Một ni cô đang đi tìm giác ngộ, làm một bức tượng Phật và dát vàng lên tượng. Bất kỳ đi đâu cô cũng mang tượng Phật vàng này theo.
Nhiều năm trôi qua, vẫn còn mang tượng Phật, ni cô đến sống trong một ngôi chùa nhỏ ở một xứ có rất nhiều Phật, mỗi vị Phật có đền thờ riêng.
Ni cô muốn thắp nhang trước tượng Phật vàng của cô. Không thích hương thơm của nhang mình đi lạc qua chỗ người khác, cô chế ra một cái phểu lớn, chuyển khói nhang đến tượng Phật của cô mà thôi. Điều này làm mũi của tượng Phật vàng bị nám đen, nhìn rất xấu..
Bình:
• Phật đâu có ngoài ta. Khi tâm ta trở lại với “mặt mũi nguyên thủy” (bản lai diện mục), không còn bị màn si mê bao phủ, thì tâm sáng láng. Đó là Phật.
Có tượng Phật để giúp nhắc nhở mình con đường mình đang đi, thì hay. Nhưng xem tượng như là cứu rỗi của mình thì hỏng. Vì chỉ có mình giải thoát được mình thôi.
Chính vì vậy mà tổ Lâm Tế nói “Gặp Phật giết Phật, gặp ma giết ma”; tức là những gì mình thấy đều là ảo tưởng, chỉ tâm tĩnh lặng của mình (chân tâm) là thật.
Đan Hà thiền sư chẻ tượng Phật gỗ ra làm củi sưởi ấm đêm đông, cũng là thế.
• Dù là mỗi người phải tự giải thoát, Phật giáo vẫn có khái niệm “trợ lực” hay “trợ duyên”, như truyện Mục Kiền Liên nhờ chư tăng tụng kinh cầu nguyện để giúp mẹ thoát khỏi địa ngục khổ đau; hay trong Tịnh Độ Tông, người thành tâm niệm Phật Adiđà thì chết có thể được hóa độ đầu thai tại Tây Phương Tịnh Độ do Phật Adiđà cai quản.
Trên phương diện tâm lý, khi chúng ta tụng kinh cầu nguyện cho ai đó, người được hưởng lợi đầu tiên là ta (người tụng kinh), vì chính lời cầu nguyện và lời kinh sẽ ảnh hưởng đến tâm ta trước nhất.
• Trong bài này, không lo tự giải thoát mà tìm giải thoát ở tượng Phật vàng là đã sai đường rồi, lại còn sai đến mức chuyển khói hương đến tượng Phật, tức là sự tôn sùng bức tượng lên đến mức chống lại tất cả những gì khác tượng Phật của mình.
Giác ngộ, giải thoát, cũng không; mà ngay cả tượng vàng để trang trí cũng không giữ được cho sạch.
• Mỗi người chúng ta có bao nhiêu tượng Phật vàng mang theo kè kè?
1. Tiền: Bao nhiêu người chạy theo tiền như là Chúa Phật để mưu cầu hạnh phúc?
2. Quyền lực: Bao nhiêu người tôn thờ quyền lực và chức vị?
3. Tiếng tăm: Bao nhiêu người tin rằng đời mình chỉ có hạnh phúc nếu mình nổi tiếng?
4. Chủ nghĩa: Mấy từ tiếng Anh có chữ cuối là ISM, nhất là các ism chính trị, được bao nhiêu quí vị tôn thờ đến mức khùng điên?
5. Sách và kiến thức: Bao nhiêu người tôn thờ sách, hay là kiến thức nào đó, như đó là con đường giải thoát?
Mọi thứ này đều có giá trị tương đối của chúng. Nhưng tôn thờ chúng là đã si mê rồi. Tôn thờ đến mức chỉ biết chúng là duy nhất, hương khói đời mình cứ chăm vào đó, thì ngay cái giá trị ngoài da của chúng cũng bị mình làm cho đen mũi.
(Trần Đình Hoành dịch và bình).
Black-Nosed Buddha
A nun who was searching for enlightenment made a statue of Buddha and covered it with gold leaf. Wherever she went she carried this golden Buddha with her.
Years passed and, still carrying her Buddha, the nun came to live in a small temple in a country where there were many Buddhas, each one with its own particular shrine.
The nun ished to burn incense before her golden Buddha. Not liking the idea of the perfume straying to others, she devised a funnel through which the smoke would ascend only to her statue. This blackened the nose of the golden Buddha, making it especially ugly.
(Source : Trần Đình Hoành)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét