Ads 468x60px

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Chương 66 - Khôn Khéo Tạo Vỏ Bọc

Nhà thơ Bạch Cư Dị người nhà Đường đã từng viết bài thơ "Phóng ngôn", trong đó có đoạn.

Chu công khủng cụ lưu ngôn nhật,
Vương Mãng khiếm cung vị soán thì
Hướng sự đương sơ thân tiên tử,
Nhất sinh chân ngụy phúc thùy tri?

Tạm dịch:

Chu Công rất sợ lưu lời lại
Vương Mãng khi nghèo thật khiêm nhường
Chuyện cũ đã qua người đã khuất
Thực hư ai biết nói cho cùng.

Vương Mãng là cháu hoàng hậu Vương Chính Quân của Hán Nguyên Đế. Thời Nguyên Đế, Thành Đế giữ ngai vàng, gia tộc Vương Thị dựa vào địa vị ngoại thích, nắm giữ quyền hành chính trị nội ngoại triều trong một thời gian dài. Lúc đó các mâu thuẫn xã hội đã lên cao, trong mắt mọi người thì triều Hán đã sắp đến ngày suy tàn, việc thay đổi triều đại chỉ còn là vấn đề thời gian. Lúc đó, Vương Mãng mới xuất hiện và làm một loạt các việc để thu phục nhân tâm nên được tiếng thơm trong triều đình, ngoài xã hội.

Trong gia tộc Vương Thị, anh em của Vương Mãng đều hưởng thụ một cuộc sống đầy đủ xa hoa, chỉ có riêng ông ta là cần kiệm, sơ sài không có vẻ gì là quý tộc. Khi ông bác là Vương Phong giữ chức Đại Tư Mã, Đại Tướng quân lâm bệnh, Vương Mãng luôn túc trực ở bên chăm sóc, thuốc thang hơn tháng trời, không thay quần áo, lúc ngủ cũng phục bên giường bệnh. Vương Phong vô cùng cảm động, lúc lâm chung dặn lại em gái là Vương Chính Quân phải để ý quan tâm đến cháu trai Vương Mãng.

Không chỉ với bác mà với mẹ mình Vương Mãng cũng hết sức tận tình. Khi nhà mở tiệc đãi tân khách, thường thấy một gia nhân đi lại nhắc Vương Mãng cho lão phu nhân uống thuốc. Vương Mãng bèn rời tiệc đến gian trong thân chinh bưng thuốc cho mẹ uống. Trong ngoài triều ai cũng khen Vương Mãng có hiếu.

Năm cổ dịch châu chấu, đời sống trăm họ điêu đứng, người người phải bán đất, bán con. Vương Mãng chủ động góp 10 vạn đồng và 30 khoanh đất cho quan đại thần tài chính của triều đình phân phát cho dân. Với sự mở đầu của ông, có hơn 200 vị quan lại khác đem tiền của phân phát cứu dân. Trong, ngoài triều ai cũng khen ông là người tốt.

Sau khi nắm đại quyền và được nhiều người tung hô, Vương Mãng lại tiếp tục thực thi một số việc làm đẹp lòng mọi người khác nữa. Đầu tiên ông giáng chức Hoàng Thái hậu của Triệu Phi Yến xuống hoàng hậu, sau nữa là thứ dân và cuối cùng thì bức tử. Ông lại đưa hoàng hậu Phó Thị vào cung, bản thân ông được phong là thái phó hậu nhưng ông giả bộ có bệnh không chịu nhận, quan trong triều phải tiến cử mấy lần ông mới miễn cưỡng đồng ý. ông lại còn đưa ra ý kiến phong hầu cho 36 người thuộc hàng cháu tứ đại, ngũ đại của Hán Tuyên Đế và phong chức quan cho một số người khác nữa.

Trong ngoài triều ai cũng khen ông là vị quan tốt. Ông lớn tiếng phản đối thái độ xem thường, coi nô lệ, người hầu như là súc vật. Con trai ông giết chết một nô lệ ông buộc người con trai của mình phải tự sát.

Vương Mãng thật sự biết cách mua chuộc nhân tâm, sau khi tạo cho mình vỏ bọc đẹp đã và thực hiện thành công các mưu đồ kế hoạch của mình, dần nắm được trọng quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đoạt quyền cao nhất sau này, lập nên một triều đại mới mà ông ta sẽ là người đứng đầu.

Vương Mãng tạo vỏ bọc cho mình, mua chuộc nhân tâm, là để phục vụ cho ý đồ làm hoàng đế của mình. Tạo một vỏ bề ngoài đẹp, cải thiện, nâng cao hình ảnh bản thân, ấn tượng bản thân trong mắt mọi người có thể cũng được gọi là trí mưu. Vương mãng dùng được thì người khác cũng có thể dùng được. Trên thương chiến hiện nay, làm thế nào để tạo cho công ty mình một vẻ bề ngoài thật ấn tượng, đem được thế mạnh, mặt hơn người của công ty bày ra trước mắt thiên hạ là một vấn đề quan trọng, đáng được quan tâm.

Ở Mỹ có một công ty nhỏ tên là Kamala. Lĩnh vực hoạt động của công ty là chăm sóc, diệt cỏ, phun thuốc cho các khuôn viên, vườn tược. Khi mới bắt đầu vào 1969, cả công ty chỉ có 5 nhân viên và 2 chiếc xe. Đến năm 1985 số nhân viên này tăng lên 5000 người, số vốn kinh doanh lên tới 0,3 tỉ đô la. Có được kết quả này là nhờ vào sáng kiến khởi xướng: "tinh thần thân ái" của Duker - người sáng lập ra công ty Kamala. Chính tinh thần này đã xây dựng lên hình tượng tốt đẹp, đồng thời mang lại lợi ích khả quan cho công ty.

Thời trẻ Duker rất nghèo, để nuôi gia đình ông đành bỏ dở trường đại học trở về nhà và trở thành nguồn lao động chính trong gia đình. Năm 1960, ông làm việc trên một nông trường và có được chút tiền. Năm 1968 ông mua nông trường này và lập ra công ty Kamala.

Mỗi sớm ông đều cùng người cha già hơn 70 tuổi và 5 nhân viên lái xe đến từng nhà khách hàng cắt tỉa, chăm sóc cây cỏ, làm việc cho tới tận trời tối mới quay về. "Tinh thần thân ái" làm nên chữ tín cho công ty, hình thành cho nhân viên tinh thần trách nhiệm và lòng phục vụ tận tình, do đó uy tín của công ty ngày một cao. Mỗi khi kết thúc công việc, chuẩn bị ra về nhân viên đều viết một tờ giấy cho chủ nhà ghi rõ cần chú ý những gì và cũng ghi rõ nếu xảy ra điều gì thì chủ nhà phải chịu trách nhiệm (nếu chủ nhà không làm đúng theo lời dặn). Danh tiếng của công ty ngày càng cao, bởi lúc đó tinh thần làm việc như của công ty rất hiếm.

Cha của Duker thường xuyên nói với ông: "Người là nhân tố quan trọng nhất, sau đó là khách hàng. Cứ chú ý hai mặt này nhất định công ty sẽ phát triển". Duker ghi nhớ điều này, ông đặc biệt phát triển "tinh thần thân ái" trong nội bộ nhân viên. Có lần ông dự định mua lại một chiếc thuyền cũ để sửa sang cho công nhân đi nghỉ mát. Người quản lý tài chính công ty phải khuyên mãi ông mới chịu thôi. Sau đó một hôm, ông đi ngang qua bãi biển thấy một nơi địa thế rất đẹp ông dự định xây một khu nghỉ mát cho công nhân ở đó. Người quản lý tài vụ lại phải một phen vất vả can ngăn ông. Cuối cùng ông vẫn quyết định mua một chiếc du thuyền đẹp, sang trọng cho ông nhân du lịch, nghỉ mát. Sau đó, ông còn thuê phi cơ cho nhân viên đến Washington du lịch. Về việc này phó giám đốc công ty nói: "Lúc đầu khi Duker muốn tôi ký cho khoản chi này, tôi thấy không hài lòng. Nhưng khi nhìn thấy nhân viên vui như thế nào khi lần đầu tiên được đi máy bay thì tôi không biết nói gì nữa" .

Mọi người trong công ty đều đồng sức, đồng lòng đoàn kết như trong một nhà. Vậy mà Duker cũng vẫn chưa mãn nguyện.

Ông muốn thể hiện "tinh thần thân ái" này trong việc phục vụ khách hàng. Có đồng nghiệp cho rằng làm như vậy thì thật thà và nói rằng phải ký hợp đồng với khách hàng, nếu khách hàng không thanh toán tiền thì lấy đó làm bằng chứng mà đi kiện". Nhưng Duker thì lại cho rằng, đến 99% khách hàng là người đứng đắn, số gian giảo, không chịu trả tiền chỉ chiếm 1%, và với bọn này thì có đi kiện cũng bằng thừa, tốt nhất là cho qua và không phục vụ cho chúng lần thứ hai. Vì có lòng tin ở khách hàng, xem họ là người tốt nên Duker cũng được họ coi như người nhà, để công nhân của ông tự do làm việc trong nhà mà không cần để ý, quản lý.

"Tinh thần thân ái" khiến cho công ty ngày một nổi tiếng, tạo được ấn tượng tốt với khách hàng, lợi nhuận cũng tăng nhanh. Thu nhập bình quân của những người sáng lập ra công ty cao gấp hai lần thu nhập bình quân của 400 công ty có lợi nhuận cao nhất nước Mỹ.

( Source : Mưu Trí Thời Tần - Hán  - Các tác giả : Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm, Chu Chính Thư )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét