Ads 468x60px

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Chương XXVI NGOẠI VẬT (Ngoại vật)

Hư danh
Giới thiệu và chú dịch: Nguyễn Hiến Lê

1

Ngoại vật không có gì nhất định, cho nên Long Phùng bị giết, Tỉ Can[1] bị moi tim, Cơ Tử[2] phải giả điên [để thoát chết], Ác Lai[3] bị xử tử; Kiệt, Trụ bị diệt vong.

Vua nào cũng muốn có trung thần, nhưng trung thần vị tất được vua tin. Cho nên Ngũ Viên bị liệng thây xuống sông Trường Giang, Trường Hoằng[4] phải tự tử ở xứ Thục, người xứ Thục bảo toàn máu ông, ba năm sau máu biến thành ngọc bích.


Cha mẹ nào cũng muốn có con hiếu, nhưng con hiếu vị tất được cha mẹ yêu. Cho nên Hiếu Kỉ[5] đau khổ mà chết, còn Tăng Sâm bị đánh đập mà sầu bi.

Cọ hai khúc cây (khô) với nhau thì cây cháy; đốt một kim loại lâu thì nó chảy. Hai khí âm dương mà vận hành thác loạn thì vũ trụ đại biến, do đó sinh ra sấm sét, trong nước mưa toé ra lửa thiêu nổi một cây hoè lớn. Người cũng vậy, ưu tư quá mức thì không sao tránh được hại. Trong lòng sợ sệt thì không làm được việc gì cả; trái tim như treo cao ở giữ không trung; ưu uất, phiền muộn, mê loạn, lợi với hại xung đột nhau, mà trong tâm phát nhiệt nhiều quá, đốt mất cái khí trong trẻo, an hoà ở nội tâm. Cái khí an hoà trong như ánh trăng ấy không chịu nổi ngọn lửa lòng, do đó tinh thần đồi phế mà Đạo không còn.

2

Trang Chu nghèo phải hỏi mượn lúa của Giám Hà hầu [tức Nguỵ Văn hầu]. Giám Hà hầu bảo:

- Được. Đợi tôi thu được tiền thuế của một ấp rồi tôi sẽ cho mượn ba trăm đồng[6]. Được không?

Trang Chu giận đỏ mặt lên, đáp:

- Hôm qua, tôi đi lại đây, giữa đường nghe có tiếng gọi. Tôi ngoảnh lại thấy một con cá giếc nằm trong một vết bánh xe. Tôi hỏi nó: “Con giếc kia lại đó làm gì vậy?”. Nó đáp: “Tôi là thần sóng ở biển Đông. Ông cho tôi một đấu, một thăng[7] nước để cứu sống tôi được không?”. Tôi bảo: “Được. Để tôi đi du thuyết vua Ngô và vua Việt đã[8] rồi khi về sẽ dẫn nước Tây giang lại cứu anh, được chứ?”. Con giếc nổi giận, biến sắc, đáp: “Tôi vì ra khỏi nước, không có chỗ an thân, chỉ mong được một đấu, một thăng nước để sống. Ông nói như vậy thì tốt hơn, (khi trở về) ông nên lại hàng cá khô mà tìm tôi”.

3

Công tử nước Nhiệm sai làm một lưỡi câu lớn và một sợi dây đen rất dài, dùng năm chục con bò làm mồi, ngồi trên núi Cối Kê[9] mà câu cá Biển Đông. Ngày nào cũng câu, suốt năm không được một con cá. Sau cùng một con cá rất lớn nuốt mồi, kéo luôn cả lưỡi câu xuống dưới sâu, đập vây vùng vẫy, sóng bạc nổi lên cao nh7 núi, làm chấn động cả biển, tiếng động rùng rợn như quỉ gào, làm cho người cách đó ngàn dậm cũng phải kinh hoảng. Công tử nước Nhiệm bắt được cá rồi, xẻ ra phơi khô, dân chúng từ Chiết Giang ra phía Đông và từ Thương Ngô[10] lên phía Bắc đều được ăn cá đó. Đời sau, các nhà hay phê bình thường đem cố sự đó ra kể lại mà lấy làm kinh dị. Kẻ nào cầm một cái cần câu nhỏ buộc một sợi tơ lại câu ở một cái ao cái hào, thì chỉ được cá nghê[11], cá giếc chứ làm sao được cá lớn. Tô chuốt những học thuyết thiển cận[12] để được chức huyện lệnh (tức để cầu danh) thì làm sao thông đạt được Đạo cao xa. Mà ai không được nghe truyện công tử nước Nhiệm câu cá thì khó mà trị thiên hạ cho được.

4

Một bọn học Nho muốn nghiên cứu kinh Thi, kinh Lễ, khai quật một cái mộ cổ. Thầy của họ bảo họ:

- Mặt trời sắp mọc rồi. Xong chưa?

Họ đáp:

- Chưa lột xong quần áo, nhưng trong miệng có một hạt châu mà trong kinh Thi có nói tới:

Lúa mạch xanh xanh
Mọc bên sườn đồi.
Sống không bố thí
Chết ngậm hãt châu làm gì?

Rồi họ nắm tóc kéo lên, nắm râu kéo xuống để mở miệng người chết ra, dùng cái dùi sắt khẽ cạy hàm, thận trọng lấy hạt châu ra mà không làm hư nó.[13]

5

Một đệ tử của Lão Lai tử [một người hiền nước Sở][14], đi lượm củi khô, gặp Khổng Tử, trở về nhà, thưa với thầy:

- Con gặp một người mình dài, chân ngắn, lưng gù, tai lệch ra phía sau, mắt nhìn ra xa như muốn bao quát việc trong thiên hạ. Con không biết người đó là ai, thuộc họ nào vậy.

Lão Lai tử bảo:

- Khổng Khâu đấy, kêu anh ta lại đây.

Trọng Ni tới, Lão Lai tử bảo:

- Khâu! Anh bỏ cái thái độ kiêu căng cùng cái vẻ thông minh đó đi thì anh sẽ thành người quân tử.

Trọng Ni vái, lui ra, xấu hổ, biến sắc, hỏi:

- Tôi có thể thực hiện sự nghiệp của tôi được không?[15]

- Không, anh không chịu nổi những cái xấu xa của thời này thì sẽ gây hoạ cho vạn kiếp sau thôi. Vì cái súc tích trong lòng anh còn thô thiển hay vì trí lược của anh chưa đủ? Gia ân cho người để người ta quí mình, như vậy là kiêu căng, mà suốt đời sẽ bị nhục, chỉ hạng người tầm thường mới thế[16], họ dùng hư danh để đề cao nhau, dùng tư lợi để kết hợp nhau. Khen vua Nghiêu mà chê vua Kiệt thì đâu bằng quên cả hai người đó đi mà đừng khen ai cả. Trái với bản tính của người khác là làm hại người đó; làm dao động tâm linh thì không phải là chính đạo. Bậc thánh nhân thận trọng trong việc lập sự nghiệp, nên việc gì cũng thành công. Tại sao cứ giữ cái chủ trương “hữu vi”, rốt cuộc chỉ là kiêu căng mà thôi.

6

Vua Tống Nguyên Quân[17] nửa đêm nằm mộng thấy một người xoả tóc đứng ở một cửa bên hông, nhìn vô, bảo:

- Tôi ở vực Tế Lộ, thần Thanh Hà phái tôi đi xứ thần Hà Bá, giữ đường bị người đánh cá tên là Dư Thả bắt.

Nguyên Quân tỉnh dậy, sai người bói. Thầy bói cho hay là con rùa thần.

Nhà vua hỏi:

- Có người đánh cá nào tên Dư Thả không?

Kẻ tả hữu đáp có. Nhà vua sai gọi người đó lại triều kiến. Hôm sau Dư Thả đến triều. Vua hỏi:

- Đánh cá được con gì?

- Thần bắt được trong lưới một con rùa trắng mà chu vi cái mai tới năm thước.

- Đem nó lại đây.

Khi đem rùa tới, nhà vua do dự, nửa muốn giết, nửa muốn thả. Lại sai bói. Quẻ dạy giết nó để dùng mai mà bói thì đại cát. Bèn giết nó để bói, bói bảy mươi hai lần, lần nào cũng ứng nghiệm.

Trọng Ni bảo:

- Con rùa thần ấy báo mộng cho Nguyên Quân được mà không tránh khỏi lưới của Dư Thả, tiên tri đúng được bảy mươi hai lần mà không tránh khỏi bị mổ bụng. Như vậy thì thông minh cũng nguy mà thần linh có điều cũng không biết được. Người nào cực thông minh thì bị cả vạn người khác mưu hại. Con cá nào sợ con chàng bè thì không biết đề phòng cái lưới. Bỏ cái khôn nhỏ đi thì được cái khôn lớn, quên cái thiện đi thì tự nhiên sẽ thiện. Đứa trẻ có học ông thầy giỏi nào đâu mà cũng biết nói; chỉ cần ở chung với những người biết nói là được.

7

Huệ tử bảo Trang tử:

- Lời của ông vô dụng.

Trang tử đáp:

- Phải biết cái gì vô dụng rồi mới bàn cái gì hữu dụng được. Trời đất mênh mông, nhưng chỉ chỗ mình đặt chân lên là hữu dụng. Nhưng nếu chung quanh cái chân mình là cái hố sâu tới suối vàng thì cái chỗ ta đặt chân lên còn hữu dụng nữa hay không?

Huệ tử đáp:

- Không?

- Vậy hiển nhiên là cái vô dụng cũng hữu dụng nữa.

8

Trang tử bảo:

- Nếu mình tự thích ý được[18] thì đi đâu mà không thích ý? Nếu tự mình không thích ý được thì dù đi đâu cũng không thích ý được. Lánh đời, từ bỏ hết thảy, như vậy có phải là từ chối trách nhiệm của người trí sáng suốt và đức cao không? Kẻ nào [hi sinh cho vua] không lùi bước trước sự sụp đổ (tai hoạ lớn), nhảy vào lửa mà không do dự, kẻ đó có biết rằng sự phân biệt vua tôi chỉ do hoàn cảnh, hễ thời thế thay đổi thì không còn quí tiện, tôn ti nữa không? Cho nên bảo: “Bậc chí đức không cố chấp”.

Trọng người xưa mà khinh người nay, đó là thói của bọn học giả tầm thường. Vì nếu theo nhãn quan của đời Hi Vi mà xét đời nay thì chẳng là hời hợt như ngọn sóng ở mặt nước ư?

Chỉ bậc chí đức là vui vẻ sống với người đồng thời mà không theo thành kiến của họ; thuận theo họ mà vẫn giữ cá tính của mình, không học cái thuyết “trọng cổ khinh kim” của họ, thừa nhận ý kiến của họ nhưng không coi là ý kiến của mình.

9

Mắt mà trong suốt gọi là mắt sáng; tai mà nghe thấu thì gọi là tai thính; mũi mà đánh hơi mau thì là mũi thính; miệng mà biết được các vị thì gọi là miệng “ngọt”[19]; tâm mà thấu triệt được lí lẽ thì là thông minh; thông minh mà đạt Đạo thì có Đức. Đừng cản trở Đạo, cản trở thì tắc nghẽn, tắc nghẽn thì gây ra tai hoạ.

Vật mà biết được là nhờ hơi thở, hơi thở mà yếu thì lỗi không phải ở trời mà vì suốt ngày đêm, thiên khí không lúc nào không thông. Hơi thở yếu là mình bít lỗ thông của nó.

Bào thai có hai lỗ trống[20]; tâm nên hư không để dung nạp thiên cơ[21]. Nhà chật quá thì mẹ chồng nàng dâu gây lộn nhau. Tâm mà không hư không thì lục tình [nghe, ngửi, nếm, rờ và ý thức] xung đột nhau. Rừng núi làm cho con người thư thái là vì ở đó hư tĩnh, mà tâm thắng được lục tình.

Đạo đức mà tràn ra (quá lố, không tự nhiên) là do ham danh tiếng; danh tiếng tràn ra là do thích khoe khoang. Do sự tình cấp bách mà trí khôn phát ra, do cạnh tranh mà cơ trí nảy nở; việc trở ngại là do cố chấp; theo sở thích của mọi người thì mới làm được việc. Mưa xuân trút xuống đúng thời thì cây cối phát sinh mạnh mẻ, bừa một lượt rồi mà già nửa số cây đã bị bứng rễ rồi vẫn tiếp tục đâm lên không hiểu tại sao.

10

Sự yên tĩnh giúp ta lấy lại sức khoẻ; xoa tay lên mí mắt thì ông già thấy được nghỉ ngơi; tinh thần yên tĩnh thì sẽ ung dung. Nhưng đó chỉ là cách nghỉ ngơi của người mệt mỏi, người an tĩnh không phải dùng cách đó. Thánh nhân [như Nghiêu, Thuấn] cải cách kiến giải và tập tục[22] của khắp thiên hạ, nhưng thần nhân [cao hơn thánh nhân] không phải dùng cách của thánh nhân. Hiền nhân cải cách kiến giải và tạp tục của một đời, nhưng thánh nhân không phải theo cách của hiền nhân. Người quân tử cải cách kiến giải và tạp tục của một nước,nhưng hiền nhân không phải theo cách ấy. Người tiểu nhân [tức thường nhân] theo thị hiếu của đương thời, nhưng người quân tử không thèm theo cách ấy.

11

Một người ở cửa Diễn tại kinh đô nước Tống, vì cha hay mẹ chết, đau khổ quá mà gầy rạc ra, vua Tống khen là hiếu, phong cho chức quan sư[23]. Các người trong xóm bắt chước, cha mẹ chết cũng tự đày đoạ, huỷ hoại thân thể, chết tới một nửa [mà chẳng được làm chức tước gì cả].

12

Vua Nghiêu muốn nhường thiên hạ cho Hứa Do; Hứa Do không nhận, trốn đi. Vua Thang muốn nhường thiên hạ cho Vụ Quang, Vụ Quang nổi giận. Kỉ Tha hay tin đó [sợ vua Thang lại nhường thiên hạ cho mình], bèn dắt môn đệ lại ở ẩn gần sông Khoản. Các vua chư hầu lại thăm viếng ông; ba năm sau, Thân Đồ Địch [thăm mộ ông], nhảy xuống sông tự trầm[24].

13

Dùng đó[25] là để bắt cá, được cá rồi thì nên quên đó đi. Dùng lưới để bắt thỏ, được thỏ rồi thì nên quên lưới đi. Dùng lời là để diễn ý, hiểu được ý rồi thì nên quên ý đi. Tôi tìm đâu được người biết quên lời để cùng đàm đạo với nhau đây?

NHẬN ĐỊNH

Nội dung chương này cũng hỗn tạp. Có ba bài (1, 9, 10) khuyên ta nên hư tâm tĩnh mặc, một bài (bài 7) diễn thêm ý “cái vô dụng cũng có chỗ hữu dụng” trong Nội thiên (chươngThiên gian thế - bài 9). Những bài đó có thể coi là của môn phái Trang tử.

Bài 4 chê bọn Nho học là đê tiện và bài 5 cho Lão Lai tử mắng Khổng Tử là kiêu căng, chắc là của phái Đạo gia.

Bài 13 sâu sắc: lời chỉ để diễn ý, hiểu được ý rồi thì nên quên lời đi.

Bài 2, 3, 6 là những ngụ ngôn; bài 11, 12 là những cố sự.

La Căn Trạch ngờ rằng chương này viết vào đời Tây Hán, vì:

- bài 3 có câu: “Sức tiểu thuyết dĩ can huyện lệnh” mà hai chữ “tiểu thuyết”[26] thờ Tiên Tần không thấy dùng, còn chức “huyện lệnh” là một chức quan của nhà Tần, nhà Hán giữ lại.

- bài 4 kể truyện một bọn học Nho quật mộ cổ để nghiên cứu kinh Thi, kinh Lễ. Việc đó phải xảy ra sau hoạ đốt sách đời Tần Thuỷ Hoàng, khi Hán Vũ Đế vì tôn trọng đạo Nho, sai người thu thập các sách của Khổng phái[27].

Hoàng Cẩm Hoành đồng ý với La Căn Trạch và đưa thêm một chứng cứ nữa: bài 1 giống một đoạn trong thiên Tất dĩ, bộ Lữ thị Xuân Thu.

Chú thích:

[1] Coi chú thích bài 1 Nhân gian thế,
[2] Coi chú thích bài 1 Đại tôn sư.
[3] Ác Lai là một lực sĩ của vua Trụ, huỷ báng chư hầu, sau bị Võ vương giết. Mấy nhân vật đó có người hiền, có kẻ ác đều bị giết (trừ Cơ Tử), vậy hoạ phúc (ngoại vật) không nhất định.
[4] Về Ngũ Viên (tức Ngũ Tử Tư) và Trường Hoằng coi bài 3 Khư khiếp.
[5] Hiếu Kỉ là con vua Cao Tôn nhà Ân, bị bà mẹ sau ghét bỏ; Tăng Sâm là học trò của Khổng Tử.
[6] Nguyên văn: tam bách kim. Chữ kim này có thể là một cân, một lượng hoặc một đồng tiền, có thể là vàng mà cũng có thể là đồng.
[7] Một thăng là một phần mười đấu.
[8] Thời Trang tử thì nước Ngô không còn. Nhưng truyện này có thể có thực, người viết chỉ lầm về sự thôi.
[9] Nay thuộc tỉnh Chiết Giang, phía đông nam huyện Thiệu Hưng.
[10] Nguyên văn: là Chế hà, tên cũ của sông Chiết Giang. Thương Ngô là m6 ngọn núi nay ở tỉnh Quảng Tây.
[11] Cá nghê là một loài cá nhỏ, ta dịch là cá kình cái, một loài cá lớn.
[12] Nguyên văn: là tiểu thuyết. Có lẽ chữ tiểu thuyết lần đầu tiên xuất hiện ở đây. Qua đời Đông Hán, Ban Cố dùng theo nghĩa ngày nay.
[13] Năm 1974, người ta đào được nhiều thẻ tre khắc Đạo Đức kinh, Hàn Phi tử (?) trong một số ngôi mộ cổ đời Hán ở Bắc Trung Hoa.
[14] Tư Mã Thiên bảo Lão Lai tử là Lão tử, không chắc đúng.
[15] Nguyên văn: nghiệp khả đắc tiến hồ? D.N.L. dịch là: học nghiệp có tiến bộ không? Dịch như vậy e sai với ý trọn bài.
[16] Nguyên văn: trung dân chi hành tiến yên hĩ. L.K.h. dịch là: kẻ đó chỉ tiến lên được nhờ theo dân chúng.
[17] Tức Bình công tử, tên là Tá, tên thuỵ là Nguyên.
[18] Nguyên văn: nhân hưu năng du. Chữ du này chính nghĩa là chơi; nhưng ở đây thật tối nghĩa, mỗi sách dich một khác. H.C.H. dịch là: theo bản tính. L.K.h. dịch là: làm một việc gì.
[19] Ngọt trái với đắng. Miệng đắng thì không phân biệc được các vị.
[20] Có sách giảng bụng có hai lỗ trống: một chỗ trống để chứa ruột, rồi trong ruột lại trống để chứa hơi và các chất dịch (như dịch vị…).
[21] Nguyên văn: tâm hữu thiên du. Không sách nào giảng chữ du (chơi) đây nghĩa là gì, mỗi nhà đoán mà dịch theo ý mình. L.K.h. dịch là: tim con người có cái tư lự, ý niệm của nó về trời.
[22] Nguyên văn: hãi thiên hạ, nghĩa là cải cách sự thấy và sự nghe của thiên hạ. L.K.h. dịch là: làm cho thiên hạ ngạc nhiên.
[23] Dịch nghĩa từng chữ là: thầy của các quan.
[24] Về sự tích vua Nghiêu và Hứa Do, coi bài 2 Tiêu dao du. Về sự tích vua Thang, Vụ Quang, Kỉ Tha và Thân Đồ Địch, coi bài 1 Đại tôn sư.
[25] Nguyên văn là thuyên. Có thuyết bảo là một thứ cỏ thơm là say cá mà dễ bắt.
[26] Chữ tiểu thuyết ngày nay ta dùng [với nghĩa khác] gốc từ Hán thư nghệ văn chí của Ban Cố.
[27] Tôi nghĩ bài này có thể cũng chỉ là một ngụ ngôn chê bọn học Nho thời đó bảo tồn những cái tác giả cho là cổ hủ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét