ, xin vua cho hành hình.
Vua nói:
Nhà ngươi đuổi mà không bắt được đã là biết giữ phép còn có tội gì. Cứ yên tâm làm chức vụ.
Thạch Chử thưa:
Làm con không ủy khúc thờ cha, không gọi là người con có hiếu, làm tôi không công bằng giữ phép nước không gọi là bấy tôi trung. Bao dung mà xá tội là ơn của quân thượng, trái phép mà chịu tội là phận của tôi con.
Nói đoạn cầm gươm tự sát.
Không giữ phép nước thì chết, cha phạm tội không nỡ bắt, vua tha tội không chịu nhận. Người Thạch Chử làm quan như thế, thật là người trung hiếu lưỡng toàn.
Lã Thị Xuân Thu
Giải nghĩa:
- Thạch Chử: tức Thạch Xa, tướng giỏi của vua Chiêu Vương, người thanh liêm chính trực.
Lời bàn:
Đồng thời bấy giờ có kẻ, vì thù cha mà quật mả vua lên mà đánh vào xác thật là người có hiếu nhưng không có trung. Lại có kẻ, vì phép nước mà làm chứng nói thẳng cha ăn trộm dê thật là người có trung nhưng không có hiếu. Sao bằng Thạch Chử đây, giết cha không nỡ, dối vua không đành, cam chịu trái phép để cứu cha, thì thân để giữ phép. Thực mới là trọn được cả đôi niềm trung hiếu vậy. Ta cũng nên biết khổ tâm của Thạch Chử có khi là: được vua tha cho mà cứ cẩu thả sống, sống chỉ càng làm to cái hung ác của cha, giết người không tội vạ, kết cục liệu cha có thoát án tử hình không. Sống chỉ tăng cái tư tình của vua để cho vua khinh nhờn phép nước, biết đâu sau này không gây ra cuộc rối loạn trị an, thì thà một chết còn hơn đối với gia đình đủ làm cho cha hối hận mà tuyệt được mầm ác, đối với tổ quốc đủ làm cho vua tỉnh ngộ mà tự mình giữ phép để trọng tính mệnh dân. Thạch Chử không nhưng trung hiếu mà còn là nhân nữa.
( Source
: Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét