Ads 468x60px

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Chương 54 - Giang Sơn Còn Đợi Người Tài

Đường Huyền Tông thừa uy "Trinh Quán” , lấy nhân tài làm gốc, trọng dụng hiền tướng, làm cho nhà Đường bước vào thời kỳ cực thịnh Khai Nguyên phồn vinh nhất. Nhưng cũng chính ở đỉnh cao của sự phồn vinh đó, An Lộc Sơn đã nổi dậy làm phản, vương triều đại Đường giống như một vật rơi tự do, nhanh chóng trượt xuống sự suy bại, diệt vong từ đỉnh cao phồn thịnh. “Loạn An Sử" nổ ra vào đúng giai đoạn giữa của 300 năm vương triều đại Đường, cũng là cái mốc đánh dấu sự đi xuống từ thịnh chuyển thành suy của nhà Đường.

“Loạn An Sử" kéo dài đúng 8 năm. Đến năm thứ 8, tuy nhà Đường đã dẹp được loạn quân, thu hàng phiến quân nhưng đa số các tướng lĩnh của phiến quân lại đội lốt trở thành những Tiết độ sứ nắm giữ quân đội, chính quyền, tài sản của một vùng. Đối với chúng chính quyền trung ương nhà Đường vốn đã sức cùng lực kiệt chẳng làm thêm được gì nữa. Thế là tình trạng "Phiên trấn cát cứ" dẫn đến đường chết kéo dài hơn nửa thế kỷ của nhà Đường đã xảy ra.

Giữa nhà Đường và các phiên trấn, giữa phiên trấn với phiên trấn luôn diễn ra các cuộc giao chiến về quân sự, ngoại giao liên miên. Các chí sĩ tài năng qua lại không ngớt thi thố tài năng của mình, nô nức đóng những vai đặc sắc, độc đáo trên vũ đài lịch sử. Bắt đầu từ năm 875 sau Công nguyên, thời kỳ cuối cùng của nhà Đường đã xuất hiện các cuộc khởi nghĩa của nông dân trên quy mô rộng lớn. Sau đó Tuyên Vũ Tiết độ sứ Chu ôn đã cướp đoạt thành quả của cuộc khởi nghĩa nông dân, đặt dấu chấm hết cho nhà Đường.

Lịch sử Trung Quốc vì thế mà bước vào một giai đoạn mới - Ngũ đại thập quốc.

54. Ghép hoa này vào cây khác

Từ những năm Thiên Bảo, triều Đường bắt đầu đi từ thời kỳ cực thịnh xuống sự suy bại. Việc Đường Huyền Tông quá sủng ái tin dùng anh em nhà Dương Quý phi và hoạn quan là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái của triều Đường. Trong thời kỳ này, Đường Huyền Tông tự cho rằng mọi việc đều đã thành công nên chỉ lo hưởng lạc, sống một cuộc sống xa hoa dâm đãng mà ít lo việc triều chính, suốt ngày chìm đắm trong vòng tay dịu dàng của chị em Dương Quý phi. Một số con cái nhà quan lại cũng hùa theo bắt chước diễn trò hề "Con rùa Đường".

Đạt Hề Doanh Doanh là tiểu thiếp của một hoạn quan được Đường Huyền Tông sủng ái. Nàng có sắc đẹp làm rung động lòng người, đương thời có thể gọi là vô song. Nàng không chỉ đẹp mà còn có tài trí, lại là người phong lưu lãng mạn, trong phòng ngủ luôn dấu một chàng trai tuấn tú. Có lần nàng còn để một thiếu niên đẹp trai đảm nhận chức "Thiên ngưu vệ" trong phòng mình đến mấy ngày mà vẫn chưa nỡ rời xa.

Sau khi Thiên Ngưu Vệ mất tích, quan phủ rất lo lắng sai người đi khắp nơi tìm. Qua một thời gian Đường Huyền Tông cũng biết sự việc đó. Đường Huyền Tông nghe nói quan cấm vệ ở bên cạnh mình có thể cũng sẽ mất theo thì rất ngạc nhiên, lập tức ra chiếu thư cho các quan phủ phải lục soát khắp kinh thành. Song đã tìm khắp nơi mà cũng không thấy bóng dáng Thiên Ngưu Vệ đâu. Vì thế đành phải hỏi xem gần đây Thiên Ngưu Vệ đã đi qua những đâu. Cha của Thiên Ngưu Vệ nói lần trước có một hoạn quan bị bệnh, Thiên Ngưu Vệ đã từng đi thăm. Đương nhiên viên hoạn quan đó là "chồng" của Đạt Hề Doanh Doanh. Vì vậy Đường Huyền Tông hạ chiếu đến nhà viên hoạn quan để truy tìm.

Đạt Hề Doanh Doanh đành phải nói với Thiên Ngưu Vệ: “Sự việc đã đến nước này ta không thể để chàng ở đây mãi được Nhưng chàng yên tâm, sau khi chàng ra khỏi sẽ không có gì nguy hiểm cả, bọn họ không hại được chàng đâu” . Thiên Ngưu Vệ rất sợ hãi, chỉ sợ vì thế mà phạm phải tội nào đó. Doanh Doanh bèn dạy anh ta: "Sau khi ra khỏi đây chàng không được nói là ở chỗ ta, nếu hoàng thượng hỏi chàng đã đi đâu, chàng hãy nói với hoàng thượng một cách mơ hồ rằng người mà chàng gặp trông như vậy, cái phòng mà chàng thấy bày biện như thế, cái mà chàng ăn ở đó như thế này... Sau đó lại mơ mơ hồ hồ nói với hoàng thượng rằng việc chàng ở lại đó lâu như thế là vì tình thế bắt buộc chứ không phải là ý của chàng... Nếu chàng nói như vậy thì chắc chắn sẽ không có tai họa gì xảy ra".

Thiên Ngưu Vệ cũng chẳng nghĩ ra được cách gì. Anh ta thừa hiểu rằng viên hoạn quan lúc đó pháp lực vô biên, cái kế của Đạt Hề Doanh Doanh có thể biến một con ngựa đã chết thành ngựa sống nên cố gắng ghi nhớ từng lời, và khi ra khỏi nơi ẩn nấp là trực tiếp đi gặp Đường Huyền Tông ngay.

Đường Huyền Tông thấy Thiên Ngưu Vệ không được triệu lại đến, không nén được cơn giận truy hỏi anh ta mấy hôm nay đi đâu. Thiên Ngưu Vệ bèn đem những lời Đạt Hề Doanh Doanh dặn thuật lại một lần, không ngờ Đường Huyền Tông nghe xong quả nhiên nguôi giận ngay, chỉ cười mà không hỏi thêm câu nào.

Mấy hôm sau chị của Dương Quý phi là Quắc Quốc phu nhân vào cung gặp Đường Huyền Tông. Đường Huyền Tông giễu bà rằng: "Sao lại giấu một chàng trai lâu như vậy mà không để anh ta đi?". Quắc Quốc phu nhân cũng không hề tỏ ra ngạc nhiên xấu hổ mà chỉ cười.

Thiên Ngưu Vệ không hiểu tại sao mình lại thoát được cái họa đó cho đến khi gặp Quắc Quốc phu nhân mới biết rằng Đạt Hề Doanh Doanh đã dùng kế "di hoa tiếp mộc" một cách kỳ diệu. Hóa ra Đạt Hề Doanh Doanh là người biết rất rõ mọi việc trong cung. Quắc Quốc phu nhân tuy là một trong những người tình của Đường Huyền Tông nhưng vẫn có không ít kẻ trai lơ, thường xuyên giấu trong nhà một số thanh niên. Vì thế mà Đạt Hề Doanh Doanh đã bảo Thiên Ngưu Vệ miêu tả lại một cách không có căn cứ về cách phục sức, cách bài trí đồ đạc và thói quen ăn uống của Quắc Quốc phu nhân để Đường Huyền Tông hiểu nhầm Thiên Ngưu Vệ là người bị bà ta giấu. Nếu nói về thực lực và tính cách của Quắc Quốc phu nhân thì một Đạt Hề Doanh Doanh nhỏ bé sao có thể so sánh được. Đường Huyền Tông đương nhiên là không thể trách Thiên Ngưu Vệ mà chỉ có thể lấy chuyện quân cơ đại sự ra để làm chủ đề góp vui với người tình.

“Di hoa tiếp mộc" nghĩa đen là chỉ việc lấy cành hoa để ghép lên một cây khác, nó được ví với việc ngầm thay đổi người hoặc sự vật. Đạt Hề Doanh Doanh đã khéo léo đem Thiên Ngưu Vệ vốn có liên quan đến mình ("cành hoa") để “ghép" lên người Quắc Quốc phu nhân ("cây") quả là một cách “di hoa tiếp mộc" điển hình.

Di hoa tiếp mộc là một mưu kế mà thông qua cách "ghép cây” để tống khứ những cái xấu, cái dữ đi để đón cái may đến. Đạt Hề Doanh Doanh thông qua việc "ghép cây" để dễ dàng trừ bỏ cái họa của Thiên Ngưu Vệ (và cũng có thể ảnh hưởng đến chính cô ta). Trong kinh doanh, cái kế "di hoa tiếp mộc" cũng rất có đất dụng võ. Bởi vì nếu sản phẩm, cửa hàng của mình có liên quan với những người nổi tiếng, tới chất lượng tốt thì sẽ luôn gây ra sự xôn xao và làm cho người tiêu dùng chú ý đến. Vì vậy luôn cần phải áp dụng phương pháp "ghép cây”, để biến cái không liên quan thành có liên quan, quan hệ không chặt chẽ thành quan hệ chặt chẽ thì mới có thể đạt được hiệu quả.

Một cửa hàng đá quý vốn làm ăn rất hiệu quả ở Luân Đôn vì muốn thoát khỏi tình trạng khó khăn hết sức nguy ngập nên ông chủ quyết định dùng kế "di hoa tiếp mộc", để gắn liền cửa hàng đá quý của mình với tên tuổi của công nương Diana.

Một buổi chiều tối, ở cửa hàng đó đèn điện sáng choang, ông chủ quần áo chỉnh tề đứng ở bậc thềm chờ đón "khách quý”. Lúc sau, một chiếc xe sang trọng đột nhiên dừng trước cửa tiệm, Diana chầm chậm bước ra khỏi xe, cười và thân mật gật đầu chào những người qua đường. Mọi người thấy vậy vội vàng chen chúc nhau để nhìn cho rõ Vương phi mãi không chịu giải tán. Một số em bé còn mạnh dạn chen lên trước để hôn tay Vương phi. Cảnh sát đường phố vội vàng chạy đến để duy trì trật tự, tránh việc người xung quanh làm ảnh hưởng đến hoạt động của Vương phi.

Ông chủ thì luôn miệng cười, cảm ơn Vương phi đã đến với cửa hàng và cùng Vương phi đến trước quầy hàng. Nhân viên bán hàng đem ra dây chuyền, kim cương, khuyên tai... toàn những trang sức quý hiếm nhất để Vương phi lựa chọn. Diana lộ rõ vẻ thích thú, vui vẻ không muốn rời, luôn miệng khen đẹp. Các máy quay phim đã được sắp đặt trước thu vào máy tất cả các hình ảnh và ngay hôm sau các hình ảnh đó đã được phát đi rộng rãi trên đài truyền hình. Tuy rằng từ đầu đến cuối không có một lời giải thích cũng không có sự dẫn dắt quảng cáo nhưng địa chỉ và tên cửa tiệm tương đối rõ ràng. Vì thế mà cửa hàng đá quý đó lập tức làm xôn xao cả thành phố Luân Đôn.

Những thanh niên ưa chuộng thời trang, những người hâm mộ Diana lập tức chen chúc nhau đến, trước cửa tiệm xe nối thành hàng dài, mọi người tranh nhau mua loại trang sức mà Vương phi đã khen. Ông chủ mặt mày hớn hở trực tiếp đứng bán, liên tục không ngừng đón tiếp khách. Chỉ trong vài ngày, doanh số bán hàng đã vượt qua cả doanh số từ ngày mở cửa đến nay, kinh doanh càng ngày càng phát đạt.

Ông chủ cửa hàng đã đem cửa tiệm đá quý của mình "ghép" lên người Diana, dùng kế "di hoa tiếp mộc" để kiếm một khoản tiền lớn vậy là đã thành công.

Chắc chắn sẽ có người hỏi rằng: Chẳng phải mỗi cửa hàng đều có cơ hội được Vương phi đến thăm sao? Ở đây cần phải nói rằng nếu Vương phi chủ động đến thì quan hệ giữa chúng và Vương phi được hình thành một cách "tự nhiên" chứ không phải do "ghép cây" mà thành, càng không thể nói là đã dùng “mưu kế" được. Chỉ có cách "ghép cây" biến cái không có quan hệ với nhau thành cái có quan hệ này mới có thể gọi là đã dùng mưu kế. Chúng ta nói rằng ông chủ cửa hàng đá quý đó đã dùng kế "di hoa tiếp mộc" còn bởi vì đoạn sau đây:

Việc kinh doanh cửa hàng đá quý ngày càng phát đạt đã trở thành bản tin của dư luận phố phường và vì thế làm chấn động cả hoàng cung. Không lâu sau, người phát ngôn của hoàng gia tuyên bố: "Sau khi xem bảng sắp xếp nhật trình thì ngày hôm đó Vương phi không đến cửa tiệm đá quý". Mọi người đều cho rằng ông chủ cửa tiệm đá quý sẽ bị khởi tố. Nhưng ông đã bình tĩnh một cách tự nhiên. Ông thừa nhận rằng từ trước tới nay Vương phi chưa từng đến cửa hàng của mình. Vị khách quý được đón tiếp thịnh tình hôm đó là do ông phải rất vất vả mới tìm ra được. Phong cách, thần thái, dáng người, cử chỉ của cô ta đều rất giống Vương phi Diana, dưới bàn tay của các nhà thẩm mỹ, kiểu tóc, phục sức của cô ta đều giống hệt. Nhưng rốt cục cô ta không phải là Diana. Cái băng mà hôm đó đài truyền hình đã phát đi từ đầu đến cuối chỉ có âm nhạc mà không nói một câu nào cả, vì thế cửa hàng đá quý không phạm phải tội khi quân. Mọi người tưởng nhầm cô "Diana" đó là Vương phi Diana thì đấy là chuyện của mọi người.

Mọi người tự "ghép cây" của tiệm đá quý đó lên người Vương phi còn cửa hàng chỉ là biết cách làm sao để bán được hàng nhiều nhất. Kỹ xảo "ghép cây" của ông chủ mới cao siêu làm sao! Cái lý lẽ biện giải của ông chủ mới đàng hoàng làm sao!

( Source : Mưu trí thời Tùy - Đường -Tác giả : Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm, Chu Chính Thư )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét