Trận Côn Dương do Lưu Tú chỉ huy, là điểm chuyển ngoặt về mặt quân sự trong việc quân Hán đánh thắng quân Vương Mãng, nó với binh lực chưa đến một 1 vạn người, đánh thắng 40 vạn quân Vương Mãng, là một ví dụ chiến tranh lấy ít thắng nhiều nổi tiếng trong lịch sử.
Để đập tan sự uy hiếp của quân nhà Hán đối với ông ta, lần này Vương Mãng đã đánh canh bạc lớn nhất. Ông ta không chỉ huy động toàn bộ quân đội có thể dùng được, mà còn tập trung tất cả những người hiểu binh pháp có thể tìm được lại. Hơn thế nữa, ông ta để hù dọa quân Hán, lấy can đảm cho mình, còn tìm đến một đại hán mình cọp mà xe ba ngựa kéo cũng kéo không chuyển, lại còn bắt về cả một lô các loại thú dữ như hổ, báo, tê giác, voi. Cách đánh này, quả là xưa nay chưa từng nghe qua.
Quân Hán vỏn vẹn chỉ có chưa tới 9000 người, trước thế tấn công ồ ạt của lực lượng quan quân Vương Mãng, quả thực là rất căng thẳng. Thành Côn Dương mà họ chiếm cứ, tuy nói là thành hào còn kiên cố, muốn giữ thì thực sự cũng có thể giữ được một trận, nhưng bị quân địch vây hãm lâu dài, không nghi ngờ tất phải đổ. Trong chính quyền thay mới mà Lưu Huyền đứng đầu, thực sự hiểu về quân sự, ngoài anh em Lưu Tú ra, hầu như chẳng còn ai. Lưu Diễn lúc đó đang thống lĩnh quân sự tấn công Uyển Thành, trong thành Côn Dương, đám tướng lĩnh không biết chỉ huy quân sự, chẳng một ai chịu phục Lưu Tú. Nhưng, quân địch đã áp sát thành Côn Dương, những người khác không có ai đưa ra được một biện pháp khả dĩ, chỉ có Lưu Tú gặp nguy không sợ, có thể ung dung tính kế. Đại địch trước mặt, không nghe ông ta thì nghe ai đây?
Hơn 40 vạn quan quân kéo thẳng tới Côn Dương, vây thành Côn Dương đến nước cũng không chảy lọt qua được. Bộ thuộc của Lưu Tú, chưa đầy 9.000 quân Hán do Vương Phượng thống lĩnh giữ thành, Lưu Tú dẫn hơn 10.000 người liều chết xông ra khỏi thành, chạy tới Yểm Thành, hy vọng Hán quân ở đó có thể cứu viện cho Côn Dương. Nhưng, các tướng lĩnh nông dân ở đó không chịu phục Lưu Tú, chỉ muốn giữ chặt tài bảo cướp được trong tay, không muốn xuất binh. Lưu Tú đem quan hệ lợi hại trình bày rõ với họ, khiến các tướng lĩnh này nhận rõ cái hiện thực không thể tự bảo tồn trước mắt.
Lưu Tú tập hợp đám Hán quân đó, xông về phía thành Côn Dương đang bị bao vây trùng điệp. Sau đó, ông ta bỗng nảy ra một kế, phái sứ thần đem tới cho quân giữ thành Vương Phượng một phong thư, trong thư nói dối rằng Lưu Diễn đã chiếm được Uyển Thành, phong thư này lại được cố ý làm mất trên đường, để cho nó rơi vào tay quan quân. Tin tức này làm cho trận pháp quan quân đại loạn. Lưu Tú vừa thấy cơ hội đã đến, ông ta nhân cơ hội đó tổ chức một mũi đột kích, đánh thẳng vào trung quân của quan quân Vương Mãng. Trong chốc lát, trung quân của bọn quan quân đại loạn, mấy chục vạn quan quân rút đi như núi đổ. Quân giữ thành Vương Phượng ở bên trong nhìn thấy tình trạng đó, nhân cơ hội đánh mạnh ra ngoài thành. ông trời cũng tới trợ uy, đột nhiên đổ mưa như trút nước, trên chiến trường là một cảnh hỗn loạn, những thú dữ do quan quân mang tới, nhân đó xông ra khỏi lồng chạy toán loạn khắp nơi, bọn quan quân đến trốn chạy cũng không biết phương hướng, ào ào chạy xuống lòng sông Diễn Xuyên, người chết đuối đếm không xuể, dòng sông vì thế bị tắc lại không chảy nổi. Hơn 40 vạn quan quân trong khoảnh khắc biến thành số không.
Trận Côn Dương thắng lớn. Sau khi quan quân thất bại tháo chạy, bỏ lại lương thảo binh khí nhiều vô kể, Hán quân chuyển trong hơn một tháng ròng còn chưa chuyển hết.
Tài năng chỉ huy quân sự của Lưu Tú được bộc lộ một cách hoàn toàn trong trận đại chiến đó, ông ta không bị quan quân hùng mạnh gấp hàng chục lấn dọa cho thất bại, ngược lại ông ta đã tài tình thấy được rằng, cách đánh của quan quân, cũng giống như sư tử đánh bọ chét, sức dù có mạnh hơn nữa cũng không dùng được, mà bọ chét nhỏ muốn cắn sư tử như thế nào thì cắn, sư tử trước sự nhảy nhót của bọ chét, sẽ vồ đập lung tung, cuối cùng sẽ mệt mỏi rã rời. Nếu như tới lúc đó đánh cho nó một đòn chí mạng, nhất định sẽ chiến thắng triệt để. Trận Côn Dương lấy ít thắng nhiều chính là rút ra như thế.
"Tôn Tử Binh pháp" từ lâu đã nói: "Vi địa tắc mưu” (Bị vây tất phải tính kế). Ý nói rằng, rơi vào trùng vây của địch, nhất thiết phải có kế lạ mới có thể đột phá vòng vây. Lưu Tú chính là dùng cách đánh này, ông ta làm cho quân địch trước sau không liên kết được với nhau, thế quân rối loạn, dồn sức đánh kẻ địch cùng đường mà thắng lớn. Trong thương chiến hiện đại “vi địa tắc mưu” cũng là một mưu trí quan trọng.
Công ty dầu lửa Xuất Quang của Nhật Bản, sau đại chiến thế giới lần thứ hai, bị tấn công chí mạng, các thị trường Triều Tiên, Trung Quốc hoàn toàn bị phong tỏa, đặc quyền phân phối dầu lửa ở trong nước cũng bị gạt bỏ cùng lúc một cách tàn khốc. Công ty Xuất Quang rơi vào khốn cảnh bị bao vây trùng trùng ở cả trong lẫn ngoài nước.
Lúc bấy giờ thị trường dầu lửa trong nước trên danh nghĩa nói là Tổ chức dầu mỏ thế giới chi phối, trên thực tế bị khống chế trong tay quân chiếm đóng Mỹ, một số công ty dầu lửa lớn của Mỹ thông qua quân Mỹ khống chế thị trường dầu lửa.
Đứng trước tình thế bất lợi đó, Xuất Quang như nuốt phải mật báo đơn thương độc mã phản kích. Xem như họ có chút dở hơi, nhưng người bị ép vào cảnh này cũng khó có thể quan tâm đến nhiều chuyện như thế được. Họ công khai đệ thư lên Tổ chức dầu lửa thế giới, nói rõ Mỹ lũng đoạn thị trường dầu lửa Nhật Bản là một loại hành vi bóc lột, có rất nhiều tai hại.
Xuất Quang làm như vậy, đã khiến cho Bộ tư lệnh quân Liên hợp quốc, công ty dầu lửa quốc tế cực kỳ tức giận, nhưng thư đệ lên của Xuất Quang câu chữ đúng lý, khiến họ không có cách gì phản bác được. Cuối cùng quân chiếm đóng vào Nhật Bản đến năm thứ ba, cục diện lũng đoạn bắt đầu lung lay, công ty Xuất Quang cũng được phân chia một số hạn ngạch, công ty rốt cuộc đã có tín hiệu tốt. Tới năm sau, chế độ dầu lửa khôi phục lại như trước kia, sự lũng đoạn bên ngoài hoàn toàn bị đánh đổ.
Áp lực bên ngoài đã giảm nhẹ, cạnh tranh cùng lúc lại càng gay gắt hơn. Trong nước một số công ty liên hợp lại với nhau lật đổ công ty Xuất Quang. Trên thị trường quốc tế, một số công ty Anh, Mỹ cũng liên thủ phong tỏa kênh nhập khẩu dầu lửa của công ty Xuất Quang, mượn dịp báo thù.
Đứng trước áp lực chồng chất trong và ngoài nước, Xuất Quang không hề chịu kém. Họ tuyệt đối không cúi đầu trước những công ty lớn kia, quyết tâm tự tổ chức đội tàu, dùng tàu chở dầu loại lớn để vận chuyển dầu, nào sợ khó khăn lớn hơn nữa cũng phải khắc phục.
Dấu hiệu tốt lành cuối cùng đã xuất hiện! Năm 1953, chính phủ Iran quy dầu lửa vào sở hữu nhà nước, điều này đánh mạnh nhất vào công ty dầu lửa Adelu Irani của Anh, cổ đông lớn nhất của dầu lửa Iran trước đây. Nước Anh quyết định dùng vũ lực can thiệp, phái quân hạm phong tỏa vịnh Ba Tư, ép chính phủ Iran thay đổi chính sách, nước Mỹ xuất phát từ lợi ích bản thân cũng ủng hộ cách làm đó của nước Anh. Thế nhưng, công ty Xuất Quang lại gánh lấy áp lực cùng đứng về một phía với Iran, cử tàu chở dầu mới đóng "Nhật Chương Hoàn" đến thẳng cảng Iran chở dầu. Điều này tốt cho cả Iran và công ty Xuất Quang, thủ tướng Iran đích thân tới cảng nhiệt tình đón tiếp.
Công ty Xuất Quang trong thời khắc then chốt đã ủng hộ chính phủ Iran, họ cũng có được nguồn dầu thô giá rẻ đặc biệt và điều kiện ưu đãi. Công ty Adelu Irani của Anh thẹn quá hóa giận, công nhiên khởi kiện lên tòa án quốc tế, lại nói dựng đứng lên rằng công ty Xuất Quang có hiềm nghi đưa và nhận hối lộ. Việc này đã gây nên cuộc sóng to gió lớn trên toàn thế giới, nhưng công ty Xuất Quang không chút sợ hãi, cuối cùng công ty Xuất Quang đã thắng kiện.
Dầu lửa của Iran đã khiến công ty Xuất Quang có được sinh mệnh mới, dũng khí và mưu trí "vi địa tắc mưu” đã giúp cho công ty Xuất Quang trong hang sâu khốn cảnh trùng trùng có thể đi lên được, và đồng thời tự mình có thể đứng vững được.
( Source : Mưu Trí Thời Tần - Hán - Các tác giả : Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm, Chu Chính Thư )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét