Ads 468x60px

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Chương 37 - Sẵn sàng trả giá giữ lại núi xanh

Võ Tắc Thiên 14 đã vô cùng xinh đẹp, được Đường Thái Tông triệu vào cung, không lâu sau phong làm tài nhân (quan nữ trong cung), tính tình nhu mì mềm dẻo nên Đường Thái Tông gọi là "Mị nương” . Hồi đó đại thần đoán quẻ trong cung đã cảnh báo cho Đường Thái Tông biết là triều đình nhà Đường sẽ gặp phải "họa nữ nhi", một người phụ nữ nào đó sẽ thay thế họ Lý làm hoàng đế nhà Đường. Phần lớn các dấu vết đều chứng tỏ người phụ nữ này mang họ Võ mà còn vào trong cung rồi. Đường Thái Tông vì lo cho con cháu đời sau nên sắp đặt những người họ Võ vào vị trí không đáng tin cậy, nhưng đối với Võ Mị nương do quá yêu chiều nên không nỡ sắp đặt.

Đường Thái Tông bị các phương sĩ bịt mắt, uống rất nhiều kinh đơn, mới đầu rất khỏe mạnh nhưng không lâu sau thân thể khô quắt trông như khúc gỗ già. Lúc ấy Võ Tắc Thiên đang tràn trề sung mãn, một khi Đường Thái Tông mất đi bà ta sẽ chết già trong thâm cung cho nên luôn tìm cơ hội dựa dẫm vào cây mới. Thái tử Lý Trị thấy Võ Tắc Thiên dung mạo phi phàm, đem lòng đắm đuối. Hai người quấn quýt bên nhau không rời, chỉ đợi Đường Thái Tông lỏng tay là lại xoắn xuýt.

Không ngờ Đường Thái Tông nhạy bén hơn người, khi biết mình sắp chết, ông nghĩ tới việc bảo vệ vị trí hoàng đế cho con cháu, liền bảo Võ Tắc Thiên cùng đi tới La Vương. Trước khi lâm chung, ông hỏi Võ Mị nương trước mặt thái tử Lý Trị:

- Bệnh tình của trẫm lúc này không thể chữa khỏi được nữa, ngày càng nặng thêm, mắt mở cũng khó. Ngươi ở bên trẫm cũng đã lâu rồi nên trẫm không muốn bỏ ngươi mà đi. Ngươi hãy nghĩ đi, sau khi trẫm chết ngươi làm thế nào?

Võ Mị nương rất thông minh, bà ta biết mình đang ở vào tình thế nguy hiểm. Làm cách gì đây? Võ Mị nương hiểu rằng lúc này giữ được tính mạng thì sợ gì không có ngày xuất đầu lộ diện. Tuy nhiên giữ được mạng cũng chẳng dễ dàng gì, phải rũ bỏ mọi thứ thì mới có tia hy vọng. Thế là bà ta vội vàng quỳ xuống tâu:

- Thiếp được Thánh thượng quan tâm, đáng lẽ phải lấy cái chết để đền đáp. Nhưng bệnh tình của Thánh thượng vẫn kéo dài cho nên thiếp mới không dám chết. Thiếp chỉ mong được cắt tóc vào chùa lễ Phật, đến am ni cô để ngày ngày xin Phật tổ phù hộ độ trì kéo dài tuổi thọ cho Thánh thượng, đó cũng chính là cách đền ơn tốt nhất.

Đường Thái Tông nghe xong khen là tốt rồi lệnh cho bà ta xuất cung, "để trẫm không phải lo lắng cho ngươi". Hóa ra Đường Thái Tông muốn xử chết Mị nương nhưng trong lòng không đành, giờ Võ Mị nương lại dám giũ bỏ tất cả, rời xa hồng trần đi làm ni cô, vậy thì đối với ngôi vị hoàng đế mà nói Võ Mị nương còn sống cũng như là chết rồi, không gây được họa cho triều Đường nữa.

Võ Mị nương bái tạ rồi quay ra, thái tử Lý Trị ở bên cạnh như sét đánh ngang tai, đứng im. Đường Thái Tông lẩm bẩm:

- Thiên hạ không có ni cô làm hoàng đế, ta chết cũng yên lòng.

Lý Trị nghe thấy thế rất ngạc nhiên nhưng cũng không hỏi. ông ta đi đến phòng Mị nương, thấy bà ta đang kiểm tra lại đồ đạc liền hỏi:

- Nàng không quan tâm gì đến ta sao?

Mị nương đáp:

- Giữ được mạng là tốt lắm rồi, thiếp đành phải đi.

Chưa nói dứt lời, nước mắt đã tuôn như mưa nói không thành tiếng. Thái tử nói:

- Việc gì nàng phải cam chịu làm ni cô chứ?

Võ Mị nương trấn tĩnh một lát rồi nói kế hoạch của mình cho Lý Trị nghe:

- Nếu thiếp không chủ động nói là đi làm ni cô thì chỉ có con đường chết mà thôi. Giữ được núi xanh, sợ gì không có củi đốt. Chỉ cần sau khi lên ngôi, điện hạ không quên tình cũ, không đắm chìm trong bọn phi tần cung nữ thì mình sẽ có ngày gặp lại...

Thái tử Lý Trị khâm phục tính thông minh của Võ Mị nương, liền cởi chiếc ngọc tỉ Cửu Long tặng cho Mị nương làm tín vật rồi thề thốt:

- Có trời đất chứng giám, ta không bao giờ phụ nàng...

Thái tử lên ngôi không lâu, Võ Mị nương quả nhiên được quay về cung và về sau trở thành một nữ hoàng đế danh tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Trong câu chuyện này, ta thấy Võ Mị nương rất giỏi ứng phó, nguy cơ trước mắt có thể nhanh chóng hóa giải được, đồng thời rất quyết đoán vứt bỏ lợi ích không cần thiết mà chỉ giữ lại lợi ích chủ yếu, đó là tính mạng. Chỉ cần núi xanh còn thì củi vẫn còn. Trong buôn bán cũng vậy, có lúc thất bại hết sạch vốn liếng, nhưng chỉ cần danh dự lan xa, việc gì phải buồn? Chỉ cần con người giỏi giang thông minh, thì lo gì xí nghiệp không thịnh vượng phát đạt.

Năm 1923, công ty Ford của Mỹ có một cỗ máy phát điện loại lớn không thể chạy theo cách bình thường được, mấy kỹ sư kỹ thuật trong công ty suy nghĩ nhiều cách để máy hoạt động nhưng không hiệu quả, rất ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất. Ford trong lòng rất lo lắng, đành phải đến một xưởng sản xuất nhỏ để mời một chuyên gia quốc tịch Đức rất giỏi về máy điện, tuy nhiên anh ta rất kiêu ngạo.

Người này tên là Stermasi, sau khi đến công ty Ford, anh ta chỉ cần một cái thang và một viên phấn, sau đó trèo lên trèo xuống, gõ gõ vào máy để nghe. Không lâu sau, anh ta kẻ hai đường song song vào bên trái cỗ máy và nói với Ford:

- Bệnh của nó ở chỗ này, nhiều hơn 6 cuộn dây, chỉ cần gỡ những cuộn thừa ra là được.

Nhân viên kỹ thuật nửa tin nửa ngờ, nhưng cứ làm theo lời anh ta xem sao. Quả nhiên máy chạy rất tốt. Mọi người tỏ lòng cám ơn Stermasi, anh ta kiêu ngạo nói không phải cảm ơn chỉ cần trả 10.000 đô la tiền công thôi, anh ta nói với những người đang há hốc mồm vì kinh ngạc.

- Kẻ một đường bằng phấn không đáng 1 đô la nhưng biết được nên kẻ ở chỗ nào thì giá 9.999 đô la.

Ford hiểu rõ, Stermasi kiêu ngạo đã khiến ông mất mặt, nhưng anh ta lại là một nhân tài thực sự, sẽ là cái gốc để xí nghiệp đi đến sự phát đạt, nên ông không những vui vẻ trả cho anh ta 10.000 đô la mà còn có nhã ý mời anh ta làm việc cho công ty với tiền lương cao.

Nào ngờ anh chàng đó chẳng mảy may động lòng. Anh ta nói, công ty hiện giờ của anh đã từng cứu anh trong lúc khốn khó nhất, anh không thể thấy lợi mà quên đi ân tình của công ty.

Ford nghe xong, thấy Stermasi rất giữ chữ tín, trọng tình nghĩa, người tài như vậy càng cần thiết cho xí nghiệp nên ông không một chút do dự bỏ ra một khoản tiền mua lại toàn bộ công ty mà Stermasi đang làm. Hành động này của ông đã chứng tỏ tính quý và rất tôn trọng nhân tài, công ty Ford vì thế mà tập trung rất nhiều người giỏi, càng trở nên hưng thịnh, phát đạt hơn. Với địa vị và tài sản nhiều như Ford mà phải bị mất mặt và chịu nhịn tính khí châm chọc cạnh khóe của Stermasi vì ông hiểu rất rõ người làm đại sự cần phải lấy người làm gốc. Stermasi chính là "quả núi" vô giá kiếm nhiều tiền cho ông. Ông và Võ Tắc Thiên có cùng một trí tuệ, cho nên ông không tiếc cái gì để giữ cho được "quả núi" Stermasi.

( Source : Mưu trí thời Tùy - Đường -Tác giả : Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm, Chu Chính Thư )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét