Bản năng loài vịt sinh ra đã biết bơi. Chỉ cần xuống nước là vịt có thể bơi ngay được. Thế mà vịt con Út Bông ở xóm Chài lại bản tính rụt rè sợ nước, không dám xuống hồ tập bơi. Nhìn anh chị trong đàn biết bơi, Bông thích lắm. Nó thường đứng trên bờ nhìn xuống ao thèm thuồng nhưng nghĩ đến việc xuống nước bơi là lại thấy khiếp sợ.
Bố mẹ vịt Bông bèn bàn bạc tìm cách làm cho vịt Bông tin vào khả năng bơi lội vốn có của loài, giúp Bông hòa vào cuộc sống của loài vịt. Một buổi sáng như thường lệ, cả nhà vịt tung tăng ra hồ để bơi lội và kiếm ăn. Lũ vịt con đã ào cả xuống hồ, chỉ còn vịt Bông vẫn đứng ở trên bờ. Thấy vậy, vịt mẹ lại gần dỗ dành: "Út Bông ơi, trèo lên lưng mẹ đi, mẹ sẽ cõng Út bơi với các anh chị của con, ngoài kia vui lắm con ạ". Nghe lời, vịt Bông chèo lên và bám chặt mẹ. Vịt Bông vui quá vì được mẹ chở đi quanh hồ, ngắm bao nhiêu cảnh đẹp, lại còn nghịch ngợm với chị em. Bỗng vịt Bông giật mình, cảm thấy chân mình đang quờ quạng dưới nước, lớp lông cánh đã ướt sũng. vịt mẹ đã thừa lúc vịt Bông không để ý, lặn sâu xuống nước, thả vịt Bông ra khỏi lưng. vịt Bông nhận ra thì đã không kịp, mẹ đã ở tít xa. Nó bắt đầu sợ và đạp chân cuống quýt, miệng la hét gọi mẹ. Nhưng bố mẹ cùng các anh chị không bơi lại mà chỉ động viên và thức tỉnh rằng nó đang bơi đấy và có làm sao đâu. Mải mê vừa quẫy đạp, vừa la hét, vịt Bông chợt nhận ra mình vẫn đang nổi trên mặt nước, chẳng hề hấn gì. Bình tĩnh hơn một chút, nó chỉ quờ nhẹ đôi chân, thật kỳ lạ, nó đang nổi và bơi được những đoạn khá dài. Một lúc sau thì nó đã ở bên bố mẹ. Thế là vịt Bông nhút nhát đã biết bơi. Chẳng bao lâu sau, chú trở thành chú vịt con bơi giỏi nhất trong đàn.
2. Cốt lõi kế sách
Khả năng bơi của loài vịt là một năng lực tự thân có tính quy luật gắn với loài vịt. Tuy nhiên vịt con vì không nhận ra, không tin vào khả năng của mình nên đành ở trên bờ đứng nhìn cuộc sống của đồng loại. Vịt mẹ biết được nên đã giúp vịt con phát hiện ra mình để có cuộc sống tốt đẹp của loài.
Trong cuộc sống, con người có vô số khả năng và nhu cầu có tính quy luật của loài đang tiềm ẩn và đang liên tục phát triển. Nếu chúng ta biết phát hiện, đánh thức những khả năng cũng như nhu cầu tốt đẹp của con người, của cuộc sống quanh ta chắc chắn sẽ tìm thấy những thành công bất ngờ.
3. Ý nghĩa vận dụng trong kinh doanh: Phát hiện cơ hội kinh doanh
Trong kinh doanh, biết phát hiện những nhu cầu tiềm ẩn có tính quy luật của con người và đáp ứng những nhu cầu đó chính là việc phát hiện và khai thác những cơ hội kinh doanh đích thực. Bất cứ ai muốn khởi lập một công cuộc kinh doanh hay muốn mở rộng phạm vi kinh doanh đều phải giải bài toán này.
Trong việc quản lý, sử dụng con người, nếu ta biết phát hiện những năng lực tiềm tàng của cán bộ, nhân viên trong tổ chức của mình, biết khơi dậy và tạo dựng niềm tin cho họ, hướng những năng lực đó của họ hòa chung nỗ lực của tổ chức mình, ta sẽ thành công mạnh mẽ.
MỘT SỐ MINH HỌA VIỆC ÁP DỤNG THÀNH CÔNG KẾ SÁCH
Bản thân những nhu cầu của con người là vô tận bởi vì con người luôn hướng đến cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đối với mỗi con người, hai nhu cầu được coi là thiết yếu và bất biến là nhu cầu ăn và mặc. Iaccocca - một doanh nhân nổi tiếng thế giới kể lại rằng, khi biết ông ao ước kinh doanh trong lĩnh vực xe ô tô, cha ông đã có lời khuyên rằng:" Vào thời thịnh con hãy kinh doanh ôtô, còn trong thời buổi kinh tế suy thoái thì con hãy kinh doanh thực phẩm. Vì trong mọi hoàn cảnh, ăn là nhu cầu bất biến của mỗi người". Lời khuyên giản dị của người cha nhưng nó chứa đựng trong đó cả một triết lý kinh doanh. Đó là luôn luôn tìm đến và khai thác những nhu cầu tất yếu cốt lõi mang tính bản chất của con người. Người kinh doanh nắm bắt được quy luật đó thì không thể không thành công.
1. Nước rửa rau quả
Trong thời buổi kinh tế thị trường, Việt Nam mở cửa với thế giới và du nhập nhiều công nghệ sản xuất mới, trong đó có các loại phân bón, hóa chất dùng trong nông nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống kiểm soát quy trình sử dụng các loại hóa chất này lại lỏng lẻo và đang bị thả nổi. Có những sản phẩm rau mới vừa được phun thuốc, chưa đủ số ngày quy định đã được đem đi tiêu thụ. Nguy cơ ô nhiễm thực phẩm ngày càng cao.
Có một thanh niên Việt Nam đang làm việc cho một công ty nước ngoài trong một chuyến đi công tác nước ngoài đã được nghe kể và biết rằng cách đây một chục năm, Singapore cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự. Vào thời kỳ đó, để giải quyết tình trạng trên, người ta đã sản xuất ra một loại nước rửa hoa quả có khả năng phân hủy hóa chất trên bề mặt rau quả. Câu chuyện đó làm người thanh niên thức tỉnh và nhìn ra được một nhu cầu mới chắc chắn sẽ nảy sinh trong tương lai. Nhưng lúc đó ở thị trường Việt Nam chưa nảy sinh nhu cầu này. Tuy nhiên, tin tưởng vào phát hiện của mình, anh ta chắc chắn rằng thị trường Việt Nam sẽ xuất hiện nhu cầu này. Anh ta quyết định tìm mua công thức sản xuất của loại nước đặc biệt có khả năng loại bỏ những chất độc hại của rau quả, chuẩn bị cho sự ra đời của loại sản phẩm mới.
Đúng như dự đoán, vào năm 2000, báo chí liên tục đưa tin về các vụ ngộ độc thực phẩm. Các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân là do tỷ lệ thuốc trừ sâu và phân bón trong rau quả bán ra lớn hơn nhiều so với mức cho phép. Toàn xã hội lúc đó mới nảy sinh nhu cầu tiêu thụ rau sạch, thực phẩm sạch. Thời cơ đã đến, nước rửa rau quả Vegy được tung ra thị trường đáp ứng nhu cầu làm sạch rau quả tất yếu của các bà nội trợ và ngay lập tức giành được thắng lợi lớn.
Trong thời gian đó, cũng có nhiều nhà kinh doanh đáp ứng nhu cầu của thị trường bằng cách trồng rau sạch nhưng việc trồng rau sạch phải mất một thời gian nhất định từ lúc canh tác đến lúc thu hoạch, hơn nữa rau sạch cũng chỉ cung cấp trong một phạm vi hẹp. Vì vậy Vegy vẫn là giải pháp được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Thành công của các sản phẩm sạch trên là do người kinh doanh đã nắm bắt được xu hướng tất yếu của nhu cầu thị trường, đồng thời quyết đoán đầu tư để chuẩn bị cho sự ra đời của các sản phẩm mới.
2. Người Nhật với phát minh bột ngọt :
Người dân Nhật Bản đã biết dùng các loại rong biển để giúp tăng thêm mùi vị của thức ăn từ cả ngàn năm về trước. Song mãi cho đến đầu thế kỷ thứ 20 (khoảng năm 1908-1910) các nhà hoá học Nhật Bản mới thành công trong việc tách rời phân tố của hợp chất axit nhựa bột từ rong biển.
Đầu thế kỷ 20, trên thế giới chưa hề có khái niệm bột ngọt. Một thanh niên Nhật Bản tên là Suzuki bắt đầu mò mẫm nghiên cứu bột ngọt, anh tin rằng loại sản phẩm này nhất định sẽ trở thành sản phẩm yêu thích của nhân loại. Suzuki đã dày công cùng với các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu chế tạo nhiều lần, cuối cùng tìm ra được công thức pha chế.
Và sau đấy, một công ty sản xuất bột ngọt đã hình thành đầu tiên trên thế giới với cái tên Ajinomoto mà chúng ta còn được biết là hãng bột ngọt Moto! Ngày nay, bột ngọt đã trở thành chế phẩm quen thuộc trên khắp thế giới. Ajinomoto trở thành sản phẩm danh tiếng, chiếm lĩnh khoảng 90% tổng lượng tiêu thụ ở Nhật Bản, bán chạy ở trên 100 nước và vùng lãnh thổ.
3. Bài học từ dao cạo Gasmen
Công ty dao cạo Gasmen được thành lập sau Gillett tới 20 năm. Khi đó, Gillett đã rất nổi tiếng trên thị trường. Vậy Gasmen làm thế nào để xâm nhập thị trường dao cạo an toàn? Các nhà nghiên cứu của Gasmen phát hiện, Gillett có một nhược điểm mà mọi người không để ý tới, nhất là những người đã quen dùng dao cạo Gillett. Đó là lưỡi dao của Gillett chỉ sử dụng được với bàn cạo Gillte mà thôi. Như vậy, vô hình chung nó đã giới hạn khả năng tiêu thụ của Gillett. Trong khi đó, ngoài nước Mỹ, theo Gasmen nhận định, xã hội luôn xuất hiện các tầng lớp tiêu dùng mới, hơn nữa, tính tiện dụng chắc chắn sẽ được người tiêu dùng tín nhiệm. Sau một thời gian nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị, nhân lực, cuối cùng Gasmen đã chế tạo ra được lưỡi dao dùng được đồng thời với bàn cạo của Gasmen, Gillete và bàn cạo an toàn của nhiều nước khác. Điều này khiến tình hình tiêu thụ của Gillette tụt dốc trầm trọng. Gasmen nhờ đó vươn lên, chiếm được chỗ đứng trong thị trường.
4. Bảo hiểm cho người nhiễm HIV
Một chuyên viên bảo hiểm của một công ty bảo hiểm Hà Lan trong một lần đến tham dự cuộc gặp mặt của những người bị nhiễm HIV đã nảy ra một suy nghĩ. Tại sao lại không có loại hình bảo hiểm dành cho những người bị nhiễm HIV? Bởi lẽ bản chất của bảo hiểm là sự san sẻ rủi ro, mọi người thực ra đều có nhu cầu được bảo hiểm. Những người có nguy cơ rủi ro càng cao thì nhu cầu bảo hiểm của họ lại càng lớn. Vấn đề là phải đảm bảo được những nguyên tắc cân bằng lợi ích của người kinh doanh và người mua bảo hiểm.
Xuất phát từ suy nghĩ ấy, chuyên viên này đã trình lãnh đạo của mình một dự án kinh doanh dịch vụ bảo hiểm cho những người nhiễm HIV. Đề án được ban lãnh đạo công ty bảo hiểm phê duyệt và đưa ra thị trường. Ngay lập tức, nó đã được sự đón nhận hưởng ứng của đông đảo cộng đồng những người nhiễm HIV, những người có nguy cơ nhiễm HIV và cả những người lo ngại nguy cơ lây nhiễm HIV.
Và như vậy cũng bằng việc đưa ra thị trường một loại dịch vụ mới, công ty bảo hiểm Hà Lan kia đã có một cú bứt phá lớn trong kinh doanh.
5. Cá cảnh phát sáng
Công ty Taikong Corp tại Đài Loan kinh doanh cá cảnh phát đạt. Sự thành công này một phần là do ông chủ tịch rất thích cá cảnh: ông đam mê tìm tòi lai tạo ra những giống cá khác nhau. Chính vì vậy, các loại cá cảnh của công ty luôn được chào đón trên thị trường. Ở nhà ông chủ tịch cũng có một bể cá cảnh lớn và đẹp. Thú vui hàng ngày sau giờ làm việc của ông là chăm sóc và ngắm nghía cá cảnh.
Một hôm, sau bữa cơm tối với cả gia đình, trong khi ông đang say sưa bên bể cá thì điện vụt tắt. Đột nhiên bị mất hứng, ông chủ tịch cảm thấy rất bực bội. Chợt có ánh đèn ô tô chiếu từ ngoài đường vào, ông phát hiện trên đường viền của mấy chú cá sáng lóe lên. Những vệt sáng này chuyển động theo sự uốn lượn của thân cá trông tuyệt đẹp rồi lại mất ngay. Chiếc xe ôtô đi qua, điện cũng sáng trở lại. Nhưng đọng trong tâm trí ông chủ lúc đó là một nỗi ám ảnh về vệt sáng tuyệt vời trên thân những chú cá. Một ý tưởng mới hình thành. Ông tìm đến những nhà sinh học, biến ý tưởng của mình thành đề tài cho họ. Cuối cùng vào đầu năm 2001, trên thị trường xuất hiện một loại cá mới có khả năng phát sáng rất độc đáo và đẹp mắt.
Khi những con cá cảnh mới này được bày bán lần đầu tiên, có người đã bỏ ra 20 USD để mua lại nó trong khi giá bán chính thức chỉ có 1,8 USD. Chỉ 3 năm sau, vào năm 2004, doanh thu từ loại cá này đã chiếm khoảng 20% tổng thu nhập của công ty. Năm 2003, Tạp chí Time của Mỹ thậm chí còn xếp loại cá có thể phát quang trong bóng tối là một trong những phát minh đặc sắc nhất.
Như thế, với thú chơi cá cảnh tao nhã, công phu, nó đòi hỏi không chỉ sự đam mê và tâm huyết, mà còn cả kiến thức khoa học lẫn văn hoá. Thị trường cá cảnh trên khắp thế giới rộng lớn và đầy tiềm năng đến mức có thể được coi là không giới hạn đã bừng tỉnh nhờ phát kiến này. Chính ông chủ tịch đã phát hiện ra được nhu cầu ngắm nghía những con cá phát sáng của những người yêu thích cá cảnh. Từ đó nảy sinh ra ý tạo ra những loài loài cá cảnh có khả năng phát quang trong bóng tối, để những người mê cá có thể chiêm ngưỡng chúng mà không cần phải thắp đèn sáng choang.
6. Cậu bé Marshallese
Marshallese là một thương gia nổi tiếng trên thế giới. Vậy nhưng thủa nhỏ, khi ông được cha mình đưa đến học nghề kinh doanh tại cửa hàng của một người quen biết, Marshallese rất nhút nhát nên rất chậm tiến bộ.
Ông chủ tiệm nhận thấy Marshallese là đứa trẻ thông minh, nhạy bén và rất thích kinh doanh nhưng do nhút nhát nên cậu bé không dám hỏi nhiều. Mọi việc cậu đều tự mình ngầm ngầm học mót nên không có mấy tiến triển. Người chủ cửa hàng liền nghĩ ra một cách để khích lệ cậu. Nhân tiện một lần cha của Marshallese đến cửa tiệm để hỏi thăm về con trai mình, người chủ cửa hàng bèn với ông rằng: "Tôi nói với ông một cách chân thành, Marshallese là một đứa trẻ chăm chỉ, ngoan ngoãn, nhưng để nó trở thành một thương gia giỏi thì có phải mất 1000 năm nữa cũng không được. Tốt nhất ông nên cho Marshallese học nghề khác!". Đang cặm cụi làm việc ở phía trong kho hàng, nghe những lời đó, Marshallese cảm thấy choáng váng và chỉ biết tự trách mình. Còn cha của Marshallese rất buồn rầu, nghe lời khuyên của người bạn và đón cậu bé về. Nhưng thật bất ngờ, khi người cha gọi cậu bé ra để đưa về nhà, Marshallese nhìn thẳng vào mắt cha và quả quyết: "Cha hãy cho con ở lại đây, chắc chắn con sẽ nên người".
Quả nhiên, ngay những ngày sau đó, Marshallese hoạt bát hẳn lên, cậu tìm mọi cách để được tiếp xúc với khách hàng, làm việc say mê quên ngày quên đêm, nếu mắc sai sót thì tìm mọi cách khắc phục. Vì vậy mà không lâu sau cậu đã trở thành người thạo nghề nhất trong cửa hiệu.
Sau này, Marshallese còn làm thêm nhiều nghề khác nữa dựa trên những kinh nghiệm và kiến thức kinh doanh đã học được. Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, ông đã trở thành một trong những thương gia thành đạt và có uy tín trên thế giới.
* Cách thức áp dụng kế sách :
Như vậy, biết là Marshallese rất có năng khiếu kinh doanh nhưng chỉ do tính tự ti nhút nhát mà năng khiếu ấy bị che khuất và không có cơ hội để bộc lộ ra, ông chủ cửa tiệm đã tạo ra tình huống để khích cậu, thông qua đó đánh thức lòng tự trọng và khơi dậy năng lực tiềm ẩn của Marshallese. Và cách này đã ép Marshallese phải tự bật lên, phải chứng tỏ mình và quả nhiên cậu đã vượt qua được những trở ngại tâm lý để học hỏi và thành tài. Điều đó cũng cho thấy rằng, một người chủ doanh nghiệp tài năng phải nhìn nhận ra năng lực tiềm ẩn của nhân viên và phải tìm cách tạo ra sức ép để nhân viên thể hiện được năng lực ấy ra bên ngoài.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét