Cạm bẫy |
Đối với mỗi người, cuộc sống đầy rẫy những cám dỗ mê hoặc, đồng thời cũng tạo ra vô số những cạm bẫy, đặc biệt là trong giao tiếp ngôn ngữ giữa người với người thì những cám dỗ và cạm bẫy càng thể hiện rõ, khi kẻ mạnh dùng nó thì kẻ đó càng mạnh hơn; khi kẻ yếu dùng nó thì có thể “lấy thủ làm công“, chuyển bại thành thắng; người giỏi dùng nó thì có thể mang lại sự giàu có vô cùng; hay thậm chí một tên trộm nếu dùng đúng lúc thì vẫn có thể thoát thân một cách yên ổn, biến nguy thành an ... Nếu không tin hãy xem dưới đây :
Võ Tòng đả hổ
Trong “Môn ngoại văn đàm“ do Lỗ Tấn viết, có một đoạn nói hai người A và B - một mạnh một yếu đang đóng kịch “Võ Tòng đả hổ“. Đầu tiên A đóng vai Võ Tòng, B đóng vai con hổ và B bị A đánh cho một trận gần chết nên rất oán giận A. A nói : “Anh là hổ, nếu không đánh hổ thì chẳng phải là để hổ cắn sao?“. Vì vậy B liền yêu cầu đổi vai nhưng lần này lại bị A cắn cho gần chết nên lại oán trách A. A nói “Anh là Võ Tòng, nếu hổ không cắn thì chẳng phải là để anh đánh chết à?“
Ở đây nói đến một loại người mà thường dùng tài ăn nói của mình để lấn lướt người khác, giành phần thắng về mình. A dường như đã tận dụng triệt để điều đó: Khi đóng vai Võ Tòng, anh ta nói trên góc độ “đánh hổ để không bị cắn“, còn khi đóng vai hổ anh ta nói trên góc độ “cắn để không bị đánh“. Điều này là do A lấy “cái tôi“ làm trung tâm để khéo léo chọn lấy góc độ nói chuyện, luôn đặt cái tôi ở thế thắng, đẩy B vào tình thế khó khăn.
Trong thực tế, khi nói chuyện, người nói nên lựa chọn góc độ biểu đạt hay nhất để người nghe có thể hiểu được mạch tư duy nói chuyện và cách thức phân tích suy luận. Khi người nghe tham gia vào chủ đề câu chuyện mà bạn đưa ra, thì tự nhiên bạn sẽ đạt được hiệu quả mình mong muốn.
Có người đã thổi phồng với Afanti về người mới đến sống ở chỗ họ: “Ông ấy là một người rất thông minh và có trí tuệ“.
“À, điều đó thì có thể“. Afanti nói “Bởi vì anh ta rất ít khi sử dụng trí tuệ nên trong đầu ông ấy đầy trí tuệ“.
Hai người nói về một người, kẻ khoác lác thì ca ngợi người kia về mặt trí tuệ, còn Afanti lúc đầu nói “Điều đó cũng có thể“ là biểu thị sự tán đồng, sau đó ông giải thích rõ hơn bằng một hướng đi khác nói rằng người kia không thông minh mà có trí tuệ, vì trí tuệ chỉ bộc lộ thông qua sử dụng, trí tuệ mà không được sử dụng thì không được gọi là trí tuệ. Afanti đã đẩy đối phương vào cái bẫy của mình bằng cách dùng chính câu nói của họ.
Tôi có thể hút thuốc được không? Ở một giáo đường, sau khi kết thúc buổi hành lễ, hai vị tu sĩ tự nhiên cảm thấy thèm thuốc, một vị hỏi bề trên “Khi con cầu nguyện thì có thể hút thuốc không?“, kết quả là bị bề trên trách mắng. Vị kia rút kinh nghiệm từ câu chuyện trước nên hỏi “Khi con hút thuốc có thể cầu nguyện được không?“, bề trên mỉm cười gật đầu.
Hai vị tu sĩ đều đưa ra câu hỏi trên để thoả mãn nhu cầu trong đó thông tin chính đưa ra là “hút thuốc“. Trong khi vị tu sĩ thứ nhất nhấn mạnh đến việc hút thuốc mà xem nhẹ việc cầu nguyện. Hút thuốc trong khi cầu nguyện là vi phạm quy định của giáo đường do đó bị trách tội là đáng đời. Còn ý chính trong câu nói của vị tu sĩ thứ hai được thay đổi, vấn đề được ông ta nói tới khá kín đáo trong đó nhấn mạnh tới việc cầu nguyện mà xem nhẹ chuyện hút thuốc. Cầu nguyện là công việc tất yếu mà một vị tu sĩ phải làm, do đó khi hút thuốc thì không thể quên cầu nguyện, chính vì sự thành kính đó mà được bề trên cho phép hút cũng là điều có thể hiểu được.
Dạy cho bọn lưu manh một bài học
Khi Trương Tác Lâm sống ở Đông Bắc, từng trải qua một chuyện :
Một lần có hai tên lãng du người Nhật đến Trương phủ cầu kiến : “Nghe nói đại nhân tinh thông thư pháp, liệu có thể ban tặng một vài chữ được không?“. Trương Tác Lâm tuy không giỏi về văn hoá nhưng lại là một người rất thâm thuý, liền viết chữ “hổ“ rất sống động, và còn viết dưới chữ “hổ“ dòng chữ “Trương Tác Lâm thủ mặc“. Nhưng đáng tiếc là do không quen viết chữ “mặc“ nên ông ta viết thành chữ “hắc“. Khi hai tên lãng du người Nhật nhìn thấy thì rất lấy làm đắc ý, còn người thư ký của ông Trương vội chạy đến nhắc nhở : “Đại soái, đây là chữ “hắc“, chữ “mặc“ ở dưới có bộ “thổ“. Trương Tác Lâm không những nhận ra mà còn cười lớn : “Ta đường đường là Trương đại soái, chẳng lẽ lại không biết ở đây còn có bộ “thổ“ sao, nhưng ta không viết bộ “thổ“, có người sẽ nghĩ đó là chủ ý của ta mà nhớ đến đất đai của vùng Đông Bắc, một tấc đất ta cũng nhất quyết không cho! Ta đây chỉ viết chữ “thủ hắc“, tức là ai dám ngông cuồng ta nhất quyết không khách khí với kẻ đó!“. Thật tuyệt! Một lời nói mà nghe như sấm dậy bên tai. Hai kẻ lãng du người Nhật thấy mất hứng liền lặng lẽ chuồn thẳng.
Trương đại soái thật đáng khâm phục, rõ ràng là viết sai nhưng đã hoá hung thành cát, hoá đá thành vàng, mở ra một cục diện hoàn toàn mới, khéo léo đuổi cổ hai tên lưu manh người Nhật.
Ông già bảo thủ
Đó là câu chuyện : Sau đại hội toàn quốc Trung Quốc lần thứ ba, ở nông thôn bắt đầu thực hiện chế độ tự chủ trong sản xuất, không ít gia đình đã giàu lên nhanh chóng nhưng có một ông lão họ Hoàng vì hai vợ chồng quanh năm ốm đau bệnh tật nên vẫn không giàu lên được. Nhìn hàng xóm láng giềng giàu có nên cảm thấy buồn bã, ông lão Hoàng bỗng có một suy nghĩ không đúng, cho rằng điều đó chính là do phong thuỷ nhà ông không tốt gây ra, nguyên nhân là: cả hai bên hàng xóm đều họ Trần, còn ông ta thì họ Hoàng, ông phải “gánh nặng“ cho hai bên đó.
Chính vì vậy ông ta quyết định chuyển nhà, ai khuyên cũng không được. Người chị dâu cả thông minh nghe tin biết được câu chuyện liền nói với ông ta : “Ông thật ngốc, chẳng phải ông họ Hoàng sao? Mà 'Hoàng' thì có nghĩa là hoàng thượng, hai nhà hàng xóm là hai vị đại thần, ông xem có phải đúng là hai vị đại thần ở hai bên để bảo vệ hoàng thượng không? Đó chẳng phải tuyệt lắm sao! Nếu ông chuyển nhà, ở đâu mới có được vận may như vậy?“. Ông lão nghe xong, quả nhiên hiểu ra và từ đó không nhắc đến hai chữ “chuyển nhà“ nữa.
Thật lý thú? Chỉ vì dựa vào âm đọc của các chữ mà có thể thuyết phục được ông già cố chấp thay đổi như vậy. Bạn thấy đấy! Sức mạnh của sự suy diễn chẳng phải là thông qua những cái bẫy trong tư duy ngôn ngữ mà có được đấy sao?
Cô gái ngông cuồng
Một lần, Puskin nhận lời tham dự một vũ hội, khi đó anh ta vẫn chưa nổi tiếng. Không ngờ khi anh ta lịch thiệp mời một cô gái trẻ đẹp nhảy, cô gái ngông cuồng đó lại ngạo mạn liếc nhìn anh ta nói . “Không được đâu. Tôi chẳng muốn nhảy với trẻ con tẹo nào“. Vậy thì làm thế nào đây? Đối phương đã ngạo mạn một cách vô lý như vậy thì nên “ăn miếng trả miếng“, Puskin cười và lập tức xin lỗi : “Thật xin lỗi cô, tôi quả thực không biết là cô đang có mang“. Xin hãy để ý, ở đây chữ “trẻ con“ trong câu nói của đối phương rõ ràng là chỉ Puskin, tuy nhiên cũng có thể hiểu “trẻ con“ là bào thai trong bụng cô gái, nếu như vậy thì cũng không thể tránh được việc người ta dùng “li miêu“ để đổi lấy “thái tử”, lấy “cái trước“ kín đáo đổi thành “cái sau”. Đương nhiên, sự thay đổi như vậy đã bảo vệ được danh dự bản thân, chuyển từ phòng thủ sang tấn công, trừng trị đích đáng cô gái ngông cuồng đó.
Tiền bạc và chính nghĩa
Có lúc khi nói chuyện, để đạt được một mục đích nào đó của mình, ban đầu người ta thường không bộc lộ ngay ý định, thậm chí đôi lúc chỉ trả lời những câu hỏi của đối phương, và cho đến khi đối phương rơi vào cái bẫy mà mình đặt sẵn. lúc ấy người đó mới ra tay và giáng cho đối phương một đòn chí mạng. Có một lần, nhà vua hỏi Afanti : “Nếu trước mặt nhà ngươi là chính nghĩa và tiền bạc thì ngươi chọn cái nào?“. Afanti trả lời “Thần chọn tiền bạc“. Nhà vua lại nói “Nếu là ta thì ta chọn chính nghĩa, không cần tiền bạc“. Afanti trả lời tiếp : “Thưa đúng, người nào thiếu cái gì thì cần cái đó“. Afanti đã dũng cảm mưu trí lựa chọn tiền bạc không phải vì ông ta tham tiền mà là để dẫn dụ, chi phối và điều khiển nhà vua, đầu tiên là đưa nhà vua vào bẫy, sau đó mới tế nhị bày tỏ quan điểm của mình, khiến nhà vua lâm vào tình thế dở khóc dở cười không thể nói được lời nào. Điều đó có thể coi thật là kỳ diệu.
Định giá theo giá trị sản phẩm
Tại một buổi giao lưu nhỏ, có một khán giả nữ hỏi Triệu Bảo Sơn : “Nghe nói trong giới danh hài toàn quốc, ông là người có cát xê cao nhất, mỗi vở hơn một vạn đồng, có đúng không?“. Những câu hỏi như vậy thường làm cho người ta cảm thấy lúng túng, khó xử. Nếu như Triệu Bản Sơn trả lời là đúng thì sẽ rất không hay, còn nếu như là đúng có chuyện đó thì anh ta cũng không thể phủ định.
Song đối với câu hỏi khó xử như vậy, Triệu Bản Sơn không hề do dự trả lời vòng vo như sau: “Câu hỏi cô đặt ra thật bất ngờ, xin hỏi cô làm ở đâu?“
“Tôi. ở công ty kinh doanh liêu thụ điện khí Đại Liên“. Cô ta nói.
Triệu Bảo Sơn lại hỏi : “Vậy các cô kinh doanh mặt hàng gì?“
“Đầu Video, Ti vi, Catssette ...“
“Một cái đầu video bao nhiêu tiền?“
“Bốn nghìn đồng“
“Vậy thì có người trả cô bốn trăm đồng cô có bán không?“
“Đương nhiên là không. Giá của một loại hàng hoá phải được tính trên giá trị của chúng“. Cô gái trả lời một cách thẳng thừng.
“Đúng là như vậy, giá trị của một diễn viên thì do khán giả đánh giá“. Ý mà cô gái muốn hỏi là “Cát xê mà anh được trả cho một vai diễn là hơn một vạn đồng có đúng không?“. Nhưng Triệu Bảo Sơn lại chuyển hướng câu chuyện thành “Cát xê diễn xuất mà diễn viên nhận được là do cái gì quyết định“.
Trước khi đi đến câu trả lời cuối cùng, anh ta tạm gác lại vấn đề nói tới, những vấn đề dường như chẳng có gì liên quan, và sau một loạt những dẫn dắt loại suy đối với câu chuyện phiếm đó, Triệu Bảo Sơn mới đi đến kết luận cuối cùng chủ đề mà anh ta đã lái sang.
Làm như vậy thì vừa có thể trả lời thẳng vào vấn đề, lại không để lại ấn tượng hỏi một đằng trả lời một nẻo, “ông nói gà bà nói vịt“ khiến cho không khí của cuộc nói chuyện trở nên nhẹ nhàng thân mật.
Vấn đề mới Công ty Hoa Luân và một vài nhà cung cấp hàng trong khu vực có mối quan hệ công việc, một lần khi đàm phán với một trong những nhà cung cấp, vấn đề giá cả phải thương lượng khá lâu mà vẫn chưa có kết quả, vì vậy lần này công ty Hoa Luân bất ngờ đưa ra một vấn đề mới. “Nghe nói phía các vị thu mua xi măng bán lẻ của một số nhà máy lân cận với giá xuất xưởng, sau đó đem về đóng gói lại rồi đem bán cho chúng tôi, xin hỏi việc đó có không?“
“Làm sao có chuyện đó được?“
“Lần trước cũng có công ty X nói như vậy, vì thế chúng tôi cần được chứng thực“
“Không thể có điều đó đâu! Những gì nhà máy làm chúng tôi phải biết chứ?“
“Chúng tôi cũng không tin là phía các vị làm như vậy nhưng ...“
Cuộc đàm phán vẫn tiếp tục xung quanh vấn đề này, một bên thì tỏ ra bán tin bán nghi, một bên thì thề thốt “điều đó quyết không thể có“, đến khi phía người mua nói “đã muộn rồi, chúng ta hãy nghỉ ngơi một chút, ngày mai lại tiếp tục được không?“. Và mục đích của họ đã đạt được lần sau lại đàm phán tiếp, thì trong lòng người bán vô hình trung lại dấy lên sự lo lắng vì biết khách hàng đã giảm lòng tin đối với mình.
Nếu nhân loại không tồn tại
Năm 1994, “Cuộc thi hùng biện Hán ngữ quốc tế lần thứ hai được tổ chức với chủ đề : Bệnh Aids là một vấn đề ý học hay một vấn đề xã hội. Trong cuộc thi, bên chính biện hỏi : “Xin hỏi, nếu như bây giờ chúng ta phát minh ra một loại vắcxin phòng bệnh Aids thì sẽ nảy sinh những vấn đề xã hội gì? Xin các bạn hãy nói rõ“.
Bên phản biện : “Nếu điều “nếu như“ trở thành sự thật thì có thể cho toàn bộ Paris vào một cái bình, các vị chưa nói như vậy. Nếu như nhân loại không tồn tại thì lúc đó bệnh Aids có còn không?“ (Có tiếng cười và tiếng vỗ tay)
Bình thường mà nói, trong biện luận không dùng giả thuyết mà những điều cần thiết là lý do đưa ra có thể thuyết phục được người nghe hay không. Bên phản biện đã vận dụng những suy luận Logic để tận dụng cái sai của bên chính biện và đẩy nó đến cực đoan, khi ấy thì hiệu quả của nó không nói cũng rõ.
Điều đó cho thấy, trong cuộc tranh luận mà hai bên hoàn toàn đối lập thì chúng ta không nên xem thường những sai sót trong lời nói của đối phương. Khi đó, quan điểm và lập trường của anh ta mỗi lúc có những thay đổi rất lớn chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Những thay đổi như vậy sẽ nhanh chóng qua đi và tất yếu sẽ lập tức làm rõ vấn đề. Nó thường trở thành bước ngoặt quan trọng đối với sự thành bại của hai bên trong cuộc tranh luận.
Anh chàng bất trị “Vờ tha để bắt chặt“ là cách thức khuyên bảo một người mà trước tiên ta đón ý lựa lời rồi mới chỉ bảo , ban đầu là nói xấu những điều không hay rồi sau đó mới nói tốt, vòng vo tam quốc rồi cuối cùng mới đi vào vấn đề chính. Cách nói này vừa tế nhị, vừa tự nhiên mà lại đạt được kết quả tốt hơn mong đợi.
Ông chủ tìm gặp một anh chàng bất trị trong công ty của mình để nói chuyện. Ban đầu ông ta thăm hỏi rất lịch sự “Chào anh Tiểu Lý“. Khi ông chủ muốn anh ta lý giải tại sao thu nhập hàng lại thiếu thì Tiểu Lý đáp với giọng bất cần rõ rệt: “Vì tôi là kẻ khốn nạn nổi tiếng trong công ty mà!“
Ông chủ lúc đó không những không chỉ trích anh ta mà ngược lại còn lý giải: “Anh không ăn cắp, không ăn cướp, không làm việc xấu xa, vậy thì sao anh lại khốn nạn cơ chứ!“
“Có người nói là tôi “hết thuốc chữa rồi!“
“Nói như vậy là sai, anh không phải là người xấu. Nói anh “hết thuốc chữa“ không những là phủ định anh mà còn phủ định cả người dạy dỗ chính mình“.
Câu nói đó đã bắt trúng vào tâm lý của Tiểu Lý khiến anh ta cười vui “Ha ha, vậy là tôi và ông chủ có cùng quan điểm rồi“.
“Tôi nghe nói anh đã từng cứu người?“ ông chủ tiếp luôn.
Đây lại là một “đòn tấn công“ mà ông ta đã dày công suy nghĩ sắp đặt từ trước.
“Chuyện đó qua rồi, hảo hán thì không nhắc lại làm gì, Anh ta nói cho qua chuyện.
“Trước kia anh có chí khí, đã từng là một trang hảo hán, vậy bay giờ thì sao? Anh chửi người, đánh nhau, đe doạ người khác, là “anh hùng“ thì sao lại làm những việc ngu xuẩn như vậy?“ .
Và thế là sau một hồi vòng vo tam quốc, ông chủ mới bắt đầu khéo léo nói đến vấn đề,của Tiểu Lý, ôn tồn nhẹ nhàng, đánh trúng vào tâm lý anh ta. “Thế nào là chân-thiện-mỹ, thế nào là đểu giả độc ác, xấu xa? Anh không thể xấu xa. Khổng Phu Tử ba mươi tuổi mới thành danh, anh năm nay cũng vừa tròn ba mươi, giống như bông hoa nở muộn, đã đến lúc bắt đầu rồi đấy“.
Một hồi khuyên bảo thẳng thắn, chân tình khiến Tiểu Lý tâm phục khẩu phục, cuối cùng xúc động đứng dậy nắm tay ông chủ nói : “Thật chí tình?“
Cái anh chàng Tiểu Trâu này khá thật
Ông chủ của công ty giao cho Tiểu Vương và Tiểu Trâu tiến hành công việc triển khai một loại sản phẩm mới. Sau vài ngày, Tiểu Vương quay lại tìm ông chủ và trình bày đủ loại lý do để thoái thác công việc. Ông chủ không tỏ rõ ý kiến gì, chỉ nói : “Cái anh chàng Tiểu Trâu này khá thật, mới làm việc chưa được vài năm mà đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt là rất nhẫn nại, chịu khó, dám đi sâu nghiên cứu, quả là rất có triển vọng“.
Ông ta chưa nói hết, Tiểu Vương đã không thể ngồi yên, đứng dậy nói : “Ông chủ, để tôi làm thử lại xem sao “.
Chỉ vài ngày sau, Tiểu Vương đã đem đến một bản kế hoạch mới. Rõ ràng đây là kết quả của việc ngầm khích bác Tiểu Vương mà ông chủ đã làm.
Khích bác ngầm là sự chủ ý khen một người thứ ba trước mặt đối phương, kín đáo hạ thấp anh ta khiến cho anh ta bị kích động và quyết tâm vượt qua kẻ thứ ba đó. Cách này không phải là sự khích bác thẳng thừng mà dùng cách nói “ý tại ngôn ngoại“. “Giương đông kích tây“ là một cách nói khôn khéo để chuyển tải thông tin cần khích bác.
Trên thực tế, mỗi người đều muốn được người khác tôn trọng mình, tuy nhiên khi có một người khen một người thứ ba trước mặt mình thì tự nhiên trong anh ta cảm thấy bị kích động và nảy sinh tâm lý muốn so tài cao thấp với kẻ đó và ví dụ trên là một điển hình minh hoạ cho điều đó.
Tên trộm cầm nhầm áo
Ở một cửa hàng quần áo, một tên trộm đã ăn cắp một chiếc áo khoác rồi thản nhiên khoác áo trên tay đi ra cửa. Sau đó có người phát hiện ra và bắt được tên trộm này. Hắn quay lại và nói với người đó : “Ô xin lỗi, tôi cầm nhầm“.
Nếu như người này chỉ hồ đồ một chút và chỉ cần tên trộm đem chiếc áo trả lại lên giá thì sự việc coi như không còn có chuyện gì để nói. Nhưng điều cần chú ý ở đây là “từ câu nói của tên trộm “tôi cầm nhầm“, ta rút ra một giả thuyết là “tôi đã có một chiếc áo gần giống như thế này“, người ta sẽ dễ dàng có cách đối phó, chẳng hạn như hỏi lại luôn : “Vậy xin hỏi chiếc áo của anh đâu?“
Thông thường tên trộm sẽ không thể kiếm đâu ra chiếc áo hoặc chí ít cũng không thể đưa ra một chiếc áo giống với chiếc áo bị lấy trộm. Khi đó đích xác hắn là kẻ trộm, chứng cứ đã rõ ràng.
Cơm và sạn
Có một vị khách ăn cơm tại một quán ăn, do trong cơm có rất nhiều sạn nên ông ta phải nhổ sạn lên bàn, chủ quán thấy vậy vừa cảm thấy áy náy vừa cảm thấy không thể làm ngơ liền hỏi : “Toàn là sạn sao?“
Vị khách cười nói : “Không, cũng có cơm đấy chứ”. Ở đây, cái mà chủ quán và vị khách nói đến đều là về một đối tượng đó là bát cơm có nhiều sạn. Từ bát cơm có sạn đó, người ta có thể nói đến từ góc độ “cơm“ hoặc cũng có thể từ góc độ “sạn“. Và khi nói đến nó, chủ quán đã chọn hạt sạn làm đối tượng đề cập trong câu nói của mình, còn vị khách lại chọn hạt cơm để làm đối tượng nói đến bằng cách dùng chữ “không“ ở đầu câu để diễn đạt ý ngược lại.
Như vậy, việc chọn góc độ đề cập ngược lại hoàn toàn này vừa làm cho câu nói rất thâm thuý, vừa mang tính di dỏm cao.
Ngụy Sửu Phu tuẫn táng
Thời Chiến Quốc, Tuyên Thái hậu nước Tần ở goá trong cung, rất sủng ái Ngụy Sửu Phu. Trước khi lâm bệnh nặng sắp qua đời, bà ta ra lệnh : “Khi nào ta chết rồi, phải chôn Ngụy Sửu Phu theo!“
Ngụy Sửu Phu rất lo sợ liền mời quan đại thần Dung Nhuế vào cầu xin Thái hậu tha cho ông ta.
Khi Dung Nhuế can ngăn Tuyên Thái hậu, ông nói : “Người chết thì còn có cảm giác không?“
Tuyên Thái hậu nói : “Người chết thì làm gì có cảm giác“.
“Vậy một người anh minh sáng suốt như Thái hậu, rõ ràng biết là người chết thì không còn cảm giác, thì tại sao Thái hậu lại khăng khăng đòi một người còn sống mà Thái hậu sủng ái phải bị tuẫn táng theo một người chết không còn biết gì? Hay nói nhẹ đi là nếu người chết có cảm giác đi nữa thì tại sao tiên vương không có người tuẫn táng theo, ắt hẳn ông ấy đã oán hận từ lâu lắm rồi. Khi Thái hậu xuống dưới đó có tạ tội với ông ấy cũng không kịp nữa. Vậy thì làm gì còn thời gian rỗi để sủng ái Nguỵ Sửu Phu nữa?“.
Tuyên Thái hậu nghe xong nói “Ngươi nói có lý, vậy thì bỏ chuyện đó đi“.
Lúc ấy, ý nghĩ buộc Nguỵ Sửu Phu phải tuẫn táng theo qua đi. Sự khôn khéo trong lời nói của Dung Nhuế thể hiện ở hai điểm : Một là sự đối đáp rất tế nhị, không đi thẳng vào vấn đề mà mở đầu bằng những vấn đề xa xôi, đặt ra những câu hỏi có tính gợi mở. Hai là để tiếp cận vấn đề cần nói, ông xuất phát từ vấn đề con người ở hai khía cạnh là có cảm giác và không có cảm giác : Người chết rồi thì không còn cảm giác, buộc người sống phải bị chôn theo là một điều vô nghĩa, không cần thiết. Nếu như người chết có cảm giác thì liệu Tiên vương có tha thứ cho những việc làm của Thái hậu không? Sinh thời Thái hậu đã có lỗi với tiên vương, chết đi lại đem theo người của ông ấy, há chẳng phải giống như đổ thêm dầu vào lửa sao, chả phải tự mình chuốc thêm phiền phức sao?
Vậy thì ở cả hai phương diện, Thái hậu đều không thể biện minh được, do đó buộc phải từ bỏ ý định vô lý kia.
Hãy cởi bỏ những trang phục không muốn mặc
Để tôn trọng tập tục tôn giáo, nữ phóng viên nổi tiếng của Italia, Farach, khi phỏng vấn Homeni đã mặc trang phục của phụ nữ đạo Hồi, khoác choàng dài trông rất kín đáo nghiêm mật. Thực sự, cô không hài lòng với cách cưỡng ép lấy danh nghĩa tôn giáo này, nhưng cô vẫn mặc nó để có thể phỏng vấn thuận lợi. Và khi nói chuyện với Homeni về vấn đề quyền của phụ nữ, cô đã đưa ra vấn đề trang phục.
Farach: Ví dụ, một mặt họ yêu cầu tôi mặc áo choàng dài đến gặp ông, một mặt ông muốn duy trì, gìn giữ chiếc áo mà tất cả phụ nữ đều mặc. Hãy nói xem, tại sao ông lại bó buộc họ trong bộ trang phục vừa không thoải mái vừa có phần quái đản đó, làm cho người ta làm việc, cử động đều bất tiện. Và ở đây, phụ nữ cũng thể hiện rõ sự bình đẳng với nam giới. Họ cũng chiến đấu, chịu tù tội, cực hình, góp bao nhiêu sức lực cho cuộc cách mạng.
Homeni: Những người phụ nữ đóng góp cho cuộc cách mạng đã là quá khứ rồi. Bây giờ là những người phụ nữ mặc áo choàng Hồi giáo chứ không phải những người ăn mặc gọn nhẹ, cầu kỳ như chị. Đi lại khắp nơi mà không kín đáo thì sẽ kéo theo sau lũ đàn ông.
Farach: Giáo trưởng, đây không phải là sự thật. Cho dù thế nào, tôi không chỉ nói về mỗi chuyện trang phục mà còn nói tới những gì mà bộ trang phục đó đại diện cho. Đó chính là thực trạng phụ nữ bị cách li. Sau cách mạng, phụ nữ cũng rơi vào tình trạng bị cách li cô lập. Ý tôi muốn nói đến sự thực này. Ví dụ như phụ nữ không được học chung trường với nam giới, không được ra bãi biển hoặc bơi cùng nam giới, họ phải bơi ở một nơi khác, phải mặc áo choàng. Tiện đây, tôi xin hỏi, họ mặc áo choàng thì bơi như thế nào?
Homeni: Cô không nên đề cập đến điều này. Cô có muốn thay đổi phong tục của chúng tôi cũng không được. Nếu không thích trang phục của đạo Hồi, cô không nhất thiết phải mặc nó.
Farach: Giáo trưởng, tôi thừa nhận ý tốt của ông. Ông đã nói như vậy thì bây giờ tôi có thể bỏ cái đồ rách nát giữa thế kỉ này. Tốt rồi, cởi nó ra thôi ...
Thật khiến người ta bất ngờ và thán phục. Farach từ lúc không muốn mặc, mặc đến khi cởi bỏ trang phục mỗi lúc đều thể hiện sự mưu trí và năng lực vận dụng ngôn ngữ đạt tới trình độ cao của cô.
Trương sinh và Thôi Điểu Điểu
Trong vở kịch nổi tiếng của Trung Quốc có tên là: “Tây Sương Ký“, Trương Sinh và Thôi Điểu Điểu có thể nên vợ nên chồng, mọi người đều biết đó là nhờ vào tài ăn nói, ứng xử linh hoạt của Hồng Nương. Nhân vật Hồng Nương để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng khán giả trong đoạn trích “Thẩm vấn Hồng Nương“.
Lão phu nhân vừa nhìn thấy Hồng Nương liền phủ đầu ngay: “Mày biết tội chưa?“. Hồng Nương khi được gọi đến đã liệu tính trước dù có thế nào cũng giả bộ không biết tội gì. Nhưng khi thăm dò sắc mặt lão phu nhân thì đoán rằng lão phu nhân đã biết ít nhiều sự việc. Vì vậy, khi nghe phu nhân hỏi: “Ai cho mày với tiểu thư ra vườn?“, biết rằng không thể giấu được nữa, Hồng Nương liền thay đổi sách lược, thật thà kể lại rõ ràng sự việc từ đầu đến cuối.
Hồng Nương chậm rãi kể: “Đêm đó khi đang thêu thùa cùng tiểu thư, nghe tin Trương Sinh ốm, chúng con vội trốn đi thăm anh ta.“
Lão phu nhân liền hỏi: “Nó đã nói những gì?“
Hồng Nương đáp: Anh ta oán trách phu nhân lấy oán báo ân khiến anh ta từ vui thành sầu mà sinh bệnh. Anh ta bảo con về trước, tiểu thư sẽ về sau.
Lão phu nhân lo lắng : “Nó là con nhà gia giáo, bảo nó về sau sao được?“
Hồng Nương nói : Con chỉ nghe đó là cách tốt để chữa bệnh cho anh ta, nào ngờ họ đã thành thân, ở cùng nhau hơn một tháng rồi. Phu nhân không nên quá lo lắng. Họ rất vui vẻ, tâm đầu ý hợp. Phu nhân thấy họ là an tâm ngay. Tục ngữ nói thật chẳng sai: Con gái lớn không nên giữ lâu.
Hồng Nương trong câu nói của mình đã hàm chứa những dụng ý khéo léo. Ban đầu, cô kể lại quá trình đôi uyên ương cảm mến nhau. Tiếp đó Hồng Nương nói: Kết quả hôm nay hoàn toàn do lỗi của phu nhân. Hôm đó phu nhân đã tuyên bố chính thức: Ai đánh đuổi được cướp thì gả tiểu thư cho. Bây giờ đã đuổi được cướp, nhà yên rồi, phu nhân lại không muốn gả tiểu thư cho Trương Sinh. Phu nhân không tán thành cho họ lại không đuổi Trương Sinh đi lại còn giữ anh ta ở lại trong thư viện, để cho họ trai chưa vợ gái chưa chồng gặp nhau nên mới đến cơ sự này.
Lúc này lão phu nhân đuối lí, không nói được gì nữa, Hồng Nương thừa cơ chuyển chủ đề: “Cho nên, nếu phu nhân không dàn xếp cho êm xuôi thì sẽ làm nhục gia phong tướng quốc, mang tiếng thất tín với Trương Sinh. Lại còn nếu kiện lên quan phủ phu nhân sẽ bị tội trị gia không nghiêm ...“
Mục đích của Hồng Nương là tán thành hôn sự cho Trương Sinh và Thôi Điểu Điểu, vì vậy trách lão phu nhân chỉ là thủ đoạn để đạt được mục đích này. Giờ đây, lão phu nhân phải lo lắng xem sẽ giải quyết vấn đề với Trương Sinh và Thôi Điểu Điểu ra sao.
Hồng Nương đã ra đòn quyết định khi nhắc tới việc kiện ra quan phủ. Đó chính là điểm yếu của lão phu nhân. Mọi người mà biết tiếng xấu này của tướng phủ thì uy danh bấy nay bỗng chốc tiêu tan sao? Lão phu nhân đành phải chấp nhận điều mà không muốn cũng phải làm: “Theo ngu ý của Hồng Nương, bỏ qua lỗi lầm của họ, tán thành hôn sự cho Trương Sinh và Thôi Điểu Điểu, như thế vừa tránh được tiếng xấu cho tướng phủ. Thật là vẹn cả đôi đường. Tiểu thư là do phu nhân đứt ruột sinh ra, phu nhân nỡ đẩy tiểu thư vào đường cùng sao?“
Rốt cuộc, lão phu nhân đành phải chấp nhận hôn sự của Trương Sinh và Thôi Điểu Điểu.
Hồng Nương đã thành công nhờ tài ăn nói hoạt bát của mình.
Bộ mặt của diễn viên hề
Trong cuộc sống nhiều khi ta có thể tìm thấy sơ hở, lời nói hớ của đối phương trong cách tư duy và ngôn ngữ của họ để dùng chính điều đó dồn họ vào thế bí, há miệng mắc quai.
Durov - một diễn viên hề nổi tiếng nước Nga, trong một lần nghỉ giữa buổi diễn, có một khán giả đi đến hỏi một cách chế diễu: “Anh hề, khán giả rất thích anh có phải không?“
Durov đáp: “Cũng tàm tạm.“
“Để được khán giả ưa chuộng, phải chăng anh hề phải có bộ mặt đần độn xấu xí? “
“Rất đúng.“ Durov đáp: “Giá mà tôi có được bộ mặt như anh, tôi sẽ được gấp đôi lương.“
Câu trả đũa của Durov làm đối phương không thể đắc ý được.
Người dân nước Tấn bất hoà?
Tương truyền, thời Xuân Thu, Tấn Huệ Công Di Ngô nhờ Mục Công nước Tần giúp đỡ mới được lên ngôi vua. Trước đó ông đã hứa ngay sau khi làm vua sẽ tặng cho nước Tần 5 thành ở vùng Hà Đông. Nhưng sau đó lại thấy tiếc, không thực hiện lời hứa của mình. Nước Tấn bị nạn đói phải vay nước Tần lương thực. Tần Mục Công khẳng khái giúp đỡ. Nhưng khi nước Tần bị nạn đói, nước Tấn một hạt thóc cũng không giúp đỡ. Hai việc đó khiến Tần Mục Công rất tức giận. Đợi nước Tần qua nạn đói, lập tức phát binh tấn công nước Tấn. Kết quả, nước Tần đại thắng, bắt được Tấn Huệ Công. Huệ Công bèn lệnh cho Lữ Nam tới Tần giảng hoà, giải cứu.
Lữ Nam phụng mệnh tới Tần. Mục Công gặp ông ta ở Nam Thành hỏi: “Người nước Tấn có hoà thuận không?“
Lữ Nam đáp : “Không hoà thuận.“
Đáng lẽ phải nói hoà thuận mới đúng. Vì như vậy vừa che giấu được yếu điểm của mình lại vừa giữ được sự tôn nghiêm của quốc gia. Nhưng Lữ Nam lại làm như vậy khiến Mục Công vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Thế là, Mục Công bèn hỏi: “Vì sao bất hoà?“ - ông ta định qua câu hỏi này xem nhà ngoại giao này đánh giá thế nào về yếu điểm của nước mình.
Lữ Nam thưa: “Bọn tiểu nhân nhân lúc quốc vương bị bắt đi, tranh nhau làm thái tử, làm vua. Còn những bậc quân tử, trung thành với Tần vương thấy được sai lầm của mình, chẳng quản thu thuế luyện binh đợi mệnh lệnh của Tần vương. Họ nói rằng nhất định sẽ báo đáp ân đức của Tần vương, thậm chí phải chết cũng không ăn ở hai lòng. Vì vậy người nước Tấn mới bất hoà.“
Tần Mục Công cũng không phải là người tầm thường, đương nhiên ông hiểu rõ hàm ý trong câu nói của Lữ Nam. Bạn thấy đấy, người nước Tấn tuy thái độ đối với nước Tần không giống nhau nhưng họ đều “chẳng quản thu thuế luyện binh“, đồng lòng bảo vệ nước nhà. Đây chẳng phải trong ngoài như một sao? Chẳng hề bất hoà chút nào. Điều mà Lữ Nam nói là giả, hoà thuận mới thật.
Vậy chiêu bài thực sự của Lữ Nam là gì? Lữ Nam đã ngầm báo cho Tần vương thấy hai con dao qua câu trả lời “Bất hoà“. Một là “con dao cứng“:mượn lời của kẻ tiểu nhân để nói lên rằng người nước Tấn không sợ cường bạo, thề chết để báo thù cho nước, chống đối Tần vương, bắt chẹt Tần vương sớm thả Tấn Huệ Công. Con dao cứng này rất mạnh, dùng không cẩn thận sẽ gây hậu quả xấu. Vì vậy Lữ Nam đồng thời dùng một “con dao mềm“, mượn lời lẽ thuận tai của các bậc quân tử, bày tỏ niềm hi vọng của người nước Tấn rằng Tần Mục Công sẽ thả Tấn Huệ Công. Dưới sự cưỡng bách dẫn dụ của hai con dao, Lữ Công đã làm mất uy phong của Tần Mục Công, tỏ rõ chí khí của mình. Ông vừa cứng rắn, vừa mềm mỏng, nói rõ lợi hại, chỉ cho Tần vương một cách tốt nhất là ngay lập tức thả Tấn vương. Tần vương nghe xong câu nhắc lợi hại, nói: “Đây chính là ý của ta“. Rồi ngay lập tức thả Tấn Huệ Công, 'còn' có cả hậu lễ.
Thế là Lữ Nam đã giành thắng lợi.
Vấn đề vô lễ
Trên chương trình truyền hình hữu tuyến của Nhật Bản, một trăm chính trị gia được mời tới. Người dẫn chương trình lần lượt hỏi họ các câu hỏi. Ban đầu họ đều lặng thinh hoặc trả lời dè dặt. Nhưng đến khi người dẫn chương trình hỏi họ một số câu hỏi thiếu lễ độ, họ đều phẫn nộ nói: “Các anh đùa cợt kiểu gì vậy? Sao lại hỏi tôi những điều như thế?“
Có người nói xong liền đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi. Camera ở phía sau họ không bỏ lỡ cơ hội, không bỏ qua một cảnh thú vị nào.
Nhiều người tưởng lầm đây là chủ ý của người dẫn chương trình, thực ra là sự sắp xét của đơn vị sản xuất chương trình. Phải làm cho các chính trị gia không giữ nổi bình tĩnh thì họ mới bộc lộ con người thật của mình. Bởi vì trong các cuộc họp quốc hội hay họp báo họ đều trả lời một cách có lí trí, bài bản với phong độ đĩnh đạc đường hoàng của đấng quân tử. Người dẫn chương trình lần này đã làm thay đổi lập trường, thái độ cứng nhắc đó, dụ họ phải tức giận.
Quả nhiên, không ngoài dự đoán của những người làm chương trình, các chính trị gia này đã tức giận ra mặt, lộ rõ tính cách họ vốn che giấu.
Hẹn làm việc với những người nổi tiếng
Một biên tập viên của một toà báo nọ nổi tiếng vì luôn mời được những người nổi tiếng và bận rộn để viết bài cho tạp chí của họ. Anh ta không có bí quyết gì đặc biệt.
Nhưng đối với những lời từ chối của đối phương như: “Tôi hiện nay rất bận, sợ rằng không giúp gì được...“. Họ đã có một câu ứng dối rất hiệu quả: “Đương nhiên tôi biết ngài rất bận. Nhưng chính vì ngài bận, tôi mới mời ngài viết cho báo chúng tôi. Đối với những người vô công rồi nghề, tôi không nghĩ họ có thể viết được những tác phẩm hay.“
Theo như anh ta nói, cách này không bao giờ thất bại, lần nào cũng đạt được mục đích như mong muốn.
Anh lại đánh vợ à?
Trương Tam gặp Lý Tứ liền hỏi: “Anh có lại đánh vợ nữa không đấy?“
Lý Tứ đáp : “Không đâu?“
Ở đây Lý Tứ đã rơi vào bẫy của Trương Tam, trong lời nói của Trương Tam đã ngầm nói rằng: Lý Tứ trước đây đã đánh vợ. Khi trả lời “Không“, tuy anh phủ định việc “bây giờ lại đánh vợ” nhưng thực tế đã vô tình thừa nhận mình từng đánh vợ. Nếu hai vợ chồng Lý Tứ từ trước tới nay yêu thương nhau, không lời qua tiếng lại thì Lý Tứ oan uổng vô cùng, tự mình chuốc lấy những oan ức không đâu.
Những câu nói thế này được dùng trong giao tiếp, ngôn ngữ học gọi nó là “đã định sẵn“.
Báo viết, có một quán ăn Âu, kinh doanh trứng gà làm đồ ăn sáng không có hiệu quả lắm. Về sau, ông chủ quán phát hiện ra vấn đề là ở chỗ người phục vụ. Nhân viên phục vụ khách hàng của quán này thường có thói quen hỏi khách: “Có ăn trứng gà hay không?“. Phải có đến gần một nửa khách nói là không. Người chủ quán thông minh này đã yêu cầu nhân viên phục vụ của mình thay đổi cách hỏi, như: “Ông ăn trứng gà chứ ạ?“ bằng “Quý khách cần dùng mấy quả ạ?“ Chính điều này đã đem lại cho ông ta một món lời khổng lồ. Rõ ràng, đó là tác dụng của ngôn ngữ đã định sẵn. “Có ăn trứng gà hay không?“ thì có thể là có, có thể là không, nhưng nếu hỏi: “Quý khách cần mấy quả trứng gà?“ thì lại nhất định cần trứng gà và cho người ta cảm giác cần phải ăn trứng gà. Thông thường, những người khách cần ít nhất một quả.
Bạn thấy đấy, một tiểu xảo ngôn ngữ nho nhỏ không phải đã mang lại một món lời khổng lồ sao?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét