Ads 468x60px

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

9. Rửa Tai

Đời thượng cổ có ông Hứa Do là một ẩn sĩ ở trong đầm Thái Trạch. 

Vua Nghiêu nghe tiếng là người giỏi, mời ra xin nhường cả thiên hạ. Hứa Do từ chối, lui về ẩn tại núi Trung Nhạc, phía Nam sông Dĩnh Thúy. 

Sau, vua Nghiêu lại tìm đến, cố mời Hứa Do làm tổng quản cả chín châu. Hứa Do không muốn nghe chuyện nữa, bỏ ra bờ sông Dĩnh Thúy rửa tai. Ngay lúc bấy giờ Sào Phủ đang dắt trâu xuống bờ sông gặp Hứa Do đang rửa tai,hỏi: 

- Vì việc gì mà anh phải rửa tai? 

- Vua Nghiêu mời ra cầm quyền thiên hạ, ta không muốn bẩn tai ta. 


Sào Phủ nghe nói, liền dắt trâu lên quãng sông trên cho trâu uống. 

Hứa Do hỏi. Sào Phủ nói: 

- Ta sợ trâu ta uống phải nước bẩn của tai anh! 

Nhưng rồi lại cười bảo: 

- Anh đã làm gì đến đỗi vua Nghiêu biết anh là người hiền trong thiên hạ để đoán anh ra làm vua? 

Lời bàn: 

Câu chuyện Sào Phủ, Hứa Do quả là một câu chuyện u mặc thượng thừa của thời xưa 

Nhưng u mặc độc đáo không phải là chuyện Hứa Do rửa tai, cũng chưa phải là chuyện Sào Phủ dẫn trâu lên trên dòng sông để tránh cho trâu uống phải nước bẩn danh lợi... mà câu hỏi bất thần của Sào Phủ: "Anh đã làm gì đến đỗi vua Nghiêu biết anh là người hiền trong thiên hạ để đoán anh ra làm vua?" 

Trong sạch như Hứa Do, vậy mà trước câu hỏi đột ngột và sâu sắc này của Sào Phủ có lẽ đã phải một phen sửng sốt để mà kiểm thảo cái gọi là hành động "trong sạch"của mình.

(Source : Cái cười của thánh nhân - Nguyễn Duy Cẩn)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét