Ads 468x60px

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Chương 07 : Lý luận mua bán rau của Lưu Bị

Nghệ thuật bận rộn
1. Cuối năm hoạ vô đơn chí 

Lại nói Lã Bố từ kẻ làm công trở thành ông chủ thì mau chóng lấy lại được phong độ ngày trước. Song được hai năm, Lã Bố cảm giác lo lắng mơ hồ. Dù đã làm ông chủ công ty Từ Châu, song Lã Bố vẫn thấy đụng đâu là trục trặc đó. Thầm ngạc nhiên, Lã Bố nói với Điêu Thuyền: 

- Chẳng lẽ nhân viên công ty vẫn lưu luyến "chủ cũ" hay sao? 

Điêu Thuyền hỏi: 

- Sao anh lại nói vậy? 

Lã Bố nói: 


- Hồi công ty Từ Châu còn trong tay Lưu Bị, dù gặp nhiều khó khăn nhưng công việc kinh doanh vẫn tiến triển. Nay trong tay anh, sao công ty thủng như cái sàng, chỗ nào cũng là lỗ thủng thế nhỉ? 

Điêu Thuyền nói: 

- Dù sao thì cũng chưa đến mức anh phải bi quan như vậy đâu! 

Lã Bố nói: 

- Nhưng anh vẫn thật không hiểu. Cuối năm tới rồi, lương nhân viên chưa trả, thưởng cũng là khoản lớn cần chi, vậy mà tình hình tài chính không có gì khả quan. Em tìm Sái Văn Cơ, nhờ cô ta nói với Tào Tháo mấy câu đi! Điêu Thuyền hỏi: 

- Anh định vay tiền à? 

- Năm hết tết đến, không vay tiền thì biết làm sao? Đây chẳng phải lần đầu tiên Lã Bố vay tiền Tào Tháo, song tình hình công ty ngày càng bi đát. Nhờ thời gian qua làm ăn khấm khá nên Tào Tháo thường cho Lã Bố vay tiền và thành chủ nợ lớn nhất của Lã Bố. Lần này Tào Tháo sợ Lã Bố không trả được nợ nên rất do dự. 

Sái Văn Cơ gọi điện cho Điêu Thuyền: 

- Xin lỗi bồ nhé, mình cố hết sức rồi. 

Lã Bố cuống cuồng như con ruồi mất đầu: 

-Muốn dồn anh vào đường chết hay sao? 

Tục ngữ nói "hoạ vô đơn chí". Lã Bố cảm thấy tuyệt vọng không chỉ vì nợ lương, mà còn vì tương lai của công ty. Dù thị trường cạnh tranh cực kỳ khốc liệt nhưng người ta vẫn kiếm được lợi. Còn công ty sở dĩ xuống dốc là bởi năng suất lao động không cao. Và sở dĩ năng suất lao động không cao bởi thiếu người tài. 

Phẫn quá hoá buồn cười. Lã Bố nhăn nhó bao ngày, bỗng nhiên nhớ tới một câu chuyện cũ: Thời Xuân Thu, có một người nước Việt trải chiếu bày tiệc mời khách. Gần tới trưa mà chỉ có mấy người đến. Anh ta lẩm bẩm: "Người nên tới lại không tới". 

Nghe được mấy lời đó, có khách nghĩ bụng: "Người nên tới lại không tới, chẳng hoá ra ta không nên tới? "Họ bèn đứng dậy cáo từ. 

Anh chàng hối vì lỡ lời, vội rốt rít giải thích: "Không nên đi sao lại đi? " Mấy người khách khác lại nghĩ bụng: "Không nên đi lại đi, xem ra ta mới nên đi!". Rồi họ lũ lượt chào mà về, duy có mỗi người bạn thân còn ở lại. Bạn thân trách: "Anh xem đấy, chỉ vì không biết đàng ăn nói mà khách khứa về hết". 

Anh chàng thanh minh: "Tôi có nói họ đâu. " Nghe vậy, người bạn thân nổi cáu: "Không phải họ! Vậy là chỉ có tôi thôi!" Nói rồi thở dài bỏ đi. 

Câu chuyện buồn cười nhưng lúc này thật hợp với tâm trạng Lã Bố. người tài trong công ty thật khó giữ, ví như Trần Đăng bỏ việc sang chỗ Tào Tháo, Hứa Tị, Vương Khải về với Viên Thuật, một số người lại tự mở công ty riêng. Còn những người ở lại công ty, không ốm đau bệnh tật thì cũng bất tài vô tướng. Vì thế câu "Nên đến lại không đến, không nên đi lại đi" chính tả thực nguồn lực con người của công ty. 

Tết càng đến gần. Một số nhân viên có năng lực thì trăn trở với bài toán: Nên đi hay ở? Số nhân viên bình thường vốn chỉ mong năm sau tiền thưởng được như năm trước cũng dò xét ý tứ ông chủ: Có giữ được hay không? Dưới tay Lã Bố giờ chỉ còn Trương Liêu là giỏi bán hàng, song Lã Bố biết, nếu anh ta muốn đi thì cũng không cách gì giữ được. Ngoài ra, chỉ còn phó giám đốc thường trực Trần Cung là còn lo lắng tới công ty. 

Tình hình công ty Từ Châu giờ đây không thể cứu vãn. Lã Bố nghĩ mãi, lượng sức mình không thể làm gì, chỉ còn cách xin Tào Tháo mua lại công ty Từ Châu 

2. Lã Bố chết không nhắm được mắt 

Tào Tháo đi hỏi ý kiến Lưu Bị. Lưu Bị nói: 

- Công ty Từ Châu đã khánh kiệt, ông còn mua làm gì? Huống hồ nên cảnh giác Lã Bố như rắn độc, cẩn thận y sống lại, quay đầu cắn người nông dân tốt bụng. 

Tào Tháo nghe theo, không những không mua công ty Từ Châu mà còn thuê xã hội đen đòi nợ. 

Mấy ngày không thấy ông chủ, nhân viên công ty Từ Châu bắt đầu lo lắng. Hầu Thành ở phòng giao dịch thông báo với cả công ty: Lã Bố đã cùng vợ Điêu Thuyền trốn nợ. Công ty như chiếc nồi vỡ, ai cũng kêu than không ngớt. 

Tống Hiến ở phòng sản xuất nói: 

- Ông chủ thật vô nhân, không chỉ nợ ba tháng thương - tết lại sắp đến rồi, mà còn quẳng chúng ta ở đây xơi không khí! 

Một đồng nghiệp là Nguy Tục nói: 

- Tên Lã Bố này thật đáng ghét. Chúng ta nhất định phải tìm ra hắn, nếu không lấy tiền đâu ăn tết? 

Hầu Thành nói: - Muốn tìm Lã Bố cũng không khó. Hắn mang theo chiếc BMW, chỉ cần tìm ra chiếc BMW là tìm ra Lã Bố. 

Tống Hiến mắng chửi: 

- Đến giờ mà hắn còn xe sang vợ đẹp, để chúng ta chết đói ở đây. 

Mấy ngày sau, Hầu Thành nhận ra chiếc BMW màu phấn hồng của Lã Bố đậu bên một siêu thị. Nhìn khắp, không thấy Lã Bố, bèn mở cửa xe rồ máy chạy. 

Chưa đầy một tuần sau, được Tống Hiến và Hầu Thanh giúp đỡ, người của Tào Tháo tìm thấy và chém chết Lã Bố. Đáng thương thay Lã Bố, kiêu dũng một đời mà chịu kết cục thê thảm. 

Chết rồi mà âm hồn không tan, Lã Bố tìm Lưu Bị, nói: 

- Huyền Đức, anh nói xấu tôi với Tào Tháo tôi cũng không oán, ai bảo tôi xưa kia lợi dụng anh ngây thơ? Nhưng điều làm tôi chết mà không nhắm được mắt là vì sao công ty Từ Châu trong tay anh thì như than hồng, đến tay tôi lại như tro nguội? 

Lưu Bị nói: 

- Lã Bố ơi, anh tuy giỏi nghiệp vụ, đầu óc lại sáng láng hơn tôi, song nói về quản lý nguồn lực con người lại không bằng. Trước khi anh tới, cho dù thực lực công ty Từ Châu có hạn thì mỗi nhân viên đều tận tâm tận lực làm việc. Đến khi anh thành giám đốc, họ không còn cố gắng như trước. 

Lã Bố nghĩ ngợi, nói: 

- Tôi cũng cảm thấy lạ. Trong công ty, trừ tôi ra, còn những người khác không biết họ bận gì. Thế nhưng, cuối cùng tôi cũng không biết mình lầm ở đâu? 

Lưu Bị nói: 

- Anh có hai sai lầm. Thứ nhất, về vị trí của anh, chỗ của anh là nhà quản lý giỏi chứ không nên là một người có tay nghề giỏi. Anh nên tuyển chọn người tài, để họ làm nghiệp vụ. Đã có câu: tự làm thì không làm được sếp, không làm được sếp thì người tài bỏ đi. Anh nghĩ xem, trừ anh ra, công ty còn có người giỏi chuyên môn nào khác không? 

Lã Bố khẽ gật, nói: 

- Đúng vậy. Thế còn sai lầm kia? 

Lưu Bị nói: 

- Anh vừa nói cả công ty chỉ có anh làm chuyên môn, những người khác không biết bận bịu gì, có đúng không? Để tôi nói nhé: họ vờ bận bịu. Đúng vậy, họ đều giả vờ chăm chỉ. 

3. Sáu chiêu giả vờ chăm chỉ 

- Giả vờ chăm chỉ? 

- Đúng vậy! – Lưu Bị nói đắc ý: 

- Theo tôi biết, họ đã dùng sáu chiêu vờ chăm chỉ để đối phó với anh. 

- Là sáu chiêu gì? 

- Chiêu thứ nhất: cầm giấy tờ chạy khắp nơi. Nên biết người cầm giấy tờ trông giống như sắp dự hội nghị cấp cao, người cầm báo giống như sắp đi toilet, còn người không cầm thì giống ăn không ngồi rồi. Vì thế nhân viên của anh đều hiểu: không được rời ghế; nếu rời ghế, tay phải cầm giấy tờ. 

Lã Bố kinh ngạc: 

- Hoá ra vậy. Chẳng trách điệu bộ Trần Đăng lúc nào cũng bận rộn. Tôi thấy thế cho là nhân tài, càng giao việc lớn, chẳng ngờ hắn lại nhảy sang công ty của Tào Tháo, lại còn trộm theo bí mật của công ty tôi. 

Lưu Bị cười, nói:
- Trần Đăng là người thông minh, ông ta biết sớm muộn anh cũng sẽ phát hiện ra trò thối, vì thế ông ta mới chơi anh trước. Song chiêu của đồng sự Trần Đăng còn cao siêu hơn. 

Chiêu thứ hai là: lúc nào cũng gõ máy tính… 

- Máy tính… 

- Đúng. Trong mắt rất nhiều người, ai vùi đầu vào máy tính là người tích cực làm việc. Nhưng đâu ai biết họ đang làm gì? Họ có thể tìm tư liệu, viết thư tình, tính cổ phần… đều chẳng liên quan gì tới công việc. 

- Giờ mới hiểu tại sao một số kẻ "lao động ưu tú" suốt ngày lên mạng! – Lã Bố nghiến răng: - Đến mông diễn viên có mấy đốm tàn nhang chúng cũng đều biết, còn tìm khách hàng thế nào thì lại không… Vậy, chiêu thứ ba là gì? 

- Chiêu thứ ba: giấy tờ chồng trên mặt bàn cao như núi. Nên biết, trong công ty, chỉ có anh và vài người phó có tài liệu do thư ký mang tới. Với những ngươi làm công, chiếc bàn của họ quá ngăn nắp thường tạo ấn tượng về sự lười biếng. Với người ngoài nhìn vào, tài liệu của năm trước cũng không khác gì năm nay, vậy tại sao không xếp đống lên nhau? Khi anh cần giấy tờ gì họ sẽ lục tung đám tài liệu, cho thấy công việc của họ nặng nề lắm. Còn không đủ tài liệu ư? Dùng sách cũng được, tốt nhất là những cuốn sách về tin học vừa dầy vừa to. 

Lã Bố thở một hơi dài: 

- Tôi đã từng triệu tập mấy cuộc họp, yêu cầu "hôm nào làm xong việc hôm nấy", nhưng không hiểu sao không tác dụng? 

- Không ai lấy tinh thần hội nghị làm kim chỉ nam. Trong rất nhiều trường hợp, tinh thần hội nghị như cái ổ trâu, biết rõ phía trước có ổ trâu mà vẫn sa vào, có đúng là đại ngốc không? Ai cũng biết nếu để mặt bàn ngăn nắp, anh sẽ cho rằng họ nhàn nhã, có đúng là mua việc không? 

Lã Bố lặng người. 

- Nghe kỹ nhé, chiêu thứ tư: mặt mũi nhăn nhó vờ tất bật. Nhiều người làm điệu bộ như vậy để cho ông chủ thấy họ tận tâm tận lực với công việc, và cũng để người xung quanh thấy anh ta phải chịu sức ép công việc thế nào. Lã Bố cười cay đắng, cấp dưới của Lã Bố ai cũng như vậy. 

- Còn chiêu thứ năm, nếu hết giờ làm việc mà anh chưa về, họ nhất định sẽ về muộn hơn anh, tạo cho anh ấn tượng họ "xả thân" vì công việc. Lã Bố lại cười cay đắng, rồi gật đầu. 

- Chiêu thứ sáu: dùng ngôn từ cao siêu. Thời nay đang sốt tin học, những người thông minh tất xem nhiều tạp chí vi tính, nhớ được nhiều từ kỹ thuật và tên các sản phẩm nổi tiếng. Mỗi khi bàn bạc, họ lại nói huyên thuyên đủ các từ ngữ phức tạp làm cho ông chủ tưởng họ giỏi giang lắm, nhất là trong thời buổi trọng tin học này, mà không biết đó chỉ là lòe bịp. 

4. Mặc cả rau chợ 

Lã Bố ngửa mặt thở dài: 

- Tôi thật bị bọn đánh trống múa rối nó lừa. Song vì sao mà chúng đối xử với tôi như vậy? 

Lưu Bị hấy háy đôi mắt tinh quái, hỏi lại: 

- Anh đã ra chợ mua rau bao giờ chua? 

Lã Bố nói: 

- Thời tôi thất nghiệp thì vẫn phải tự mình ra chợ mua rau, thuê thế nào được người. 

- Vậy thì…- Lưu Bị hỏi tiếp: 

- Xin hỏi hồi đó anh có thấy cảnh tượng này không: một anh mặc cả xuống; mặt khác, người bán vừa cân điêu, vừa trộn rau héo vào rau tươi không? 

Lã Bố giật mình: 

- Quả như vậy. Huyền Đức, cứ như thời đó anh thấy tận mắt. 

Lưu Bị cười, tiếp tục hỏi: 

- Vậy xin hỏi: hồi quản lý công ty, anh có thường dùng cách phạt lương nhân viên không? 

- Quả có đấy. 

- Cùng một lẽ như vậy… 

- Lưu Bị tổng kết: 

- Họ sẽ dùng trò vờ chăm chỉ để điêu bớt hai cân, trộn héo vào tươi cho anh! Anh không nên áp dụng việc mua rau vào quản lý nguồn lực con người, đó chính là nguyên nhân thất bại của anh. … 

Lã Bố im lặng hồi lâu, sau đó hỏi ngạc nhiên: 

- Huyền Đức, làm sao anh nắm được lý luận mua bán rau ở chợ vậy? 

Lưu Bị cười, đáp: 

- Người đời chỉ biết tôi xuất thân từ thằng bán giầy mà không biết tôi đã từng bán rau. Bởi thế, tôi quyết không dùng cách mua rau để quản lý nguồn lực con người. 

Lã Bố lại hỏi: 

- Giả như sống lại, tôi nên làm thế nào? 

Lưu Bị đáp: 

- Anh nên như tôi, dùng cách bán rau để quản lý nhân lực. Không chỉ là bán rau, mà là bán rau sạch. Cần cho nhân viên của anh tiếp tục có rau sạch, họ sẽ giúp anh trồng rau. Về mặt này, tôi hơn hẳn anh. Chỉ vì tuyển anh làm phó nên mới xảy ra sơ ý. 

Lã Bố bừng tỉnh: 

- Tôi hiểu rồi, sở trường của anh là dùng cà rốt. 

Ánh mắt cười tinh quái, Lưu Bị khẽ gật đầu đầy ý vị. 

Lã Bố than dài: 

- Tào Tháo nói không sai: Anh hùng thời nay chỉ có Tào Tháo và Huyền Đức thôi. Tào Tháo giỏi đầu tư vốn, Huyền Đức giỏi đầu tư văn hóa. So với hai người, Lã Bố này còn mặt mũi nào sống trên đời? 

LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ 

Một nhà kinh tế nổi tiếng từng phát biểu: Cái gọi là chế độ lương thưởng là đem "nguồn nhân lực ít nhất" để mua "hiệu quả kinh doanh cao nhất". Người làm công rất ghét quan điểm đó, bởi lao động của họ tựa hồ một loại hàng hoá được mặc cả ở chợ. Vậy nhà kinh tế đó sai chăng? Đương nhiên không phải. Ông ta chỉ xem nhẹ ba vấn đề dưới đây: 

Thứ nhất: Lao động là loại hàng hóa đặc biệt, ngoài chuyện giá cả còn phải tính đến lòng tự tôn của người lao động. 

Thứ hai: Người làm công không chỉ đòi hỏi lương từ ông chủ, mà còn cả niềm vui trong công việc. 

Thứ ba: Người làm công nào cũng hy vọng được cùng ông chủ hưởng thành quả kinh doanh của công ty. 

Nếu bạn cũng như nhà kinh tế kia xem nhẹ tâm tư của người lao động thì làm sao họ có thể yêu công việc? Lúc đó, quan hệ ông chủ - người làm thuê thành quan hệ mua bán, một bên thì mặc cả xuống, bên kia thì cân điêu, trộn xấu vào tốt, mâu thuẫn lợi ích phát sinh. 

Bởi thế, làm chế độ lương thưởng cũng cần chú ý tới nhu cầu tình cảm của người lao động, lấy "cùng chia hưởng quyền lợi nghĩa vụ" làm làm căn bản của quản lý, khi đó quan hệ ông chủ - người làm công sẽ thành quan hệ thân thiện, đôi bên cùng chung mục tiêu và lợi ích .

( Source : Tam @ Quốc - Thành Quân Ức )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét