Ads 468x60px

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Chương 18 - Trù Tính Việc Quân, Định Ra Chiến Lược

Tiêu Hà đuổi theo Hàn Tín
Nói đến "Long trung đối" của Gia Cát Lượng, dường như không ai không biết, không ai không hiểu. Nhưng nếu nhắc đến "Hán trung đối" của Hàn Tín thì người biết quả thật không nhiều. Thực ra xét về địa vị và ảnh hưởng thì ảnh hưởng "Hán trung đối" đến chiến lược giành thiên hạ của Lưu Bang không hề thua kém vai trò của "Long trung đối" trong quyết sách chiến lược của Lưu Bị.

Hàn Tín từng là Long trung dưới quyền Hạng Vũ, cảm thấy tài năng của mình không được trọng dụng nên đến cậy nhờ Lưu Bang. Lúc đầu, tài năng của Hàn Tín chưa được phát hiện, không những không nhận được sự trọng dụng của Lưu Bang mà suýt nữa còn bị chém đầu vì lỡ lời trong lúc say rượu.

Túc Hà, một mưu sĩ quan trọng của Lưu Bang phát hiện ra Hàn Tín là một tướng tài nên ra sức tiến cử trước mặt Lưu Bang. Lưu Bang lúc này mới đồng ý phong Hàn Tín làm Thượng tướng. Túc Hà rất coi trọng việc này, khuyên Lưu Bang nên tổ chức long trọng lễ phong tướng.

Thế là Lưu Bang trai giới ba ngày, chọn ngày tốt dẫn đầu các văn võ quần thần đến đàn bái tướng. Chỉ thấy cờ chiến trước đàn phất phới theo gió, binh lính xếp hàng chỉnh tề xung quanh. Dưới ánh nắng mặt trời, đàn bái tướng trông trang nghiêm bề thế. Lưu Bang bước lên đàn, Túc Hà tay nâng phù ấn và búa. Khi Hàn Tín đi lên từ mặt Bắc, đội trống nhạc liền tấu lên khúc quân nhạc vang động đất trời. Theo sự chủ trì của quan hành lễ đầu tiên là trao ấn, tiếp theo là phù và cuối cùng là búa. Tất cả đều do Lưu Bang đích thân trao cho Hàn Tín quỳ lạy nhận lấy từng vật. Lưu Bang nói rằng: "Mọi hành động quân sự đều do tướng quân xử lý, tướng quân hãy làm theo ý ta, đồng cam cộng khổ với quân lính, xây dựng đội quân nhân nghĩa, trừ bạo an dân, dựng nên vương nghiệp. Nếu có kẻ nào coi thường tướng quân, trái lệnh không phục thì tướng quân cứ làm theo quân pháp, tiền trảm hậu tấu”. Các tướng đi theo đều tỏ vẻ xúc động.

"Hán trung đối" ra đời trong lúc Lưu Bang đàm đạo với Hàn Tín sau khi Hàn Tín mới được phong là đại tướng. Trước đó, Hạng Vũ mượn danh nghĩa của Sở Hoài Vương, phân phong cho các chư hầu các lộ. Lưu Bang được phong là Hán Vương, Hạng Vũ được phong là Tây Sở Bá Vương.

Lưu Bang: Thừa tướng (chỉ Túc Hà) nhiều lần nói đến tài năng của tướng quân, tướng quân rốt cuộc có kế sách gì có thể dạy cho quả nhân?

Hàn Tín: Đại Vương với Hạng Vương là kẻ thù của nhau, tự liệu thực lực có thể so sánh với Hạng Vương không?

Lưu Bang: Không.

Hàn Tín: Quả thực như vậy. Chỉ có điều, tình hình sẽ thay đổi Hạng Vũ đúng là có thực lực nhưng chỉ là cái dũng của kẻ thất phu. Ông ta vừa không biết dùng tướng giỏi, vừa không có đủ mưu trí, có lúc là lòng nhân ái của người đàn bà có chồng. Huống hồ sự bảo thủ cố chấp đã làm cho ông ta phạm phải nhiều sai lầm, như bắt Nghĩa Đế đi đày, cắt đất phong Vương, chôn sống những người đầu hàng, thiêu chết ở Quan Trung v.v... Còn Đại Vương tuy thực lực không bằng ông ta nhưng có thể an định lòng người, trọng dụng các mưu thần dũng tướng trong thiên hạ thì có người nào không phục, kẻ địch nào mà không đánh bại, vùng đất nào mà không giành được?

Mục tiêu đầu tiên của Đại Vương là làm chủ vùng đất Tam Tần, sau đó có thể nghĩ đến việc giành thiên hạ. Dân ở Quan Đông vô cùng căm hận bọn người Chương Hàm, Đổng ế, tư Mã Hân, nhưng Hạng Vũ lại phong đất cho họ ở Quan Trung. Đại Vương và các phụ lão ở Quan Trung có "ước pháp tam chương" dân Tần không ai là không phấn khởi. Nay tiến vào Tam Tần dễ như lấy đồ ở trong túi vậy.

Lưu Bang: Quả nhân thật hối hận vì không sớm trọng dụng tướng quân! Nay được chỉ giáo như thấy trong lòng sáng ra. Từ nay về sau tất cả đều cậy nhờ tướng quân cả đó.

"Hán trung đối" tuy lời thoại không nhiều nhưng đã dự đoán phân tích chính xác tình hình bên địch, bên ta, chọn đúng mục tiêu chiến lược chính. Nó làm tăng thêm lòng tin chiến thắng đối thủ của Lưu Bang. Vạch ra chiến lược tổng thể ở tầm vĩ mô là vô cùng quan trọng. Nó tìm ra con đường cụ thể để Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ trong cuộc tranh hùng Hán Sở.

Cho dù là một quốc gia hay một doanh nghiệp nếu muốn có sự phát triển lâu dài thì nhất định phải tìm ra mục tiêu phát triển, từ đó vạch ra chiến lược tổng thể ở tầm vĩ mô. Không có chiến lược tổng thể này thì sự phát triển sẽ không có định hướng, sẽ xuất hiện những khó khăn và sự trùng lặp, cuối cùng dẫn đến những hoạt động phát triển ngắn hạn không có mục tiêu, vì thế mà mất đi thế chủ động trong cạnh tranh.

Chiến lược phát triển kinh tế của thế giới ngày nay có thể là chiến lược của một quốc gia thậm chí là nhiều quốc gia. Ví dụ, năm 1983 nước Mỹ đề ra kế hoạch phát triển chiến lược với mục tiêu là xây dựng hệ thống phòng thủ trên không, tức là kế hoạch "Chiến tranh các vì sao" nổi tiếng. Năm 1985, kế hoạch " Eurica" do Tổng thống Pháp Mit-tơ-răng đề xuất và được hoạch định bởi 17 nước Tây âu là một kế hoạch chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật quân sự, kinh tế đồ sộ.

Nhắc đến "Eurica", bất giác làm mọi người nhớ đến học giả nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại Archimede. Archimede trong lúc tìm cách trả lời câu hỏi vương miện của quốc vương có phải làm từ vàng thật hay không đã phát minh ra "Định lý Archimede" nổi tiếng. Sau khi tìm ra qui luật của nó trong lúc tắm, ông vui mừng thốt lên: "Eurica! Eurica!". nghĩa là "Có cách rồi! Có cách rồi!".

Kế hoạch chiến lược lấy tên là " Eurica" không giống với kế hoạch "Chiến tranh các vì sao" của Mỹ. Nó chú trọng đến sự phát triển của nền kinh tế quốc dân đồng thời chú ý đến quân sự điểm ngắm là sự phát triển chiến lược tổng thể khoa học kỹ thuật cao. Khoa học kỹ thuật cao là điểm cao khống chế sự cạnh tranh về sức mạnh của thế giới ngày nay. Bất luận là sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế hay là sức mạnh khoa học kỹ thuật nếu không nắm giữ được điểm cao khống chế này thì cho dù các lĩnh vực khác có phát triển đến thế nào đi nữa cũng không chiếm được thế chủ động trên vũ đài kinh tế, chính trị của thế giới trong tương lai.

Một quốc gia là như vậy, còn một doanh nghiệp muốn phát triển cũng cần tìm ra mục tiêu và định hướng phát triển chiến lược phù hợp với mình. Như thế doanh nghiệp mới có sức sống và có thể tiến lên.

Công ty tập đoàn Duba của Mỹ là công ty tư liệu thương mại lớn nhất trên thế giới hiện nay. Trong số 500 công ty dịch vụ lớn nhất của Mỹ, lợi nhuận vốn của công ty này đứng thứ hai, thứ ba. Nhiều vị tổng thống trong lịch sử của nước Mỹ cũng từng làm việc ở công ty này.

Công ty Duba phát triển nhờ vào việc kinh doanh tin tức. Công ty có 375 văn phòng đại diện ở hơn 30 nước trên thế giới, xây dựng mạng lưới tin tức ở hơn 200 quốc gia và khu vực có hơn 2 triệu khách thương mại. Trung tâm tin học của công ty lưu giữ dự án của 16 triệu doanh nghiệp, trở thành kho tư liệu lớn thứ hai thế giới chỉ đứng sau chính phủ Mỹ.

Dịch vụ báo cáo tư liệu của công ty Duba có thể giúp khách hàng giảm tối đa các rủi ro trong thương trường. Công ty nhập vào bộ nhớ máy tính các báo cáo tư liệu của tất cả các doanh nghiệp trên thế giới mỗi ngày thông qua mạng lưới vi tính chính xác, dày đặc để khách hàng có thể tìm thấy những tư liệu mới nhất, đúng nhất, từ đó đề ra những quyết sách hợp lý.

Công ty gồm ba bộ phận chính: bộ phận phục vụ tin tức thương mại, bộ phận xuất bản, bộ phận dịch vụ tiêu thụ thị trường. Mục tiêu kinh doanh của công ty là: trở thành tập đoàn doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới cung cấp dịch vụ và tin tức cho giới thương mại. Vì thế, trong thập kỷ 80, công ty đã bỏ ra 20 triệu đô la để xây dựng mạng lưới tín hiệu vô tuyến, nối mạng với khách hàng ở 155 thành phố trên thế giới. Sau đó, công ty lại dùng 40 triệu đô la để xây dựng trung tâm máy tính ở Anh, chuyên phục vụ các khách hàng ở châu âu.

Hiện nay, mức doanh thu hàng năm của công ty lên đến con số hàng tỉ đô la, có hơn 6 vạn nhân viên làm việc và quả thực đã trở thành tập đoàn tin tức hàng đầu thế giới.

( Source : Mưu Trí Thời Tần - Hán  - Các tác giả : Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm, Chu Chính Thư )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét