Ads 468x60px

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Phần II - Chương 7 Hiểu Rõ Kỹ Xảo Của Lối Nói Dối

Nói dối
Người nói dối phù hợp với hoàn cảnh có thể khiến mình thoát khỏi cảnh khó xử. Vì thế mọi người cũng nên có những hiểu biết cơ bản về những lời nói dối. Đặc biệt là đối với những lời nói dối để lừa bịp, tính nguy hại lớn, tính lừa bịp rất mạnh cần duy trì sự cảnh giác cao độ. Nếu không, ta sẽ bị lừa bịp, gây tổn thất không cần thiết cho chính mình.

Có một số phương pháp cơ bản phân biệt lời nói dối không? Có. Bất kỳ lời nói dối lừa dối có căn cứ, nghe có hay như thế nào thì nó đều tuyệt đối không thể không có sai sót và kẽ hở. Nắm vững một số cách phân biệt lời nói dối có thể khiến chúng ta “biết người, biết mặt, biết cả tâm“, từ đó trong cuộc sống giao tiếp chiếm thế chủ động.

Dưới đây xin giới thiệu mấy cách phân biệt lời nói dối:


1. Quan sát dáng vẻ con người

Dáng vẻ con người xuất phát từ sâu thẳm trong ý thức nên có thể rất chân thực. Nó phản ảnh sâu sắc thế giới nội tâm của một con người. Thông thường, giữa lời nói và ý nghĩ còn có khoảng cách rất xa, nhưng khi giấu giếm những điều từ tận đáy lòng thì không khó nhận ra kẽ hở từ dáng vẻ con người. Ví như, trẻ con khi nói dối sẽ dùng tay che miệng. Bởi vì ý thức tiềm ẩn trong nó là muốn dừng lời nói dối từ miệng bật ra. Sau khi lớn lên, tư thế này trở nên chắt lọc và được ẩn giấu. Rất nhiều người trưởng thành dùng tiếng ho giả để che giấu đi tư thế che miệng, còn một số người trưởng thành lại dùng ngón cái ấn vào má theo phản ứng bản năng, hoặc dùng tay xoa trán, hoặc ánh mắt chuyển động nhẹ nhàng, nếu như bạn chăm chú nhìn anh ta thì anh ta rất có thể sẽ di chuyển ánh mắt qua nơi khác.

Dáng vẻ nói dối của nữ giới thường gặp là dùng tay vân vê sợi tóc mai, bởi ý thức bản năng muốn vứt bỏ cách nghĩ không tốt sang một bên. Lại ví dụ như, bạn đến nhà đồng nghiệp hoặc nhà bạn bè, nếu như họ nhiều lần nhìn đồng hồ: Bạn chắc chắn không tin anh ta bày tỏ sự hoan nghênh bạn, thực ra lúc này trong lòng họ cảm thấy bạn đang làm phiền họ, chỉ là sợ tổn thương thể diện mới không nói ra miệng; khi bạn cáo từ, cho dù anh ta tỏ ra nhiệt tình mời bạn ở lại nhưng bạn thấy anh ta chầm chậm đứng lên và ánh mắt hướng ra cổng, đây là dáng vẻ hy vọng bạn ra về đấy. Lúc đó bạn hãy kiên quyết rời khỏi và đừng để những lời ngon ngọt của chủ nhà níu chân bạn.

Một người khi nói dối cả người sẽ hiện ra dáng vẻ không nhịp nhàng, ví dụ như vẻ mặt biểu lộ không tự nhiên, thu hẹp hay mở rộng con ngươi, trán toát mồ hôi, má đỏ ửng, chớp mắt nhiều lần và đong đưa ... Người nói dối ý thức bản năng muốn giấu giếm dáng vẻ bề ngoài, lợi dụng điểm này, phía cảnh sát khi tra xét hỏi đều dựa vào nơi ánh mạnh để ngôn ngữ thân thể lộ ra. Như vậy có thể thông qua ngôn ngữ thân thể xem có phải họ đang nói dối hay không.

Nghề nghiệp của mỗi người thường để lại dấu vết trên thân thể, vì vậy nó có thể giúp chúng ta hiểu được thân phận thật sự của anh ta. Ví dụ như người mài sắt thì ngón tay vuông vắn, diễn viên múa tay mềm dẻo, người lái xe thì hai tay đều có chai dầy, người tiếp thị thì phần lớn gặp ai cũng cười ... Có một kẻ lừa gạt tự xưng là thiếu tá của phi hành đoàn và lừa nhân viên phi hành đoàn hơn 10 vạn đồng; nhưng cuối cùng rơi vào tay người công an già. Người công an già này nhìn thấy được tư cách của một kẻ lừa bịp thông qua dáng vẻ của anh ta. Ông nói: “Thông thường, mặt mũi người phi hành đều bị phơi ra hơi đen đen, nhưng cổ thì không bị đen, hơn nữa phải đeo kính bảo hộ nên xung quanh mắt và mặt mũi của người phi hành thì mức độ đen có sự khác biệt. Kẻ lừa bịp này da trắng trẻo, như thế sao giấu được ta?“ Kiểu quan sát tỉ mỉ dáng vẻ đoán chắc chắn được thân phận của người khác như thế này có lí lẽ khoa học nhất định, thật xứng đáng được chúng ta suy nghĩ.

2. Nghiền ngẫm phán đoán thái độ và lời lẽ khi nói chuyện

Tốc độ, giọng điệu, khẩu khí của đối phương khi nói chuyện ẩn giấu luồng thông tin thứ hai vô cùng phong phú. Nếu như chúng ta có thể lưu tâm chú ý vén màng che ở tầng ngoài của nó, như vậy chúng ta có thể dễ dàng hiểu rõ hơn thế giới nội tâm của người khác. Thông thường, nếu như đối phương bắt đầu nói chậm, giọng nói, âm thanh to, vang nhưng khi liên quan đến một vấn đề thì đột nhiên nói năng tăng tốc độ, hạ thấp giọng, như vậy trong mười phần thì có tới tám phần là lừa dối. Bởi vì trong tiềm thức người nào nói đối thì ít nhiều trong lòng cũng thấp thỏm lo lắng, hy vọng tránh giả tìm thật để lừa gạt đối phương. Do đó chúng tôi muốn bạn chú ý lắng nghe, chăm chú nghiền ngẫm đoán được thái độ và lời nói của đối phương khi nói chuyện thì dễ dàng tìm ra sơ hở. Đặc biệt là lúc anh ta đang úp úp mở mở, nói lấp lửng một vấn đề nào đó. Bạn sẽ phải cẩn thận bởi vì anh ta có điều gì đó muốn giấu bạn, muốn lừa dối bạn. Nếu bạn là người tinh tường thì không thể không nắm bắt một số từ quan trọng trong vấn đề anh ta đang úp úp mở mở, và đưa ra một số câu hỏi để hiểu rõ lời nói dối đó, kẻ nói dối sẽ lộ ra chỗ sơ hở của mình nên bị thất bại.

3. Giăng bẫy

Bất cứ lời nói dối nào đều không thể không có chút sơ hở, chỉ cần bạn suy nghĩ lập ra một số cái bẫy sẽ khiến người nói dối không đề phòng để lộ sơ hở. Xin hãy xem câu chuyện của vị tổng thống đầu tiên của Mỹ là Washington khi còn trẻ:

Có một lần, người hàng xóm ăn trộm của anh ta một con ngựa. Washington cùng một vị cảnh sát đến thôn của người hàng xóm ấy tìm, người đó chối phăng không trả lại còn hùng hồn tuyên bố đó là con ngựa của mình. Trước lời nói xảo trá của đối phương, Washington mệt mỏi với lí lẽ của anh ta bèn đến bên con ngựa dùng hai tay che hai mắt ngựa và nói với hàng xóm. “Nếu như con ngựa này là của anh, vậy thì, xin hãy nói cho tôi mắt nào của con ngựa bị mù?“

“Mắt phải.“ Người hàng xóm nói.

Washington bỏ tay ra, hai mắt trái phải của con ngựa đều không hề bị mù.

“Ôi tôi nhớ nhầm rồi.“

“Washington, xin hãy mang ngựa về.“

Washington đã khéo léo giăng bẫy, đó là mắt ngựa mù, nếu quả thực là chủ của con ngựa thì có thể đoán chắc thật giả của vấn đề này. Nhưng người hàng xóm vì không chú ý tình trạng mắt ngựa nên trả lời bừa, đã thừa nhận mệnh đề nêu sẵn trong câu hỏi của Washington, tức là có một mắt ngựa bị mù, do đó đã lộ ra sơ hở, bởi vì hai mắt ngựa đều tốt cả và không bị mù.

Cũng có thể lợi dụng tâm lý, ý thức bản năng của người khác để giăng bẫy, xin hãy xem ví dụ dưới đây.

Hai người kiện tụng đến toà án kiện. Nguyên cáo nói bị cáo mượn vàng của anh ta mà không trả, bị cáo không thừa nhận việc này và kiên quyết nói: “Hôm nay là lần đầu tiên tôi gặp anh ta, từ trước tới nay chưa cùng anh ta làm việc, chưa từng giao lưu với anh ta“.

Việc này không có người khác làm chứng, cũng không có chứng cứ. Quan toà suy nghĩ rồi hỏi nguyên cáo: “Anh muốn anh ta trả lại vàng, vậy lúc đó anh cho anh ta mượn ở chỗ nào?“

“Ở bên một cây nhỏ phía ngoài thành.“

Quan toà nói: “Lúc đó có ai có thể chứng minh không?“

“Không có, quan toà đại nhân, lúc đó chỉ có cái cây nhỏ, không ai nhìn thấy tôi cho anh ta mượn vàng.“

Quan toà nói: “Được, phiền ngươi lại đi đến đó một chuyến, mang hai lá của cây đó đến đây, lá cây đó sẽ cho ta biết rõ sự thật.“

Thế là nguyên cáo đi hái lá cây mang về. Bị cáo bị giữ lại toà án, quan toà chẳng nói gì với anh ta, lại tiếp tục thẩm vấn vụ án khác, bị cáo đó say sưa xem quan toà thẩm án. Đúng lúc một vụ án khác thẩm lý đi đến cao trào, pháp quan đột nhiên quay sang bị cáo thẩm án nhẹ nhàng hỏi: “Anh ta hiện giờ đang đi đến cây nhỏ kia chưa?“
“Theo tôi, chưa đến, còn một đoạn đường nữa!“ Bị cáo trả lời.

Pháp quan vỗ đánh “ầm“ một cái xuống bàn: “Ngươi quỵt nợ không trả mà chẳng xấu hổ, đồ tiểu nhân, còn không nói sự thật ra cho ta sao? Nếu muốn chối cãi, để ta đánh cho một trận xem đánh chết có nói ra không?“

Bị cáo đành phải nói thật sự tình.

Pháp quan thông minh thừa dịp bị cáo sơ hở không đề phòng đã khéo léo lợi dụng tâm lý bản năng đưa ra một vấn đề có bẫy trong đó khiến lời nói dối của kẻ quỵt nợ ấy hoàn toàn bị phơi bày.

4. Suy luận logic

Có người nói dối rất “cao siêu“, khó có thể nhận thấy vấn đề gì qua vẻ mặt. Muốn kiểm tra người đó nói thật hay giả có thể sử đụng cách suy luận logic, bởi vì sự suy luận logic chặt chẽ là một trong những tuyệt chiêu để thấy rõ những lời nói dối. Xin hãy xem vụ việc ghi chép trong cuốn “Tăng thêm nguồn tri thức rộng lớn“ của Phùng Mộng Long.

Triệu Tam, thương khách vùng Triều Châu thuê thuyền của Trương Triều chuẩn bị ra ngoài làm ăn buôn bán. Đến ngày hẹn đó, Triệu Tam sáng sớm đã lên thuyền nhưng sau khi trời sáng rõ Trương Triều đến cổng Triệu gia gõ cửa hỏi: “Tam nương, Tam gia vì sao vẫn chưa tới?“

Triệu Tam nương mở cửa kinh ngạc hỏi: “Ông nhà tôi trời chưa sáng đã đi rồi, sao còn chưa lên thuyền chứ?“

Họ bèn chia nhau đi tìm, tìm rất lâu mà chưa thấy bèn đến quan phủ báo. Quan phủ hoài nghi là Tam nương và người khác tư thông mưu giết chồng, Tam nương kiên quyết phủ nhận. Vụ án rất lâu mà không thể giải quyết nên đã báo đến Đại lý tự. Ở Đại lý tự, quan thẩm án Dương Mỗ đã phân tích tỉ mỉ, dường như đã hiểu lập tức cử người đưa Trương Triều đến, yêu cầu anh ta kể lại tình hình một lượt. Dương Mỗ sau khi nghe xong liền lớn tiếng quát:

“Trương Triều! Ngươi đến Triệu gia gõ cửa, nếu như không biết Triệu Tam vắng nhà thì khi gõ cửa sẽ gọi tên Triệu Tam, nhưng ở đây ngươi không gọi Triệu Tam mà gọi tên vợ anh ta, rõ ràng là ngươi biết trước Triệu Tam không có nhà, Triệu Tam mất tích chắc chắn có liên quan đến ngươi? Hãy mau đem việc ngươi mưu hại Triệu Tam ra kể lại để tránh tan xương nát thịt.“

Trương Triều cuối cùng phải nhận tội, hoá ra buổi sáng hôm đó, Triệu Tam lên thuyền của Trương Triều, hắn nhìn thấy anh ta mang rất nhiều tiền nên nảy lòng tham đã đẩy Triệu Tam xuống sông và cướp tiền của anh ta. Vụ nghi án này lâu rồi không kết thúc, cuối cùng thì nước chảy đá mòn.

Tổng thống Lincoln nổi tiếng nhất trong lịch sử Mỹ khi hành nghề luật sư đã vận dụng suy luận logic nên nhìn thấu được lời nói dối của một nhân chứng. Câu chuyện là thế này :

Lincoln khi làm luật sư có một lần biết được con trai của bạn mình bị vu là mưu hại người cướp của và đã xét xử lần đầu là có tội. Ông với tư cách là luật sư của bị cáo đến toà án để xem xét lại loàn bộ vụ án. Ông biết được mấu chốt của vụ án này lại nằm ở phía nguyên cáo, nhân chứng thề rằng anh ta đã nhìn thấy rõ ràng toàn bộ quá trình mà bị cáo dùng súng bắn chết người vào ngày 18 tháng 10 dưới ánh trăng. Việc này Lincoln muốn thẩm vấn lại.

Trong lời thề lần phúc thẩm rất hay này, có một đoạn hội thoại dưới đây. Lincoln trước tiên hỏi nhân chứng: 

“Anh thề là nhìn rõ anh ta?“

Nhân chứng đáp: “Tôi thề là đã nhìn rõ.“

Lincoln hỏi: “Anh ở trong đám cỏ còn anh ta ở dưới gốc cây cổ thụ, hai nơi cách nhau 20, 30m, anh có thể nhìn rõ không?“

Nhân chứng đáp: “Nhìn rất rõ, bởi vì trăng rất sáng.“

Lincoln hỏi: “Anh có chắc chắn là nhìn rõ quần áo của anh ta không?“

Nhân chứng đáp: “Tôi chắc chắn là tôi nhìn rõ cả mặt anh ta, bởi vì trăng chiếu sáng rõ mặt của anh ta.“

Lincoln hỏi: “Anh có chắc chắn lúc đó là 11 giờ không?“

Nhân chứng đáp: “Tôi có thể khẳng định, bởi vì khi tôi trở về nhà nhìn đồng hồ thì lúc đó là 11 giờ 15 phút“.

Lincoln hỏi đến đó bèn quay người lại với bốn vị chủ toạ: “Tôi không thể không nói với mọi người rằng, tất cả những điều mà vị nhân chứng nói hoàn toàn là lời nói dối. Anh ta một mực nói 11 giờ tối ngày 18 - 10 dưới ánh trăng đã nhìn rõ mặt bị cáo. Chúng ta đều biết ngày 18 - 10 là ngày trăng khuyết, 11 giờ tối trăng đã xuống núi, đâu có ánh trăng chứ? Hơn nữa, có lẽ thời gian mà anh ta nhớ không phải là chính xác, thời gian sớm hơn một chút. Nhưng lúc đó ánh trăng từ hướng tây chiếu sang đông, đám cỏ ở phía đông, cây ở phía tây, nếu như mặt bị cáo hướng về đám cỏ thì không thể có ánh trăng chiếu vào.“

Mọi người im lặng lắng nghe, rồi nhất loạt vỗ tay hoan hô. Vị nhân chứng thật ngu ngốc. Lincoln đã vận dụng suy luận logic chặt chẽ, phân tích tỉ mỉ và đã chứng minh những lời nói của nhân chứng là giả dối, ông đã giải thoát được cho thân chủ của mình.

Có thể thấy, suy luận logic chặt chẽ có lợi cho việc nhìn thấu những lời nói dối. Có người đã thổi phồng nói với Addison: “Tôi đã phát minh ra một loại dung dịch có thể hoà tan các loại vật chất. Chúng ta hợp tác xây nhà máy đi.“ Addison lập tức chỉ ra lời nói hồ đồ của đối phương: “Xin hỏi, loại dung dịch đó dùng cái gì đựng vậy?” Như vậy, mâu thuẫn trong lời nói của kẻ lừa bịp tự nhiên lộ rõ. Những người truyền giáo đều nói: “Thượng đế vạn năng.“ Một cậu thanh niên thông minh đã hỏi: “Thượng đế có thể tạo ra viên đá mà ông ta không thể nhấc nổi không?“ Người truyền giáo há hốc mồm trả lời có thể tạo ra, nhưng Thượng đế không thể nhấc nổi tảng đá này; nếu trả lời là không thể thì Thượng đế không phải là vạn năng. Tóm lại, cho dù là trả lời thế nào thì Thượng đế cũng chẳng là vạn năng. Người thanh niên đã khéo léo vận dụng lý luận “nhị nan“ (cách trả lời thế nào cũng khó) trong logic để chứng minh câu nói “Thượng đế là vạn năng“ là lời nói dối lừa.

( Source : Xử Thế Trí Tuệ Toàn Thư - Dịch giả: Trần Thắng Minh )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét