Di chuyển của hành tinh |
Giới thiệu và chú dịch: Nguyễn Hiến Lê
1
Trời có vận chuyển không? Đất có đứng im không? Mặt trời mặt trăng có tranh chỗ với nhau không? Ai làm chủ tể cái đó? Ai duy trì cái đó? Ai vô sự mà đẩy cái đó, khiến nó chạy? Hoặc giả có một cái máy bí mật bất đắc dĩ chạy hoài chăng? Hay là vũ trụ tự nhiên vận chuyển mà không tự ngưng được chăng? Mưa là do mây chăng? Hay mây là do mưa? Ai làm mưa đổ? Ai vô sự mà cao hứng gây ra cái đó? Gió nổi ở phương Bắc, khi thì thổi qua Tây, khi thì thổi qua Đông, có lúc lại xoáy ốc, mà cuốn lên cao. Ai hô hấp mà thành như vậy? Ai vô sự mà hướng gió về phía này phía khác và làm nó ngừng? Xin hỏi ông nguyên do ở đâu.
Thầy bói Hàm Triêu[1] đáp:
- Lại đây tôi giảng cho nghe. Trời có lục cực (trên dưới và bốn phương) và ngũ thường (tức ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ). Bậc đế vương mà thuận theo những cái đó thì thiên hạ bình trị, nếu không thì nguy, loạn. Những việc trong cửu châu [tức Trung Hoa] có trật tự, thành công, mà đạo đức thì đủ, chiếu khắp mọi nơi, mọi người đều theo, đó các bậc thượng hoàng [đức cao hơn đế vương] trị dân như vậy.
2
Viên thái tể triều Thương [tức triều Tống, vì Tống là hậu duệ của Thương], tên là Đãng hỏi Trang tử về đức nhân.
Trang tử đáp:
- Hùm sói là nhân đấy.
- Sao vậy?
- Cha con chúng yêu nhau, chẳng nhân là gì.
- Xin hỏi thế nào là chí nhân?
- Chí nhân thì không nghĩ tới cha mẹ.
Thái tể hỏi:
- Đãng tôi nghe nói không nghĩ tới cha mẹ thì không yêu cha mẹ, không yêu cha mẹ là bất hiếu. Có thể bảo chí nhân thì bất hiếu được không?
Trang tử đáp:
- Không phải vậy. Chí nhân là một đức rất cao, không thể dùng đức hiếu mà xét nó được. Lời ông nói đó không phải là vượt được mà là chưa đạt được đức hiếu. Một người đi về phương Nam, tới kinh đô của Sở là Dĩnh, quay về phương Bắc không thấy núi Ninh[2] là tại sao? Tại tiến về phương Nam quá xa rồi. Cho nên bảo rằng: “Làm con kính trọng cha mẹ dễ hơn là thương yêu cha mẹ; thương yêu cha mẹ thì dễ hơn quên cha mẹ; quên cha mẹ lại dễ hơn là làm sao cho cha mẹ quên mình; làm sao cho cha mẹ quên mình đi lại dễ hơn mình quên hết được thiên hạ[3]; quên hết được thiên hạ lại dễ hơn là làm sao cho thiên hạ quên mình đi. Người như vậy bỏ hết đức của vua Nghiêu, vua Thuấn, tự nhiên mà vô vi, ân huệ truyền đến muôn đời mà thiên hạ không ai biết, đâu phải như hạng than thở về đạo đức mà khuyên nhân với hiếu? Hiếu để, nhân nghĩa, trung tín, trinh, liêm đều là miễn cưỡng uốn nắn bản tính, có gì đâu mà khen? [4] Cho nên bảo: “Bậc chí quí thì coi thường tất cả các chức tước trong nước; bậc chí phú coi thường tất cả của cải trong nước; bậc cực vẻ vang[5] thì coi thường tất cả các danh dự ở đời. Bởi vậy Đạo vĩnh cữu bất biến”[6].
3
Bắc Môn Thành [một bề tôi của Hoàng Đế] hỏi Hoàng Đế:
- Khi bệ hạ tấu khúc Hàm Trì ở cánh đồng Động Đình[7], mới nghe thần thấy sợ, rồi sau nghe thấy thơ thới trong lòng, sau cùng thấy quên bản thân đi, hoang mang, lẳng lặng, tinh thần bất định.
Hoàng Đế bảo:
- Ngươi gần hiểu được khúc đó. Ta tấu khúc đó vì người, ta chứng nghiệm nó với trời, thi hành nó theo lễ nghĩa, dựng nó bằng cái cực thanh khiết [tức Đạo trời]. Thứ nhạc toàn thiện thì trước hết ứng với nhân sự, thuận với thiên lí, tiến hành theo ngũ đức [tức ngũ hành: kim mộc thuỷ hoả thổ], hợp với tự nhiên. Rồi sau nó điều lí bốn mùa, hoà hợp với vạn vật. Bốn mùa nối tiếp nhau, vạn vật kế nhau sinh sản. Cứ một thời thịnh tớo một thời suy, văn rồi tới võ [tức trị rồi tới loạn], trong rồi đục, âm dương điều hoà, ánh sáng đầy tràn, thanh âm dào dạt[8]. Các côn trùng ngủ ở dưới đất [đông miên] nghe tiếng nhạc mà thức dậy, nghe tiếng sấm tiếng sét của ta mà kinh hoảng. Thanh âm liên tục không biết ngắt ở đâu, bắt đầu ở đâu, thanh âm này tắt thì thanh âm khác phát, cứ đưa vút lên rồi hạ xuống như một dòng bất tuyệt, biến hoá bất ngờ. Vì vậy mà ngươi sợ.
Rồi ta lại tấu theo điệu âm dương hoà hợp, đem ánh sáng mặt trời mặt trăng chiếu vào, thanh âm khi ngắn khi dài, khi nhu khi cương, biến hoá hợp tiết, không theo hoài một điệu, vang lừng trong hang trong khe, làm bế tắc cảm quan, ngưng trệ tinh thần, tuỳ theo nhịp điệu của vạn vật, nghe thấy rộng lớn và cao sáng. Cho nên quỉ thần giữ chỗ u minh, còn mặt trăng mặt trời, tinh tú theo kĩ cương mà vận hành. Chỗ nào hết thì ta ngưng rồi dòng thanh âm lại tiếp tục tới vô cùng. Ta suy nghĩ về nó mà không hiểu, nhìn nó mà không thấy, đuổi theo mà không kịp. Ta thảng thốt đứng ở một ngả tư hư vô, tựa vào một cây ngô đồng khô mà hát. Mắt ta không đủ sáng để thấy cái ta muốn thấy, sức ta không đủ mạnh để đuổi kịp cái ta muốn đuổi. Trong thân thể ta toàn là hư không, ta uyển chuyển theo tự nhiên; ngươi nghe nhạc cũng uyển chuyển theo tự nhiên cho nên thấy thơ thới.
Sau cùng ta phát ra thanh âm rất hoạt, điều hoà chúng bằng luật tự nhiên, cho nên thanh âm dồn dập, du dương mà vô hình, lan rộng ra mà không miễn cưỡng, trầm trầm tựa như vô thanh. Chúng phát động ở ngoài không trung, ngưng lại ở chỗ thăm thẳm tối tăm. Lúc thì chúng như chết, lúc thì như sống, lúc như quả, lúc như hoa, lúc chảy, lúc ngừng, lúc tán, lúc tụ, biến đổi hoài. Ai nghi ngờ điều đó, cứ hỏi bậc thánh thì biết. Thánh là bậc nhận được bản tính của mình và thuận theo nó. Thiên cơ phát mà ngũ quan đều đủ, như vậy là “cái vui của trời”, không nói mà lòng vui. Cho nên vua Hữu Diễm khen nhạc đó rằng: “Nghe không thấy tiếng, nhìn không thấy hình; nó đầy cả trời đất, trùm cả vũ trụ”. Ngươi muốn nghe nó mà không muốn tiếp nó, nên hoang mang, quên bản thân đi.
Nhạc của ta bắt đầu từ sự kinh hoảng, kinh hoảng gây nên tai ương; rồi sau thơ thới, thơ thới gây nên sự thuần hoà; sau cùng làm cho tâm hồn hoang mang, hoang mang gây sự ngu muội. Ngu muội, không dùng trí tuệ thì gần được Đạo. Đạo có thể chở người và dắt người đi khắp nơi.
4
Khổng Tử qua phía Tây tới nước Vệ. Nhan Uyên [tức Nhan Hồi] hỏi thái sư nước Lỗ, tên là Kim:
- Ông nghĩ sao về hành vi của thầy tôi?
- Tiếc thay! Thầy ông sẽ bị khốn cùng mất.
- Tại sao?
- Chó rơm, khi chưa bày để cúng tế thì được cất kĩ trong rương, bao kĩ bằng gấm thêu, bọn thân chủ, thầy cúng trai giới rồi mới đem nó ra. Khi đã bày cúng xong rồi thì người đi ngang qua dẫm lên đầu lên lưng nó, người cắt cỏ lượm nó về chụm. Nếu [còn tiếc] đem về cất lại trong rương, bao bằng gấm thêu mà đi đứng, nằm ngồi bên cạnh nó thì không bị ác mộng cũng bị bóng đè. Nay thầy ông lượm những con chó rơm mà tiên vương đã dùng để cúng tế rồi, họp môn sinh mà cùng nhau đi đứng, nằm ngồi bên cạnh những con chó rơm đó. Vì vậy mà ở Tống bị cái hoạ “chặt cây”[9], bị cái nhục cấm vô nước Vệ[10]; và bị cùng khốn ở Thương, Chu; đó chẳng phải là ác mộng của thầy ông ư?
Đi trên sông nước thì không gì bằng dùng thuyền, đi trên bộ thì không gì bằng dùng xe. Nếu đẩy thuyền đi trên bộ thì cả đời chỉ tiến được vài thước. Xưa với nay khác nhau cũng như trên nước và trên bộ, mà nước Chu và nước Lỗ chẳng khác nhau như thuyền với xe ư? Nay đem pháp độ nước Chu áp dụng vào Lỗ thì không khác gì muốn đi bằng thuyền trên bộ. Mệt sức mà không có kết quả, thân sẽ bị tai hoạ. Thầy của ông chưa biết cái tính cách vô thường của mọi truyền thống và cái phép thích ứng với hoàn cảnh để tránh tai hoạ.
Ông có biết cái cần để lấy nước không?[11] Kéo nó thì hạ xuống, thả ra thì nó ngỏng lên. Nó luôn luôn bị người ta kéo chớ không hề kéo người ta. Cho nên không ai trách nó lúc thì hạ xuống lúc thì ngỏng lên. Cho nên lễ nghi, pháp độ các đời Tam Hoàng [Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng], Ngũ Đế [Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn] không cần giống nhau mà cốt trị được thiên hạ, như trái “tra”, trái lê, trái quất, trái bưởi vị tuy khác nhau mà đều ngon miệng. Cho nên lễ nghĩa phải biến đổi cho hợp thời. Nay lấy áo của Chucông mà bắt vượn, khỉ mặc thì tất chúng cắn xé ra từng mảnh rồi mới thoả lòng. Đời xưa và đời nay khác nhau cũng như con vượn con khỉ khác ông Chu công vậy. Nàng Tây Thi đau tim mà nhăn mặt, một người xấu xí trong làng thấy vậy cho là đẹp, rán bắt chước, cũng ôm ngực mà nhăn mặt. Những người hàng xóm giàu có thấy vậy, đóng cửa kĩ, không ra khỏi nhà, còn người nghèo dắt vợ, bồng con bỏ chạy. Người đàn bà xấu xí kia không biết rằng nàng Tây Thi nhăn mặt mà đẹp chính là vì nàng vốn đẹp. Vậy thầy của ông sẽ bị khốn cùng mất.
5
Đã năm mươi mốt tuổi, mà vẫn chưa được nghe về Đạo, nên Khổng Tử đi xuống đất Bái ở phương Nam để yết kiến Lão Đam.
Lão Đam bảo:
- Ông lại đấy ư? Tôi nghe nói ông là người hiền phương Bắc. Ông hiểu Đạo không?
Khổng Tử đáp:
- Tôi chưa hiểu.
- Ông tìm Đạo cách nào?
- Tôi tìm Đạo trong độ số[12], năm năm mà không được.
- Rồi làm sao nữa?
- Rồi tôi tìm nó trong âm dương, mười hai năm mà không được.
Trời có vận chuyển không? Đất có đứng im không? Mặt trời mặt trăng có tranh chỗ nhau không? Ai làm chủ tể cái đó? Ai duy trì cái đó? Ai vô sự mà đẩy cái đó, khiến nó chạy? Hoặc giả có cái máy bí mật bất đắc dĩ chạy hoài không? Hay vũ trụ tự nhiên vận chuyển mà không tự ngừng được chăng? Mưa là do mây chăng? Hay mây là do mưa? Ai làm cho mưa đổ? Ai vô sự mà cao hứng gây ra cái đó? Gió nổi ở phương Bắc, khi thì thổi qua Tây, khi thì thổi qua Đông, có lúc lại xoáy ốc, mà cuốn lên cao. Ai hô hấp mà thành như vậy? Ai vô sự mà hướng gió về phía này phía khác và làm nó ngừng? Xin hỏi ông nguyên do ở đâu?
Lão Đam bảo:
- Dĩ nhiên. Nếu Đạo có thể dâng cho người khác được thì ai cũng dâng nó lên vua rồi; nếu có thể tặng được thì ai cũng tặng nó cho cha mẹ rồi; nếu nó có thể bảo cho người khác hay được thì ai cũng đem nó cho con cháu rồi. Nhưng không được. Nguyên do như vầy: Trong lòng không có bản chất của Đạo thì Đạo không lưu lại trong đó được; ngoài không phối hợp với đối tượng thì Đạo không vận hành được. Nếu phát động ở trong mà ngoài không tiếp thu được thì thánh đức[13] không hiện; nếu phát động ở ngoài mà trong lòng không có sẵn bản chất của Đạo thì thánh đức không lưu lại.
Danh vọng là do người khác cho mình[14], không nên nhận nhiều quá. Nhân và nghĩa là quán trọ của tiên vương, chỉ nên ghé đó một đêm, không nên ở lâu, ở lâu thì bị nhiều điều trách móc[15].
Bậc chí nhân thời xưa mượn con đường “nhân” mà đi, ghé quán “nghĩa” mà nghỉ (chớ không ở đó lâu), thảnh thơi tiêu dao, sống đạm bạc và độc lập. Tiêu dao thì vô vi, sống đạm bạc thì dễ thoả mãn, độc lập thì không bị tổn thất. Đời xưa cho như vậy là giữ được bản chân.
Ai nhắm việc làm giàu thì không từ bỏ được lợi lộc; ai nhắm sự vinh hiển thì không từ bỏ được cái danh; ai nhắm quyền thế thì không nhượng quyền bính cho người được; nắm giữ nó thì run sợ mà buông ra thì rầu rĩ. Những người đó không có gì để tự răn mà hãm bớt thị dục, họ bị trời hành hạ. Oán, ân, lấy, cho, khuyên răn, dạy bảo, sinh, sát, tám cái đó là khí cụ của chính quyền. Chỉ người nào thuận theo sự biến hoá tự nhiên là dùng được những khí cụ ấy. Cho nên bảo: “Tự sửa mình cho ngay rồi mới cai trị được người”. Trong lòng không theo qui tắc ấy thì thiên cơ không mở ra đâu.
6
Khổng Tử lại yết kiến Lão Đam, thảo luận về nhân, nghĩa. Lão Đam bảo:
- Khi sàng sảy, cám bay lên làm mờ mắt và ta có cảm tưởng trời đất và bốn phương đổi chỗ hết. Bị muỗi mòng chích da thì suốt đêm trằn trọc. Nhân nghĩa làm tổn hại bản tính, mê hoặc tâm trí, không có loạn nào lớn hơn. Nếu ông muốn cho thiên hạ giữ được bản tính chất phác thì ông nên hành động như ngọn gió tự nhiên thổi kia, hợp với đạo đức nguyên thuỷ, chứ đừng đề cao nhân nghĩa như người ta đánh trống để tìm đứa trẻ thất lạc.
Con thiên nga mỗi ngày mỗi tắm đâu mà lúc nào cũng trắng; con quạ mỗi ngày mỗi bôi đen đâu mà lúc nào cũng đen. Trắng và đen đều là màu tự nhiên, không cần phân biệt xấu đẹp. Ngưỡng mộ danh dự là tỏ rằng có óc hẹp hòi.
Khi suối cạn thì cá trốn với nhau trong bùn, phà hơi lẫn cho nhau, phun dãi nhớt vào nhau, như vậy sao bằng ở sông hồ mà quên nhau.[16]
*
Khổng Tử lần đó yết kiến Lão Đam về, ba ngày không nói năng gì cả. Môn đệ hỏi:
- Thầy đi thăm Lão Đam, khuyên ông ta điều gì vậy?
Khổng Tử đáp:
- Thầy đã được thấy con rồng. Rồng thu mình lại thì thành một khối, duỗi ra thì thành những hình đẹp. Nó cưỡi mây, không khí, phối hợp âm dương. Thầy há hốc miệng ra mà không khép lại được, nói chi tới khuyên với bảo.
Tử Cống nói:
- Như vậy là có hạng người lúc thì yên lặng không nhúc nhích như thần chủ, lúc thì biến hoá như con rồng, lúc thì vang như sấm sét, lúc thì trầm mặc như vực thẳm, phát động [không sao đoán được] như trời đất chăng? Con có thể lại thăm ông ấy được không?
Rồi Tử Cống lấy danh nghĩa Khổng Tử tới yết kiến Lão Đam. Lão Đam ngồi trên nhà mà tiếp, hỏi nho nhỏ:
- Tôi già rồi, em có điều gì chỉ bảo cho tôi?
Tử Cống đáp:
- Tam vương ngũ đế[17] trị dân mỗi người một cách, nhưng thanh danh ngang nhau. Nhưng tại sao riêng tiên sinh cho những vị ấy không phải là bậc thánh?
- Lại đây em. Tại sao em bảo các ông ấy trị dân mỗi người một khác?
- Vua Nghiêu nhường ngôi cho ông Thuấn; vua Thuấn truyền ngôi cho ông Vũ. Ông Vũ dùng sức mạnh[18]; ông Thành Thang dùng binh [đánh đuổi vua Kiệt]; ông Văn vương theo vua Trụ mà không dám bội nghịch, ông Võ vương bội nghịch vua Trụ mà không chịu theo[19]. Vì vậy tôi bảo các ông ấy trị dân mỗi người một khác.
Lão Đam bảo:
- Lại gần đây, em. Qua giảng cho em nghe về việc trị dân của tam vương, ngũ đế. Hoàng Đế trị thiên hạ, khiến cho lòng dân thuần nhất. Dân [không yêu riêng người thân của mình, cho nên] không khóc khi cha mẹ chết, mà không cho như vậy là trái đạo. Vua Nghiêu trị thiên hạ, khiến dân yêu riêng người thân của mình mà sơ với người ngoài[20] mà không ai cho như vậy là trái. Vua Thuấn trị thiên hạ khiến cho dân ganh đua nhau; đàn bà có mang mười tháng rồi sanh con, đứa bé được năm tháng là biết nói[21], chưa thành một nhi đồng mà đã phân biệt được người này người khác và (thời đó bắt đầu) có những người chết yểu. Vua Vũ trị thiên hạ, khiến cho lòng dân biến loạn, cho sự sát phạt là thuận thiên[22], bảo giết một tên cướp không phải là giết người, ai nấy tự làm theo ý mình, vì vậy mà xã hội sống trong cảnh kinh khủng. Lúc đó đạo Khổng và đạo Mặc xuất hiện, đặt ra luân thường [tức tổ chức xã hội] bắt mọi người theo. Phải vậy không em?
Qua bảo em này: tam hoàng ngũ đế trị thiên hạ, gọi là trị, chứ thực ra là đại loạn. Trí tuệ của tam hoàng, trên thì trái với mặt trời mặt trăng, dưới thì ngược với thế của sông núi, ở giữa thì làm loạn bốn mùa. Trí tuệ của họ còn độc hơn là nọc ở đuôi con bò cạp nữa. Ngay những sinh vật nhỏ nhất cũng không sống yên theo bản tính của chúng được. Vậy mà các ông ấy tự cho là thánh nhân, thật là xấu hổ, vô liêm sỉ.
Tử Cống nghe rồi, kinh sợ, lảo đảo, đứng ngồi không yên.
7
Khổng tử nói với Lão Đam:
- Khâu tôi nghiên cứu lục kinh: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu, tự cho là đã tốn công và hiểu được kĩ. Tôi đã yết kiến bảy mươi hai ông vua, bàn luận về đạo của tiên vương, giảng rõ về chính sách của Chu công và Thiệu công[23], không một ông vua nào dùng lời của tôi cả. Quá lắm! Tại khó thuyết phục bọn họ hay tại khó làm sáng được đạo?
Lão tử đáp:
- Không gặp một ông vua nào biết trị nước, là may cho ông đấy. Vì lục kinh chỉ là cái di tích cổ hủ của tiên vương, đâu phải là tinh thần tiên vương lưu lại[24]. Những lời ông nói ngày nay cũng là dấu vết thôi. Như giày dẫm lên đất để lại một cái dấu, dấu đó không phải là giày. Loài ngỗng trắng, con trống con mái nhìn nhau trừng trừng, con ngươi không cử động mà tự nhiên sinh sản; con sâu đực kêu lên ở trên, ở dưới con cái hoạ theo, mà tự nhiên sinh sản. Hễ có con đực con cái cùng một loài thì sinh sản dễ dàng. Không thể đổi được thiên tính cùng vận mệnh; bốn mùa không thể ngừng lại được, đại đạo không thể bị nghẽn, lấp. Đạt được đạo thì làm gì cũng được, để mất nó thì không làm gì được cả.
Khổng Tử nghe rồi, ba tháng không ra khỏi cửa. Sau trở lại thăm Lão Đam, bảo:
- Khâu tôi đã hiểu rồi. Con quạ và con chim khách ấp trứng, con cá phun bọt [trứng] ra; con ong sinh sản; em sinh ra thì anh khóc[25]. Đã từ lâu, Khâu tôi không dự vào sự biến hoá của trời đất. Người nào không dự vào sự biến hoá thì làm sao biến hoá được người khác?
Lão tử bảo:
- Được, ông hiểu đạo rồi đấy.
NHẬN ĐỊNH VỀ BA CHƯƠNG : THIÊN ĐỊA, THIÊN ĐẠO, THIÊN VẬN
Cũng như bốn chương đầu Nội thiên, ba chương này dùng một số danh từ không có trong thời Trang tử.
Như bài XIII.1 có chữ “tố vương” (ông vua không ngôi), chữ này trỏ Khổng Tử, xuất hiện vào đời Hán, sau Trang tử mấy trăm năm. Bài XIV.7 dùng danh từ “lục kinh” để trỏ Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân Thu, Dịch; bài XIII.6 dùng danh từ “thập nhị kinh” (tức lục kinh và lục vĩ); hai danh từ này cũng do người đời Hán đặt ra.
Đó là về hình thức, về nội dung ta càng thấy rõ ràng tác giả không phải là Trang tử, mà là nhiều người có nhiều khuynh hướng khác nhau, chỉ có một điểm giống nhau là tư tưởng chính trị ôn hoà; vì điểm này mà ba chương được sắp chung thành một tổ hợp.
1. Trước hết, một số bài còn giữ được gần đúng tư tưởng của Trang tử, như bài XII.8 bàn về vũ trụ, bài XII.4 bàn về tri thức, bài XII.10 bàn về chính trị…, nhưng tác giả những bài ấy không đưa ra một ý kiến nào mới mẻ, không phát huy thêm được gì mà bút pháp cũng tầm thường.
2. Một số tác giả khác chịu ảnh hưởng của Khổng học (gọi Khổng Tử là Phu tử - XII.9), khen cách trị dân của thánh nhân: “đặt ra các chức quan tuỳ theo nhu cầu, giao chức vụ tuỳ theo tài năng của mỗi người, hiểu hết sự tình của dân và thuận theo khuynh hướng của dân mà làm…” (XII.12).
Họ cho nhân nghĩa là có ích, miễn là đừng thái quá. Bài XIV.5 có đoạn: “Nhân nghĩa là quán trọ của tiên vương, chỉ nên ghé đó một đêm, không nên ở lâu, ở lâu thì bị nhiều điều trách móc. Bậc chí nhân thời xưa mượn con đường “nhân” mà đi, ghé quán “nghĩa” mà nghỉ, thảnh thơi tiêu dao, sống đạm bạc và độc lập”.
3. Một số bài nữa cơ hồ đứng hẳn về Khổng phái. Đây là một đoạn trong bài XIII.4: “Có quí có hèn, có trước có sau, đó là trật tự của trời đất; thánh nhân theo trật tự ấy. Trời cao, đất thấp, đó là vị trí của thần minh. Xuân hạ trước rồi mới tới thu đông, đó là trật tự của bốn mùa (…) Như trời đất cực thần minh kia mà còn có tôn ti, trước sau, huống hồ là người. Ở tôn miếu thì trọng những bậc vào hàng ông cha mình, ở triều đình thì trọng chức tước, ở hương đảng thì trọng người già, xử sự thì trọng người hiền, đó là trật tự của đại đạo”.
Tác giả Tề vật luận mà lại chủ trương tôn ti như vậy ư? Câu cuối giá đặt vào bộ Mạnh tửthì hợp hơn, vì diễn lại đúng ý trong câu “Triều đình mạc như tước, hương đảng mạc như xỉ, trưởng dân mạc như đức”[26] trong Công Tôn Sửu hạ, bài 2.
Đoạn cuối bài XII.11, cũng khiến chúng ta ngờ rằng tác giả bênh vực Khổng Tử mà chê Lão Trang. Khổng Tử bảo Tử Cống: “Người đó (tức bảo ông làm vườn không chịu dùng cơ giới – cái cần vọt – vì sợ sẽ sinh ra cơ tâm) hiểu lầm đạo thuật của thời nguyên thuỷ hỗn mang. Người đó (…) biết trị nội tâm mà không biết trị ngoại vật. Giữ cái tâm sáng suốt, chất phác, vô vi để trở về với tự nhiên, giữ được bản tính và tinh thần, ngao du trong cõi thế tục, cái đó có gì đáng cho (…) thầy trò mình biết?”.
4. Lại có người chịu ảnh hưởng của pháp gia nữa. Họ bảo có thể dùng “hình danh, thưởng phạt” để trị dân (Bài XIII.4), họ cho “công nghệ ở trong nhiệm vụ của quốc gia” (XII.1), họ chê Khổng Tử lạc hậu: “Xưa với nay khác nhau cũng như trên nước và trên bộ, mà nước Chu và nước Lỗ chẳng khác nhau như thuyền với xe ư? Nay đem pháp độ nước Chu áp dụng vào Lỗ thì không khác gì muốn đi bằng thuyền trên bộ”. Vậy lễ nghĩa pháp độ phải biến đỗi cho hợp thời, đừng làm cái trò lấy áo Chu công bắt vượn khỉ mặc. (XIV.4).
Tôi tưởng đâu nghe lời của Hàn Phi. Nghiên cứu Nam Hoa kinh mà gán cho Trang những tư tưởng đó thì oan cho Trang quá.
Rồi còn quan niệm vô vi “mới mẻ” này nữa: “Theo qui tắc vô vi thì trị được thiên hạ mà còn dư sức, nên hữu vi thì bị thiên hạ sai khiến mà vẫn không đủ sức... Người trên mà vô vi, người dưới cũng vô vi nữa, thế là dưới cũng có đức như trên mà không có bề tôi nữa. Cũng vậy, nếu người dưới hữu vi, người trên cũng hữu vi, thế là trên dưới cùng một đạo, mà không có vua nữa. Vậy trên phải vô vi mà trị thiên hạ, dưới phải hữu vi để giúp thiên hạ, đó là luật bất di bất dịch”. (XIII.3).
Vô vi đâu phải là thứ vô vi không làm gì trái với thiên nhiên, với bản tính vạn vật; mà là thứ vô vi của Pháp gia, vua không làm gì cả, chỉ kiểm soát, dò xét, còn mọi việc để bề tôi làm hết.
5. Sau cùng, trong nhóm mà La Căn Trạch gọi là “hữu phái” này, còn có nhà theo thuyết tu tiên. Họ bảo thánh nhân “sống ngàn năm rồi, chán cõi trần này thì lên tiên, cưỡi đám mây trắng mà tới cõi Thượng Đế” (XII.6). Chắc họ sống đời Tần hay đầu Hán, thời mà phong trào tu tiên rất thịnh: Tần Thuỷ Hoàng cầu thuốc trường sinh bất tử, và phái người ra biển Đông tìm cảnh Bồng Đảo.
*
Tóm lại trong ba chương này, tư tưởng rất phức tạp, có tới năm khuynh hướng: theo Trang thuần tuý, theo Trang mà chịu ảnh hưởng của Khổng, theo Khổng gần như thuần tuý, theo Pháp gia và theo bọn Đạo gia tu tiên.
Tư tưởng của Trang không được phát huy thêm mà chỉ bị bôi xanh bôi đỏ, lem luốc tới không nhận ra được nữa.
Đạo không còn là căn bản của vũ trụ, đã bị hạ bệ nhường ngôi cho thiên, rồi cho Thượng Đế.
Bài Đại tôn sư 1, Trang tử bảo: “Đạo là tự gốc của nó, trước khi có trời đất đã có nó rồi. Nó tạo ra quỉ thần, thượng đế, nó sinh ra trời đất”. Ba chương này ngược lại, cho Đạo từ trời ra: “Đạo gồm ở trong trời” (Đạo kiêm ư thiên – XII.1); “cổ nhân làm sáng Đạo thì trước hết làm sáng cái luật trời, rồi tới Đạo và Đức” (XIII.4); “Trời có lục cực (trên dưới và bốn phương) và ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ)” (XIV.1), tức như nói trời là nguồn gốc của tất cả.
Nội việc dùng từ “Thiên đạo” – mà ta đã thấy ở cuối chương XI (hữu thiên đạo, hữu nhân đạo – bài 6) – làm nhan đề chương XIII cũng cho ta thấy sự suy vi của học thuyết Lão, Trang rồi.
Đạo bị phân biệt làm hai: của trời và của người; thì quan niệm vô vi cũng phải biến đổi: vua – con trời – mới được vô vi, còn bề tôi phải hữu vi.
Chủ trương “tề vật” mất hẳn: có trên, có dưới, có tôn ti, có trước sau, có thị phi (nên nhân nghĩa hoá ra hữu ích); ngay đến sinh tử cũng không ngang nhau nữa, người ta trọng sinh khinh tử (nên mới cầu được trường sinh), như vậy sự tiêu dao chỉ dành riêng cho những bậc thánh sống ngàn năm, chán cõi trần rồi lên tiên.
Tuy nhiên ba chương này cũng có được ít bài thú vị:
- bài XII.9 dùng một ngụ ngôn để diễn cái ý đạo của cổ nhân không thể truyền lại được, mà sách chỉ là cặn bã của cổ nhân.
- bài XIV.4 giảng cho ta rằng mọi truyền thống, pháp độ đều vô thường, chỉ có ích cho một thời, tới thời sau sẽ vô dụng. Ý này tấn bộ, được bọn Pháp gia áp dụng triệt để mà gây một cuộc cách mạng vĩ đại ở cuối thời Chiến Quốc.
- bài XII.11: cơ giới sinh ra cơ tâm.
- bài XIV.1 đưa ra một hơi mười mấy câu hỏi về vũ trụ: “Trời có vận chuyển không? Đất có đứng im không? Mặt trời mặt trăng có tranh chỗ với nhau không? Ai làm chủ tể cái đó? Ai duy trì cái đó? vân vân…”[27].
khiến cho ta nhớ tới bài Thiên vấn[28] của Khuất Nguyên. (Khuất Nguyên hỏi trời tới một trăm bảy mươi hai câu!).
- và bài XII.14, “Mọi người đều mê, riêng một mình tôi tỉnh”: tâm lí sâu sắc mà giọng thật buồn; thật là tiếng kêu thanh mà trầm trong một xã hội loạn.
Chú thích:
[1] Có sách đọc là Xiêu hoặc Điêu, hoặc Thiêu. Một thầy bói nổi danh đời Ân. Cũng có thể dịch là Vu Hàm Triêu. Vu là thầy bói, lấy tên nghề làm họ. Như vậy tên họ gồm hai chữ: Vu Hàm.
[2] Ở tỉnh Hà Nam ngày nay.
[3] Vì lúc đó đã hợp nhất với trời đất, không phân biệt người và ta, thân và sơ nữa.
[4] Nguyên văn: chí nguyện. Có sách dịch là: rất được hâm mộ; lại có sách dịch là: ý chí rất cao. [Sách in sai. Theo bác Vvn thì nguyên văn là: bất túc đa dã 不足多也, có nghĩa là chẳng đủ/đáng để khen (tức không nên khen làm gì, hoặc có đáng gì đâu mà khen) – Goldfish].
[5] Nguyên văn: chí nguyện. Có sách dịch là: rất được hâm mộ; lại có sách dịch là: ý chí rất cao. [Theo bác Vvn, có bản chép là chí hiển 至顯 thay vì chí nguyện 至願- Goldfish]
[6] Nghĩa là: Đạo vĩnh cửu bất biến vì nó chí quí, chí phú, cực vẻ vang.
[7] Không phải gần Động Đình hồ. Đây chỉ là một tên tượng trưng.
[8] Nguyên văn: lưu quang kì thanh, L.K.h. dịch là: thanh âm chảy ra và chiếu sáng.
[9] Lần đó thầy trò Khổng Tử ngồi thảo luận dưới một gốc cây ở nước Tống, quan tư mã nước Tống muốn giết ông, nhưng ông đi rồi, bèn ra lệnh chặt cây đó.
[10] Sự thực thì lần đi qua Vệ này, Khổng Tử về rồi mới bị vua Vệ cấm trở lại.
[11] Coi bài 11 chương XII Thiên địa.
[12] Độ số: H.C.H. dịch là điển chương, chế độ. L.K.h. dịch là đo và tính.
[13] Nguyên văn: thánh nhân bất xuất. Chúng tôi theo L.K.h. mà dịch như vậy cho xuôi.
[14] Nguyên văn: Danh, công khí dã: danh là khí cụ mọi người dùng. Chúng tôi dịch như vậy cho rõ; có cho thì mới có nhận.
[15] Đại ý đoạn này là không nên cố ý làm điều nhân, nghĩa để cầu danh.
[16] Câu này đã có trong bài 1 chương Đại tôn sư.
[17] Tam vương cũng như tam đại, trỏ ba nhà Hạ, Thương, Chu. Ngũ đế tức Phụ Hi, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu và Thuấn.
[18] Vua Nghiêu là nhà Đường. Vua Thuấn là nhà Ngu. Vua Vũ là nhà Hạ. - Nguyên văn: chỉ có ba chữ: Vũ dụng lực. H.C.H. dịch là: lao lực về việc trị thuỷ. Tôi theo L.K.h. vì đoạn sau có nói: Vua Vũ cho sự sát phạt là thuận thiên.
[19] Ông Thành Thang là người sáng lập nhà Thương. Vũ vương (con Văn vương) là người diệt Trụ và lập nhà Chu.
[20] Nguyên văn: dân hữu vị kì thân sát kì sát. Có sách dịch là: bà con chết gần hay xa thì tang phục khác nhau.
[21] Theo truyền thuyết thời thượng cổ, đàn bà có mang mười bốn tháng, trẻ hai tuổi mới biết nói.
[22] Nguyên văn: nhân hữu tâm nhi binh hữu thuận. L.K.h. dịch là: chỉ có trong quân đội là có sự phục tòng thôi (ngoài ra, loạn hết).
[23] Chu công là con vua Văn vương (nhà Chu), em vua Võ vương và chú của Thành vương, nhiếp chính của Thành vương, có tài đức. – Thiệu công là con thứ của Văn vương, làm tam công thời Thành vương, có tài chính trị.
[24] Nguyên văn: khởi kì sở dĩ tích tai. Tôi dịch thoát như vậy. L.K.h. dịch là: nhưng không giảng được nguyên do những di tích đó.
[25] Nguyên văn: hữu đệ nhi huynh đề. Năm chữ này thật lạc lõng.
[26] Ở triều đình, tước vị được quí nhất; ở làng xóm, tuổi tác được trọng nhất; còn trong việc giáo hoá dân thì phải dùng người có đức trước hết. [Trong cuốn Mạnh tử, cũng của Nguyễn Hiến Lê, chép: Triều đình mạc như tước, hương đảng mạc như xỉ, phụ thế trưởng dân mạc như đức. Trong đoạn trích dẫn ở trên, thiếu hai chữ “phụ thế” – [Goldfish].
[27] Các câu hỏi này được lập lại y hệt trong bài XIV.5 [Goldfish].
[28] Sách in sai là Thiên văn. “Bài Thiên vấn (hỏi trời) cũng là một kì văn, kém Li tao về phương diện nghệ thuật nhưng giọng lâm li cùng cực: ông hỏi trời một hơi 172 câu. Sức tưởng tượng của ông thật vô địch”. (Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc, Nxb Trẻ, 1997, trang 96-97). [Goldfish].
0 nhận xét:
Đăng nhận xét