Tinh Khí Thần |
Giới thiệu và chú dịch: Nguyễn Hiến Lê
1
Người nào thực hiểu được sự sống[1] thì không quan tâm tới những cái mà sự sống của mình không làm gì được; người nào thực hiểu được vận mạng thì không quan tâm tới những cái mà trí tuệ của mình không làm gì được. Muốn nuôi thân thể thì trước hết phải có thức ăn thức uống; nhưng có người dư thức ăn thức uống mà thân thể vẫn không được nuôi (vì ngoại vật chưa đủ để nuôi thân thể). Muốn sống thì trước hết phải săn sóc thân thể; nhưng người có thân thể được săn sóc kĩ mà vẫn chết yểu. Khi sự sống xuất hiện thì không ai ngăn trở nó được; khi nó mất thì không ai níu nó lại được. Vậy mà buồn thay, người đời tin rằng cứ nuôi thân thể là giữ được sự sống. Nuôi thân thể đã không đủ giữ được sự sống thì trên đời này có gì đáng làm nữa? Cái gì không đáng làm mà không thể không làm được, cái đó người ta bảo là không thể tránh được.
Ai muốn tránh sự di dưỡng hình thể thì tốt hơn là nên bỏ thế tục đi. Bỏ thế tục thì không còn hệ luỵ nữa. Không còn hệ luỵ thì giữ được sự quân bình, yên ổn. Giữ được sự quân bình, yên ổn thì sống một đời sống mới và đạt được mục đích. Tại sao những việc thế tục lại đáng bỏ đi? Tại sao đời sống lại đáng phóng khí (không quan tâm đến)? Là vì bỏ những việc thế tục đi thì không lao tổn thể xác, mà phóng khí đời sống thì tinh thần không bị suy tổn[2]. Thể xác không hao tổn, tinh thần không suy tổn thì hợp nhất được với trời. Trời đất là cha mẹ của muôn loài. Trời đất (tức ngũ hành, âm dương) hợp thành hình thể [của muôn loài], tán thì muôn loài trở về nguồn gốc [lúc chưa sinh]. Ai giữ được toàn vẹn hình thể và tinh thần thì biết thích ứng với mọi hoàn cảnh thay đổi[3]. Mỗi ngày một thích ứng hơn lên (?)[4] mà trở về bản nguyên, như vậy là giúp được Đạo trời [tức đạo tự nhiên].
2
Liệt tử hỏi Quan Doãn[5]:
- Bậc chí đức lặn dưới nước mà không ngạt, đi trong lửa mà không bỏng, bay bổng lên trên vạn vật mà không run sợ. Xin ông giảng cho tôi làm sao mà lại được như vậy?
Quan Doãn đáp:
- Như vậy là nhờ giữ được cái khí thuần hoá, chứ không nhờ trí xảo hay quả cảm. Ông ngồi xuống, tôi giảng cho ông nghe. Hễ có hình dáng, thanh âm, khí sắc thì đều là sinh vật cả. Sinh vật khác nhau ở đâu? Làm sao có vật này hơn vật khác được? Chỉ là nhờ không có hình sắc mà thôi. Nhưng vật nào không có hình sắc thì đạt được cảnh giới không biến hoá nữa. Đạt được cùng cực của cảnh giới ấy thì không bị các vật khác khống chế nữa. Như vậy là đạt được cái trung độ[6], cái cương kỉ vô thuỷ vô chung, mà tiêu giao cảnh giới sơ thuỷ của vạn vật[7], hợp nhất bản tính, hàm dưỡng nguyên khí, trở về với cái Đức nguyên thuỷ mà cảm thông với tự nhiên. Một người như vậy bảo toàn được thiên tính, tinh thần không suy tổn, ngoại vật làm sao xâm nhập mà làm hại người đó được?
Như trường hợp người say rượu mà té xe, tuy bị thương mà không chết. Xương và khớp xương cũng như mọi người mà không bị hại như mọi người, là nhờ [say rượu] mà giữ được cái thần, lên xe đã không biết, té xe cũng không hay. Tử sinh, kinh cụ không xâm nhập lòng người đó, cho nên tiếp xúc[8] với ngoại vật mà không biết sợ. Kẻ nhờ rượu giữ toàn được cái thần mà còn như vậy, huống hồ là người tự nhiên vô tâm. Thánh nhân hoà hợp với tự nhiên, nên không vật gì làm hại nổi.
Kẻ muốn phục thù không lẽ lại bẻ cây gươm[9] của kẻ thù [vì cây gươm vốn vô tâm]; mà dù có nóng tính, cũng không ai lại oán phiến ngói rơi nhằm đầu mình [vì phiến ngói vô tâm].
Theo được đạo [qui tắc] đó thì thiên hạ được quân bình, không có loạn chiến tranh, không có cái hoạ chém giết. Không nên dùng trí tuệ mà truy cầu tự nhiên, cứ thuận theo bản tính mà ứng hợp với tự nhiên. Thuận theo bản tính thì cái Đức sẽ phát, dùng trí tuệ thì sự tàn hại sẽ sinh. Đừng ém cái tự nhiên, đừng diệt cái thiên tính ở người, như vậy thì may ra dân chúng trở về bản chân được.
3
Bài này kể chuyện Khổng Tử gặp ông lão bắt ve sầu và khuyên ta nên chuyên tâm nhất trí. Tôi đã dịch trong Liệt tử (II.10) trg. 198 - Lá Bối - 1972. Nhưng trong cuối bài còn thêm câu chê Khổng tử.
4
Nhan Uyên hỏi Trọng Ni:
- Con có lần qua cái vực “chén sâu”. Người đưa đò lái thuyền giỏi như thần. Con hỏi có học được thuật của chú ấy không. Chú ấy đáp rằng được: một người giỏi lội mà chịu tập nhiều lần thì lái thuyền được, còn người biết lặn thì chẳng thấy chiếc thuyền lần nào cũng lái được. Con hỏi tại sao, chú ấy không đáp. Xin thầy giảng cho con chú ấy muốn nói gì vậy?
Trọng Ni đáp:
- Người giỏi lội tập ít lần là lái được thuyền vì người ấy không nghĩ tới nước; còn người biết lặn chưa hề thấy chiếc thuyền mà cũng lái được là vì coi vực sâu như một cái gò, mà thuyền có lật thì cũng như xe phải lùi lại thôi. Cả vạn cách lật hay lui cũng không làm cho người ấy động tâm, cho nên xảy ra gì thì người đó cũng ung dung.
Đánh bạc mà ăn thua bằng viên ngói [chứ không bằng tiền] thì ai đánh cũng cao hết; nếu ăn thua bằng cái móc dây lưng thì con bạc đã ngại ngại rồi; nếu ăn thua bằng vàng thì con bạc sẽ mê loạn”. Tài cao thấp của con bạc trước sau vẫn vậy, chỉ vì trọng ngoại vật mà sinh ra xúc động. Trọng ngoại vật thì nội tâm sẽ mê loạn mà hoá vụng.
5
- Tôi nghe nói ông Chúc Hiền học được phép dưỡng sinh, ông theo học ông ấy, có nghe được điều gì không?
Điền Khai đáp:
- Khai tôi chỉ cần chổi đứng hầu ở cửa, có được nghe thầy tôi nói gì đâu.
- Điền tiên sinh đừng khiêm nhượng, xin cho quả nhân được nghe mà.
Điền Khai đáp:
- Tôi được nghe thầy tôi dạy rằng người biết dưỡng sinh thì như người chăn cừu, quất những con trụt lại phía sau.
- Như vậy nghĩa là làm sao?
- [Tôi xin lấy thí dụ]. Nước Lỗ có người tên Thiện Báo sống ở trong núi, chỉ uống nước lã, không tranh lợi với ai, bảy chục tuổi mà khí sắc còn như một em bé. Chẳng may một hôm gặp một con hổ đói, bị hổ vồ và ăn thịt. Lại có người tên là Trương Nghị, nơi nào phú quí, cửa cao che rèm cũng mon men tới, bốn chục tuổi bị chứng nội nhiệt mà chết. Thiện Báo tu dưỡng nội tâm mà bị hổ vồ cái ngoại hình, Trương Nghị săn sóc cái ngoại hình mà bị bệnh xâm nhập bên trong. Cả hai đều không biết quất những con cừu trụt lại phía sau.
Trọng Ni bảo: “Đừng quá giấu mình, đừng quá khoe mình, cứ giữ mức trung, theo được ba điều đó thì cái danh tột bực”.
Những người quá sợ tai nạn giữa đường, khi thấy một người bị giết trong số mười người đi là đã cha con, anh em cảnh giới nhau, tụ họp thành đám đông rồi mới dám ra khỏi cửa, như vậy chẳng là sáng suốt, thận trọng ư? Nhưng cái mà người ta đáng lo ngại nhất tức là việc chăn gối, ăn uống thì lại không biết tự răn mình. Đó thực là lầm lớn.
6
Viên quan chủ tể bận lễ phục đen lại chỗ nhốt heo, rán thuyết phục chúng:
- Chúng bay tại sao lại sợ chết? Ta sắp nuôi mập chúng bây ba tháng, rồi ta sẽ giữ giới[12]trong mười ngày, ăn chay ba ngày, sau đó đặt vai và chân chúng bây lên một cái chiếu bằng bằng cỏ mao trắng, bày trên một cái bàn trổ đẹp đẽ để cúng. Chúng bây có chịu không?
Người ta nếu nghĩ tới cái lợi của heo thì tất nuôi chúng bằng cám và hèm rượu mà để chúng ở yên trong chuồng. Vậy mà nghĩ tới cái lợi của chính mình thì lại rán làm sao cho được vẻ vang phú quí khi còn sống, chết rồi được liệm trong cái quan tài trang sức đẹp đẽ, đặt lên cái linh xa sang trọng. Thì ra cái gì người ta mưu tính cho heo lại không làm cho mình. Tại sao xử với mình lại khác xử với heo như vậy[13].
7
Tề Hoàn Công săn bắn trong chằm lớn, Quản Trọng đánh xe. Hoàn Công thấy một hồn quỉ bèn vỗ vào vai Quản Trọng hỏi:
- Trọng phụ[14] thấy gì không?
Quản Trọng đáp:
- Thần không thấy gì hết.
Về tới cung, Hoàn Công phiền muộn rồi phát bệnh mấy ngày không ra triều. Một bậc sĩ của Tề tên Hoàng tử Cáo Ngao[15] vô thăm, tâu:
- Nhà vua tự làm cho mình sinh bệnh chứ hồn quỉ nào làm cho nhà vua sinh bệnh được. Khi giận dữ, tà khí tụ lại mà tinh thần li tán không phản hồi thì nguyên khí hoá ra bất túc; nếu tà khí bốc lên mà không hạ xuống thì người ta sinh ra dễ giận, nếu nó chỉ hạ xuống mà không bốc lên thì người ta mau quên; nếu nó không lên xuống, kết lại vào khoảng tim thì sinh bệnh.
Hoàn Công hỏi:
- Nhưng, có quỉ hay không?
- Có. Chỗ đất bùn[16] thì có quỉ Lí, bếp thì có ông Táo, đám phân phía trong cổng thì có thần sấm, ở dưới tường phía Đông Bắc thì có thần Dật Dương, dưới nước có quỉ Võng Tượng, trên gò có quỉ Săn, trên núi có quỉ Quì, đồng ruộng có quỉ Bàng Hoàng, chằm lớn có quỉ Uy Di.
Hoàn Công hỏi:
- Xin cho biết hình dáng quỉ Uy Di ra sao.
Hoàng tử Cáo Ngao đáp:
- Quỉ đó lớn như cái trục xe, dài như cái tay xe, áo tía, mũ đỏ. Nó ghét nghe tiếng xe chạy ầm ầm như tiếng sấm, nghe thấy thì nó ôm đầu [bịt tai] mà đứng dậy. Ai trông thấy nó thì sẽ thành bá vương.
Hoàn Công mừng rỡ, cười và bảo:
- Quả nhân đã trông thấy nó.
Nói xong, ông sửa áo mũ cho ngay ngắn, ngồi nói chuyện với Cáo Ngao. Chưa hết ngày đó, bệnh ông biến mất lúc nào không hay[17].
8
Đáp: Chưa, gà còn kiêu khí, tự thị.
Mười ngày sau lại hỏi.
Đáp: Chưa, mắt nhìn còn hăng, khí còn thịnh.
Mười ngày sau lại hỏi.
Đáp: Gần được, nghe gà khác gáy, nó không xúc động nữa. Coi nó tựa như gà bằng gỗ, đức nó toàn bị rồi, gà lạ không dám đương đầu với nó, thấy nó là quay đầu chạy.
9
Bài này gần y hệt II.9 (Thuật lội trong nước) trong Liệt tử (trg. 196) nên chúng tôi không dịch lại. Đại ý là tập hoài cho thành một bản tính, thành tự nhiên rồi để cho nước đưa mình đi chứ không theo ý riêng của mình.
10
Người thợ mộc tên Khánh đẽo gỗ làm một cái giá chuông, ai coi cũng phục là khéo như thần. Lỗ hầu trông thấy hỏi thuật đẽo ra sao. Đáp:
- Thần là một người thợ thường, có thuật nào đâu. Nhưng có điều này: Trước khi đẽo cái giá đó, thần không dám để cho hao tổn nguyên khí mà phải trai giới để tĩnh tâm. Trai giới được ba ngày thì không nghĩ tới khen thưởng, tước lộc nữa. Trai giới được năm ngày thì không nghĩ tới lời phê bình khen chê khéo vụng nữa. Trai giới được bảy ngày thì quên rằng thân có hình thể tay chân. Lúc đó, thần không biết có triều đình của nhà vua nữa. Thần chuyên tâm vào nghệ thuật mà bao nhiêu phiền loạn ở ngoài tiêu tan hết. Sau, thần mới vô rừng, quan sát tính chất của các cây. Thấy được cây nào hình chất hoàn toàn thích hợp rồi thì hình cái giá chuông mới hiện rõ trong óc thần và thần bắt tay vào việc. Không vậy thì không làm[20]. Nhờ sự hoà hợp giữa cái tự nhiên của thần với cái tự nhiên của cây mà giá chuông mới khéo như thần[21] đẽo, có lẽ vậy chăng?
11
Đông Dã Tắc[22] yết kiến [Vệ] Trang Công để tỏ tài đánh xe. Ngựa tiến lui như trên một đường thẳng vạch bằng dây nẩy mực, lượn qua phải qua trái thành những vòng tròn như vẽ bằng cái qui [com-pa]. Trang Công cho rằng những đường thêu cũng không điều đặn hơn vậy được[23], và bảo Đông Dã Tắc đánh xe chạy một trăm vòng trên con đường như một cái móc câu.
Nhan Hạp[24] đi ngang qua thấy vậy, vô yết kiến Trang Công, bảo:
- Ngựa của Đông Dã Tắc kiệt lực mất.
Trang Công làm thinh không đáp. Quả nhiên một lát sau ngựa kiệt lực, phải cho về. Trang Công hỏi:
- Tại sao ông biết trước được vậy?
Nhan Hạp đáp:
- Là vì thần thấy ngựa đã đuối sức rồi mà còn thúc chúng nữa.
12
Người thợ mộc tên là Thuỳ[25] dùng tay mà tiện đồ vật khéo hơn là dùng cái qui, cái củ. Ngón tay hoà hợp với món đồ mà không phải dụng tâm. Được vậy là nhờ tập trung tinh thần mà tâm trí không bị câu thúc.
Giày mà thật thích hợp thì làm cho ta quên chân mình đi, dây lưng mà thật thích hợp thì làm cho ta quên ngang lưng mình đi, tâm tình thật thích hợp thì ta quên cái phải cái trái đi [không phân biệt phải trái nữa]. Không thay đổi trong lòng, không theo ngoại vật, luôn luôn thích hợp với việc. Có khả năng thích hợp thì không gì không thích hợp được mà không hay rằng mình đã thích hợp với vật.
13
Có một người tên là Tôn Hưu đích thân lại Biển Khánh Tử[26] phàn nàn rằng:
- Trong làng tôi không ai bảo rằng tôi không sửa mình; gặp cảnh hoạn nạn không ai bảo rằng tôi không can đảm, vậy mà tôi làm ruộng thì không trúng mùa, thờ vua thì không gặp thời vận, lại bị làng mạc bài xích, châu quận đuổi bỏ. Tôi có tội gì mà gặp nhiều xui xẻo như vậy hởi trời?
Biển Tử bảo:
- Chú có biết hành vi sửa mình của bậc chí nhân không? Bậc chí nhân quên mình có gan, có mật, không để ý tới tai và mắt, vượt ra ngoài cỏi trần tục, không biết gì cả, tiêu dao ở cảnh giới vô vi. Như vậy là hành động mà không trông ở kết quả, cải hoá vạn vật mà không bó buộc chúng. Nay chú khoe tri thức của chú để loè kẻ ngu, sửa mình để làm nổi bậc những lỗi của người khác, ra vẻ rực rỡ như người cầm mặt trời mặt trăng mà dạo ngoài đường. Thân thể chú còn toàn vẹn, chú còn đủ chín lỗ[27], vào tuổi trung niên mà không điếc, đui, thọt, so với nhiều người, chú như vậy là có phước đấy, sao còn oán trời? Thôi, chú đi đi.
Tôn Hưu về rồi, Biển Tử trở vô, ngồi một lát, ngước lên nhìn trời, thở dài. Đệ tử hỏi:
- Sao thầy thở dài vậy?
Biển Tử đáp:
- Lúc nãy Tôn Hưu tới, thầy đem đức hạnh của bậc chí nhân ra giảng cho hắn nghe. Thầy sợ hắn sẽ kinh hoảng mà đâm ra mê hoặc mất.
Đệ tử thưa:
- Chúng con không nghĩ vậy. Nếu lời của Tôn Hưu đúng, lời của thầy sai thì lời sai làm sao mê hoặc được lời đúng. Nếu lời của Tôn Hưu sai, lời của thầy đúng thì ông ta tới, ông ta đã mê hoặc rồi, có gì đâu mà thầy phải tự trách mình.
- Không phải vậy. Trước kia có một con chim đáp xuống ngoài thành nước Lỗ. Vua Lỗ mừng lắm, làm lễ thái lao, đặc tiệc khoảng đãi nó, bảo tấu nhạc Cửu Thiều để cho nó vui. Nhưng con chim dớn dát, âu sầu, không dám ăn, không dám uống. Đó là dùng cách phụng dưỡng mình mà nuôi chim. Muốn lấy cách nuôi chim mà nuôi chim thì phải cho nó ở trong rừng sâu trôi nổi trên sông hồ, tự nó lựa thức ăn, rồi bay lượn trong đồng.[28]
Tôn Hưu là kẻ kiến thức hẹp hòi, mà thầy đem đức hạnh của bậc chí nhân giảng cho hắn thì không khác gì dùng xe ngựa để chở một con chuột nhỏ, hoặc nổi chuông trống mà tấu nhạc cho chim “án”[29] nghe. Làm sao những con vật đó không hoảng sợ cho được?
* (Chương này và chương sau có nhiều điểm giống nhau nên sẽ có nhận định chung ở cuối chương sau)
Chú thích:
[1] Nguyên văn: là chữ “sinh” (sống), có tác giả bảo phải đọc là “tính”. [Sinh: 生, Tính: 性- Goldfish]
[2] Đại ý bài này này là: Ai hiểu được sự sống thì đừng quan tâm tới sức khoẻ, tuổi thọ, tức những cái không luôn luôn tuỳ theo ý muốn của ta. Như vậy tránh được lo lắng mà vui sống và sống lâu được.
[3] Nguyên văn: năng di. H.C.H. dịch là chuyển di được tạo hoá.
[4] Nguyên văn: tinh nhi hựu tinh. Chẳng sách nào giảng cho xuôi.
[5] Họ Doãn, tên Hi, môn đệ của Lão tử, làm quan coi cửa ải Hàm Cốc, nên gọi là Quan (coi cửa ải) Doãn.
[6] Nguyên văn là “bất dâm chi độ”. “Dâm” đây nghĩa là quá mức.
[7] Quách Tượng giảng là biến hoá, mỗi ngày một mới (?).
[8] Nguyên văn là ngộ, có sách giảng là chống đối. L.K.h. dịch thoát là té xe. Truyện này có chép trong Liệt tử, chương Hoàng Đế bài 4, trong bản của nhà Lá Bối chúng tôi không dịch.
[9] Nguyên văn là Mạc, Can, tức hai thanh gươm nổi tiếng Mạc Da và Can Tương.
[10] Một người theo đạo Lão.
[11] Con vua Hoàn Công nước Chu.
[12] Nghĩa là hết sức kính cẩn, thành tâm cầu nguyện.
[13] Tác giả muốn nói: không nghĩ tới cái lợi của heo thì mới nuôi cho chúng mập để rồi bắt chúng làm vật hi sinh; nếu nghĩ tới cái lợi của chúng thì cho chúng sống bình thường trong chuồng. Đối với heo thì như vậy. Mà có người đối với chính mình lại trái hẳn: không cần hạnh phúc trong đời sống giản dị, bình thường mà lao tâm khổ tứ cầu cảnh phú quí, chết thì ma chay long trọng như con heo để cúng tế, như vậy có phải là biết mưu tính cho con heo mà không biết mưu tính cho chính mình không?
[14] Quản Trọng là tể tướng được Hoàn Công trọng như cha chú, nên gọi như vậy.
[15] Hoàn tử là họ, Cáo Ngao là tên.
[16] Có sách dịch là bếp lò.
[17] Tác giả bài này rất sành tâm lí.
[18] Tôi đoán là “Kỉ Sảnh Tử” vì trong sách in chữ “Sảnh” mờ quá. Bản Nguyễn Duy Cần - Phần Hạ (do bạn Fatman1702 cung cấp, không có chữ Hán) ghi là Kỷ Tỉnh tử; các trang tiếng Hán tôi tìm thấy đều chép là 纪 渻 子, nghĩa là phù hợp với phiên âm của cụ Nguyễn Duy Cần. [Goldfish].
[19] Bài này có trong bộ Liệt tử, tức bài 20 chương Hoàng Đế. Trong bản của nhà Lá Bối, chúng tôi không dịch. Theo Liệt tử thì đây là vua Chu Tuyên vương.
[20] Nguyên văn: Bất nhiên, tắc dĩ. L.K.h. dịch là: Không vậy thì công trình của thần sẽ hỏng.
[21] Nguyên văn: 神 thần (thánh). [Goldfish].
[22] Tuân tử gọi là Đông Dã Tất.
[23] Nguyên văn: Dĩ vi văn phất quá dã. Tư Mã Bưu chú thích như vậy. Nhưng có tác giả bảo chữ văn đó chính là chữ phù và nghĩa là: Tháo Phù cũng không hơn. Tháo Phù là một người đánh xe giỏi thời trước. [Văn: 文; Tháo Phù: 造父 - Goldfish].
[24] Có sách chép là Nhan Uyên, hay Nhan Hồi. Nhan Hạp là thái phó của Vệ Linh Công.
[25] Tức Công Thuỳ, coi chú thích bài 5 chương Khư Khiếp.
[26] Một người hiền nước Lỗ.
[27] Tức lỗ tai, lỗ mũi, mắt, miệng.
[28] Đoạn nuôi chim này gần giống hệt một đoạn trong bài 5 chương Chí lạc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét