Vạn vật đồng nhất thể |
Giới thiệu và chú dịch: Nguyễn Hiến Lê
1
Trong thiên hạ có rất nhiều người nghiên cứu về đạo, thuật mà ai cũng cho học thuyết của mình là hoàn toàn. Cái mà người xưa gọi là đạo thuật đó, nó ở đâu? Đáp: “Nó ở khắp nơi. Hỏi: “Thần thánh ở đâu giáng xuống? Minh vương ở đâu hiện ra? Đáp: Thánh nhân sinh ra, minh vương thành công đều do cái đạo thuần nhất. Không rời cái gốc của Đạo thì gọi là “thiên nhân”; không rời cái tinh vi của Đạo thì gọi là “thần nhân”; không rời cái chân thật của Đạo thì gọi là “chí nhân”. Lấy trời làm tôn chủ, lấy đức làm căn bản, lấy đạo làm cửa, tiên đoán được sự biến hoá[1], thì gọi là thánh nhân. Dùng lòng nhân ái mà gia ân cho người, dùng chính nghĩa mà qui định đạo lí, dùng lễ để tiết chế hành động, dùng nhạc để điều hoà tính tình, cảm hoá người khác bằng lòng nhân từ thì gọi là người quân tử. Dùng pháp độ để phân biệt, dùng danh hiệu để biểu minh, dùng sự tham kiểm để chứng nghiệm, dùng sự kê khảo để quyết đoán; đặt ra điều mục phân minh như một, hai, ba, bốn[2] để cho bách quan giữ thứ tự đó mà điều khiển việc nước.
Coi cày cấy là việc thường ngày, coi sự ăn mặc là chủ yếu, sản xuất nhiều, dư thì để dành, săn sóc người già yếu, cô nhi, quả phụ, khiến cho ai cũng được nuôi nấng, đó là đạo lí của dân[3].
2
Cổ nhân thật là hoàn toàn (về đạo thuật). Phối hợp với thần minh, theo phép tắc của trời đất, họ nuôi dưỡng vạn vật, điều hoà thiên hạ, ban ân huệ cho trăm họ, hiểu rõ căn bản của Đạo và không rời pháp độ[4]. Thông đạt được âm dương, mưa gió, tối sáng[5] và bốn phương đông tây nam bắc; bất luận là lớn nhỏ, tinh thô, sự vật vận hành ra sao, họ điều tác động tới hết. Sự sáng suốt của họ về điển chương, pháp độ, nay ta còn thấy dấu vết trong các bộ sử chép các cựu pháp truyền từ đời nọ đến đời kia, như trong các kinh Thi, Thư, Lễ, Nhạc. Các bậc sĩ và tấn thân[6] nước Trâu, nước Lỗ đa số điều hiểu các điển chương pháp độ ấy. Kinh Thi làm thông đạt tâm trí, kinh Thư giảng về chính sự, kinh Lễ qui định hành vi, kinh Nhạc điều hoà tính tình, kinh Dịch nghiên cứu sự biến hoá của âm dương, kinh Xuân Thu giảng về danh phận. Những điển chương ấy truyền bá trong thiên hạ, thi hành ở Trung Quốc, bách gia chư tử đôi khi trích dẫn để giảng.
3
Rồi tới khi thiên hạ đại loạn, thánh hiền không xuất hiện nữa, đạo đức không còn thuần nhất nữa. Rất nhiều người chấp nhất, có thiên kiến mà tự cho mình là phải. Như tai mắt mũi miệng, mỗi cơ quan có một khả năng riêng mà không thể thông với nhau (dùng thay nhau được). Cũng vậy, học phái hoặc kĩ thuật của trăm nhà, đều có sở trường, thời cơ thích hợp thì đều có chỗ dùng được đấy, nhưng không bao quát được hết: họ chỉ là những nhà thiên kiến. Họ mổ xẻ cái thuần mĩ của trời đất, phân tích cái lí của vạn vật, cái nhất quán của cổ nhân, vì vậy ít người trong bọn họ thấy được hết cái đẹp của trời đất, đạt được sự thần minh[7]. Vì vậy mà cái Đạo của thánh nhân và minh vương bị mờ tối, che lấp mà không biểu lộ được. Người thời nay đều theo ý riêng, thiên kiến của mình lập ra một phương thuật riêng. Buồn thay! Học phái của bách gia cứ phân tán ra trăm ngả tới cực đoan mà không trở về cái gốc, thì không thể nào hợp với chân lí được! Khiến cho học giả đời sau bất hạnh không thấy được sự thuần nhất của trời đất, và cái đại thể của cổ nhân. Đạo thuật trong thiên hạ sắp bị chẻ nhỏ ra rồi.
4
Không phô trương với hậu thế[8], không lãng phí mọi vật, không khoe khoang về điển chương chế độ, gắng sức giữ qui củ (một kĩ luật nghiêm) để sẳn sàng giúp đời một cách cấp thiết, trong đạo thuật của cổ nhân có chủ trương đó. Mặc Địch và [môn sinh là] Cầm Hoạt Li được nghe thuyết đó thấy thích, nhưng họ tỏ ra thái quá trong việc họ làm, và dễ dàng quá (nghĩa là không xét kĩ) trong việc họ cấm[9]. Họ cấm nhạc, lấy lẽ rằng để tiết kiệm, bảo sống không nên ca hát, người thân thiết chết thì không nên bận đồ tang. Mặc tử chủ trương kiêm ái, mưu cái lợi chung cho mọi người, phản đối chiến tranh. Đạo của ông là không oán giận; ông hiếu học, biết rộng nhưng không chấp nhận những ý kiến khác mình. Ông không đồng ý với thánh vương đời xưa, bỏ hết lễ nhạc. Về cổ nhạc thì Hoàng Đế đặt ra điệu Hàm Trì, vua Nghiêu có điệu Đại Chương, vua Thuấn có điệu Đại Thiều, vua Vũ có điệu Đại Hạ, vua Thang có điệu Đại Hộ, vua Văn vương có điệu Tịch Ung, vua Võ vương và ông Chu công có điệu Vũ. Tang lễ thời xưa, sang hay hèn đều có nghi lễ nhất định, phân biệt đẳng cấp trên dưới, như thiên tử thì có bảy lớp quan quách, chư hầu có năm lớp, đại phu ba, kẽ sĩ hai. Riêng Mặc tử là sống cấm ca hát, khi người thân chết thì cấm mặc đồ tang, áo quan bằng gỗ vông chỉ dày ba tấc [bằng khoảng một phần ba gang tay], mà không có quách, đó là phép chung cho mọi người.
Đem đạo đó dạy người, đâu phải là yêu người, chính mình theo đạo đó thì cũng không phải là yêu mình. Tôi không công kích Mặc tử; nhưng người ta ca hát mà ông ấy cấm ca hát, người ta khóc [người chết] mà ông ấy cấm khóc; người ta chơi âm nhạc mà ông ấy cấm âm nhạc; như vậy có hợp nhân tình không? Sống thì lao khổ, chết thì bị chôn cất bạc bẽo, cái đạo ấy khắc nghiệt quá, khiến người ta ưu uất, buồn rầu, khó thi hành được. Tôi còn ngại rằng nó không phải là đạo của thánh nhân, trái với lòng người, không ai chấp nhận nó. Tuy một mình Mặc tử theo được, nhưng còn những người khác thì sao? Ông ấy cách biệt với thiên hạ như vậy, thật là xa đạo của thánh vương quá.
Mặc tử tự bênh vực đạo của mình, bảo: “Thời xưa Vũ trị lụt, khai thông sông rạch, khiến cho nước chảy ra cõi bốn rợ và khắp chín châu Trung Quốc. Thời đó có ba trăm con sông lớn, ba ngàn chi lưu, còn rạch nhỏ thì vô số. Vua Vũ đích thân cầm sọt, cầm cuốc để khai thông cho nước các sông nhỏ theo dòng chảy ra sông lớn. Cực khổ đến nỗi đùi teo lại, ống chân không còn một sợi lông, xông pha gió mưa để dựng nước. Ông là bậc đại thánh mà lao khổ phục dịch cho thiên hạ như vậy đấy”. Mặc tử nói như vậy, cho nên Mặc gia đời sau nhiều người mặc áo da, vải thô, đi giày dép bằng gỗ hoặc cỏ, làm việc suốt ngày đêm không nghỉ, cho sống lao khổ là lí tưởng tối cao, bảo: “Không vậy thì không phải theo đạo vua Vũ, không đáng là môn đồ Mặc tử”.
Đệ tử của Tương Lí Cần, môn sinh của Ngũ Hầu và những Mặc gia ở phương Nam như Khổ Hoạch, Dĩ Xỉ, Đặng Lăng tử… đều tụng Mặc kinh (kinh của Mặc tử) mà càng có những tư tưởng quái dị, chống đối nhau, tự xưng là Biệt Mặc, công kích nhau bằng những lí luận “kiên bạch” (cứng và trắng), “đồng dị” (giống nhau và khác nhau), “lẻ và chẳn giống nhau”[10]. Hết thảy đều coi các cự tử[11] là thánh nhân, đều nguyện thờ cự tử làm thủ lảnh để mong được nối nghiệp. Ngày nay những cuộc tranh luận của họ vẫn chưa dứt.
Dụng tâm của Mặc tử và Cầm Hoạt Li tốt, nhưng thực hành sai. Họ khiến cho những người đời sau học đạo của họ ganh đua nhau lao khổ tới nỗi đùi teo, ống chân rụng hết lông. Như vậy là cái tội làm nhiễu loạn thiên hạ thì lớn mà công làm cho thiên hạ được trị thì ít[12]. Nhưng Mặc tử quả là người tốt trong thiên hạ, không tìm được người nào khác như ông ấy. Chịu cực khổ dù cho thân thể khô đét, ông ấy cũng không bỏ việc giúp đời. Thật là bậc sĩ có tài năng, nhiệt tâm.
5
Không để cho thế tục làm luỵ mình, không dùng ngoại vật để kiểu sức (loè loẹt bề ngoài) mình, không cẩu thả[13] với người, không đố kị người, mong cho thiên hạ được thái bình, nhân dân an cư lạc nghiệp, mọi người và mình đủ ăn đủ mặc thì thôi, theo quan niệm đó mà biểu lộ tâm chí của mình, trong đạo thuật cổ nhân có chủ trương đó. Tống Kiên và Doãn Văn[14] được nghe thuyết đó, thấy thích, làm một kiểu mũ giống núi Hoa[15] để đội cho khác người.
Trong việc tiếp ứng với vạn vật, họ chủ trương trước hết đừng để cho thành kiến che lấp[16]. Họ cho rằng sự bao dung là hành động tự nhiên của con người; dùng lòng bao dung đó để thân cận với vạn vật, điều hoà thiên hạ, đó là căn bản chủ trương của họ. “Bị người ta khinh bỉ mắng chửi cũng đừng lấy làm nhục”, đó là lời họ dùng để ngăn người ta tranh đấu, cấm chỉ sự đem quân xâm chiếm nước khác, cứu cái nạn chiến tranh trên đời. Họ chu du thiên hạ truyền bá thuyết đó, khuyến cáo vua chúa, dạy bảo dân chúng; dù không ai tán thành, họ vẫn gắng sức thuyết phục, không chịu ngừng, cho nên bảo: “Người trên kẻ dưới ngán không muốn tiếp họ nữa thì họ cũng nhất định lại”.
Xét ra họ lo tính cho người khác nhiều quá mà lo tính cho thân họ ít quá. Họ bảo: “Nhu cầu của tôi ít lắm[17], chỉ cho tôi mỗi ngày nửa đấu gạo là đủ. Tôi chỉ sợ các ông ăn không đủ no thôi, còn tôi dù có đói, cũng không quên những người khác”. Suốt ngày đêm họ nói hoài: “Phải làm sao cho người khác sống”. Làm sao chúng ta có thể khinh hạng người cứu đời đó?[18] Họ cũng bảo: “Người quân tử không hà khắc với người khác, không để thân thể bị ngoại vật chi phối. Cái vô ích của thiên hạ thì tìm hiểu nó [cho phí công], không bằng bỏ nó đi”. Bề ngoài họ cấm sự xâm lăng và dùng binh; ở trong họ tiết tình, quả dục. Học thuyết của họ, lớn nhỏ, tinh thô, họ đem tuyên truyền và áp dụng, chỉ có bấy nhiêu thôi.
6
Công chính mà không thiên vị đảng phái, bình dị mà không ích kỉ, quyết đoán mà không có thành kiến, tuỳ theo ngoại vật mà không phân biệt mình và người, không tư lự, không dùng mưu trí; đối với sự vật, không lựa chọn mà cứ theo diễn tiến tự nhiên; đạo thuật của cổ nhân có chủ trương đó. Bành Mông, Điền Biền và Thận Đáo[19] được nghe thuyết đó thấy thích.
Qui tắc chính của họ là vạn vật ngang nhau (tề vật)[20]. Họ bảo: “Trời che được mà không chở được, đất chở được mà không che được. Đại Đạo bao dung được vạn vật mà không phân biệt (vật này hơn, vật kia kém). Họ biết rằng vạn vật đều có chỗ dùng được, ở chỗ không dùng được, cho nên bảo: “Lựa chọn thì không dùng được hết (vì có cái phải bỏ đi), dạy dỗ thì tất có chỗ không tới, chỉ thuận theo Đạo là không bỏ sót cái gì hết”. Cho nên Thận Đáo chủ trương bỏ trí tuệ đi, quên mình đi, cứ theo cái thế bất đắc dĩ mà hành động, thản nhiên thuận theo sự vật, như vậy là hợp lí với Đạo lí. Ông bảo: “Trí thức không biết gì cả. Nếu miễn cưỡng cầu được biết chỉ hại thôi”[21]. Ông tuỳ vật, thuận tình, không lãnh nhiệm vụ gì cả, cười thiên hạ tôn trọng người hiền; ông phóng túng, không làm gì hết mà chê bậc đại thánh trong thiên hạ. Ông tròn trịa theo sự biến hoá, bỏ quan niện thị phi đi, để khỏi bị luỵ vì vật, ông không tin tri thức cùng sự suy nghĩ của mình, không biết trược sau, đứng một mình một cõi. Đẫy ông ta thì ông ta mới tiến tới, lôi kéo ông ta thì ông ta mới bước đi. Ông ta quay tròn như ngọn gió lốc, như chiếc lông trong không trung, như cái cối xay[22], như vậy được an toàn, không lầm lẫn. Hành động hay nghỉ ngơi, ông cũng không thái quá, không bao giờ có tội cả. Tại sao vậy? Tại một người vô tri thì không lập tiêu chuẩn cho mình, nên không phải lo lắng, không bị cái luỵ do dùng trí tuệ, dù động hay tĩnh cũng không bao giờ rời đạo lí tự nhiên, mà suốt đời không bị chê. Ông ấy bảo: “Chúng ta rán làm như vật vô tri là được rồi, không cần làm thành hiền. Cục đất kia có khi nào li khai đại Đạo đâu”. Bọn hào kiệt đương thời chê ông: “Cái Đạo của Thận Đáo không thể thi hành cho người sống được, đưa người ta tới cảnh giới chết; nó chỉ đáng cho người ta coi là kì quái thôi”.
Điền Biền cũng cùng một chủ trương, theo học Bành Mông, và học được cái lẽ dạy mà không dùng lời. Bành Mông bảo: “Những người đạt Đạo thời xưa, chỉ cốt tu dưỡng tới cái mức không cho cái gì là phải, không cho cái gì là trái nữa là thôi[23]. Sự giáo hoá của họ vô hình như gió thổi, làm sao có thể dùng lời mà truyền được”[24]. Ý kiến của họ trái ý kiến của mọi người, nên không ai theo, chung qui vẫn là uyển chuyển theo sự vật. Cái mà họ gọi là Đạo, thật ra không phải là Đạo, lời họ nói không khỏi lầm lẫn. Tóm lại, Bành Mông, Điền Biền, Thận Đáo đều không biết Đạo, nhưng đại khái cũng nhận định được một phần nào đó của Đạo.
7
Coi Đạo là tinh tuý, vật là thô lậu[25], coi sự tích luỹ là không đủ; lòng hư tĩnh, độc lập như thần minh, đạo thuật của cổ nhân có chủ trương đó. Quan Doãn và Lão Đam[26] được nghe thuyết đó thấy thích, rồi lập ra thuyết vô và hữu, và qui cả về cái thái nhất (thái cực); thái độ bề ngoài thì mềm mại và khiêm tốn, mà trong lòng không hư, không làm tổn thương vạn vật.
Quan Doãn bảo: “Mình không có chủ kiến, cứ thuận theo tính tự nhiên của vật thì hình thái của vật sẽ hiện rõ; khi mình hành động thì như dòng nước, khi mình tĩnh thì như tấm gương. Cảm ứng với tiếng vang dội lại, lòng như hư vô, thanh tĩnh, tịch mịch, hoà hợp với vật mà không cạnh tranh – còn như nếu muốn được thì mất – không ở trước người mà luôn luôn theo sau người”.
Lão Đam bảo: “Biết như con trống mà giữ như con mái, làm khe nước cho thiên hạ, biết vinh mà giữ nhục, làm cái hang cho thiên hạ”[27]. Mọi người đều tranh nhau tới trước, riêng ông ở lại phía sau. Ông bảo: “Tôi cam chịu sự nhục trong thiên hạ”. Mọi người đều cầu cái “thực”, riêng ông giữ cái “hư”. Vì ông [tri túc] không chất chứa, nên có dư. Ông sống ung dung an thích nên không bị tổn thương. Ông vô vi và chê cười bọn khéo léo. Mọi người đều cầu hạnh phúc, riêng ông chịu uốn mình để được an toàn. Ông bảo: “Chỉ cầu tránh được tai hoạ”. Ông coi sự tinh thâm là căn bản, sự kiệm ước là cương kỉ, bảo: “Cứng rắn sẽ bị huỷ hoại, nhọn thì sẽ bị cùn”. Ông khoan dung với vạn vật, không xâm lấn ai cả.
Tuy hai ông ấy chưa đạt tới cảnh giới cực cao của Đạo, nhưng cũng là những bậc chân nhân hiểu rộng của thời cổ.
8
Thanh tĩnh, vô hình mà biến hoá hoài. Sống ư? Chết ư? Trời đất chỉ là một ư? Thần minh đi đâu? Người ta mang nhiên (không biết gì cả) đi về đâu? Rồi hốt nhiên tới đâu? Vạn vật bao la trong vũ trụ mà không có vật nào đáng cho ta qui về cả. Đạo thuật của cổ nhân có chủ trương đó. Trang Chu được nghe thuyết đó thấy thích rồi diễn những thuyết viễn vong vô cứ, nhưng lời lẽ hư vô, không đầu đuôi, những nghị luận phóng khoáng nhưng không thiên lệch, vì ông không nhìn một cách phiến diện. Ông cho rằng thiên hạ hôn mê hỗn trọc, không diễn bằng những lời nghiêm trang được, cho nên dùng những lời biến hoá vô định để suy diễn tình lí của vạn vật, dẫn chứng những “trọng ngôn” để người ta tin là thực, dùng những “ngụ ngôn”[28] để khai triển học thuyết (hoặc mở mang tâm ý người khác).
Riêng ông hoà hợp với tinh thần của trời đất, nhưng không khinh thị vạn vật, không khen không chê, sống yên ổn với người đời. Sách ông viết tuy tân kì, đặc biệt, nhưng uyển chuyển, không hại cho đại Đạo. Văn từ của ông chỗ hư chỗ thực mà hoạt kê, kì ảo, thú vị. Đạo đức của ông sung mãn không biết tới đâu là cùng, trên thì tiêu dao với trời đất, dưới thì làm bạn với những người vượt lên trên sự sinh tử, không phân biệt đâu là thuỷ, đâu là chung nữa. Sự nhận thức của ông về căn bản của đạo thuật đã quảng bác lại thông đạt, thâm viễn; tôn chỉ của ông là đạt được Tự nhiên và hoà hợp với Tự nhiên.
Nhưng khi ông thuận ứng với sự biến hoá của tự nhiên để giải thích vạn vật, thì ông vẫn chưa thấu triệt được đạo lí, thuyết minh chưa được rõ ràng, còn những chỗ mờ mờ, chưa đạt được điểm tối cao của Đạo[29].
9
Huệ Thi có nhiều phương thuật, sách ông chép chất đầy năm xe[30]. Đạo của ông bác tạp, không thuần nhất, lời của ông không hợp với đại Đạo. Ông xét về vạn vật như sau:
- Cái cực lớn thì không có cái gì bao vây nó ở bên ngoài, gọi nó là cái “đại nhất”; cái cực nhỏ thì không có cái gì ở trong, gọi nó là “tiểu nhất”[31].
- Cái gì không có chiều dày thì không chồng chất lên được, vậy mà nó lớn tới ngàn dặm[32].
- Trời với đất đều thắp như nhau, núi và chằm đều bằng nhau (ở một mực ngang nhau)[33].
- Mặt trời vừa lên tới đỉnh thì bắt đầu xế rồi; vật vừa mới sinh ra thì đã bắt đầu tiến tới chỗ chết rồi[34].
- Xét chỗ giống nhau lớn và giống nhau nhỏ thì hai chỗ giống nhau đó có khác nhau, đó là những chỗ giống nhau, khác nhau nhỏ; vạn vật hoàn toàn giống nhau và hoàn toàn khác nhau, đó là những chỗ giống nhau, khác nhau lớn[35].
- Phương Nam vô cùng mà lại hữu cùng[36] (có giới hạn).
- Hôm nay tôi tới nước Việt mà tôi đã tới từ hôm qua rồi[37].
- Những vòng móc liền vào nhau (như dây chuyền) có thể gỡ ra được[38].
- Tôi biết trung tâm của thiên hạ, nó ở phía Bắc nước Yên và phía Nam nước Việt[39].
- Phải yêu khắp vạn vật vì vũ trụ là một[40].
Huệ Thi cho những lí luận đó là rất cao, đem ra dạy các nhà biện luận và các nhà biện luận trong thiên hạ rất thích học thuyết của ông. Họ bảo:
- Trứng có lông[41].
- Gà có ba chân[42].
- Kinh đô Dĩnh của Sở gồm cả thiên hạ[43].
- Chó có thể thành cừu[44].
- Ngựa có trứng[45].
- Con ễnh ương có đuôi[46].
- Lửa không nóng[47].
- Núi từ trong miệng mà ra[48].
- Bánh xe lăn mà không chạm đất[49].
- Mắt không nhìn thấy[50].
- Ý không đạt được vật, nếu đạt được thì nó không bao giờ ngừng[51].
- Rùa dài hơn rắn[52].
- Cái “củ” không làm được hình vuông, cái “qui” không làm được hình tròn.
- Cái lỗ mộng không ôm được cái mộng[53].
- Khi chim bay cái bóng của nó không hề nhúc nhích[54].
- Mũi tên bay thật nhanh mà có lúc nó không bay và có lúc nó không ngừng[55].
- Con chó con (cẩu) không phải là con chó (khuyển)[56].
- Một con ngựa vàng và một con bò đen, cộng là ba[57].
- Chó trắng là chó đen[58].
- Con ngựa con mồ côi chưa từng có mẹ[59].
- Cái gậy dài một thước, mỗi ngày chặt một nửa, vạn đời cũng không hết[60].
Bọn biện luận gia dùng những lí luận như trên mà tranh biện với Huệ Thi, suốt đời không hết.
Những biện luận gia như Hoàn Đoàn, Công Tôn Long[61], đều khéo dùng nguỵ biện mà làm mê hoặc lòng người, thay đổi ý nghĩ của họ, nhưng chỉ làm cho họ thua, không đáp được, chứ không làm cho họ tâm phục; đó, bọn biện luận gia tự hạn chế mình như vậy. Huệ Thi suốt ngày dùng tài trí của mình để tranh biện, với người khác. Nghe ông nói chuyện tưởng đâu là bậc rất hiền minh. Ông bảo: “Trời đất vĩ đại thay!” (là muốn nói rằng chỉ có trời đất hơn ông được thôi). Nhưng Huệ Tử chỉ muốn hơn người chứ không có học thuật xác đáng[62].
Phương Nam có một dị nhân tên là Hoàng Liễu, hỏi Huệ Thi tại sao trời không sập, đất không sụp, và mưa gió, sấm sét ở đâu mà ra. Huệ Thi không do dự, đáp liền chẳng cần suy nghĩ, giảng khắp về vạn vật, nói một hơi không ngưng, thao thao bất tuyệt. Như vậy mà vẫn chưa cho là đủ, còn đưa ra thêm những điều quái dị nữa. Ông nói ngược lại thiên hạ mà cho là đúng, muốn được cái tiếng là thắng người, cho nên không thích hợp với ai hết. Đạo đức của ông kém, ông gắng sức truy cầu ngoại vật, học thuyết thật hẹp hòi.
Đứng về Đạo trời đất mà xét tài năng của Huệ tử, thì ông chỉ như con muỗi, con nhặng vo ve, lao khổ mà có ích lợi gì cho vạn vật đâu? Ông phát huy kĩ năng về một phương diện, có thể bảo là tài giỏi đấy; giá ông ta chuyên tu đại Đạo thì cũng có thể gần đạt được[63]. Nhưng ông ta không yên tĩnh tu dưỡng mà để cho tinh thần tán loạn vào vạn vật, để được cái danh là biện sĩ, tiếc thay! Tài năng của ông phóng đãng, không đưa tới đâu, chạy theo vạn vật mà không biết trở về đại Đạo, không khác gì la lên để ngăn chận tiếng vang, chạy đua với cái bóng của mình, buồn thay!
NHẬN ĐỊNH
Chương cuối này có nhiều đặc điểm:
- dài mà toàn là nghị luận, không dùng ngụ ngôn.
- ý liên lạc từ đầu tới cuối, rất nhất trí; tôi chia làm chín đoạn (không thể gọi là bài được như các chương trên): đoạn 1 nhắc lại quan niệm đạo thuật của cổ nhân và các hạng người đạt Đạo nhiều hay ít, từ thiên nhân, thần nhân, chí nhân, tới thánh nhân, quân tử; đoạn 2 khen đạo Nho (các bậc sĩ và tấn thân nước Trâu, nước Lỗ) đã truyền lại cho hậu thế kinh Thi, Thư, Lễ, Nhạc; đoạn 3 chê các các học giả đời sau chấp nhất, thiên kiến, chi li quá, không được thấy toàn thể của đạo; để chứng minh lời đó, tác giả trong các đoạn sau phê bình Mặc tử, Cầm Hoạt Li (đoạn 4); Tống Kiên, Doãn Văn (đoạn 5); Bành Mông, Điền Biền, Thận Đáo (đoạn 6); Lão tử và Quan Doãn (đoạn 7); Trang tử (đoạn 8); Huệ Thi, Hoàn Đoàn, Công Tôn Long (đoạn 9). Học thuyết nhà nào cũng có chỗ thiếu sót, đặc biệt là ba nhà nguỵ biện sau cùng xa đạo quá, chỉ có Lão tử, nhất là Trang tử là gần đạo hơn cả.
- về mỗi học thuyết, tác giả rán tìm uyên nguyên nhưng chỉ mơ hồ rằng “cổ nhân đã có thuyết đó”, cơ hồ tác giả cho rằng mỗi nhà chỉ ghi chép lại, phát huy thêm những tư tưởng của nhiều nhà vô danh thời trước; chủ trương đó đúng, đối với thời đó có thể gọi là tấn bộ;
- lí luận vững, mạch lạc, lời văn già giặn, từ xưa tới nay ai cũng khen là hay (Hồ Thích khen là tuyệt diệu), rõ ràng là của một người học rộng, có tài.
Nhưng người đó là ai, thì ý kiến rất phân vân. Đa số các học giả như Lục Trường Canh, Diệu Nại, Vương Phu Chi, Tô Thức, Lương Khải Siêu, La Căn Trạch… cho là chính Trang tử viết, và chính chương Thiên hạ này tự tay hậu tự của một thiên. Một số khác ít hơn, như Lâm Tây Trọng, Tiền Huyền Đông, Cổ Hiệt Cương, Hồ Thích… bảo không phải của Trang.
Tôi chỉ biết lí luận của mỗi một nhà trong nhóm trên: La Căn Trạch. Đại khái La bảo:
- Đầu chương Thiên hạ có câu: “Cái mà người xưa gọi là đạo thuật đó, ở đâu?”[64] (Cổ chi sở vị đạo thuật giả, ô hồ tại?). Lời câu đó cũng gần giống lời câu này trong Tề vật luận: “Đạo đi đâu mà không còn” (Đạo ô hồ vãng nhi bất tồn?)[65].
Giống thì có giống, nhưng chỉ có bấy nhiêu mà bảo hai câu đó cùng của một người viết thì chưa có gì làm chắc.
- Đoạn 8 có câu “(Trang tử) không khen không chê, sống yên ổn với người đời” rất có thể là lời của Trang tử tự nói về mình. Tôi nghĩ câu đó cũng rất có thể là lời một người khác, chẳng hạn một môn đồ của Trang, nói về Trang.
- Chương Thiên hạ nếu do một người ở cuối đời Chiến Quốc viết thì tất phải phê bình học thuyết của Mạnh tử, Tuân tử, Trâu Diễn, Thương Ưởng, Hàn Phi. Nhưng trong đoạn 2 chỉ có mấy chữ: “các bậc sĩ và tấn thân nước Trâu, nước Lỗ” tạm cho là ám chỉ Mạnh và Tuân, còn các nhà khác tuyệt nhiên không nhắc tới, vậy thì người viết phải ở vào thời đại Trang tử.
Giống thì có giống, nhưng chỉ có bấy nhiêu mà bảo hai câu đó cùng của một người viết thì chưa có gì làm chắc.
- Đoạn 8 có câu “(Trang tử) không khen không chê, sống yên ổn với người đời” rất có thể là lời của Trang tử tự nói về mình. Tôi nghĩ câu đó cũng rất có thể là lời một người khác, chẳng hạn một môn đồ của Trang, nói về Trang.
- Chương Thiên hạ nếu do một người ở cuối đời Chiến Quốc viết thì tất phải phê bình học thuyết của Mạnh tử, Tuân tử, Trâu Diễn, Thương Ưởng, Hàn Phi. Nhưng trong hai đoạn chỉ có mấy chữ “các bậc sĩ và tấn thân nước Trâu, nước Lỗ” tạm cho là ám chỉ Mạnh và Tuân[66], còn các nhà khác tuyệt nhiên không nhắc tới, vậy thì người viết phải ở thời đại Trang tử.
Lí lẽ đó cũng không vững: người viết có thể không biết rõ – hoặc biết mà cho là không quan trọng – các học thuyết của Trâu Diễn, Thương Ưởng, Hàn Phi, nên không nhắc tới; vả lại nếu không phải viết ở cuối thời Chiến Quốc thì cũng không nhất định ở thời đại Trang tử. Không có gì chứng tỏ rằng người đó chính là Trang.
Theo thiển ý, có nhiều lí do để ngờ rằng tác giả [chương Thiên hạ] không phải là Trang:
- Đầu chương, đoạn 2, tác giả viết: “Cổ nhân thật là hoàn toàn… Sự sáng suốt của họ về điển chương, pháp độ, nay ta còn thấy dấu vết trong các bộ sử chép các cựu pháp truyền từ đời nọ đến đời kia, như trong các kinh Thi, Thư, Lễ, Nhạc. Các bậc sĩ và tấn thân nước Trâu, nước Lỗ đa số điều hiểu các điển chương pháp độ ấy. Kinh Thi làm thông đạt tâm trí, kinh Thư giảng về chính sự, kinh Lễ qui định hành vi, kinh Nhạc điều hoà tính tình, kinh Dịch nghiên cứu sự biến hoá của âm dương, kinh Xuân Thu giảng về danh phận. Những điển chương ấy truyền bá trong thiên hạ, thi hành ở Trung Quốc, Bách gia[67] chư tử đôi khi trích dẫn để giảng”.
Trang tử không có ác cảm với đạo Khổng, nhưng học thuyết của ông có nhiều điểm trái với đạo Khổng: Khổng hăm hở giúp đời, ông thì “tiêu dao du”; Khổng thì phân biệt tôn ti, ông thì “tề vật”… như vậy không có lí gì ông lại đề cao Khổng học, coi trọng Thi, Thư, Lễ, Nhạc, cả kinh Xuân Thu nữa.
Có một điều chúng ta hơi thắc mắc là tác giả đề cao Khổng học mà sao không nhắc tới Khổng Tử. Tô Thức bảo là tại tác giả quá tôn trọng Khổng Tử (kì tôn chi dã chí hĩ), không đám đặt Khổng Tử đứng chung – dù là đứng trên đi nữa – với các nhà khác. Như quả vậy thì lại càng hiển nhiên rằng tác giả không phải là Trang tử như Tô Thức nghĩ.
- Trang tử vốn có tinh thần khoáng đạt, cho là không có gì là hoàn toàn “thi” hay hoàn toàn “phi”, mà trong đoạn 2 đó đề cao Khổng học là hoàn toàn, rồi trong đoạn sau lại vạch những chỗ chi li, thiên kiến của các nhà khác, tôi e rằng điều ấy cũng không phù hợp với chủ trương của Trang.
- Nhất là đoạn cuối, giọng của ông khi xét về Huệ Thi thật là gay gắt: ông cho Huệ Thi “chỉ như con muỗi, con nhặng vo ve, lao khổ mà có ích lợi gì cho vạn vật đâu?”.
Trong bộ Trang tử có nhiều bài chép sự giao du thân mật giữa Trang tử và Huệ Thi; đặt biệt bài 6 Từ Vô Quỉ cho Trang tử thở dài, nhớ tiếc bạn: “Từ khi Huệ Tử mất, đối thủ của tôi cũng chết rồi, tôi không còn ai đàm luận nữa”. Bài 6 đó chưa đáng tin hết, nhưng có điều chắc chắn là hai nhà chơi thân với nhau, thường gặp nhau, không có lí gì Trang lại viết sách mạt sát bạn là con muỗi, con nhặng.
- Đoạn 8 phê bình Trang tuy có chỗ chê là “học thuyết viễn vong vô cứ, lời lẽ hư vô, không đầu đuôi”, “chưa thấu triệt đạo lí… chưa đạt được điểm tối cao của Đạo”, nhưng tựu trung vẫn cho học thuyết của Trang cao hơn cả các nhà khác (Mặc, Lão…) như: “Đạo đức của ông sung mãn không biết tới đâu là cùng, trên thì tiêu dao với trời đất, dưới thì làm bạn với những người vượt lên trên sự sinh tử, không phân biệt đâu là thuỷ, đâu là chung nữa. Sự nhận thức của ông về căn bản của đạo thuật đã quảng bác lại thông đạt, thâm viễn…”.
Tôi có thể hiểu được thái độ ngang tàng của Trang khi ông không thèm nhận các chức tước vua chúa đương thời tặng ông, nhưng khó tưởng tượng được một triết gia mà lại tự đề cao mình quá như vậy[68].
Một điểm đáng nghi nữa: trong Nội thiên, Trang tử không dẫn một câu nào trong Đạo Đức kinh (vì cuốn này xuất hiện sau Trang – coi phần I); mà trong đoạn 7 trong chương Thiên hạ này, đã khen Lão tử lại dẫn hai câu trong Đạo Đức kinh. Vậy có thể cho rằng tác giả chương này cũng như tác giả chương Trí Bắc du (Ngoại thiên) không phải là Trang tử. Là môn đệ của Trang thì có thể tin được.
- Sau cùng, cứ xét bút pháp thì thấy tác giả chương này phải là một học giả uyên thâm, mực thước, lập luận chặt chẽ, mạch lạc, chứ không cái giọng tài hoa, đột ngột, hư hư thực thực trong Nội thiên. Vậy chúng ta có thể ngờ rằng không phải Trang tử.
Sáu lí do tôi vừa kể không thể gọi là chắc chắn lắm nhưng ít nhất cũng có giá trị ngang với những lí do của La Căn Trạch.
Chú thích:
[1] Nguyên văn: triệu ư biến hoá. H.C.H. giảng là vượt lên khỏi sự biến hoá.
[2] Nguyên văn: kì sổ nhất nhị tam tứ thị dã. L.K.h. dịch là: đó là bốn công việc…
[3] Nguyên văn: dân li lí dã. D.N.L. dịch là: đạo trị dân. L.K.h. dịch là: tổ chức sinh hoạt của dân. [dân li lí dã: sách in như vậy, nhưng tôi tìm trên mạng chỉ thấy: 民之理也 dân chilí dã - Goldfish].
[4] Nguyên văn: minh ư bản sổ, hệ ư mật độ. Theo H.C.H. thì sổ đây có nghĩa là phép tắc,bản sổ tức là Thiên Đạo; độ đây là chế độ, mật độ là “nhân đạo”. [Các trang trên mạng đều chép: 明於本數, 係於末度 minh ư bản sổ, hệ ư mạt độ, tức “mạt độ” chứ không phải “mật độ” - Goldfish].
[5] Nguyên văn: lục thông, tôi dịch theo D.N.L., các sách khác không giảng. Theo Khang Hi tự điển thì còn một thuyết nữa: lục thông là trên, dưới là bốn phương, còn tử dịch (mà Diệp dịch là bốn phương) trở bốn mùa. [Lục thông tứ dịch: 六通四辟, có bản chép là 六通四闢. Tôi nghĩ câu sau nên sửa lại như thế này: Theo Khang Hi tự điển thì còn một thuyết nữa: lục thông là trên, dưới và bốn phương, còn tứ tịch (mà Diệp dịch là bốn phương) trỏbốn mùa – Goldfish].
[6] Nguyên văn: tấn thân. Thân là cái đài to, tấn là lụa sắc đỏ; tấn thân trỏ hạng người làm quan.
[7] Mấy hàng này nghĩa hơi tối. Mỗi sách giảng mỗi khác. Tôi châm chước theo L.K.h. và D.N.L.
[8] Tôi theo L.K.h. Các sách khác dịch là: không làm cho phong tục đời sau xa xỉ.
[9] Tôi theo L.K.h.; Hoàng Cẩm Hoành dịch là: Giữ vững ý kiến của mình.
[10] Theo D.N.L. Theo H.C.H. thì: lẻ và chẳn không có thứ tự. Theo L.K.h. thì: lẻ và chẳn không gặp nhau. Nguyên văn: cơ ngẫu bất ngỗ; còn thuyết “dị đồng” coi chú thích 5 bài 9, trang 395 ở sau.
[11] Người giỏi nhất trong phái.
[12] L.K.h. dịch là: như vậy khá hơn loạn; nhưng chưa được trị. Nguyên văn: loạn chi thượng dã, trị chi hạ dã.
[13] Nguyên văn: Cẩu (thả). Chương Thái Viêm bảo chính là chữ hà (hà khắc) chép lầm, và dịch là: không hà khắc với người. Có lí.
[14] Tông Kiên (có sách viết là Tống Khanh hoặc Tống Vinh) sinh khoảng – 383, mất khoảng -290. Sách Mạnh tử chép ông giảng về lợi để Tần, Sở đánh nhau. Mạnh tử chê đem lợi ra thuyết thì hỏng. – Doãn Văn là ẩn sĩ nước Tề, sinh khoảng -360, mất khoảng -380.
[15] Núi Hoa Sơn ở tỉnh Sơn Tây, trên dưới quân bình, coi như hình vuông. Đội thứ mũ đó để tỏ rằng mình cũng quân bình.
[16] Nguyên văn: tiếp vạn vật dĩ biệt hựu vi thuỷ. D.N.L. dịch là: ...trước hết phải phân biệt thiện ác. L.K.h. dịch là: …trước hết phải phân biệt phần của mỗi người.
[17] Nguyên văn: thỉnh dục cố trí. Lương Khải Siêu bảo là “tình dục cổ quả” mà chép lầm. Tôi theo Lương. L.K.h. dịch là: nếu ông muốn thì cho tôi… D.N.L. không dịch.
[18] Chỗ này H.C.H. cho là lời của phái Tống Kiên và dịch khác.
[19] Bành Mông là một ẩn sĩ nước Tề, thầy học của Điền Biền. Điền Biền sinh khoảng -370, mất khoảng -290, được Tề Tuyên Vương phong chức Thượng đại phu, viết bộ Điền tử gồm 25 thiên đều thất truyền. Thận Đáo, người nước Triệu, sinh khoảng -370, mất khoảng -290, viết 42 thiên sách thất truyền. Hán thư, Nghệ văn chí của Ban Cố sắp vào phái Pháp gia.
[20] Vì vậy mà Cố Hiệt Cương, Phó Tư Niên, Dong Triệu Tổ cho rằng chương Tề vật luận trong Nội thiên do Thận Đáo viết.
[21] Nguyên văn: Tri bất tri tương bạc tri, nhi hậu lân thương chi giả dã. D.N.L. dịch là: “Xét người, tuy mình hiểu biết rồi đấy mà làm bộ như không biết, nếu mình tỏ ra hiểu biết thì gần như làm hại người ta rồi”. L.K.h. dịch là: “Cái biết không biết gì cả. Lời đó của Thận Đáo mạt sát tri thức làm cho tri thức bị thương tổn nặng”.
[22] Có sách dịch là đá mài.
[23] L.K.h. dịch là: cốt sao cho không ai chê họ, không khen họ là được rồi.
[24] Câu này từ “Sự giáo hoá của họ…”, L.K.h. cho là lời của Bành Mông.
[25] Nguyên văn: dĩ bản vi tinh, dĩ vật vi thô. Chữ bản (gốc) có thể hiểu là “vô”, chữ vậtcó thể hiểu là “hữu”. H.C.H. giảng bản là bản nguyên của trời đất.
[26] Quan Doãn, sinh khoảng -440, mất khoảng -360, họ Doãn tên Hi, làm chức coi cửa ải, nên gọi như vậy (Quan là cửa ải). – Lão Đam tức Lão tử.
[27] Hai câu này ở trong Đạo Đức kinh, chương XXVIII: “Tri kì hùng, thủ kì thư, vi thiên hạ khê; (…) tri kì vinh, thủ kì nhục, vi thiên hạ cốc”; đại ý là không khoe khoang mà nên tỏ vẻ nhũn nhặn, đừng tranh sự vinh quang mà giữ địa vị khiêm tốn, thì người ta sẽ qui phụ mình như nước chảy vào cái khe, cái hang, tức chỗ thấp.
[28] Về những danh từ “trọng ngôn” và “ngụ ngôn” xin coi bài 1 chương Ngụ ngôn.
[29] Nguyên văn: kì ứng ư, hoá nhi giải ư vật giả, kì lí bất kiệt, kì lai bất thuế, mang hồ, muội hồ, vị chi tận giả. Mấy bài trong chương này, nhất là ba bài số 5, 6, 7 chúng tôi đều dịch thoát. Riêng câu này, L.K.h. dịch ngược hẳn lại. Chúng tôi theo các bản chữ Hán. [Cụ Nguyễn Hiến Lê tham khảo năm bản chú giải; trong đó chỉ có một bản chữ Pháp của Liou Kia – hway, bốn bản kia đều là chữ Hán – Goldfish]
[30] Thời đó còn phải khắc chữ trên thẻ tre.
[31] Câu này dễ hiểu. Đã cực lớn thì không có gì lớn hơn để bao ở ngoài được nữa; đã cực nhỏ thì không có gì nhỏ hơn để chứa bên trong nữa.
[32] Nguyên văn: vô hậu bất khả tích dã, kì đại thiên lí. L.K.h. không chấn câu sau chữ hậu, và dịch là: “Không có vật gì dày mà không chồng chất lên được, nó lớn tới ngàn dặm”, và ông giảng như một đống đá, cứ chất hoài thì nó thành một đống lớn đến ngàn dặm. Tôi dịch theo các bản chữ Hán mà không biết có đúng không.
[33] Có thể hiểu như vầy: xét theo phương diện tương đối thì trời cao đất thấp, núi cao hơn chằm, nhưng so sánh với cái vô cùng thì trời đất, núi chằm đều không đáng kể gì, ngang nhau hết.
[34] Lẽ này dễ hiểu.
[35] L.K.h. giảng: như cây thông giống cây bách và cây hồng, nhưng sự giống nhau của cây thông và cây bách, khác với sự giống nhau của cây thông và cây hồng.; đó là những chỗ giống nhau, khác nhau nhỏ. Còn chỗ giống nhau, khác nhau lớn thì như: mọi sinh vật đều giống nhau vì đều do tạo hoá sinh ra, nhưng khác nhau là vì là những phần tử khác nhau trong vũ trụ.
[36] Người Trung Hoa thời đó không biết hết phương Nam, cho nó là vô cùng, nhưng so với vũ trụ vô cùng thì nó vẫn là hữu cùng.
[37] Có người giảng: hôm nay mới tới nước Việt, nhưng từ hôm qua đã nghĩ tới việc tới nước Việt, cho nên bảo tới từ hôm qua. – L.K.h. giảng: hôm nay là hôm qua của ngay mai, nên đứng về ngày mai mà nói thì hôm nay tức là hôm qua.
[38] Theo L.K.h.: đập bể cái vòng thì gỡ ra được. D.N.L. bảo: vì chúng chỉ móc vào nhau chứ không dính nhau.
[39] Nước Yên ở phương Bắc, nước Việt ở phương Nam, vậy phía Bắc nước Yên không thể là phía Nam của nước Việt được. Nhưng trong vũ trụ vô biên, cả Trung Hoa cũng chỉ là một cái chấm nhỏ, vậy phía Bắc nước Yên và phía Nam nước Việt cũng ở trong cái chấm đó thôi, không phân biệt được.
[40] Lẽ này dễ hiểu: đều là con của tao hoá cả thì nên yêu nhau.
[41] Trứng nở ra con chim, con chim có lông, thì trong trứng tất có lông hay cái gì để sau thành ra lông.
[42] Ta nói đến chân gà là có một ý niệm rồi, mỗi chân con gà là một ý niệm nữa, tất cả là ba ý niệm.
[43] Trong vũ trụ vô biên, thiên hạ và kinh đô Dĩnh đều lẫn vào nhau thành một điểm rất nhỏ, vậy bảo thiên hạ gồm Dĩnh thì ngược lại cũng có thể bảo Dĩnh gồm thiên hạ.
[44] Có người giảng: con chó có thể coi lầm con cừu. Người khác giảng: tiếng “chó” ta dùng để chỉ con chó; nhưng khi mới đặt ra nó, ta dùng để chỉ con cừu cũng được, tên vật chỉ là một mặc ước giữ chúng ta với nhau.
[45] L.K.h. giảng: ngựa cũng như mọi vật khác từ cái chủng (germe) nguyên thuỷ mà ra, và trong sự tiến hoá của vạn vật phải qua giai đoạn sinh trứng (như loài cá, loài chim) rồi mới tới giai đoạn mang thai (loài ngựa, loài người).
[46] Nguyên văn: đinh tử hữu vĩ. Đinh tử, L.K.h. dịch là cái đinh. Các sách chữ Hán dịch là con ễnh ương, vậy con ễnh ương cũng có đuôi. L.K.h. cũng nhận rằng không hiểu gì cả nên không giảng tại sao cái đinh lại có đuôi.
[47] Không ai giảng được câu này.
[48] Miệng ta phát ra tiếng “núi”, vậy núi ở trong miệng ta mà ra.
[49] Có sách giảng: Khi xe ngửng thì bánh xe chạm vào đất, khi nó chạy, bánh không dính vào đất nữa, nếu không làm sao chạy được? Nhưng “chạm” với “dính” khác nhau chứ?
[50] Không phải là mắt thấy mà tinh thần của ta thấy. Không có tinh thần thì mắt không thấy gì cả.
[51] Câu này nguyên văn là “chỉ bất chí”, có sách dịch là ngón tay không đạt được vật. Không ai giảng được rõ ràng, nhất là phần cuối câu. [Cả câu: 指不至,至不絕 chỉ bất chí, chí bất tuyệt - Goldfish]
[52] Có sách giảng: cái ý niệm vuông hay tròn đã có sẳn trong đầu rồi người ta mới tạo ra cái “củ” (để vẽ hình vuông) và cái “qui” (để vẽ hình tròn). – Lại có sách giảng: xét cho thật kĩ thì hình do cái củ và cái qui vẽ thành, không hoàn toàn vuông hay tròn.
[53] Xét cho thật kĩ thì lỗ mộng không khi nào ôm được thật khít cái mộng.
[54] Vì bóng con chim bay trong giây phút sau không phải là cái bóng trong giây phút trước, cái bóng trong giây phút trước đó mặc dù ta không nhìn thấy nữa, nhưng vẫn ở chỗ cũ, không hề nhúc nhích.
[55] Mỗi nhà giảng mỗi khác. L.K.h. giảng như vầy: nếu lấy không gian mũi tên chiếm làm đơn vị và chỉ xét theo từng đơn vị ấy thôi thì mũi tên không bay; nếu lấy làm đơn vị khoảng không gian từ chỗ mũi tên phát ra tới cái địch, thì mũi tên có bay.
[56] Câu này của Công Tôn Long. Theo L.K.h.: con “cẩu” là con chó con, lông chưa dài; còn “khuyển” là con chó lớn, lông đã dài rồi; con cẩu chưa thành con khuyển, nên không phải con khuyển.
[57] Ngựa vàng là một ý niệm, bò đen là một ý niệm nữa; khi hai con đứng với nhau lại có một ý niệm chung về ngựa và bò, vậy là ba ý niệm.
[58] Có sách giảng: trắng và đen là tiếng ta đặt ra, vậy ta cũng có thể đảo ngược lại, gọi là đen cái màu mà hiện nay ta gọi là trắng. Có sách lại giảng: chó trắng là lông nó trắng nhưng đồng thời nó cũng đen vì mắt của nó đen. Còn một cách giải khác: màu sắc là do ánh sáng, áng sáng thay đổi thì màu sắc cũng đổi thay, trắng cũng có thể hoá xanh, đỏ hay đen.
[59] Câu này cũng của Công Tôn Long. Ông muốn bảo: con ngựa con đó bây giờ không có mẹ, tức là chưa bao giờ có mẹ. Ông nói bậy, vì không chấp nhận sự biến đổi: trước nó có mẹ, bây giờ mới không.
[60] Vì cứ chặt một nửa thì con một nửa, hôm sau còn một nửa của một nửa còn lại hôm trước, cứ như vậy hoài vạn đời sau cũng còn lại một nửa của cái nửa còn lại hôm trước. – Hy Lạp thời cổ, thế kỉ thứ năm trước T.L. Zénon cũng có một nguỵ biện như vậy: Achille chạy rất nhanh, con rùa chạy rất chậm; con rùa chạy trước một quảng rồi thì vạn đời sau Archille cũng không đuổi kịp con rùa.
[61] Hoàn Đoàn và Công Tôn Long đều là người nước Triệu, Công Tôn Long sinh khoảng -330, mất khoảng -242, chịu ảnh hưởng của Huệ Thi, thuộc phái Danh gia, soạn cuốn Công Tôn tử nay còn 6 thiên.
[62] Câu này L.K.h. cho là lời của Huệ Thi và dịch là: Nhưng tôi đây này, vũ trụ làm gì được tôi? (Nguyên văn: Thi tồn hùng nhi vô thuật).
[63] Câu này, nguyên văn là: Phù sung nhất thượng khả, viết dũ quí, đạo cơ hĩ. Tôi theo H.C.H. – D.N.L. dịch là: càng tôn trọng ngôn từ, đừng phát ngôn (bừa bãi) thì càng gần với đạo. L.K.h. dịch là: Cái hiểu biết của Huệ Thi có thể diễn đạt được một khía cạnh của chân lí nếu ông ta bảo: “Càng quí trọng cái Đạo thì càng gần nó”.
[64] Câu này có lẽ in thiếu chữ “quả”, vì trên nhiều trang web chữ Hán, câu tương ứng là:古之所謂道術者,果惡乎在 Cổ chi sở vị đạo thuật giả, quả ô hồ tại. [Goldfish].
[65] Trong Nội thiên tôi dịch thoát là: Khi nào thì Đạo không còn?
[66] Tuân tử là người nước Triệu, sau qua Sở làm quan, nhưng vì ông thuộc Khổng phái nên có thể miễn cưỡng gọi ông là bậc sĩ nước Trâu, nước Lỗ.
[67] Chữ “bách gia” này thời Trang tử đã có ai dùng chưa?
[68] Khổng tử khi gặp tai nạn ở đất Khuông, nói với môn sinh, đại ý rằng thời đó chỉ duy có ông là giữ được lễ, nhạc, pháp độ của Văn vương, nếu trời chưa muốn những cái đó mất đi thì người đất Khuông không làm gì được ông. (Luận ngữ - Tử hãn 5). Và trước khi mất, ông thở dài hát: “Núi Thái Sơn sắp sụp, cây thượng lương sắp đổ. Bậc triết nhân sắp mất”. Nhưng cả hai lời đó đều nói với môn sinh. Lời trên (ở đất Khuông) chỉ diễn cái ý sống chết do mệnh trời; lời dưới chưa chắc đúng vì không thấy chép trong Luận ngữ, mà dù có đúng chăng nữa thì cũng chỉ là lời than thở, tuyệt nhiên không có ý tự cao tự mãn. Mà trong Luận ngự còn cả chục chỗ khác cho ta thấy Khổng tử rất khiêm tốn. Còn Lão tử thì ai cũng nhận rằng ông là bậc thánh về đức khiêm nhu, chịu ở dưới người, ở sau người chứ không muốn ở trên người, ở trước người.
gud ^^
Trả lờiXóa