Hồng Hài Nhi phun lửa tam muội |
Xét về khả năng tự quản lý bản thân, người dễ nóng giận và nổi cáu thực ra là người đáng thương. Một người ngay cả bản thân cũng không thể quản lý nổi, làm sao có đủ khả năng quản lý những mối quan hệ giữa mình và người khác, với xã hội, và với giới tự nhiên.
Yêu quái trên lưng
Thầy trò Đường Tăng đang đi về hướng Tây, bỗng nhiên lại gặp một ngọn núi lớn chắn ngang đường. Chỉ nhìn thấy trên đỉnh núi mây trắng bay, dưới khe sâu sương đen bao phủ, địa thế vô cùng hiểm trở. Bốn thầy trò đều cảm thấy lo lắng, bất an. Bỗng nhìn thấy từ sườn núi có một áng mây đỏ bay thẳng lên trời. Trong đám mây ấy có một khối lửa lớn. Tôn Ngộ Không vội vàng đỡ Đường Tăng xuống ngựa, và nói:
- Các sư đệ, cẩn thận có yêu quái đấy!
Bát Giới vội vàng giơ cây đinh ba, Sa Hòa Thượng vung bảo trượng bọc lấy Đường Tăng ở giữa.
Lát sau đám mây đỏ ấy tan đi, bầu trời lại trở nên trong xanh. Tôn Ngộ Không nói:
- Ắt hẳn đó là một yêu quái đi ngang qua đoạn đường này. Mời sư phụ lên ngựa, chúng ta lại tiếp tục lên đường.
Trư Bát Giới lau mồ hôi, rồi lắc lư cái đầu, miệng nghêu ngao hát.
Nào ngờ Ngộ Không nhìn nhầm, con yêu quái đó không phải khách qua đường mà là đại vương của ngọn núi này. Nó nhìn thấy Đường Tăng có ba đồ đệ theo sau bảo vệ. Biết mình không thể địch nổi, mà phải dùng mưu nên nó lắc mình biến thành một đứa trẻ bảy tuổi mình trần như nhộng, tay chân bị trói, người bị treo trên cành cây, miệng hét lớn:
- Cứu mạng, cứu mạng!
Đường Tăng nghe thấy tiếng kêu, vội vàng thúc ngựa đến, hỏi đứa trẻ:
- Cháu con cái nhà ai? Tại sao bị treo trên cành cây thế này?
Đức trẻ trả lời:
- Cháu tên là Hồng Hài Nhi. Nhà cháu ở cách đây mười mấy dặm về phía tây. Nhà cháu gặp bọn thổ phỉ chặn đường cướp của, bố cháu bị giết chết, mẹ cháu bị bắt đi. Vì cháu kêu khóc quá, chúng không bắt đi mà treo ở trên cây. Mong sư phụ khởi lòng từ bi, cứu cháu với.
Đường Tăng bảo Bát Giới đưa đứa bé xuống, rồi mời nó lên ngựa cùng đi.
Đứa trẻ nói:
- Sư phụ ơi, tay chân cháu bị trói tê cứng hết cả, làm sao mà ngồi trên ngựa được.
Đường Tăng bèn bảo Trư Bát Giới công đứa bé, nhưng nó lắc đầu quầy quậy vì sợ lông lợn trên người Bát Giới. Sa Hòa Thượng thì mặt mũi đầy râu ria, dữ tợn, nên nó cũng không muốn. Đường Tăng đành phải gọi Ngộ Không đến cõng.
Ngộ Không nghĩ bụng:
- Sao lần nào mình cũng phải cõng yêu quái vậy?
Trong tập thể cũng vậy, khi có việc lớn việc khó, người ta sẽ không tìm đến những người có tính cách sôi nổi chỉ biết nói không biết làm, mà lần nào cũng vậy, gánh nặng luôn được đặt lên vai những người có tính cách mạnh mẽ, dám đương đầu với khó khăn, thử thách.
Tức giận là một sự cuồng bạo về tình cảm
Đứa trẻ mà Tôn Ngộ Không cõng trên lưng thực ra là một sự cuồng bạo về tình cảm. Mà đám mây lúc thầy trò Đường Tăng nhìn thấy ban đầu chính là sự nóng nảy mà mọi người thường hay nói đến.
Có một câu truyện nhỏ về một tên trộm, tên trộm đó khi đi trộm đồ vì bị người phát hiện nên hắn đã giết người, hắn bị truy bắt gắt gao, và hắn đã trốn vào rừng sâu hoang vu không một bóng người, hắn đã sống chui rúc ở rừng trong suốt 20 năm trời. Trong 20 năm trời đó, tên trộm luôn sống trong sợ hãi, và vô cùng hối hận, trong suốt nhiều năm, ngay đến cả một con thỏ hoang hắn cũng không nỡ giết hại. Hắn chỉ ăn rau quả trên núi để sống, hắn sống kham khổ như những tăng ni tu hành khổ hạnh.
Cuối cùng, sự chân thành hối lỗi của tên trộm đã làm cảm động một vị cao tăng, vị cao tăng quyết định cứu tên trộm đó. Vị cao tăng đã tới hang núi nơi tên trộm sống và nói với hắn rằng: “Người phụ nữ mà anh đã giết 20 năm về trước không chết, cô ấy vẫn sống rất tốt.”
Tên trộm tỏ ra rất kinh ngạc và hỏi:
- Là thật ư?
Vị cao tăng trả lời rằng:
- Đương nhiên là thật chứ.
Nói rồi ông cho tên trộm địa chỉ của cô gái để hắn đi kiểm chứng lời ông nói.
Đến chiều tối, tên trộm đến và nói với vị cao tăng rằng đúng là cô gái đó vẫn đang còn sống.
Vị cao tăng tỏ ra rất vui vẻ, ông nói:
- Bây giờ cậu có thể nhẹ lòng rồi chứ?
“Không!” Tên trộm buồn rầu nói: “Vì cuộc sống kham khổ mà tôi phải gánh chịu suốt 20 năm qua khiến tôi cảm thấy rất uất ức, trong lúc không kiềm chế được, tôi đã giết cô ấy rồi!”
Tức giận chính là sự cuồng bạo về tình cảm như vậy, nó khiến cho người ta đánh mất lý trí, hành động mù quáng. Khi mọi người tức giận, họ thường không tính đến hậu quả, nó giống như một đứa con hư không biết đến trách nhiệm của mình.
Ngưu Ma Vương và con trai
Nói đến Ngưu Ma Vương thì Tôn Ngộ Không không còn lạ gì ông ta nữa. Năm đó, trong thời gian Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung thì cả hai đã từng kết giao huynh đệ, phân chia thứ bậc, khi đó Ngưu Ma Vương là đại ca. Chúng ta cùng tìm hiểu một chút về nhân vật Ngưu Ma Vương này. Trên núi Nga Mỹ ở Tứ Xuyên có một ngôi chùa tên là Ngưu Tâm. Tại sao lại gọi là chùa Ngưu Tâm? Ngưu Tâm là chỉ con trâu và tâm tính, tâm tức là ngưu mà ngưu tức là tâm. Ví dụ như Hòa thượng Phổ Minh nói đến trâu và tâm thì ông đã đem việc tu dưỡng tâm tính để ví với việc chăn trâu. Từ một con trâu rừng đã tư thành một con vật thân thiết, nó được chia làm 10 bước như sau:
Thứ nhất là “vị mục” (chưa được chăn), ví với con trâu rừng đang được tự do gầm rú, tùy ý chạy nhảy.
Thứ hai là “sơ điều”, trâu rừng bị buộc mũi, bị con người dẫn dắt.
Thứ ba là “thụ chế” trâu rừng bắt đầu quen với việc bị buộc mũi và bị dẫn đi, nó không còn làm loạn nữa.
Thứ tư là “hồi thú”, cái tâm điên cuồng của trâu trở nên nhu thuận. Tuy nhiên đôi lúc nó cũng kéo dây, nhưng nó đã khá nghe lời.
Thứ năm là “thuần phục”, có thể vắt dây lên sừng trâu, mặc cho nó tự do gặm cỏ. Chỉ cần chú ý không để nó xổng ra ngoài bãi cỏ ăn vào ruộng của nhà khác là được.
Thứ sáu là “vô ngại”, trâu ăn có trên bãi cỏ không dám chạy đi nơi khác nữa.
Thứ bảy là “nhậm vận”, trẻ chăn trâu có thể yên tâm nằm ngủ.
Thứ tám là “tương vong”, trẻ chăn trâu và trâu đều quên, trẻ chăn trâu không còn lo lắng về trâu, trâu cũng có thể tự do thoải mái gặm cỏ ở bãi, cả trâu và người đều tự do hưởng thụ thời gian và cỏ thơm.
Thứ chín là “độc chiếu”, đạt đến cảnh giới không còn trâu, những vọng niệm của con người đều đã tiêu tan, chỉ có mặt trời đỏ treo trên bầu trời mênh mông của tâm hồn.
Thứ mười là “song dẫn”, người cũng không thấy mà trâu cũng chẳng thấy, cả hai đã tiến vào cảnh giới của “không” cảnh giới siêu ngã.
Vì thế mà Ngưu Ma Vương thực ra chính là một con trâu rừng “chưa được chăn thả”, còn tự do, tùy tính, ngang ngược và cuồng bạo. Có cha như thế ắt có con cũng không kém, Hồng Hài Nhi là một đứa trẻ nóng nảy.
Ngọn lửa nóng giận giống như con ngựa bất kham
Khi biết Hồng Hài Nhi là công tử của đại ca Ngưu Ma Vương, y liền đến chỗ Ngưu Ma Vương. Vừa đến, y đã gặp Hồng Hài Nhi tay cầm vũ khí lao ra quát lớn:
- Ngươi là cái gì mà ta phải giao Đường Tăng lại cho ngươi ?
Tôn Ngộ Không nói:
- 500 năm trước, khi Lão Tôn ta đại náo thiên cũng đã kết giao huynh đệ với Ngưu Ma Vương cha ngươi. Phân chia thứ bậc thì người phải gọi Lão Tôn ta là chú đấy. Thế mà bây giờ người lại gây khó dễ với chú ngươi đấy.
Hãy xem cái tên Tôn Ngộ Không kia cũng thật là ngây thơ, y thô bạo như vậy thì còn gì gọi là thân tình nữa. Hồng Hài Nhi tức giận chửi mắng Tôn Ngộ Không, rồi cầm vũ khí xông lên nhằm thẳng Tôn Ngộ Không mà đánh.
Tôn Ngộ Không giật mình. Y đâu ngờ một đứa trẻ ngay đến người thân quen cũng không nhận, mới nói thế mà đã nổi giận muốn đánh, hơn nữa đòn đánh lại rất tàn ác. Y xoay người tránh đòn rồi tung gậy Như Ý lên đỡ, y chửi:
Tên tiểu súc sinh khốn kiếp kia, người không biết trên dưới là gì! Hãy xem sự lợi hại của ta đây!
Hồng Hài Nhi cũng nhanh nhảu né người tránh đòn, rồi hắn quay lại chửi Tôn Ngộ Không:
- Con khỉ hoang ngu xuẩn kia! Hãy xem gậy của ta đây! Hai bên tức giận bừng bừng lao vào quyết chiến, đánh từ dưới đất rồi lại bay lên không trung, nhưng vẫn không phân thắng bại.
Hóa ra sự căm tức khiến cho người ta trở nên dữ tợn, giống như Hồng Hài Nhi giở trò côn đồ, mặt bừng bừng đầy máu tươi, hắn phun lửa thế như ngựa phi càng khiến cho người khác khiếp sợ mất vía. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, sự tức giận là tình cảm mà con người khó khống chế nhất, người tức giận thì nói năng một mình, để rồi cuối cùng mượn cớ để trút giận một cách hợp lý. Vì vậy, sự tức giận thường có một sức mạnh mà người ta thường xem là “lẽ thắng khí hùng”, họ có thể khẳng khái ngang nhiên, quét sạch tất cả, khiến cả ngọc nát đá tan.
Nhìn dáng vẻ hoảng loạn của Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới thì Sa Tăng lại mỉm cười. Kiểu tính cách ôn hòa có một ưu điểm để cho người khác khen ngợi chính là trong lúc bão táp họ vẫn giữ được sự bình tĩnh. Khi cơn tức giận bừng lên thì người mạnh mẽ công kích, người sôi nổi rít lên, người cầu toàn như cuồng loạn, nhưng chỉ có người ôn hòa là vẫn bình tĩnh ứng xử. Họ không bị tâm lý làm cho choáng váng, họ không hề nao núng đối với sự phẫn nộ. Trước tiên họ sẽ tránh xung đột, họ lùi bước từng chút từng chút và sau đó họ sẽ chọn một phương hướng đúng đắn.
Tôn Ngộ Không thấy Sa Tăng cười như vậy thì hỏi:
- Này Sa Tăng, đệ cười cái gì thế ?
Sa Tăng đáp:
- Đệ cười cái vẻ hoảng loạn của hai huynh, hai huynh lại quên mất đạo lý tương sinh tương khắc rồi.
Nghe Sa Tăng nói vậy thì Tôn Ngộ Không liền nói:
- Phải rồi! Thủy có thể khắc hỏa, ta sẽ đến chỗ Long Vương mượn nước, xem cái tên Hồng Hài Nhi này còn được bao nhiêu lửa nữa!
Cái con khỉ này nói là làm luôn, hắn tung người đứng trên cân đẩu vân rồi bay về Đông Hải mời Tứ Hải Long Vương tới. Sau đó, hắn tự tới động Hỏa vân khiêu chiến với yêu tinh, còn Tứ Hải Long Vương thì đợi ở trên không, nếu thấy yêu tinh phun lửa thì trút nước xuống để dập lửa.
Tôn Ngộ Không đến động Hỏa vân gọi yêu tinh ra chiến đấu. Hồng Hài Nhi ngửa mặt lên cười:
- Con khỉ kia, lần trước chưa thiêu chết nhà người, lần này thì ta e nhà người sẽ cháy thành tro đấy!
Tôn Ngộ Không cũng cười khểnh mà nói:
- Khẩu khí của nhà người được lắm!
Hai bên hét lớn rồi xông vào đánh nhau. Trong khoảnh khắc lửa đã cháy ngùn ngụt, khói đen cuồn cuộn, thấy vậy Tôn Ngộ Không liền vội vàng gọi: “Long Vương đâu rồi?” Anh em nhà Long Vương dẫn theo thủy tộc trút nước từ trên trời xuống. Nào ngờ lửa mà yêu tinh phun ra hoàn toàn không giống như lửa ở nhân gian mà đó là lửa “tam muội”, lửa này bị nước mưa dội thì càng như dầu nổi trên nước, càng lúc càng bốc cháy dữ dội.
Trong biển lửa ngùn ngụt, Tôn Ngộ Không lại càng thêm nóng giận, y không né tránh biển lửa mà ngược lại xông vào biển lửa, y muốn tìm yêu tinh để tính sổ với hắn. Hồng Hài Nhi thấy Tôn Ngộ Không xông đến thì liền phun một ít lửa vào thẳng mặt y, Tôn Ngộ Không thấy hoa cả mắt mũi, đầu đau như búa bổ, toàn thân vừa ngứa vừa dát, trong lúc đau đớn y không còn biết nghĩ đến gì ngoài việc nhảy vào một con suối gần đó. Nào ngờ bị hơi nước bốc lên khiến cho hơi nóng xộc lên khiến y hôn mê bất tỉnh ngay tại chỗ.
Thực ra, có nhiều người cũng gặp phải những việc tương tự như của Tôn Ngộ Không, họ đã chuẩn bị một thùng nước lạnh rất to, hy vọng có thể làm nguội cơn thịnh nộ của kẻ khác, nhưng ngược lại kẻ khác lại càng căm tức, phun lửa đùng đùng thiêu cháy tất cả.
Phương pháp loại trừ tâm trạng nóng giận
Từ rất xa xưa, mọi người đã nhận thức được nóng giận có một sức mạnh mang tính hủy diệt, nó không chỉ phá hoại khả năng suy xét lý tính, mà còn khiến cho các quan hệ của bạn bị tổn hại. Nếu bạn dễ nổi giận thì mọi người sẽ không chỉ cho rằng tính cách của bạn quá nóng nảy, mà còn cho rằng bạn không có trách nhiệm đối với người khác và cả với bản thân mình. Nếu bạn thường xuyên bị những tâm trạng tiêu cực như lo lắng, giận dữ quấy nhiễu, hơn nữa lại không biết phải trút bỏ như thế nào, bạn sẽ rất khó tiến bộ trong sự nghiệp và trong cuộc sống. Dễ giận dữ, bạn sẽ trở nên lẽ loi trong đoàn thể và xã hội, vì thế sẽ làm mất đi tự tin, làm mất động lực nội tại nổi bật. Nhà tâm lý học cũng phát hiện ra rằng, người không biết khống chế sự nóng giận của mình rất dễ bị kích động, hơn nữa không thể hiểu được người khác, tần suất phạm tội tương đối cao. Ngược lại nếu bạn biết cách khống chế tình cảm của mình, bạn sẽ được xem là người có tư chất cao, một người đã kinh qua thử thách.
Để làm cho cơn giận lắng xuống, mọi người thường thử rất nhiều phương pháp, ví như lôi kéo sự chú ý, ở một mình, chạy trốn, thổ lộ tâm tình. Nhưng những phương pháp này có hiệu quả hay không là rất khó xác định, giống như phương pháp làm lạnh mà Tôn Ngộ Không sử dụng, không chỉ không thể làm người được cơn giận, ngược lại còn kích thích cho sự giận dữ tăng thêm, chẳng khác gì thêm dầu vào lửa. Hơn nữa những phương pháp này thường chỉ có tác dụng chốc lát giống như “lửa rừng thiêu bất tận, gió xuân thổi lại sinh”.
Vậy làm thế nào để tìm ra phương pháp tốt để loại trừ giận dữ và những nguy hại do giận dữ gây ra ? Ý nghĩ đầu tiên của Tôn Ngộ Không sau khi được Trư Bát Giới cứu chính là đi tìm Quan Thế Âm Bồ Tát.
Pháp bảo của Quan Thế Âm Bồ Tát
Quan Thế Âm Bồ Tát dùng ba loại pháp bảo để hàng phục Hồng Hài Nhi. Pháp bảo thứ nhất là bình tịnh thủy, pháp bảo thứ hai là đao thiên canh mượn của Thác Tháp Thiên Vương Lý Tĩnh, pháp bảo thứ ba là vòng kim cô do Phật Tổ Như Lai giao cho ngài.
Tịnh thủy đựng trong bình tưới xuống thế gian chính là cam lộ. Bình thường, Quan Thế Âm Bồ Tát chỉ dùng cành dương liễu phất nhẹ, tưới tắm cho muôn dân thiên hạ, nhưng lần này Người lại mang đến cả một đại dương. Khi cách động Hỏa vẫn khoảng 400 dặm, Bồ Tát dừng lại, gọi thần thổ địa và thần núi căn dặn họ đem toàn bộ sinh linh dã thú ở 300 dặm xung quanh đến đỉnh núi an toàn. Sao đó ngài đổ bình tịnh thủy, trước mặt bỗng chốc biến thành biển cả bao la. Có thể thấy rằng lửa giận hừng hực, rốt cuộc phải cần đến sự dịu mát của cả một đại dương.
Đao thiên canh là mượn của Thác Tháp Thiên Vương Lý Tĩnh. Lý Thiên Vương là thần hộ pháp của thiên đình, tương đương với cục trưởng cục cảnh sát về mặt đạo đức, đao thiên canh cũng tương đương với một loại công cụ để trừng trị về mặt đạo đức. Quan Thế Âm Bồ Tát cầm 36 ngọn đao thiên canh trong tay, lần lượt ném lên không trung, niệm chú, 36 ngọn đao thiên canh biến thành một đài sen ngàn cánh.
Còn chiếc vòng kim cô, vốn dĩ có đến ba chiếc, trên đầu Tôn Ngộ Không đội một chiếc, con gấu đen trên núi Hắc Phong đội một chiếc, chiếc cuối cùng gọi là “phẫn nộ” chuẩn bị cho tiểu yêu tinh.
Quan Thế Âm Bồ Tát chuẩn bị xong xuôi bèn viết lên lòng bàn tay trái của Tôn Ngộ Không một chữ “mê” sai y đi dẫn Hồng Hài Nhi đến. Tôn Ngộ Không liền đến động Hỏa vẫn khiêu chiến, Hồng Hài Nhi vác cây hỏa kích lao tới. Tôn Ngộ Không né tránh mũi kích, Tôn Ngộ Không chỉ giơ tay trái vẫy nhẹ trước mặt Hồng Hài Nhi, Hồng Hài Nhi liền bị mê hoặc, bất chấp tất cả mà đuổi theo.
Cắm đầu cắm cổ chạy, bỗng nhiên không thấy bóng dáng Tôn Ngộ Không đâu nữa, chỉ thấy Quan Thế Âm Bồ Tát về mặt trang nghiêm, ngồi trên đài sen. Hồng Hài Nhi trợn tròn mắt lớn tiếng hỏi:
- Ngươi là cứu binh của Tôn Ngộ Không mời đến sao?
Bồ Tát nhìn y với ánh mắt từ bi vô hạn không đáp. Hồng Hài Nhi không ghìm nổi tức giận quát lớn:
- Ta đang hỏi người đấy, người câm à ?
Bồ Tát vẫn không đáp. Hồng Hài Nhi nổi giận đùng đùng vác hỏa kích lao thẳng về phía Bồ Tát. Bồ Tát biến mất nhanh như tia chớp, nhưng vẫn để lại tòa sen ở đó.
Hồng Hài Nhi đắc ý nghĩ: “Đồ Bồ Tát bất tài “ quả nhiên bị ta đánh cho phải chạy mất tăm! Tòa hoa sen ngàn cánh này chính là để lại cho ta ngồi đây!”. Sau đó y cũng bắt chước điệu bộ của Bồ Tát ngồi xếp bằng chễm chệ trên đài sen.
Bồ Tát đứng trên đám mây mỉm cười, những cánh hoa trên đài sen bỗng nhiên biến thành những mũi dao sắc nhọn, đâm vào hai đùi của Hồng Hài Nhi. Hồng Hài Nhi hốt hoảng dùng tay nhổ ra, Bồ Tát khẽ niệm chú, các mũi đao thiên canh đều biến thành móc câu, làm sao mà nhổ được? có thể hiểu, nếu làm việc xấu thì sẽ bị trừng phạt như bị mũi đao thiên canh đâm vào, trừ khi biết sám hối, nếu không thì đao thiên canh kia sẽ không thể rút ra được.
Hồng Hài Nhi bị đao thiên canh đâm đau đớn vô cùng, y năn nỉ cầu cứu:
- Bồ Tát à! Xin Người hãy tha cho con, từ nay con không dám làm xằng, làm bậy nữa.
Bồ Tát hỏi:
- Ngươi có nguyện quy y Phật môn, một lòng hướng thiện không?
Hồng Hài Nhi gật đầu tia lịa. Bồ Tát nói:
- Ngươi đã đồng ý thì hãy làm một Thiện Tài đồng tử môn đệ của ta!
Bồ Tát bèn giơ một tay lên, 36 ngọn đao thiên canh tới tấp bay lên thu vào tay Bồ Tát, toàn thân Hồng Hài Nhi không hề còn thương tích.
Vì sao Tôn Ngộ Không và yêu tinh gấu chỉ phải đội một chiếc vòng kim cô, còn riêng Hồng Hài Nhi cả tay và chân đều bị vòng kim cô sít chặt? Vì con người trong lúc tức giận, ngoài việc vung lời mắng chửi bừa bãi còn gây ra một số hành vi thô lỗ, ví như đánh nhau, phá hoại đồ vật, thậm chí là tự hại thân mình. Một người bản chất rất tốt, nhưng dưới sự sai khiến của cơn thịnh nộ có thể thực hiện bất kỳ hành vi bạo lực nào.
Bồ Tát vừa dứt lời, Hồng Hài Nhi liền hết đau đớn. Y nhìn Bồ Tát, lại nhìn Tôn Ngộ Không, trong lòng vẫn bừng bừng lửa hận, bất thình lình nhặt trường kích, đâm tới tấp về phía Tôn Ngộ Không. Tôn Ngộ Không nghiêng mình tránh. Bồ Tát dùng cành dương liễu vẩy một giọt nước cam lỗ, hô lên một tiếng: “Đóng!” Chỉ thấy hai bàn tay của Hồng Hài Nhi khép lại trước ngực, vùng vẫy thế nào cũng không thể tách ra được. Hình tượng “Đồng tử bái quan âm” trong truyền thuyết dân gian chính là mô phỏng theo dáng điệu Hồng Hài Nhi hai tay hợp lại này. Hồng Hài Nhi từ đó quy y Phật môn, luôn theo sát bên cạnh Bồ Tát.
Thâm ý trong câu chuyện
Ba loại pháp bảo mà Quan Thế Âm Bồ Tát hàng phục Hồng Hài Nhi, kỳ thực chúng ta cũng có thể có được. Bình tịnh thủy kia chính ở trong tâm của chúng ta. Khi núi lửa phẫn nộ bộc phát, nếu dùng lời nói châm chọc để áp chế là không thích hợp, phương pháp chính xác nhất là giống như cách của Quan Thế Âm Bồ Tát lý giải sự giận dữ, dùng sự quan tâm yêu thương để đối đãi lại.
Còn cây đao thiên canh của Lý Thiên Vương, chúng ta cũng có thể mượn được. Bởi vì, mỗi người chân chính đều là Lý Thiên Vương, chúng ta có thể mời ngài đến giúp đỡ mình, để uốn nắn ý thức đạo đức và thói quen hành vi của mình.
Chiếc vòng kim cô sít chặt đầu và tứ chi của Hồng Hài Nhi kỳ thực chính là kỷ luật về mặt tư tưởng và hành vi mà chúng ta nên tuân thủ. Một quy định của các doanh nghiệp đã chỉ ra, vì nóng giận mà không thể tự kiềm chế biểu hiện của mình, thì sẽ phải nhận sự kỷ luật nghiêm khắc. Tương tự như vậy, chúng ta cũng nên tự cam kết một bản kỷ luật xử thế làm người, để có thể đủ đáp ứng nghiêm túc yêu cầu của bản thân.
Xét từ khả năng quản lý bản thân, một người dễ nóng giận kỳ thực lại là kẻ yếu đuối đáng thương. Một người không đủ khả năng quản lý bản thân làm sao có thể quản lý được mối quan hệ với người khác, với xã hội, với giới tự nhiên? Có một câu chuyện Phật Giáo tương đối kinh điển, kể rằng một võ sĩ hiếu chiến hỏi lão Thiền sư về ý nghĩa của thiên đường và địa ngục, lão Thiền sư cố ý nói với anh ta với vẻ khinh thường: “Ngươi là một võ sĩ thô bỉ, ta không có thời gian để đàm luận với nhà ngươi”. Võ sĩ nổi cơn thịnh nộ, rút kiếm quát lớn: “Lão đầu trọc, hãy xem một kiếm của ta có thể giết chết ngươi!” Thiền sư bình tĩnh mỉm cười nói với anh ta: “Đó chính là địa ngục.” Võ sĩ khoát nhiên khai ngộ, một người dễ nổi giận, chẳng khác nào luôn bị sự thiêu đốt của ngọn lửa địa ngục, vốn không thể hưởng thụ cuộc sống tốt đẹp hài hòa giữa con người và xã hội, giữa con người và tự nhiên. Võ sĩ liền điều chỉnh lại thái độ của mình, vui vẻ hòa nhã thu kiếm lại, rạp người xuống cảm ơn sự chỉ dẫn của lão Thiền sư. Lão Thiền sư lại mỉm cười nói với anh ta: “Đó chính là thiên đường!”
Kẻ yếu đuối mới đi nổi giận, chỉ có người mạnh mẽ hiểu được sự việc mới bình tĩnh lắng nghe và ghi nhớ ý nghĩa sâu xa trong câu chuyện.
( Source : TÂY DU @ KÝ - TG : Thành Quân Ức - DG : Hoàng Ngọc Cương - Lê Thị Hương )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét