Ads 468x60px

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Chương 54 - Địa Vị Chiến Lược Của Tư Tưởng Thống Trị

Thời Hán Vũ Đế, năm vị thạc sĩ, học phái Xuân Thu công dương đại sư Đổng Trọng Thư từng khuyên hoàng đế "bãi bỏ bách gia, độc tôn Nho thuật" và được Hán Vũ Đế chấp nhận. Điều này chứng minh rằng tư tưởng giai cấp thống trị Tây Hán lúc đầu lấy đặc trưng tư tưởng Hoàng Lão "vô vi", “thanh tịnh" nay chuyển sang hướng tập quyền, thống nhất, tư tưởng đại nhất thống.

Đầu Hán, Lưu Bang nghe lời Lục Cổ lấy học thuyết Hoàng Lão làm tư tưởng thống trị. Các đời Cao, Huệ, Văn, Cảnh cũng vậy coi trọng kinh tế nông nghiệp, nông dân, đối với các vấn đề chính trị, kinh tế, ngoại giao v.v... cố gắng giảm sự can dự. Kết quả là mấy chục năm qua, kinh tế xã hội đạt được sự phát triển lớn, dù là dân gian hay triều đình, cuộc sống cũng tốt lên. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt đối lập. Kinh tế thì phát triển nhưng cường hào địa phương lại bóc lột nông dân nặng hơn. Vấn đề chư hầu vương ngày một phức tạp. Biên giới quân Hung Nô thường quấy nhiễu. Hoàng quyền bị giảm yếu. Lợi ích và sự thống nhất quốc gia bị uy hiếp.

Hán Vũ Đế là người hùng tâm tráng khí, ông không chấp nhận cục diện diễn biến như vậy, cục diện "vô vi nhi trị" rất bị động. Ông ta muốn chủ động, tăng cường tác dụng, quyền lực của hoàng đế lên các lĩnh vực, chính trị, kinh tế, quân sự... Trong tình hình đó việc thay đổi tư tưởng thống trị trở nên cần thiết.Vừa hay chủ trương "bãi bỏ bách gia, độc tôn nho thuật" của Đổng Trọng Thư phù hợp với nhu cầu của Hán Vũ Đế, nên vua chấp thuận ngay. Lấy cái thích hợp với gia tăng hoàng quyền làm mục tiêu chiến lược cho toàn thể nền tảng tư tưởng mới.

Thời Hán Tuyên Đế, thái tử tỏ ra bất mãn với những sách lược của vua, cho rằng "dùng hình quá nặng, để cho bá đạo và vương đạo lẫn lộn". Hán Đế nghe vậy vô cùng tức giận. Tại sao Hán Cảnh Đế lại phẫn nộ như vậy. Ông cho rằng thái tử quá mơ hồ. Trước đây, Hán Vũ Đế nghe lời khuyên của Đổng trọng Thư "độc tôn" cái gọi là "Nho thuật". Đây không phải là thứ nho thuật thuần khiết của “Khổng Mạnh", nó đã được Đổng Trọng Thư cải biến, lấy tư tưởng "đại thống trị" làm hạt nhân, đồng thời kết hợp với nội dung học thuyết âm dương và pháp gia, hình thành nên cái gọi là "thiên nhân hợp nhất", chủ trương dùng cả "hình" và "đức". Hán Vũ Đế là con người bên trong thì tham vọng mà bên ngoài thì tỏ vẻ nhân nghĩa. Ông chấp nhận ý kiến của Đổng Trọng Thư, chứng tỏ rằng học thuyết của Đổng Trọng Thư phù hợp với tư tưởng thực chất nội pháp, ngoại nho của ông. Cái bá đạo mà Hán Tuyên Đế nói chính là chủ trương của Hán Vũ Đế. Bá đạo là chỉ luật hình, pháp luật, còn vương đạo là chỉ nhân chính, đức hành, giáo hóa. Cả hai phương pháp cùng được sử dụng và coi trọng.

Ý nghĩa sâu xa này chính là chiếc chìa khóa để hiểu chủ trương "độc tôn nho thuật" của Đổng Trọng Thư. Cho nên Hán Tuyên Đế tức giận khi nghe lời nói của thái tử lại còn mắng rằng: "Sau này ngươi sẽ là kẻ làm loạn gia tộc". Quả đúng, sau khi thái tử lên ngôi triều chính suy yếu, hai vấn đề lớn trong xã hội là đất đai và nô tì rối loạn nghiêm trọng, triều đình ngày một thỏa hiệp với hào tộc, kết cục hoàng quyền bị mất uy thế.

Có thể nói đối với một triều đình, tư tưởng thống trị có chuẩn hay không có quan hệ mật thiết tới sự tồn vong, sinh tử, con đường chỉ đạo chi phối tất cả. Trên thương trường ngày nay, tư tưởng chỉ đạo chuẩn xác hay không quyết định sự hưng thịnh của một xí nghiệp, thực thể. Chế định tổng thể chiến lược cũng có tầm quan trọng như vậy. Nếu tư tưởng chỉ đạo đúng, xí nghiệp sẽ hưng thịnh, ngược lại, tư tưởng chỉ đạo sai lệch, xí nghiệp sẽ đi xuống, yếu kém. Trên thế giới rất nhiều công ty lớn đều coi trọng nghiên cứu, chế định tư tưởng chiến lược tổng thể.

Công ty Duban của Mỹ có bề dày lịch sử hơn 190 năm, là công ty hóa công nổi tiếng nhất trên thế giới. Tư tưởng chỉ đạo kinh doanh của công ty là "lợi nhuận lớn nhất, rủi ro ít nhất". Tư tưởng này được xây dựng dần cùng với sự phát triển của công ty. "Lợi nhuận lớn nhất" là lợi nhuận đạt được ít nhất phải là 10%, "rủi ro ít nhất" nghĩa là an toàn đặt lên hàng đầu.

Tư tưởng này xuất phát từ tình hình thực tế của công ty. "Lợi nhuận lớn nhất" là nguyên tắc đảm bảo cho việc kinh doanh của công ty được vững chắc, ổn định. Từ lúc thành lập tới nay, công ty luôn lấy tiêu chí này để kiểm tra các công ty con. Nơi nào lợi nhuận dưới 10% lập tức đóng cửa. Nguyên tắc "rủi ro ít nhất", từ thao tác cụ thể mà nói là cấm không được tự do trong kinh doanh. Phàm là những cải cách kỹ thuật hay thiết bị đều do công ty quyết định, những cơ sở sản xuất mới ở nước ngoài đều do công ty tự thân đầu tư. Tư tưởng chỉ đạo kinh doanh của công ty vừa ổn định lại vừa tận dụng mọi cơ hội đưa lợi nhuận lên mức cao nhất, cố gắng loại trừ hết mọi rủi ro. Công ty có qui mô rất lớn, chỉ cần thua lỗ một thời gian ngắn cũng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Cho nên, tư tưởng chỉ đạo này bảo đảm cho công ty phát triển bền vững.

Công ty Benzi của Đức có phương châm chỉ đạo là "chất lượng hàng đầu, kỹ thuật hàng đầu, khách hàng trước hết". Xe hơi nổi tiếng Benzi là mặt hàng chủ yếu của công ty. Trong thị trường cạnh tranh quyết liệt, đặc biệt là với xe hơi của Mỹ, Nhật, lấy ba cái "hàng đầu” trên làm phương châm, tư tưởng chỉ đạo là rất có ý nghĩa.

Tư tưởng "chất lượng hàng đầu” thể hiện rõ lãnh đạo công ty xem chất lượng quan trọng như tính mạng của công ty. Lãnh đạo công ty nhận ra rằng, đảm bảo chất lượng xe hơi nhất thiết phải bảo đảm thiết bị sản xuất, nhân công, biện pháp kiểm tra đo lường... cho nên công ty coi trọng đào tạo nhân công, nâng cao tay nghề, đồng thời kiểm tra chất lượng sản phẩm một cách nghiêm túc.

Tư tưởng "kỹ thuật hàng đầu” phản ánh sự đổi mới trong quyết sách của công ty, cố gắng bắt kịp thời đại và những thành tựu khoa học, không ngừng sản xuất các loại xe mới cho nên công ty không tiếc tiền đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên, khuyến khích họ đưa ra những sáng kiến, phát minh. Có cái "kỹ thuật hàng đầu” ấy mới có loại xe "Benzi" hàng đầu thế giới về nhiều mặt. Ví dụ thập kỷ 50 đứng đầu thế giới về an toàn, thập kỷ 50 đứng đầu về hệ thống chế động loại mới, năm 70 đứng đầu về loại xe ôtô con...

Tư tưởng "khách hàng trước hết" là điều mà lãnh đạo công ty coi trọng nhất. Đội ngũ khách hàng ngày một đông phản ánh kết quả của sách lược cạnh tranh đó. Muốn khách hàng an tâm, hài lòng, ngoài chất lượng tốt, kỹ thuật cao cần làm tốt công tác chăm sóc khách hàng sau khi mua sản phẩm. Nhân viên bán hàng có thể lắng nghe các loại yêu cầu đặc thù của khách hàng. Tỷ lệ nhân viên tu dưỡng xe và công nhân sản xuất là một trên một, điều này là rất hiếm.

Tư tường chỉ đạo chiến lược của công ty đã mang lại lợi ích thiết thực, doanh thu tiêu thụ hàng năm đạt hàng chục tỉ mác, đứng vào hàng 10 công ty lớn nhất thế giới.

( Source : Mưu Trí Thời Tần - Hán  - Các tác giả : Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm, Chu Chính Thư )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét