“Ngày mai là ngày bận rộn nhất trong tuần.”
Hãy đối mặt với thực tế rằng bạn có quá nhiều việc phải hoàn thành, chúng ta bận rộn như những chú ong thợ và chết ngộp trong một núi việc! Đôi khi, với quá nhiều việc cần làm, chúng ta cảm thấy mệt mỏi đến mức tê liệt, không biết mình nên làm gì hay phải bắt đầu từ đâu.
Phải bắt đầu từ đâu?
Đúng vậy, có nhiều lúc chúng ta cảm thấy mình bị chìm trong một đám công việc khổng lồ đến mức không biết phải bắt đầu từ đâu? Đây là một trong những lý do khiến bạn trẻ hay chần chừ đến thế.
Có quá ít thời gian
Theo quy luật Parkinson, công việc luôn tự mở rộng để lấp đầy khoảng thời gian mà chúng ta ấn định cho nó. Vì thế, nếu ta có một công việc cần phải hoàn thành vào ngày mai thì có khả năng ta sẽ hoàn thành nó đúng thời hạn. Ngược lại, nếu thời gian hoàn thành công việc ấy được kéo dài đến cuối tháng thì rất khả năng đến cuối tháng này ta mới giải quyết dứt điểm nó. Đôi khi, do được cho quá nhiều thời gian để hoàn thành một công việc nào đó, chúng ta sẽ chần chừ và trì hoãn quá trình thực hiện nó.
Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta có vài công việc cần phải hoàn thành cùng lúc? Trong trường hợp này, chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề thực sự lớn và phải gấp rút làm việc để hoàn thành mọi thứ đúng thời hạn.
Việc chần chừ sẽ khiến chúng ta lãng phí thời gian của mình và tự lặp lại cái vòng lẩn quẩn tiêu cực do chính mình tạo ra. Chẳng có gì lạ khi có nhiều người luôn miệng nói là họ không có thời gian!
Tại sao chúng ta không vượt qua những chướng ngại?
Nếu đang phải đối mặt với một khối lượng công việc đồ sộ, điều ta cần làm là đặt ra kế hoạch để vượt qua từng chướng ngại này. Một phương pháp rất hiệu quả là chia một việc lớn ra thành nhiều việc nhỏ dễ giải quyết hơn. Người ta đã đặt nhiều tên gọi cho phương pháp này, từ “Cắt và thái”, “Salami” hay “Sashimi”. Nhưng về cơ bản, tất cả đều có cùng một ý nghĩa, đó là giải quyết công việc theo từng phần một.
Để phương pháp này hiệu quả, bạn cần liệt kê tất cả những việc mình cần phải hoàn tất ra.
Hãy chắc rằng, mỗi công việc được chia đều ra phải đơn giản, không đòi hỏi quá nhiều thời gian và công sức của bạn. Khi đã hoàn tất một công việc nào đó, hãy xóa nó ra khỏi danh sách và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. Hãy duy trì tiến độ làm việc này và chẳng bao lâu sau, bạn sẽ hoàn tất được toàn bộ công việc của mình!
Vì thế, hãy bắt đầu lập ra danh sách những điều bạn cần hoàn tất ngày hôm nay và cứ thế thực hiện nó.
Sự chần chừ tích cực
Việc chần chừ tích cực cho phép ta trì hoãn một số việc không quá gấp rút và tập trung vào những việc quan trọng hơn. Nói cách khác, việc chần chừ tích cực cho phép chúng ta phân chia mức độ ưu tiên trong những việc mình cần làm.
Việc học cách dành ưu tiên đối với những việc cần làm là điều rất quan trọng. Nó giúp ra tổ chức cuộc sống của mình tốt hơn. Vì thế, hãy biết cách đặt ưu tiên bằng việc xác định đâu là việc cần làm trước và bắt tay vào thực hiện công việc đó. Hãy thực hiện từng công việc một và hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Tóm lại : Khi bị cả núi việc đè nặng, bạn hãy đề ra một kế hoạch để “vượt qua” cảm giác này. Hãy xác định ưu tiên cho từng nhiệm vụ và giải quyết “từng việc một”.
( Source : Teo Aik Cher - Why Procrastinate - Tại sao lại chần chừ )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét