Ads 468x60px

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Chương 35 - Hai bàn tay trắng, tung ra của hiếm

Vương Quân Khoách vốn là một tướng cướp, sau khi đầu hàng triều Đường, nhờ vào võ nghệ cao siêu và sự dũng mãnh trong chiến đấu, do đó lập nên không ít chiến công. Đương nhiên ông ta muốn trở thành một nhân vật có tiếng tăm, có địa vị cao trong triều, điều cần thiết là phải có nền tảng chính trị cơ bản, nhưng chiến công của Quân Khoách chỉ có thể ngồi vào vị trí của một viên quan nhỏ, chức vị "hữu lãnh quân". 

Vương Quân Khoách chưa mãn nguyện với địa vị hiện có của mình, hy vọng trên diễn đàn chính trị có thể tìm thấy một “vật lạ”, để thực hiện được mong ước của mình. Nhưng cái "vật lạ”, đó tìm đâu ra?

Thời cơ đã đến, Đường Cao Tổ có một người cháu tên là Lý Hoãn, bất tài vô dụng, không những kém cỏi về võ công, mà còn gây cho dòng họ nhà Đường nhiều chuyện nực cười, nhưng Cao Tổ muốn giữ lại họ hàng thân thích nên không nhẫn tâm loại bỏ, mà chỉ thay đổi chức vị của y. Lần này Cao Tổ điều Lý Hoãn làm đô đốc U Châu (tên một châu thời cổ ở miền Bắc tỉnh Hà Bắc và miền Nam tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc). Vì lo tài năng của Lý Hoãn không đảm đương được vị trí đô đốc, nên lệnh cho hữu tướng quân Vương Quân Khoách giúp đỡ. Về phần Lý Hoãn thấy võ công của Vương Quân Khoách quả là hơn người, hắn lại lắm mưu nhiều kế, nên coi như người tâm phúc, hứa gả con gái và kết thành người thân, hễ có việc gì đều tìm đến để bàn bạc. Vương Quân Khoách vốn có mưu tính từ lâu ông nghĩ rằng "hàng lạ" nay đã tìm được rồi, con người Lý Hoãn ngu si đần độn mà lại nắm giữ binh quyền, không cần tốn công, trong đầu óc hắn đã nghĩ ra đó chẳng phải là vật lạ khó kiếm trên trường chính trị đó sao? Bởi vậy ông ta bắt đầu để tâm khai thác "vật lạ" đó.

Lý Thế Dân phát động "chính biến ở cửa Huyền Vũ” giết chết thái tử Lý Kiến Thành, Tề Vương Lý Nguyên Cát, rồi tự mình ngồi lên ghế thái tử. Đối với sự việc này các hoàng thân quốc thích không dám bàn ra tán vào, nhưng trong lòng họ đều có cách nhìn riêng. Sau khi Lý Thế Dân ngồi lên ghế thái tử, đối với Lý Kiến Thành, Tề Vương Lý Nguyên Cát, y thi hành chính sách: "Nhổ cỏ nhổ tận gốc", mọi người đều nhận thấy quả là tàn nhẫn, đương nhiên trong lòng Lý Thế Dân đã suy tính kỹ càng mọi chuyện. Vương Quân Khoách vì lao vào con đường chính trị nên đã quá hiểu rõ tình hình đó, vì vậy khi Lý Hoãn đến hỏi ông “Lúc này có cần vào kinh không?" ông bèn lợi dụng cơ hội đó mà hiến kế: "Sự tình phát triển như thế nên chúng ta cũng khó lường trước được tình huống. Nay đại vương muốn tận tình vì nước, phụng mệnh đi trấn ải, dẫn 10 vạn quân, chẳng nhẽ triều đình cử một sứ thần nhỏ mà anh chỉ có thể bám sau đuôi ngoan ngoãn vào thành ư? Phải biết rằng Thái tử cũ, Tề Vương là con bà cả, vậy mà phải hứng chịu thám họa này. Nếu đại vương tùy tiện vào kinh, có thể đảm bảo sự an toàn cho bản thân không?". Hắn nói mà bộ dạng muốn khóc.

Lý Hoãn nghe xong, trong thâm tâm vô cùng cảm động, vội nói ra: "Mục đích của anh là vì nghĩ đến tính mạng ta, ý đồ của ta quyết không thay đổi". Trong lúc hồ đồ Lý Hoãn đã sai trói sứ thần của triều đình, bắt đầu phát binh chinh phạt và mời thứ sử Bắc Yên Châu Vương Tẩy làm tham mưu quân sự.

Tham quân quân tào Vương Lợi Thiệp vội nói với Lý Hoãn: “Đại vương không nghe lệnh của triều đình tự ý xuất quân, rõ ràng là muốn tạo phản. Nếu như các thứ sử trực thuộc không nghe lệnh của Đại vương, cũng tùy tiện khởi quân như vậy Đại vương thành công thế nào được ?".

Lý Hoãn nghe xong, cảm thấy cũng đúng, nhưng không biết tính sao? Vương Lợi Thiệp nhân đà đó hiến kế: "Hào kiệt ở Sơn Đông, đa số là bộ hạ của Đậu Kiến Đức, nay đã từ quan làm dân thường. Nếu Đại vương phát chiếu lệnh, nhận lời phục chức cho mọi người, tất nhiên họ không có lý nào mà không xả thân vì Đại vương. Ngoài ra cử Vương Tiển liên kết với tộc Đột Quyết, từ Thái Nguyên tiến sát phía nam, Đại vương dẫn theo binh mã cùng lúc xông vào cửa ải hai đầu hợp lại, thế là chỉ trong vòng mười ngày hoặc nửa tháng, Trung Nguyên sẽ là lãnh địa của Đại vương”.

Lý Hoãn đắc chí phá ra cười, cùng lúc kịp báo cho người tâm phúc là Vương Quân Khoách biết, Vương Quân Khoách hiểu rõ, hổ đã rơi vào tròng, triều Đường tuy không bị diệt vong, nhưng sẽ vấp phải phiền phức lớn, tự mình vướng phải kế "trộm gà không xong còn tấn gạo", hắn vội nói với Lý Hoãn: "Lời nói của Lợi Thiệp thật quá mê muội. Đại vương thử nghĩ xem, trói sứ giả của triều đình, tránh sao khỏi cảnh triều đình xuất quân để trừng phạt? Đại vương đâu có thời gian đi đến phía bắc liên kết với tộc Đột Quyết và các hào kiệt đây? Nay tiện có kế này, hà tất đại quân triều đình chưa đến, phải lập tức khởi binh tiêu diệt, tất nắm chắc phần thắng về mình".

Lý Hoãn nghe xong, cảm thấy có lý bèn nói: "Mệnh sống của tôi đã ký thác cho anh, việc khởi binh trong ngoài đều do anh lo liệu”. Vương Quân Khoách không kịp cầm ấn tín, lập tức hành động ngay. Vương Lợi Thiệp nhận được tin, vội vàng khuyên Lý Hoãn thu quân. Lúc đó, Vương Quân Khoách đã điều động binh mã, giết chết tham mưu Vương Tiền. Lý Hoãn đang thất kinh bát đảo, thì nhận được hàng loạt cấp báo hành động của Vương Quân Khoách: sứ thần của triều đình đã được Vương Quân Khoách thả ra, Vương Quân Khoách tuyên bố, Lý Hoãn muốn tạo phản; Vương Quân Khoách dẫn đại quân đến bắt Lý Hoãn ... Lý Hoãn ngất lịm mấy lần, quay sang cầu cứu Vương Lợi Thiệp, nào ngờ Vương Lợi Thiệp thấy tình thế thay đổi nên cụp đuôi trốn chạy.

Lý Hoãn cùng đường, đem một số quân lính đến gặp Vương Quân Khoách, mong rằng Vương Quân Khoách động lòng thương. Ai ngờ Vương Quân Khoách vừa gặp là bắt ngay Lý Hoãn dâng lên triều đình.

Chiếu chỉ ban xuống, phạt Lý Hoãn làm dân thường, Vương Quân Khoách ngồi vào chỗ của Lý Hoãn, đô đốc U Châu. Lúc đó Vương Quân Khoách mới thỏa mãn ước nguyện của mình. Vương Quân Khoách tính kế: lấy sinh mạng con người làm “quà lạ” quả là gian manh xảo trá, với góc độ mưu mô mà tính vô hình trung đã vồ một món "quà lạ" trời cho, không mất một tí công lao nào. Trong buôn bán, ai cũng muốn mình có "hàng lạ”, ai cũng muốn biến hàng bình thường, hàng tồn đọng của mình thành "hàng lạ”, hởi vậy trong mưu kế tạo hàng lạ, tấm gương của Vương Quân Khoách lan truyền rộng rãi.

Trong nghề du lịch, để phát triển ngành "công nghiệp không khói”, tăng thêm lợi ích, người Nhật cũng đã dùng kế tạo ra “hàng lạ”.

Thị trấn Y Na là một mảnh đất hoang vắng, các cán bộ ở vùng đất ấy cũng hy vọng muốn biến nó thành "hàng lạ", biến thành nơi vui chơi của khách du lịch. Làm cách nào họ cử một đội quân, tỏa đi tìm hiểu phong tục tập quán của dân. Trải qua mấy tháng trăn trở, khó khăn lắm mới tìm ra một câu chuyện dân gian, cổ đại, lịch sử thần kỳ của một vị Kham Thái Lang hiệp khách thời cổ đại. Mặc dù đó là những thần thoại trống rỗng, nhưng ban chủ quản cũng không cần để ý, chỉ cần dựa vào đó mà thổi phồng.

Không bao lâu, tại nhà ga của thị trấn Y Na đã dựng một tượng đồng của Thái Lang. Trong hiệu sách, tự nhiên thấy xuất hiện hàng loạt tranh, sách nói về Thái Lang "giúp yếu chống mạnh". Trong các quán bán hàng cho khách đều có bán các điêu khắc về Thái Lang, thắt lưng, binh khí của Thái Lang... tất cả đều không thiếu thứ gì, thậm chí trong dân gian bắt đầu truyền tụng các bài hát về Thái Lang... Bỗng chốc Thái Lang trở thành một vị anh hùng. Từ đó, mảnh đất sinh ra Thái Lang đã trở thành mảnh đất anh hùng, nơi thắng cảnh nổi tiếng mê hồn.

Vô tình gạch đá cũng thành vàng, nơi đơn sơ này lại trở thành nguồn tài nguyên du lịch vô tận của Nhật Bản, trở thành món "hàng lạ" đáng giá của dân địa phương và cán bộ vùng này.

( Source : Mưu trí thời Tùy - Đường -Tác giả : Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm, Chu Chính Thư )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét