Lưu Bang không nghe lời khuyên của Lưu Kính, ngược lại sau khi đem giam Lưu Kính vào ngục, trên đường hành quân rất thuận lợi, không gặp trở ngại nào, một mạch tới thẳng Bình Thành. Vừa tới Bình Thành, bỗng nghe tiếng thanh la nổi lên, lập tức bốn phía bụi bay mù, đội quân Hung Nô cưỡi ngựa chen chúc xông tới, gió và khói quấn vào bụi đất, khắp nơi một màu đen kịt, nhìn xa xa chỉ thấy quân Hung Nô đông như kiến cỏ. Chưa đầy một lát sau Mạo Đốn Thiền Vu của Hung Nô đã dẫn một đạo quân lớn khác đến.
Quân Hán hành quân đường dài, mệt mỏi đói khát, trước thế tấn công mạnh mẽ của quân Nô, không chống cự được, bị đánh lui Lưu Bang nhìn tình cánh đó, vội hạ lệnh cho đội quân rút về ngọn núi lớn ở phía đông bắc, lại cho quân chặn ở cửa núi, xây thành lũy bằng đá, ra sức chặn địch. Mạo Đốn thấy vậy, hạ lệnh ngừng tiến công. Thì ra ngọn núi này tên là Bạch Đăng Sơn, Mạo Đốn đã cho quân mai phục trong núi từ lâu chỉ chờ quân Hán đến, còn Lưu Bang trước thế tiến công của quân Hung Nô, từ từ chui vào cái túi Bạch Đăng Sơn. Bốn phía có hơn 40 vạn binh mã Hung Nô, quân Hán không thể nhúc nhích được.
Lưu Bang từ trong núi nhìn ra xa, khắp nơi dưới chân núi đều là quân Hung Nô, bốn phương tám hướng là chiến mã Hung Nô xếp thành từng đàn. Bị vây khốn trong núi năm ngày, trời lạnh như cắt, lương thực cạn kiệt, trong số các trí mưu cao cấp của tùy quân chỉ có Trần Bình là xuất sắc nhất. Thế nhưng suốt mấy ngày liền, Trấn Bình chỉ biết khuyên Lưu Bang đừng quá lo lắng, từ từ nghĩ cách. Lúc này Lưu Bang mới hối hận đã không nghe lời Lưu Kính, trong ngọn núi này gặp phải tội lớn như vậy.
Chớp mắt đã sang đến ngày thứ sáu, Trần Bình mật báo Lưu Bang, nói là đã tìm ra một mưu kế. Lưu Bang nghe xong vội hạ lệnh cho thi hành. Trần Bình cử một sứ thần dũng cảm, hành sự cẩn trọng đem theo châu ngọc, vàng bạc và một bức tranh, lợi dụng lúc sương mù xuống núi. Dọc đường dùng tiền bạc lót đường, bình yên mò tới được đại bản doanh cư trú của Mạo Đốn Thiền Vu.
Mạo Đốn mới có một át Thị (hoàng hậu) vô cùng sủng ái, thường cho theo bên mình, cùng với Mạo Đốn chỉ huy quân lính. Hôm đó Trần Bình ở trên núi nhìn thấy vậy, bèn nghĩ dùng người thiếp yêu của Mạo Đốn để tìm ra điểm yếu của Hung Nô.
Quả nhiên, quyền lực của át Thị quả là không nhỏ. Mọi hành động của nàng đều tự do, không ai dám can thiệp. Sứ thần nhà Hán lúc này đã mua được thẻ ra vào cửa, đến tận nội trướng. Lúc này, Mạo Đốn đã uống rượu say đang ngủ say, át Thị nhẹ nhàng đến trước, cho tả hữu lui, một mình triệu kiến sứ thần. Sứ thần nhà Hán dâng vàng bạc, châu ngọc nói là của triều Hán tặng, còn nói thêm đem bức tranh giao cho Thiền Vu.
Từ linh tính của người phụ nữ, át Thị ngắm bức tranh mỹ nữ, bất giác sinh nghi: "Bức mỹ nữ này có tác dụng gì?" Sứ thần nói: "Hoàng đế nhà Hán rất muốn đình chiến hòa hoãn, cho nên dâng tặng nương nương châu báu, vàng bạc, nếu như Thiền Vu không đồng ý, mong nương nương giúp đỡ, còn đem mỹ nữ đẹp nhất trong nước dâng cho Thiền Vu. Bây giờ hoàng đế đã cho người đi đón mỹ nữ này, nhưng trước hết dâng tranh lên, mong nương nương chuyển dùm".
Át Thị đương nhiên không muốn bị mất đi sự sủng ái của Thiền Vu, vội nói: "Bức họa này không cần giữ, hãy mang về đi”. Sứ thần biết Át Thị đã trúng kế bèn đổ thêm dầu vào lửa: "Việc này cũng không còn cách khác, chỉ cần nương nương nghĩ cách giải cứu, thì mỹ nữ đương nhiên không cần dâng lên nữa. Hoàng đế cũng rất tiếc khi phải dâng mỹ nữ này, nhưng hiện tại thì không biết cách làm nào khác mà thôi". Át Thị lập tức bảo đảm: "Ta biết rồi, nói lại là hoàng đế nhà Hán cứ yên tâm”.
Sứ thần nhà Hán đi về không lâu sau thì Thiền Vu tỉnh dậy. Át Thị bèn nhân cơ hội thuyết phục' "Hiện nay trong quân đã có tin báo là triều đình nhà Hán đang cử một đội quân lớn mạnh đến để cứu hoàng đế, ngày mai quân chi viện sẽ tới, quân Hán bị vây ở đây đã sáu, bảy ngày rồi mà không bị làm sao, có thể thấy là được thần linh giúp rồi. Thiền Vu tại sao lại làm trái ý trời. Nếu có chiếm được đất Hán, chỉ e là chẳng giữ được lâu hai ta cũng chẳng được hưởng phúc". Cách mà nữ nhân thường dùng quả là hiệu nghiệm. Mạo Đốn Thiền Vu cuối cùng chịu rút binh. Thế là lưới vây vừa hé, Lưu Bang dẫn Hán binh rốt cục cũng xuống được núi, hóa nguy thành an.
Tục ngữ nói: “Có tiền thì quỷ cũng đến xin làm đầy tớ", lợi dụng tiền nhiều, đánh vào chỗ yếu của thành lũy đối phương để giúp mình vượt qua cửa ải khó khăn hoặc là thu được lợi. Cái loại trí mưu này trong cổ kim, các lĩnh vực chính trị, kinh tế quân sự... đều không thiếu. Trần Bình dùng tiền để mua mưu cơ của Át Thị, khiến cho Lưu Bang thoát khỏi vòng vây ở Bạch Đăng Sơn. Trên thương trường ngày nay, cách sử dụng biện pháp khi đánh khi lui, phân hóa, chia rẽ còn kinh khủng hơn nhiều.
San Fracisco ở Mỹ có một ngân hàng của Ý, chuyên môn cho những di dân quốc tịch Ý gửi hoặc vay tiền. Năm 1925, ngân hàng này tìm được một cơ hội tốt ngàn năm khó gặp, dùng thủ đoạn lấy tiền bạc kết hợp với uy hiếp vũ lực khống chế con của vị phó chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng châu Mỹ, bắt anh ta phải định kỳ cung cấp những bản ghi những khoản nợ - đây là việc tình báo kinh tế vô cùng quan trọng. Lợi dụng tình báo này ngân hàng Ý nắm rõ tình hình kinh doanh của ngân hàng châu Mỹ.
Cuối những năm 20, ngân hàng châu Mỹ bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế, khiến cho việc cho vay không được thuận lợi. Ngân hàng vốn có thể được một công trình lớn của chính phủ đến xin vay tiền, nhưng vì tiền mặt không đủ, nên đành để lỡ mất dịp. Sau khi ngân hàng Ý biết được điều này, lập tức cung cấp tiền mặt.
Ngân hàng châu Mỹ đương nhiên là rất vui mừng, không điều kiện nhận lời hợp tác với ngân hàng Ý. Làm thế nào mà ngờ được rằng, ngân hàng Ý chỉ khai một phiếu chi khống, liên tục kéo dài thời gian, kết đồng minh với ngân hàng Ý là ngân hàng Thái Bình Dương, nhân lúc ngân hàng châu Mỹ lâm vào cánh khó khăn đã tiến hành bán ra trên thị trường một lượng lớn cổ phiếu của ngân hàng châu Mỹ, lại còn tung tin nói xấu rằng ngân hàng này kinh doanh không có lãi, thế là rộ lên phong trào đòi rút tiền ra khỏi ngân hàng châu Mỹ. Các ngân hàng khác nhìn thấy cục diện như vậy cũng không dám hợp tác với ngân hàng châu Mỹ.
Trong tình thế khó khăn mà ngân hàng châu Mỹ không còn cách nào để chống đỡ với những đòn này, giá trị cổ phiếu bỗng chốc tụt xuống. Ngân hàng Ý nhân cơ hội này mua một lượng lớn cổ phiếu của ngân hàng châu Mỹ với giá rất thấp, trở thành cổ đông lớn nhất của ngân hàng này, và đạt được mục đích là từ một ngân hàng nhỏ chiếm lĩnh được ngân hàng lớn hơn gấp nhiều lần.
( Source : Mưu Trí Thời Tần - Hán - Các tác giả : Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm, Chu Chính Thư )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét