Ads 468x60px

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Chương 04 - Tùy Theo Điều Kiện, Tùy Theo Hoàn Cảnh, Cơ Động Linh Hoạt

Chăn nuôi dê
Năm 221 trước Công nguyên, Tần thống nhất 6 nước. Quan luật trong cả nước được bãi bỏ, thương nghiệp ở các vùng trở nên sôi nổi. Sự thống nhất về chính trị đã làm cho kinh tế lưu thông từ biến pháp Thương Hưởng đến nay, nước Tần hình thành nên truyền thống "trọng nông, ghìm thương", triều Tần sau khi thống nhất sẽ đối xử với thương nhân như thế nào?


Mời các bạn xem hai ví dụ dưới đây:
Đại thương nhân Ô Thị Lõa theo nghề buôn chuyến gia súc đã nhiều năm nay, ông ta bán hết bò dê có trong tay đổi lấy các báu vật quý hiếm. Sau đó ông ta đem những báu vật quý hiếm này tặng cho tù trưởng của các dân tộc du mục. Những vị tù trưởng này rất vui mừng, vàng bạc châu báu họ nhìn thấy rất ít mà đồ hiếm là đồ quý, còn bò dê ở chỗ họ muốn bao nhiêu là có bấy nhiêu. Để báo đáp, số bò dê mà các vị tù trưởng tặng cho Ô Thị Lõa nhiều gấp mười lần số bò dê ông ta có lúc ban đầu. Trong nháy mắt, số bò dê trong tay Ô Thị Lõa nhiều đến nỗi đếm không hết. Tần Thủy Hoàng đối đãi với ông ta như đối đãi với các bậc quân hầu. Mỗi lần lên triều, ông ta được đứng ngang hàng với các văn võ quần thần.

Ở vùng đất Ba Thục có một quả phụ tên gọi là Thanh. Chồng bà ta đã qua đời từ nhiều năm. Họ của bà ta là gì mọi người cũng không nhớ nữa, chỉ biết gọi là quả phụ Thanh đất Ba Thục. Tổ tiên của bà ta nhờ vào khai mỏ mà trở nên giàu có, đến đời bà, sản nghiệp của gia đình đã rất lớn, muốn cái gì có cái nấy. Đừng xem bà ta là phận nữ nhi, không những có thể giữ được nghề nghiệp của tổ tông mà còn dựa vào vốn liếng của mình giống như những bông tuyết lăn làm giàu thêm của cải cho gia đình. Tần Thủy Hoàng rất coi trọng công trạng của bà ta, xây riêng cho bà một tòa tháp đặt tên là "Người phụ nữ tiết hạnh" để biểu dương đức hạnh của người quả phụ này.

Xem ra, Tần Thủy Hoàng trên phương diện này có quan điểm không giống với tổ tiên của mình. Ô Thị Lõa vốn là một người buôn gia súc, quả phụ Thanh đất Ba Thục là một phụ nữ nhưng lại được đối xử rất hậu như thế, danh tiếng khắp thiên hạ. Thế thì, nếu như cho rằng Tần Thủy Hoàng đều đối đãi như thế với tất cả các hào phú thì lại là một sự nhầm lẫn lớn.

Năm thứ 12 Tần Thủy Hoàng, một tờ cáo thị tuyên bố khắp thiên hạ: Triều đình hạ lệnh, 12 vạn nhà hào phú trong cả nước phải dời đến gần kinh đô Hàm Dương, cưỡng chế quản thúc, do quan phủ giám hộ. Trong số những người này, của cải nhiều hơn gấp nhiều lần Ô Thị Lõa và quả phụ Thanh đất Ba Thục không phải là ít.
Tại sao cùng là hào phú nhưng cảnh ngộ lại khác nhau một trời một vực như vậy? Nói thẳng ra chỉ vì Ô Thị Lõa, quả phụ Thanh đất Ba Thục là đại hào phú của nước Tần từ xưa, Tần Thủy Hoàng hy vọng dựa vào những người này để thúc đẩy thương nghiệp, lưu thông, phát triển. Còn những hào phú phải dời đến Hàm Dương để quản thúc là hào phú của 6 nước trước đây, nếu để mặc cho họ tự do làm ăn buôn bán thì rất có thể họ sẽ dựa vào của cải của mình câu kết với thế lực mưu phản chính trị. Đây là điều mà Tần Thủy Hoàng không muốn nhìn thấy.

Xem ra cùng là đối xử với các nhà hào phú nhưng chính sách không giống nhau. Tuy nhiên chính sách cũng chính là cách đối xử khác nhau, không có sự khác nhau thì cũng không có chính sách. Đây chính là tùy theo hoàn cảnh, điều kiện cụ thể mà thay đổi cho thích hợp, là cơ động linh hoạt. Trên phương diện chính trị cần phải làm như vậy. Trong thương trường hiện đại, tùy vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể thay đổi cho thích hợp, cơ động linh hoạt kịp thời điều chỉnh chính sách kinh doanh, đây có thể nói là mưu trí và sách lược rất quan trọng.

Công ty Slulapa của Mỹ là tập đoàn doanh nghiệp ngành bách hóa lớn nhất trên toàn thế giới hiện nay. Nhưng, khởi điểm nó lại bắt đầu từ việc kinh doanh mua hàng qua bưu điện.

Người sáng lập ra công ty này, ông Charlie Slue vốn là một nhà đại diện giải quyết các vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Trong thời gian làm nghề này ông đã từng bị lỗ vốn mấy lần, hàng hóa chuyển đi nhiều lần bị người nhận hàng từ chối, gây ra tổn thất cho người gửi, ông ta cũng bị kẹp ở giữa, thật không dễ làm. Vì thế, ông nảy ra sáng kiến theo đuổi nghề làm đại diện mua hàng qua bưu điện. Bởi vì mua hàng qua bưu điện rất thuận tiện đối với những khách hàng ở nông thôn, có thể giúp họ tiết kiệm thời gian và lộ phí tự đi mua hàng, mà khả năng trả lại hàng tương đối thấp. Lãnh thổ nước Mỹ rộng lớn, dân số ở nông thôn đông, mua hàng qua bưu điện, nhất định sẽ trở thành một thị trường tiềm lực rất lớn.

Chủ ý đã định, nói là làm, Slue xây dựng một cửa hiệu mua hàng qua bưu điện. Quả nhiên, mua hàng qua bưu điện đúng là một ngành được mọi người ưa thích. Chỉ trong vòng mấy năm, việc buôn bán của Slue rất phát đạt. Từ năm 1900 đến năm 1910, mức doanh thu của việc mua hàng qua bưu điện tăng từ 1,1 triệu đô la lên 61 triệu đô la, năm 1920 đạt doanh số 245 triệu đô la.

Nhưng bất cứ một sự vật nào cũng đều không phải là nhất thành bất biến. Từ sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, tình hình địa lý dân số nước Mỹ có sự thay đổi lớn. Số dân rời nông thôn ra thành phố trong một thời gian ngắn đã tăng lên rất nhanh, đặc biệt là dân cư ở các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh. Tình trạng bỏ quê ra thành phố là rất nghiêm trọng không thể ngăn nổi. Thêm vào đó là sự ảnh hưởng của nền kinh tế tiêu điều mang tính chu kỳ, bất luận là nông thôn hay thành phố, sức mua tính bình quân theo đầu người đều giảm . Mức doanh thu của công ty Slulapa cũng bị ảnh hưởng, từ hơn 200 triệu đô la thời kỳ phát đạt nhất giảm xuống còn 160 triệu đô la.

Đứng trước sự thay đổi về tình hình địa lý dân số, Slue không những không "chết treo ở trên cây" mà còn áp dụng chiến lược đối đãi linh hoạt, thay đổi kịp thời. Cảnh tàn tạ của nghề mua hàng qua bưu điện đổi thành viễn cảnh rực rỡ của ngành tiêu thụ ở mạng lưới cố định. Thế là, Slue mở rộng hơn nữa hệ thống công ty, lần lượt xây dựng 387 cửa hàng bán lẻ ở các thành phố lớn nhỏ trên toàn nước Mỹ, hình thành nên một hệ thống cửa hàng liên hoàn khổng lồ. Nước cờ này đã đi đúng! Mức doanh thu trong vòng 6 năm từ 1925 đến 1931 đã vượt qua mức doanh thu của hơn 20 năm trước.

Một vấn đề được giải quyết, vấn đề khác lại đồng thời xuất hiện. Số cửa hàng bán lẻ tăng lên cũng tức là phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh với các ngành bách hóa khác. Công ty Slulapa phát huy hết ưu thế của mình, mạng lưới bán lẻ nhiều, sức tiêu thụ mạnh, cố gắng bán hàng giá rẻ tận gốc để đảm bảo giá hạn định trong bán lẻ. Đối với mỗi loại sản phẩm, họ đều có giá hạn định cao nhất để đảm bảo sức cạnh tranh với thị trường để thu hút khách hàng. Trước đây, các vùng của nước Mỹ có không ít cửa hàng bán giá rẻ, hiện nay giá của nhiều sản phẩm của công ty Slulapa còn rẻ hơn giá sản phẩm của những cửa hàng bán giá rẻ này mà lợi nhuận lại cao hơn rất nhiều. Chính là nhờ vào sức cạnh tranh không có gì có thể sánh được, công ty đã trở thành hệ thống kinh doanh bách hóa hình thức lớn, qui mô số một của nước Mỹ vào năm 1964.

Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể thay đổi cho thích hợp, cơ động linh hoạt, kịp thời điều chỉnh chiến lược là bí quyết công ty Slulapa trở thành vua ngành bách hóa thế giới và đối với những người làm ăn trong thương trường nói riêng nó có tác dụng gợi ý rất lớn.

( Source : Mưu Trí Thời Tần - Hán  - Các tác giả : Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm, Chu Chính Thư )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét