Ads 468x60px

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Chương 8 - Tinh thần trách nhiệm

Nói đến "tinh thần độc lập", cần phải tiến thêm một bước nữa để bàn rộng và sâu đến cái nguyên nhân vì đâu con người hiện thời rất thiếu nhiều về tư cách ấy. Nguyên nhân ấy, chính là tinh thần vô trách nhiệm. 

Bất kỳ là làm việc gì, hễ có thất bại thì đổ thừa cho không biết bao nhiêu là nguyên nhân khác ngoài mình, trừ ra mình. Tại xã hội, tại hoàn cảnh, tại mạng số, trừ vận thời... toàn là tại ngoại giới làm cho mình hư hỏng. 


Tinh thần nhu nhược ấy, Epictéte bàn đến nguyên nhân nó bằng một ví dụ rất rõ ràng và đơn giản này. "Vì đâu ta có những cách phán đoán sai lầm? Phải chăng là tại cách dạy dỗ của ta lúc nhỏ. Đi, mà rủi phải vấp lấy cục đá thì vú hay mẹ, thay vì rầy ta, lại đi rầy rà với cục đá, mắng nó, đập nó, để cho ta vui lòng hả dạ. Trời ơi! Cục đá nó tội tình gì? Nó có độ trước rằng ta sẽ đụng nó để mà tránh qua chỗ khác chăng? Đến khi lớn lên, đi tắm về, mà cơm dọn chưa xong, ta nóng giận, la lối om sòm. Thay vì dạy cho ta thấy sự lầm lạc và vô nghĩa lý của cử chỉ ta, thì thấy mẹ ta lại đi rầy chị ở hay anh bếp... Đến khi ta thành nhân rồi, ra ở đời, hằng ngày trước mặt ta cũng vẫn xảy ra toàn những cảnh ngộ như thế. Khi ấy ta cũng vẫn đối đãi với nó như lúc ta còn thơ ấu. Than ôi! Đời sống của ta chỉ mãi là đời sống của một đứa con nít mà thôi sao?". 

Bà Maria Montessori nói: "Đứa trẻ không tập hành động lấy một mình, không tập chỉ huy lấy hành vi của mình, không tập cai quản lấy ý chí của mình, khi lớn lên sẽ là một kẻ dễ bị dụ dỗ, sai khiến, và luôn luôn có tánh ỷ lại vào người khác. Đứa học trò thường bị rầy la quở mắng sẽ sanh lòng chán nản, không tin mình và hay sợ sệt nhút nhát. Lớn lên sẽ là kẻ có tính phục tùng và hay rủn chí, thiếu cả nghị lực tinh thần. 

"Sự phục tùng mà ta bắt buộc con cái ta phải theo, sự phục tùng tuyệt đối, vô lý và bất công, đó là cách điêu luyện chúng để tránh dễ bị lôi cuốn theo những sức mạnh đui mù của xã hội. 

"Trừng phạt bằng cách đem đứa có tội làm bia quở trách cho phần đông bạn tác, thật không khác nào cái khổ hình "đóng nọc" (supplice au pilori), cái đó làm cho đứa trẻ sợ điên lên, đến không còn nghị lực suy nghĩ phán đoán gì nữa cả đối với dư luận chung quanh, dẫu rằng dư luận ấy có bất công lầm lạc đến thế nào cũng mặc. Cái đó, nó làm hèn con người đi, đến mất cả lòng tin, tự trọng. Sau này, chúng sẽ là bọn người có tính quá sùng bái đui mù đối với những tay lãnh đạo, bất kỳ là họ thuộc về đảng phái nào...". 

Tinh thần vô trách nhiệm, như ta thấy, do cách giáo dục sai lầm gây nên, đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi một người của chúng ta, nên chi, không trách vào ngày nay hạng người điềm đạm rất ít thấy. 

Kẻ bao giờ cũng ỷ lại vào kẻ khác để định đoạt cuộc đời cho mình, bất cứ hành động hay tư tưởng nào, cũng phục tùng, mô phỏng theo kẻ khác, kẻ ấy không bao giờ làm tín đồ của điềm đạm được. 

Họ trốn tránh trách nhiệm: bất kỳ là việc gì sự gì, họ là kẻ theo sau kẻ khác. Ở nhà thì có cha mẹ, anh chị thay thế mà tư tưởng và chỉ huy hành động cho. Lớn lên, có hội đảng, có nghiệp đoàn, có tôn giáo, luân lý, sách vở thay thế mà tư tưởng và chỉ huy hành động cho; họ không cần phải suy nghĩ lấy một mình nữa. Họ là một phần tử vô trách nhiệm trong những cuộc hưng vong trị loạn của gia đình, của quốc gia, của xã hội nhân loại. 

Người vô trách nhiệm là người vô tâm, mà vô tâm, là để tâm hồn mình tha hồ cho ngoại cảnh lôi cuốn, sai sử, người như thế là người nô lệ, không thể điềm đạm được. Điềm đạm là hiện tượng của một tâm hồn tự chủ, hết sức hữu tâm trong các hành vi hay tư tưởng của mình. 

Ta cần phải tập cái tánh "ham trách nhiệm" ngay từ lúc nhỏ, không thế, lớn lên khó mà trừ khử nó cho dễ dàng bởi vì "thói quen" vô trách nhiệm cũng đáng sợ vậy.

(Source : Cái dũng của thánh nhân - Nguyễn Duy Cẩn)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét