Thời Tần Hán, có một thứ mà người đời sau rất lấy làm kỳ lạ đó là Sấm Vĩ. Vậy Sấm là gì vậy? Đấy chính là lời tiên đoán của người đương thời. Người thời ấy mong xuất hiện một điều gì đó thì tạo ra một lời sấm tương ứng, một khi lan truyền ra, những người khác trong xã hội đều rất tin vào đó. Thế còn Vĩ là gì vậy? Vĩ là từ Kinh mà ra, người đời Hán gọi những trước tác kinh điển của Nho gia là "Kinh Thư” , "Kinh Thư” thời ấy có đến sáu loại, gọi chung là "Lục Kinh". Để mượn chuyện mà nói thêm vào, nhằm đạt được mục đích của một số người nào đó, kèm theo những ẩn ý của một số người nào đó, liền có người mượn cái ý là chú giải cho "Lục Kinh" mà viết ra Vĩ thư liên miên dào dạt, còn dài hơn cả "Lục Kinh" rất nhiều. Cái truyền thống này có từ thời kỳ Chiến quốc, từ thời ấy các phương sĩ đã khá thích chơi cái trò này rồi, tuy nhiên đến đời Tần Hán về sau, đặc biệt là đời Hán, cái trò Sấm Vĩ này càng lúc càng ghê gớm, ảnh hưởng của nó trong xã hội cũng ngày càng lớn.
Đời Tần Thủy Hoàng từng phái một người là phương sĩ Lữ Sinh ra biển cầu thần tiên, Lữ Sinh không gặp được thần tiên mà lại bắt được một cuốn đồ thư, trên đó viết: "Vong Tần giả Hồ dã" (Kẻ làm Tần diệt vong là Hồ vậy). Đấy là lời Sấm. "Hồ" ở đây rốt cuộc là gì? Tần Thủy Hoàng hiểu thành dân tộc thiểu số ở phương Bắc (tục gọi là người Hồ), liền phát binh tấn công Hung Nô. Ông ta đâu có ngờ được rằng, sau khi ông ta chết, đến đời thứ hai nhà Tần mới mất, lại mất trong tay con ông ta là Hồ Hợi. Có thể thấy, cái gọi là lời sấm, là những cái được gọi là "ý chỉ" của "Thượng đế', đều rất thần bí, không có ý nói ra rõ ràng, nó chỉ đưa ra những tín hiệu ngầm nào đấy, làm cho người ta phải nôn nóng đi tìm đáp án như là tìm lời giải cho câu đố vậy.
Thông thường mà nói, khi xã hội tương đối yên ổn, loại Sấm ngữ này rất ít, đến khi xã hội có biến động mạnh mẽ thì những lời sấm này lại nhiều lên. Từ thời kỳ cuối Tây Hán đến Vương Mãng đoạt quyền, và cho đến thời kỳ Lưu Tú dựng nhà Đông Hán, là thời kỳ mà các loại sấm ngữ nhiều nhất. Thời Vương Mãng, thuyết rằng phát hiện được một hòn đá trong một cái giếng, trên đó viết mấy chữ màu đỏ "An Hán công Mãng vi hoàng đế” (Dẹp yên Hán công, Mãng làm vua), Vương Mãng liền nói rằng đó là lời ủy nhiệm của Thượng đế muốn ông ta làm vua, theo đó, ban đầu ông ta làm quyền hoàng đế, sau rồi làm luôn hoàng đế thật. Về sau, khi Lưu Tú làm vua cũng diễn lại cái trò tương tự đó.
Còn về Vĩ thư, tác dụng của nó cũng như Sấm ngữ. Nó danh là giải thích Kinh Thư, thực tế nội dung phần lớn lại sử dụng học thuyết âm dương ngũ hành để nói cái chủ nghĩa thần bí, nó là một thứ đồng bộ với Sấm ngữ. Trong đó, nó dán cái mác Nho học của Khổng Tử, cung cấp cái cơ sở "hợp lý" cho sự xuất hiện của Sấm ngữ. Danh nghĩa là bao bọc hệ thống chính quyền từ thời Cao Tổ Lưu Bang, trên thực tế là nhằm tạo dựng dư luận cho một người nào đó bước lên vũ đài hoặc một chức quan nào đó.
Đối với những thứ này, thời ấy từ trên xuống dưới đều tin vô cùng. Số ít người không tin vào đó thì vận số thật là không hay. Nhà tư tưởng Hoàn Đàm ở trước mặt Lưu Tú không chút kiêng dè dám nói rằng mình chưa bao giờ đọc Sấm, Lưu Tú nổi giận đòi lôi ông ta ra chém đầu, ông ta phải rập đầu đến chảy máu, Lưu Tú mới tha cho, không lâu sau thì ông ta chết trên đường lưu đày.
Người đời nay nghe đến những thứ này, đều cảm thấy rất buồn cười, cảm thấy người thời xưa ấy làm sao có thể hoang đường đến mức độ đó. Kỳ thực, ở thời cổ đại khoa học chưa phát triển, hiện tượng này xuất hiện không có gì là kỳ lạ cả. Không phải nói thời cổ đại, chính trong thời hiện đại, ở một số quốc gia nào đó cũng đã xuất hiện những phong trào thần bí tương tự do con người tạo ra. Ở thời cổ đại xuất hiện Sấm Vĩ lấy thần học làm biện pháp, lấy chính trị làm mục đích, vậy thì có gì là lạ? Nói cho cùng, thời đó biện pháp để tạo dư luận của con người ta rất ít, để làm cho nó có hiệu ứng gây chấn động, chỉ có thể dùng phương thức này, trên thực tế vận dụng mánh khóe này cũng đã thực sự thu được thành công rất lớn. Có thể thấy, áp dụng thủ pháp dư luận, tuyên truyền có đặc sắc hay không, có thể làm cho người ta tiếp nhận hay không, đó là một chủ đề xuyên suốt cổ kim. Trong thương chiến hiện đại cũng vẫn còn tồn tại vấn đề này. Trong sản phẩm của anh ta như thế nào? Làm thế nào để khiến cho người ta chấp nhận sản phẩm của anh? Sử dụng thủ pháp tuyên truyền, dư luận ra sao để đạt được mục đích này? Những điều này, quả thật là cần phải mất rất nhiều suy nghĩ.
Năm 1941 sau khi nổ ra sự kiện Trân Châu cảng, nước Mỹ chính thức tham gia cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Lúc đó tình hình tiêu thụ trong nước của công ty Coca Cola bị ảnh hưởng rất lớn, chủ đề của mọi người đã chuyển sang chiến tranh, đối với Coca Cola đã không còn mấy ai quan tâm nữa, tình hình tiêu thụ ở nước ngoài lại càng bế tắc không lối ra vì nguyên nhân chiến tranh. Công ty Coca Cola đang dần dần thu hẹp sản xuất, giới quản lý của công ty nhận thức được rằng, cứ cái đà đó thì rồi sẽ có một ngày phải sụp đổ! Biện pháp gì đây? Lối thoát của Coca Cola là ở đâu. Tổng giám đốc công ty Wudeluphtu bỗng thấy bừng lên ánh sáng: “Tại sao không đưa sản phẩm ra tiền tuyến? Cái mọi người quan tâm là chiến tranh, chỉ cần binh sĩ Mỹ đều thích Coca Cola, thì mọi người trên thế giới làm sao lại không biết đến Coca Cola được?"
Wudeluphtu lập tức tới Bộ quốc phòng du thuyết. Thế nhưng, quan chức Bộ quốc phòng còn đang bận rộn vì chiến tranh, họ đâu có tâm tư nào để nghe du thuyết về Coca Cola? Cho dù Wudeluphtu dốc hết tâm sức giải thích, nhắc đi nhắc lại rằng, Coca Cola có thể "điều giải cuộc sống gian khổ của tướng sĩ nơi tiền tuyến", có thể "cổ vũ sĩ khí và ý chí chiến đấu của tướng sĩ” quan chức Lầu Năm Góc vẫn trả lời hết sức thờ ơ "Để chúng tôi nghiên cứu xem".
Thôi được, chỉ cần không đóng cứng cửa là được. Wudeluphtu hạ quyết tâm, nhất định phải bằng thế trận tuyên truyền mạnh mẽ, dụ cho được quan chức của Lầu Năm Góc mắc câu, sau khi trù hoạch cẩn thận, đề cương tuyên truyền mới của Coca Cola đã được đưa ra. Xin mời nghe:
"Hỡi các vị hãy thử nhắm mắt lại và nghĩ xem, trong hoàn cảnh mặt trời nóng nực, mồ hôi chảy ra như máu, chấp hành nhiệm vụ chiến đấu gian khổ, cổ họng khô như lửa đốt. Thứ mà các chiến sĩ nghĩ đến nhiều nhất, cần nhất là gì? Khỏi phải nói, tất nhiên là Coca Cola mát lạnh như đá mà trước đây họ thường uống".
Thời gian không phụ người có tâm. Dưới sức tiến công mạnh mẽ của thế trận tuyên truyền, quan chức Bộ quốc phòng đã bị lay chuyển, họ không những đồng ý liệt Coca Cola vào hành quân nhu phẩm, mà còn ủng hộ xây dựng nhà máy gia công loại nhỏ cho bộ đội đóng ở đó. Đến lúc này, lại tới lượt Wudeluphtu mặc cả. Ông ta nói: "Xây dựng nhà máy (gia công) ở chiến trường, mức độ mạo hiểm của việc đầu tư quá lớn, vấn đề này cần phải nghiên cứu xem đã". Thực ra là ông ta không muốn phải bỏ ra khoản tiền xây dựng nhà máy gia công này.
Nơi tiền phương tướng sĩ đã không thể tiếp tục chờ đợi dưới sự tuyên truyền mạnh mẽ của Coca Cola, họ chỉ muốn ngay lập tức được uống Coca Cola, tin tức phản hồi từ binh lính các nơi đã thành một áp lực đối với Bộ quốc phòng. Cuối cùng, Bộ quốc phòng chính thức quyết định, vô luận từ một góc bất kỳ nào đó ở các nơi trên thế giới, chỉ cần là nơi có quân Mỹ đồn trú, cần phải làm cho mỗi binh sĩ đều có thể được uống Coca Cola với giá 5 xu Mỹ. Tất cả mọi chi phí cần thiết cho toàn bộ thiết bị và kế hoạch cung ứng này, Bộ quốc phòng sẽ hết sức giúp đỡ ủng hộ.
Lầu Năm Góc một khi đã bật đèn xanh, tiền lập tức cuồn cuộn như nước không ngừng đổ vào tài khoản của công ty Coca Cola ở ngân hàng. Trong thời gian không đầy 3 năm, công ty Coca Cola đã đưa ra nước ngoài 64 nhà máy gia công lớn nhỏ. Đến khi cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc. Coca Cola với tư cách "vật dụng quân nhu”, đã bán ra 5 tỉ chai, công ty Coca Cola thực sự đã trúng một quả chiến tranh cực lớn.
Đại chiến thế giới lần thứ hai đã đưa dấu chân của quân đội Mỹ đến rất nhiều quốc gia trên đại lục âu, á, Coca Cola cũng theo dấu chân của quân đội Mỹ đi tới hầu khắp các quốc gia đó. Sau chiến tranh, Wudeluphtu lại lợi dụng cái vinh dự và địa vị nước thắng trận của Mỹ, lợi dụng sự sùng bái mù quáng của nhân dân thế giới đối với thực lực quân sự, thực lực kinh tế của nước Mỹ, nhanh chóng đưa tiếng vang của sản phẩm ra phạm vi càng rộng lớn hơn ở thị trường hải ngoại.
Nếu như ban đầu Wudeluphtu không xúc tiến cuộc chiến tuyên truyền, nếu ông không thể làm cho Lầu Năm Góc chấp nhận, thì công ty Coca Cola liệu có thể có được thành công về sau này không?
( Source : Mưu Trí Thời Tần - Hán - Các tác giả : Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm, Chu Chính Thư )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét