Xưa, có con chim biển đậu ở ngoài thành nước Lỗ. Lỗ hầu ngự ra nghênh tiếp. Rước về chuốc rượu ở đền Thái miếu. Cho tấu nhạc Cửu thiều cho nó vui. Giết trâu bò mời nó ăn.
Chim ấy ngó dớn dác, bộ sầu bi, không dám ăn, dám uống. Cách ba hôm thì chết.
Nếu dùng cách nuôi chim mà nuôi chim, thì hãy để nó ở rừng sâu, dạo ngoài gò đất, trôi nổi sông hồ, kiếm ăn lương cá, đổ theo hàng liệt, ung dung tự thích...
Cứ theo người nói, là nó không ưa rồi, lựa là còn đem tiếng nhạc mà làm cho nó kinh tâm.
Nếu đem nhạc Hà trì, Cửu thiều mà đánh lên ở Động đình, thì chim nghe phải bay, thú nghe phải chạy, cá nghe phải lặn. Nhưng người lại kéo nhau đến đó mà nghe. Cá ở dưới nước thì sống, người ở dưới nước thì chết. Đó và đây đã khác nhau, thì sự ưa ghét cũng khác nhau.
Bởi vậy, bậc thánh nhân ngày xưa, không giống nhau về sở năng nên không đồng nhau về sự nghiệp.
Danh cốt nơi thực, nghĩa cốt ở chỗ vừa nhau. Đó gọi là điều lý thông đạt, và nắm giữ được hạnh phúc.
(Source : Cái cười của thánh nhân - Nguyễn Duy Cẩn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét