Lấy tĩnh chế động |
Khi Lý Tả Xa bị dẫn lên, Hàn Tín bước xuống nghênh đón, đích thân cởi trói cho ông ta, mời Lý Tả Xa ngồi ở phía đông, mình ngồi ở phía tây giống như học trò tiếp đón thầy giáo bị oan khuất. Hàn Tín thành tâm thành ý thỉnh giáo Lý Tả Xa: "Tôi muốn đưa quân xuống phía nam phạt Yên Vương Tàng Trà, rồi tiến quân theo hướng Bắc đi đánh Tề Vương Điền Quảng. Ông xem phải dùng biện pháp gì mới có thể lưỡng toàn?".
"Đại phu vong quốc, nhìn người không dựa vào bề ngoài, xin tướng quân hãy thỉnh giáo vị cao minh khác, Tả Xa sao dám tùy tiện tham gia?" Lý Tả Xa là một đại phu có khí phách, nên Hàn Tín đã đoán được từ trước là ông ta sẽ nói những lời như vậy.
"Thời Xuân Thu, Bách Lý Hề ở nước Ngu không ngờ nước Ngu diệt vong, sau này ông ta đến nước Tần, trở thành nhân vật trụ cột, phò tá Tần Thủy Hoàng dựng lên bá nghiệp. Đây không phải là ông ta không có bản lĩnh, mà là có dùng ông ta hay không, có nghe ông ta hay không. Nếu nghe lời ông ta, nước Ngu cũng sẽ không bị diệt vong. Hôm nay ta thành tâm thành ý thỉnh giáo ông, ông đừng nên từ chối". Hàn Tín giảng giải khuyên bảo Lý Tả Xa.
Lý Tả Xa thấy tấm lòng thành ý của Hàn Tín nên mới nói ra suy nghĩ của mình: "Tướng quân chỉ cần nửa ngày đã có thể phá Triệu, bắt được hơn 20 vạn quân, uy chấn thiên hạ, trăm họ đều ngưỡng vong tướng quân. Nhưng sau cuộc đại chiến, quân lính đã mệt mỏi cần nghỉ ngơi, không thể dùng tiếp. Tướng quân nếu muốn đem quân đi đánh Yên, giả như không thể đánh nhanh thắng nhanh mà kéo dài thời gian thì điểm mạnh của tướng quân sẽ trở thành điểm yếu”.
Thấy Hàn Tín không ngừng gật đầu khen hay, Lý Tả Xa đưa ra một kế: "Tôi thấy tướng quân chi bằng treo cung cất giáo, vỗ về dân chúng ở đất Triệu, dùng rượu thịt khao tướng sĩ để khôi phục lực lượng. Đồng thời, sai một sứ giả thông thạo đường đi đem thư của tướng quân đến đất Yên, đánh vào tâm lý của Yên Vương. Chỉ cần Yên Vương hiểu ra sự lợi hại này thì sẽ không thể không tuân theo. Đợi giải quyết xong nước Yên sẽ tập trung lại lực lượng đánh Tề. Đến lúc đó, Tề Vương đã đơn độc sức yếu, tuy có mưu sĩ bên cạnh nhưng cũng không thể cứu ông ta. Đây là biện pháp "hư trước thực sau, lấy tĩnh chế động”.
Hàn Tín nghe xong vỗ tay khen hay. Ông ta một mặt giữ Lý Tả Xa ở lại trong trại và trọng thưởng hậu đãi Lý Tả Xa, mặt khác sai thuyết khách đem thư đến nước Yên. Quả nhiên, Yên Vương Tàng Đồ đã như chim sợ cành cong kể từ sau khi Hàn Tín đánh bại tướng Triệu là Trần Dư, nay lại bị thuyết khách đánh vào tâm lý, lập tức tỏ ý sẵn sàng đầu hàng. Triệu, Yên đều an định xong, Hàn Tín đã có thể loại bỏ sự lo lắng trong lòng để toàn tâm toàn ý đối phó với Tề Vương Điền Quảng.
Lý Tả Xa lấy tĩnh chế động, chọn cách không đánh, dựa vào uy lực của Hàn Tín sau thắng lợi ở Triệu làm cho quân Hán không mất một người mà vẫn thu phục được Yên Vương. Đây là một mưu lược ở trình độ cao được xây dựng trên cơ sở có căn cứ chắc chắn, là sự tái thể hiện tư tưởng "không đánh vẫn khuất phục được kẻ địch" của "Binh pháp Tôn Tử". Trong thương trường hiện nay cũng rất cần đến sách lược bình tĩnh phân tích đối phương, lấy tĩnh chế động, không đánh là thượng sách này.
Công ty B của Nhật Bản trong cuộc đàm phán thương mại với công ty S của Mỹ đã vận dụng rất thành công kế sách này.
Lúc mới bắt đầu, phía Mỹ thao thao bất tuyệt giới thiệu không ngừng với đối phương về tình hình của công ty mình. Họ chỉ sợ đối phương không hiểu tính ưu việt của sản phẩm nên giảng đi giảng lại tính tiên tiến của sản phẩm, những điểm lợi khi mua sản phẩm này. Đại biểu phía Nhật chăm chú lắng nghe từ đầu đến cuối, không phát biểu một lời, miệt mài ghi chép.
Phía Mỹ, sau khi giới thiệu xong liền trưng cầu ý kiến của đối phương, nhưng thật không ngờ, họ chỉ nhận được từ phía Nhật một câu trả lời với ánh mắt hoang mang: "Chúng tôi không hiểu”.
"Chỗ nào không hiểu?”
"Tất cả đều không hiểu. Để chúng tôi về nghiên cứu lại".
Mấy tuần sau, phía Nhật lại phái đến một đoàn đại biểu. Họ dường như không hề biết gì về tình hình đàm phán lần trước. Đại biểu phía Mỹ đành phải nhẫn nại giới thiệu lại một lần nữa. Nói đến khô cả cổ nhưng họ nhận được cái gì? Đại biểu phía Nhật vẫn diễn lại trò cũ, tất cả đều "không hiểu và kết quả cuộc đàm phán kết thúc bằng câu "về nghiên cứu lại".
Mấy tuần nữa trôi qua, phía Nhật lại làm như những lần trước. Chỉ có điều khác là lúc kết thúc đàm phán, họ nói một câu: "Một khi nghiên cứu có kết quả, chúng tôi sẽ báo ngay với các ngài". Đại biểu phía Mỹ thở không ra hơi, kiềm chế cơn giận vì không biết làm thế nào.
Nửa năm nữa trôi qua, phía Nhật vẫn không có tin tức gì. Phía Mỹ cảm thất rất kỳ lạ, nói rằng đối phương không có thành ý. Đúng vào lúc phía Mỹ đang bừng bừng lửa giận, nôn nóng không yên, thì đoàn đại biểu quyết sách của phía Nhật đột nhiên đến. Trước tình huống phía Mỹ không hề có sự chuẩn bị, phía Nhật đưa ra phương án cuối cùng, ép phía Mỹ thảo luận toàn bộ chi tiết bằng tốc độ tiến công chớp nhoáng. Đại biểu phía Mỹ trở tay không kịp nhưng phía Nhật lại có sự chuẩn bị đầy đủ, trong lòng đã có sự tính toán kỹ càng. Kết quả, hai bên đạt được thỏa thuận rõ ràng là có lợi cho phía Nhật.
Đến lúc này, công ty của Mỹ mới như tỉnh cơn mê hiểu rõ được điểm cao minh của phía Nhật khi không ngừng nói "không hiểu”. Sau sự việc một đại biểu phía Mỹ đã nói một cách cảm khái rằng "Lần đàm phán này là một thắng lợi to lớn khác của người Nhật kể từ sau thắng lợi giành được trong trận tập kích Trân Châu Cảng".
Có người nói: "Đại biểu phía Nhật đóng giả lợn để ăn thịt hổ, thông minh giả ngu." Nói như vậy đương nhiên cũng đúng. Nhưng suy xét tỉ mỉ thì đây không phải là vở kịch giả câm giả điếc thông thường, bởi vì đằng sau nó là được quyết định bởi việc dùng thời gian đổi lấy không gian của đối phương và làm cho đối phương mất lý trí từ trên phương diện tâm lý, dùng cái tĩnh của mình để kiềm chế cái động của đối phương. Để sử dụng được sách lược này và đạt được thành công cần phải có mánh khóe lão luyện và tố chất tâm lý tương đối cao.
( Source : Mưu Trí Thời Tần - Hán - Các tác giả : Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm, Chu Chính Thư )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét