Thỉnh được chân kinh |
Hóa ra sự tiến bộ của tập thể và sự nghiệp của cá nhân vốn liên hệ mật thiết với nhau. Khi tập thể thực hiện được mục tiêu đã đề ra, thì mỗi thành viên cũng đạt được thành công của riêng mình.
Hành trình tâm linh của thầy trò Đường Tăng
Từ trước tới nay, sự tiến bộ của tập thể và tương lai của mỗi cá nhân có quan hệ mật thiết với nhau, khi mỗi tập thể thực hiện mục tiêu phát triển thì mỗi cá nhân cũng có thể đạt được thành công. Lại nói đến bốn thầy trò Đường Tăng, sau 14 năm vượt qua gió lạnh nóng nực, cuối cùng họ đã đến được Tây thiên. Dưới chân núi Linh Sơn, họ đã gặp Ngọc Chân Quan Kim Đinh Đại Tiên. Kim Đinh Đại Tiên là người trong Đạo Giáo, sao ông lại đi tu hành ở đạo quán thuộc thánh địa của Phật Giáo! Nghĩ lại cũng thấy thật thú vị, Kim Đinh Đại Tiên cười mà nói: Quan Thế Âm Bồ Tác nói hai, ba hôm nữa những người lấy Kinh sẽ đi qua nơi này, sao đến mãi tận bây giờ thánh tăng mới đến!” Đường Tăng cười vẻ hơi ngượng, nhưng ông không trả lời câu hỏi.
Như chúng ta đã biết, cái gọi là Tây Thiên trong Tây du ký hoàn toàn không phải là Ấn Độ như ngày nay, mà đó chỉ là Tây Thiên trong tâm lý mà thôi. Linh Sơn ở đây cũng không phải là Linh Sơn về mặt địa lý mà đó cũng chỉ là Linh Sơn trong tâm lý mà thôi. Cho dù là Phật Giáo hay Đạo Giáo đi chẳng nữa thì đều là tôn giáo quan tâm đến nhân tâm. Người Trung Quốc rất chú trọng tới việc truyền thừa văn hóa, vì thế mà câu chuyện về đạo quán dưới chân núi Linh Sơn hoàn toàn không khó để lý giải. Thế nhưng. Linh Sơn đã ở trong tâm chúng ta thì cần gì phải phí thời gian như vậy?
Nếu bạn luôn biết mỉm cười thì bạn sẽ biết rằng, không có núi nào cao hơn con người không có con dường nào xa hơn làm cuộc đời của con người thực ra đều là một quá trình không ngừng chinh phục bản thân, là một quá trình không ngừng bôn ba trèo đèo lội suối. Chúng ta thường nói “chân trời góc biển”, có lẽ chính là nói về hiện tượng này chăng? Vì thế có nhiều người đã đi hết cả cuộc đời mà cũng không tìm được Linh Sơn của chính mình. Thầy trò Đường Tăng trải qua 14 năm đã đến Tây Thiên, thời gian bỏ ra như vậy cũng không phải là quá nhiều.
Thành tâm mới lấy được chân Kinh
Vào buổi tối hôm đó, thầy trò Đường Tăng đã nghỉ lại trong Ngọc Chân Quán. Kim Đinh Đại Tiên mời họ dùng cơm chay, rồi sắp xếp cho thầy trò họ tắm rửa thay xiêm áo và để cho mấy thầy trò được ngủ thật ngon. Sáng sớm hôm sau. Đường Tăng khoác áo cà sa gấm, tay chống gậy tích trượng lên đại đường bái từ Đại Tiên.
Kim Đinh Đại Tiên nói:
- Sao các người vội vã như thế, hãy để ta tiễn mọi người đi.
Tôn Ngộ Không nói:
- Ngài không cần phải tiễn đâu. Lão Tôn biết đường đi mà.
Kim Đinh Đại Tiên nói:
- Đường mà ngài biết đó là đường chim bay, thế nhưng nếu các ngài muốn lấy được chân Kinh thi phải đi đường trên núi này.
Tôn Ngộ Không tỏ vẻ đắn đo rồi nói:
- Ngài nói cũng có lý. Lão Tôn tuy đã mấy lần đi qua Linh Sơn như thế này nhưng đều cưỡi mây mà đi chứ chưa bao giờ đi bộ cả.
Tại sao phải đi bộ mới có thể lấy được chân Kinh? Năm xưa khi Thiên Sư Ô Sào truyền thụ Tâm kinh cho Đường Tăng, ông đã đưa ra câu trả lời, đó là “sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc”. Cuộc sống ở thế tục cần phải có sự chỉ dẫn của chân lý sinh mệnh, mà chân lý sinh mệnh cũng cần phải thông qua cuộc sống thế tục để được thực hiện. Vì vậy mà mọi người có thể lãnh ngộ được chân lý của định mệnh hay không, nhân sinh có thành tựu hạnh phúc hay không thì nhân tố chủ yếu không chỉ là ở chỗ họ có tiền hay không, họ có địa vị hay tài năng cao siêu hay không mà là ở chỗ họ có gắn với thực tế hay không. Cuộc sống cần phải gắn với thực tế, công việc phải gắn với thực tế nếu không thì cho dù bạn có được 72 chiêu biến hóa như Tôn Ngộ Không thì bạn cùng chỉ cưỡi mây bay đi như một trường hư ảo mà thôi.
Đường Tăng bước lên trước tạ lễ, rồi nói: “Vất vả cho Đại tiên quá!” Kim Đinh Đại Tiên cười cười rồi ông cầm tay Đường Tăng dẫn đi, sau khi qua cửa của đạo quán thì thấy mây ngũ sắc lấp lánh, núi non chập trùng nhấp nhô. Kim Đinh Đại tiên chỉ lên đỉnh núi mà nói với Đường Tăng: “Đó chính là Linh Sơn đấy, và đó cũng là thánh cảnh của Phật Tổ.” Tại sao con đường qua Lỉnh Sơn lại nằm phía sau đạo quán này? Đó cũng là một câu hỏi thú vị, có liên quan tới lịch sử văn hóa của Phật Giáo và Đạo Giáo, nhưng ở đây không cần thiết để nói.
Độ cao của Linh Sơn
14 năm, vượt qua trăm núi nghìn sông, cuối cũng đã thấy được chân diện mục của Linh Sơn. Bồn thầy trò Đường Tăng vui buồn lẫn lộn đến nổi họ đã bật khóc trong niềm vui.
Có người đã nói rằng. Linh Sơn không cao, có Phật mới nên núi. Những người nói như thế thì chỉ biết như thế chứ không biết tại sao nó như thế. Linh Sơn đúng là vì Phật Tổ mà có tên, nhưng độ cao của Linh Sơn lại là độ cao của tinh thần, chứ không phải là độ cao về mặt địa lý.
Cho dù nó mang ý nghĩa tượng trưng nhưng giữa núi với núi cũng có sự khác nhau rất lớn. Bốn thầy trò Đường Tăng đã vượt qua hàng ngàn ngọn núi trên con đường đi Tây Thiên lấy Kinh, đó là sự tượng trưng cho những khó khăn mà thầy trò Đường Tăng phải đối mặt. Còn Linh Sơn lại là một cảnh giới, thầy trò Đường Tăng đã khắc phục biết bao khó khăn như vậy chẳng phải là họ theo đuổi cảnh giới này hay sao?
Chiếc cầu độc mộc nối đôi bờ
Bốn thầy trò vừa leo núi vừa chuyện trò vui vẻ. Đi chưa đầy năm sáu dặm họ lại thấy một dòng sông, sống rộng đến tám, chín dặm, sóng vỗ rì rào nhưng không thấy có dấu chân người. Đường Tăng tỏ vẻ nghi hoặc rồi hỏi:
- Ngộ Không, có phải Đại tiên đã chỉ sai đường rồi không? Thế nước mênh mông như thế này mà lại không thấy thuyền bè qua lại thì làm sao mà qua được bên kia ?
Ngộ Không đưa mắt nhìn xung quanh, rồi bất chợt y kêu lên và chỉ tay về phía xa:
- Sư phụ nhìn kìa, bên đó có một cây cầu đấy!
Bốn thầy trò cùng đi lại phía cây cầu, hóa ra đó là một cây cầu độc mộc. Bên cầu có một tấm bia đá, trên tấm bia có viết ba chữ “Bến Lăng Vân”.
Đường Tăng xem xong thì giật mình nói:
- Chỉ có một cây gỗ vừa bé vừa trơn thế này có muốn đi qua cũng khó mà đi được!
Tôn Ngộ Không liền nói:
- Để con đi thử cho sư phụ xem nhé!
Nói dứt lời Tôn Ngộ Không tung người nhảy lên chiếc cầu rồi bước đi sang bờ bên kia, rồi y lại nhanh chóng quay lại, y tôi Trư Bát Giới lên rồi nói:
Tên ngốc kia, đi theo ta xem nào!
Trư Bát Giới há miệng lảo đảo bước theo, nhưng y cau mặt nói:
- Huynh bỏ đệ ra đi! Đi trên cây cầu bấp bênh mà trơn như thế này thì mất mạng như chơi đấy.
Tôn Ngộ Không cười nói:
- Phải đi qua cây cầu này mới có thể thành được chính quả. Chứ cứ rụt rè sợ hãi như chúng ta đây thì chỉ có đường quay về mà thôi!
Đường Tăng thở dài nói:
- Ta cũng biết như vậy, muốn thành chính quả thì ắt phải đi qua cây cầu này. Thế nhưng ta không có được dũng khí lớn để đi qua được.
Thuyền không đáy và Phật dẫn đường
Bốn thầy trò còn đang bàn cãi thì bỗng nhiên thấy có người bơi thuyền qua. Tôn Ngộ Không sáng mắt thì nhận ra đó chính là Phật Tổ, nhưng y vẫn không nói gì với sư phụ, y gọi người chèo thuyền:
- Này người chèo thuyền, hãy lại đây!
Người chèo thuyền nhanh chóng vào bờ. Đường Tăng vừa nhìn thấy thuyền thì giật mình kinh ngạc nói:
- Thuyền không có đáy, thì làm sao đưa người qua sông được?
Tại sao thuyền mà Phật Tổ dùng để đưa khách sang sông lại không có đáy? Đáy thuyền ở đây chính là chỉ đáy lòng của bạn. Nếu hạn thành tâm thì thuyền có thể nhẹ nhàng lướt sóng. Nếu tâm niệm dao động thì lập tức nước sẽ lật thuyền. Nếu không phải là người tu hành thì tất nhiên sẽ thấy rất ngờ vực, giả sử có đến mười Phật Tổ dẫn đường thì cũng không có cách nào đưa họ sang bờ bên kia được. Còn Đường Tăng thì một lòng hướng thiện, tuy có phần sợ hãi, nghi ngờ nhưng không đến nổi để bị lật thuyền, vậy cho nên Phật Tổ rất có lòng khi dẫn đường cho Đường Tăng.
Tôn Ngộ Không cũng an ủi Đường Tăng:
- Sư phụ à, chiếc thuyền này tuy không có đáy, nhưng lại rất vững nếu chẳng may có gió và sóng to thi thuyền cũng không lật đâu.
Tôn Ngộ Không vừa nói vừa dắt sư phụ lên thuyền. Đường Tăng loạng choạng bước theo lội cả xuống nước. Phật Tổ dẫn đường nhanh tay, nhanh mắt đỡ Đường Tăng dậy và đưa ông xuống thuyền. Trư Bát Giới và Sa Tăng dắt ngựa và gánh hành lý theo cùng vội vàng lên thuyền.
Phật Tổ dẫn đường chèo thuyền sang bờ bên kia, quả nhiên thuyền đi nhẹ như bay, thoáng chốc đã sang bờ bên kia.
Ở nơi núi Phật đất Thánh
Bốn thầy trò bước lên bờ, quả nhiên thấy cảnh tượng lấp lánh ánh Phật quang, đúng là cảnh tượng khiến người xem phải lóa mắt. Ngước đầu nhìn về phía trước đã thấy thấp thoáng lầu gác của chùa Lôi Âm.
Đường Tăng cảm khái vô vàn, ông quay đầu bày tỏ lòng cảm tạ đối với ba đồ đệ đã bảo vệ mình trên suốt cả chặng đường. Tôn Ngộ Không cười nói:
- Sư phụ cảm tạ con thì con cảm tạ ai đây ?
Trư Bát Giới cũng cười nói:
- Đây gọi là hai bên cùng trân trọng nhau, cùng biết ơn nhau.
Hóa ra quá trình tiến bộ của tập thể và cá nhân lại có mối quan hệ khăng khít với nhau như vậy, một khi tập thể đã thực hiện được mục tiêu thì mỗi thành viên cùng đều có sự thành công cá nhân của mình trong đó.
Phật Tổ Như Lai đã triệu tập tám vị Bồ Tát, bốn đại Kim cương, 500 La Hán, 3000 Yết Đề. 11 Đại Diệu, 80 Già Lam, hoan nghênh thầy trò Đường Tăng đến. Bốn thầy trò đến đại hùng bảo điện, hướng Phật Tổ Như Lai quỳ bái hành lễ. Sau đó, lại quỳ bái hành lễ chư vị Bồ Tát hai bên tả hữu. Cuối cùng, quỳ trước mặt Phật Tổ, dâng lệnh bài thông quan lên. Phật Tổ Như Lai xem. Đường Tăng cung kính nói:
- Đệ tử Huyền Trang, từ Đông Thổ Đại Đường đến bái cầu chân Kinh. Mong Phật Tồ gia ân, ban cho kinh sách. Đệ tử sau khi về nước, nhất định sẽ quảng truyền Phật Pháp, phổ độ chúng sinh.
Phật Tổ Như Lai đại phát tâm từ bi, hướng thầy trò Đường Tăng giới thiệu cặn kẽ chủng loại và tác dụng của kinh văn Phật Giáo. Tiếp đó căn dặn hai vị tôn giả A Nan và Ca Diếp, đầu tiên đưa thầy trò Đường Tăng đến lầu trân châu dùng một chút đồ chay, sau đó đem các loại kinh văn trong bảo các chọn lấy một ít, ban cho Đường Tăng.
A Nan, Ca Diếp phụng ý chỉ của Phật, đợi bốn thầy trò dùng cơm xong, liền đến bảo các chọn kinh sách. Đột nhiên, hai vị tôn giả bất ngờ hỏi Đường Tăng:
- Thánh tăng từ Đông Thổ đến đây, vậy có những lễ vật gì tặng cho chúng tôi?
Đường Tăng kinh ngạc đáp:
- Đệ tử Huyền Trang, đường xa đến đây, không kịp chuẩn bị tư vật gì.
Hai vị tôn giả cười nói:
- Nếu tay trắng truyền kinh, vậy chẳng phải người truyền kinh đều chết đói cả sao?
Bốn thầy trò nghe thấy vậy rất tức giận. Không chỉ có họ tức giận, ngay cả độc giả Tây du ký cũng tức giận mấy trăm năm. Tôn Ngộ Không nhảy đến nói:
- Phật sơn thánh địa, các người ngang nhiên đòi của hối lộ, mật cũng to quá đấy! Ta đi bảo với Phật Tổ, xin Người đích thân truyền kinh!
Chân Kinh không thể lấy không
Vì không có lễ vật dâng lên cho nên A Nan và Ca Diếp đã chuyển cho bốn thầy trò Đường Tăng một loạt kinh không có chữ. Nghe nói, những tri thức có được đều xuất phát từ tự nhiên, giới tự nhiên chính là một bộ kinh thư không chữ để cho bạn đi lãnh ngộ.
Khi thầy trò Đường Tăng mở kinh ra thì mỗi trang đều trắng tinh, thầy trò ai nấy đều hoang mang. Sau cơn tức giận, bốn thầy trò đã quay về Đại Hùng bảo điện nói lại toàn bộ tình hình về hai vị Tôn giả.
Nào ngờ Phật Tổ lại cười nói:
- Việc hai vị tôn giả đòi hỏi các người ta đã biết rồi. Nhưng các ngươi có biết không? Từ trước chúng tăng xuống núi đến Xá Vệ quốc để tụng kinh thì họ đều có ba đấu gạo và vàng đưa đến, ta còn bảo họ bán rẻ nữa. Vì vậy mà, Kinh Phật không dễ truyền, cũng không thể lấy không. Nếu như các người chỉ tay không đến lấy Kinh thì đó là chân Kinh không có chữ. Nếu các người muốn đổi Kinh có chữ thì hãy đến Bảo các tìm A Nan và Ca Diếp đi!
Đường Tăng không biết phải làm thế nào, ông đành phải đem chiếc bát thường dùng dâng lên cho hai vị tôn giả, lúc này A Nan và Ca Diếp mới mở Bảo các, lấy ra 5048 quyển Kinh. Bốn thầy trò nhận Kinh xong rồi từ biệt hai vị tôn giả mà về.
Công đức viên mãn, chân ngộ thành Phật
Lại nói đến thầy trò Đường Tăng lấy được chân Kinh, quay về Trường An, rộng truyền Phật Pháp, phổ độ chúng sinh. Phật Như Lai ở Tây Thiên vẫn còn nhớ đến thầy trò họ, ngài bèn gọi Bát Đại Kim cương đến rồi nói:
- Công đức của bốn thầy trò Đường Tăng đã viên mãn, về lý nên phải trao cho họ Phật hiệu. Các người hãy đến Trường An đón họ về đây.
Bát đại Kim cương cưỡi gió bay đi, trong nháy mắt các vị ấy đã đến Trường An. Đường Tăng đang tụng kinh niệm Phật cùng các thiện nam, tín nữ ở chùa Nhạn Tháp, Bác Đại Kim cương liền cất tiếng gọi ngài:
- Người tụng kinh, hãy để quyển Kinh xuống cùng theo chúng ta về Tây Thiên nào!
Đường Tăng thong dong bỏ cuốn Kinh xuống rồi tỏ ý từ biệt các thiện nam, tín nữ đang nghe giảng bên dưới, sau đó ông cùng ba đồ đệ và Bạch Mã bay lên trời theo Bát đại Kim cương.
Thầy trò Đường Tăng lại theo thứ tự lên Linh Sơn, rồi thầy trò họ lại lên Phú Liên Hoa của Phật Như Lai để phong Phật hiệu. Đường Tăng được phong là Chiên Đàn Công Đức Phật, Tôn Ngộ Không được phong là Đấu Chiến Thắng Phật, Trư Bát Giới được phong là Tịnh Đàn Sứ Giả, Sa Tăng được phong là Kim Thân La Hán, đến cả ngựa Bạch Mã cũng được phong là Bát Bộ Thiên Long. Điển cố về việc Bạch Mã hóa rồng có lẽ là bắt nguồn từ đây.
Tại sao Đường Tăng và Tôn Ngộ Không đều có thể thành Phật mà Trư Bát Giới và Sa Tăng lại chỉ được làm sứ giả và La Hán? Thực ra điều này có liên quan đến tính cách của con người, bởi vì những phần tử ưu tú trong xã hội hầu như là những người thuộc mẫu tính cách cầu toàn và mạnh mẽ. Còn như kiểu người thuộc mẫu tính cách sôi nổi và ôn hòa thì cũng không tính toán hơn thiệt, chỉ cần công đức viên mãn thì mọi người đều có thể đứng vững trong lĩnh vực của mình, hưởng thụ niềm vui của cuộc sống.
Lúc đó, Tôn Ngộ Không bỗng nghĩ đến việc thỉnh cầu sư phụ hãy giúp y bỏ chiếc vòng kim cô trên đầu ra. Đường Tăng nói:
- Khi xưa chỉ vì con là người hay gây phiền phức khó quản lý cho nên ta mới dùng chiếc vòng kim cổ này để ràng buộc con. Bây giờ con đã thành Phật thì sao phải để cho con đội nó trên đầu nữa chứ?
Tôn Ngộ Không giơ tay sờ lên đầu thì quả nhiên không thấy chiếc vòng đâu nữa.
Hẳn chúng ta đã biết, vòng kim cô là hình tượng hóa của hành vi quy phạm đối với nhân viên. Giống như Tôn Ngộ Không, mỗi nhân vật gây phiền toái trong tập thể đều cần có một thời gian thử thách đội chiếc vòng kim cô trên đầu cho đến khi họ trở thành một người thực sự giác ngộ.
Tái bút: Giả như Tôn Ngộ Không là người lãnh đạo tập thể
Câu chuyện đi Tây Thiên lấy Kinh đã kết thúc một cách viên mãn, những câu chuyện có liên quan còn bàn mãi không bao giờ hết, vấn đề tranh cãi lớn nhất vẫn là: Tại sao phải là Đường Tăng làm lãnh đạo ? Ngoài Đường Tăng cầu toàn ra thì liệu Tôn Ngộ Không mạnh mẽ, Trư Bát Giới sôi nổi và Sa Tăng ôn hòa có làm lãnh đạo được hay không?
Cần phải thừa nhận rằng, trong môi trường công tác hiện thực, do rất nhiều những nhân duyên khác nhau nên đúng là có những người có tính cách khác nhau tham gia vào công tác quản lý. Nhưng có lẽ chúng ta nên nhìn thẳng vào vấn đề, tính cách của người lãnh đạo có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa tổ chức. Nếu không phải là Đường Tăng làm lãnh đạo của một tập thể đi Tây Thiên lấy Kinh thì Tây du ký tất nhiên sẽ là một câu chuyện với những tình tiết khác, mà tập thể đó có thể kiên trì đến cùng được hay không thì e rằng đó cũng là những dấu hỏi lớn.
Lãnh đạo với tính cách khác nhau thì sự khác biệt về phong cách quản lý cũng rất lớn. Mà trong đó, tính sôi nổi và ôn hòa thường quen với việc lấy người làm trọng tâm, tính cầu toàn và mạnh mẽ thì thường sẽ lấy hiệu quả công việc làm trọng tâm. Xem con người là trọng tâm là chỉ một tổ chức coi trọng sự tôn nghiêm của cá nhân, quan tâm đến tình cảm và phúc lợi của nhân viên. Còn xem hiệu quả công việc là trọng tâm là tổ chức mong muốn nhân viên dốc toàn tâm toàn lực, coi trọng trách nhiệm công việc, luôn luôn thể hiện ra năng lực có thể đảm nhiệm được công việc. Chính vì vậy, trong những tập đoàn công ty có thành tích cao thì hay có một vị lãnh đạo thuộc mẫu hình có tính cách cầu toàn.
Căn cứ vào hai phương diện hiệu quả công việc và con người để đánh giá về văn hóa tổ chức doanh nghiệp thì chúng ta có thể đưa ra bốn loại hình văn hóa tổ chức khác nhau:
Văn hóa tổ chức theo kiểu sa mạc: Loại tổ chức này vừa không quan tâm đến nhân viên, vừa không quan tâm đến công việc của họ. Toàn bộ tổ chức giống như một sa mạc, nó sẽ khiến cho bạn cảm thấy sự hời hợt và chia rẽ đáng sợ. Nói chung nó sẽ không thi hành chế độ đánh giá hay quản lý hiệu quả công việc, cho dù có đúng là thi hành những chế độ này đi chăng nữa thì họ cũng sẽ không thực sự quan tâm đến nhân viên và hiệu quả công tác của họ. Có thể người quản lý sẽ tỏ vẻ rất quan tâm đến nhân viên, nhưng phần lớn chỉ là muốn lấy lòng đồng nghiệp.
Văn hóa tổ chức sở dĩ giống như sa mạc, đương nhiên là có liên quan rất lớn đến lãnh đạo. Tính cầu toàn do nhu nhược thiếu quyết đoán, tính mạnh mẽ do quan hệ không tốt, tính sôi nổi do tâm không yến nên đều có khả năng dẫn đến cục diện chia năm xẻ bảy. Thế nhưng, trong những kiểu tính cách nói trên thì lãnh đạo ôn hòa có lời không nói, ít có chủ ý sẽ có khả năng nhất trong việc sa mạc hóa văn hóa tổ chức, bởi vì sự nhu nhược vô năng của họ, hoặc là vì sự thờ ơ của họ, hoặc là vì sự tản mạn được chăng hay chớ của họ mà tạo nên như vậy.
Văn hóa tổ chức theo kiểu câu lạc bộ: Lãnh đạo sôi nổi thì thường thích xây dựng một tổ chức theo kiểu câu lạc bộ. Kiểu tổ chức này sẽ gắn kết tình cảm giữa mọi người trong câu lạc bộ. Họ sẽ thông qua giao tiếp và chế độ đãi ngộ đúng đắn mà thể hiện ra sự quan tâm đối với nhân viên. Lãnh đạo tổ chức theo kiểu câu lạc bộ thường coi trọng hiệu quả công việc, họ không để cho nhân viên phải gánh vác công việc quá nhiều, họ cũng không đưa ra tiêu chuẩn hiệu quả công việc quá cao (nếu nhân viên tự nguyện thì lại là một vấn đề khác).
Đặc điểm tính cách luôn thích cao trào của lãnh đạo sôi nổi sẽ mang đến sự vui vẻ cho các thành viên trong tổ chức. Mặc dù vậy, nhưng do quá chú trọng tới tình cảm và phúc lợi của nhân viên nên họ sẽ mất đi nhiều nguồn lợi đáng quý. Ảnh hưởng văn hóa xem nhẹ hiệu quả công việc kiểu như vậy sẽ khiến cho tổ chức khó duy trì sự tiến bộ.
Tổ chức theo kiểu độc tài: Lãnh đạo theo kiểu cầu toàn quen với việc tự cho mình là thông minh, còn lãnh đạo theo kiểu mạnh mẽ lại quen với việc tự cho mình là đúng, vì họ cường điệu khả năng đưa ra quyết định của mình nên từ đó xây dựng doanh nghiệp theo kiểu độc tài. Kiểu tổ chức này lại có sự tương phản với tổ chức theo kiểu câu lạc bộ, cứng rắn mạnh mẽ mà lại không gần gũi nhân tình, kiểu tổ chức đó không coi trọng đến tình hình của cá nhân hay gia đình mà họ thường đưa ra yêu cầu hiệu quả công việc quá cao đối với nhân viên, trên cơ sở mục tiêu quản lý họ sẽ thực thi chế độ đánh giá và quản lý cứng rắn. Những nhân viên trong quá trình làm việc sẽ cảm thấy căng thẳng và lo lắng đối với việc quy định và thay đổi mục tiêu, và như thế sẽ rất dễ dẫn đến việc nhân viên dùng một số hình thức quyết liệt để phản kháng.
Tổ chức theo kiểu cân đối: Văn hóa tập thể mà những vị giám đốc hiện đại đang cổ xúy thực ra là một loại tổ chức theo kiểu cân đối. Trong tổ chức kiểu này, các nhân viên sẽ liên hệ chặt chẽ sự phát triển của cá nhân với sự tiến bộ của công ty, để từ đó mà thể hiện được ý thức tập thể và ý thức thành viên rất mạnh.
Tổ chức theo kiểu cân đối quan tâm tới cá nhân viên và hiệu quả công việc của họ, họ sẽ để ý đến sự phối hợp giữa năng lực công tác với nhiệm vụ công tác, mặc dù trong việc phân phối nhiệm vụ công tác họ thường có những ý thiết kế một số thách thức hợp lý. Tổ chức theo kiểu cân đối sẽ chú ý đào tạo thái độ làm việc tích cực và lạc quan của nhân viên. Do sự quan tâm đối với con người nên họ cũng nhấn mạnh mục tiêu và tính hợp lý của yêu cầu công việc, hơn nữa họ còn quan tâm đến việc khích lệ và giúp đỡ giữa mọi người với nhau. Trong tập thể theo kiểu tổ chức như vậy, giữa cá nhân sẽ có mối liên quan tới vận mệnh của tổ chức, các nhân viên thường cùng nhau gánh vác công việc, cùng nhau hưởng lợi ích, hơn nữa họ sẽ nhận thức rõ ràng trong cạnh tranh.
Thế nhưng, làm lãnh đạo của tập thể muốn nắm được mối quan hệ phát triển cân đối giữa cá nhân và tổ chức thì không chỉ cần có tầm nhìn toàn diện mà còn cần có thái độ tích cực mà bình tĩnh không chỉ quan tâm sâu sắc đến mỗi thành viên trong tập thể, mà hơn nữa còn phải giúp họ đặt ra và thực thi kế hoạch hành động một cách hữu hiệu - điều này mới là ưu điểm tính cách của kiểu tính cách cầu toàn, mà cũng chỉ có kiểu tính cách cầu toàn mới khổ tâm gây dựng tổ chức, nên ngày càng cầu toàn hơn.
Tại sao phải đọc Tây du ký
1. Thông qua việc đọc Tây du ký sẽ khiến hạn hiểu rõ tác dụng ảnh hưởng của tính cách đối với sự trưởng thành của cá nhân với tập thể, từ đó bạn có thể giúp nhìn nhận và đánh giá bản thân và những người xung quanh mình một cách khách quan hơn.
2. Chú ý đến ưu điểm tính cách của bạn trong cuộc sống nghề nghiệp của bạn, bạn nên ra sức phát huy những ưu điểm tính cách của bạn, bởi vì những ưu điểm tính cách đó là nguồn tài nguyên quan trọng tạo nên cuộc sống và nghề nghiệp của bạn.
3. Đồng thời với việc khẳng định ưu điểm tính cách của bạn thì bạn cũng nên biết rõ những hạn chế của mình, như vậy bạn có thể thông qua phương pháp bổ sung hỗ trợ giữa hai mặt ưu và khuyết điểm để cải thiện hiệu suất công việc, đồng thời ngăn ngừa sự phát triển của tính cách đi vào cực đoan.
4. Đồng thời bạn cũng nên thông qua việc tìm hiểu tính cách của người khác, để vừa tránh phát sinh xung đột, vừa có thể ứng xử hài hòa và hợp tác có hiệu quả.
“Sắc chẳng khác không, không cũng như sắc”. Cuộc sống thế tục cần sự chỉ dẫn của chân nghĩa sinh mệnh, chân nghĩa sinh mệnh cũng cần thông qua cuộc sống thế tục để thực hiện. Sở dĩ Tây du ký được xem là một trước tác văn học vĩ đại là vì nó đã dùng bốn loại hình tính cách khác nhau của Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng để đại biểu cho con người trong cuộc sống thế tục, đại biểu cho những con người làm việc trong tập thể, nó diễn tả một giai đoạn gian nan. Mà bốn thành viên trong tập thể thuộc bốn loại hình tính cách đã thông qua giai đoạn khó khăn đó để theo đuổi thành công chung của cá nhân với tập thể.
“Sắc tức không, không tức sắc”. Trong cuộc sống thế tục có sự tồn tại của chính nghĩa sinh mệnh, và chân nghĩa của sinh mệnh cũng được thể hiện trong cuộc sống thế tục. Thông qua sự quan sát bốn loại hình tính cách này trong cuộc sống thế tục, chúng ta sẽ thấy tấm lòng của mình rộng mở hơn, tình cảm bao dung hơn để đối xử thân thiện với chính chúng ta và những người xung quanh chúng ta, để chúng ta bình thản tiếp nhận những khó khăn và thay đổi trong cuộc sống.
( Source : TÂY DU @ KÝ - TG : Thành Quân Ức - DG : Hoàng Ngọc Cương - Lê Thị Hương )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét