Nước Tấn, nước Yên nghe tin Tam Kiệt của Tề đã chết, liền đem quân đánh sâu vào đất Tề, quân Tề nhiều phen thảm bại. Trước đây Án Anh nhiều lần tiến cử lên vua bậc hiền tài Điền Nhương Thư, nhưng Cảnh Công vẫn không đoái hoài đến. Giờ đất nước có nguy biến, Cảnh Công mới biết sợ, sai Án Anh mang lễ vật đến Đông Hải rước Điền Nhương Thư về triều. Điền Nhương Thư giảng giải binh pháp cho Tề Cảnh Công nghe, Cảnh Công rất phục ông, bèn phong làm Đại Tư Mã thống lãnh quân đội, đem quân dẹp giặc. Điền Nhương Thư nói:
- Thần xuất thân từ chốn dân dã, nay chúa công giao binh quyền, chức tước đứng trên bá quan, e rằng lòng người không phục. Xin chúa công chọn cho một người mà trong nước ai cũng kính trọng để làm giám quân, có vậy hiệu lệnh của thần mới thi hành được.
Tề Cảnh Công chọn quan đại phu Trang Giả làm giám quân.
Điền Nhương Thư bảo Trang Giả:
- Giờ ngọ ngày mai lúc mặt trời đứng bóng, cắm cây gỗ để xem giờ. Quá ngọ mà Trang Giả vẫn chưa đến. Nhương Thư chặt gãy cột, bước lên đài ban hiệu lệnh. Mãi đến chiều Trang Giả ngất ngưởng đến.
Nhương Thư hỏi:
- Cớ gì quan giám quân bây giờ mới đến?
Trang Giả cậy mình được vua yêu, nên vẻ mặt kiêu ngạo, đáp:
- Họ hàng thân hữu bày tiệc tiễn hành nên đến chậm.
Điền Nhương Thư nói:
- Đạo làm tướng khi đã thụ mệnh vua thì phải quên nhà, khi xông trận thì phải quên mình. Nay nước nhà có giặc xâm lấn, chúa công lo lắng đem việc quân ủy thác cho hai ta, thế mà ông vì chén rượu mà quên phận sự.
Trang Giả vẫn tự đắc nói:
- Giờ còn kịp chán, nguyên soái bất tất phải lắm lời!
Điền Nhương Thư hỏi chức Quân chính:
- Làm tướng đến trễ, phạm vào điểm nào?
Quân chính nói:
- Quân phạm! Chém!
Điền Nhương Thư thét võ sĩ trói Trang Giả lại đem ra quân môn xử tử. Ba quân khiếp vía. Kẻ thân tín của Trang Giả vội chạy về phi báo với Cảnh Công. Tề Cảnh Công cả sợ sai Lương Khâu Cứ cầm cờ tiết đến xin Điền Nhương Thư tha tội cho Trang Giả. Cứ giục xe vào quân môn thì Trang Giả bị chém rồi.
Điền Nhương Thư lại hỏi Quân Chính:
- Tội giục xe vào quân môn như thế nào?
- Cũng phải chém!
Điền Nhương Thư nói:
- Lý ra phải chém. Nhưng Lương Đại Phu có cờ tiết của chúa công, nên miễn cho tội chết. Nói rồi truyền chém đầu ngựa và đập bể xe. Các tướng ai nấy xanh mặt. Nhương Thư ra quân, Tấn, Yên không kịp giao tranh bỏ chạy về nước, Nhương Thư truyền quân đuổi theo chém hơn vạn đầu giặc. Nước Tấn, nước Yên sai sứ sang giảng hòa.
LỜI BÀN:
Điền Nhương Thư là hình ảnh mẫu mực của vị tướng lãnh. Và loại người như Trang Giả cũng là hình ảnh của người cửa quyền cậy thân ỷ thế. Đất nước đang bị chiến loạn, đám con ông cháu cha đã không chút bận tâm lo lắng lại còn cản trở công việc của những người có tấm lòng vì nước vì dân. Từ khi loài người biết thiết lập một nền hành chánh thì họ cũng đã có những khẩu hiệu như: "Chí công vô tư", "Công minh liêm chính", "Vị quốc vong thân"... Đại quân đã định giờ lên đường trừ giặc, ấy vậy mà phải đình lại để chờ một người đang bận "nhậu" là nghĩa gì? Một quân đội hùng cường là quân đội có luật pháp nghiêm minh, ba quân tin và nể trọng tướng lĩnh. Hồi Tôn Vũ luyện quân ở Ngô, dẫu là đội nữ binh điển hình hợp hoàn toàn những cung nữ, hai viên đội trưởng nghĩ mình là cung nga được vua yêu, coi thường quân luật, vẫn bị Tôn Vũ giết như thường. Viên giám quân Ân Cái của Lưu Bang trong buổi Hàn Tín duyệt binh cho mỉnh là kẻ thân tín không chịu chấp hành quân luật, cũng bị Hàn Tín chém đầu. Bao giờ đất nước hết nạn cửa quyền, bè phái, dựa dẫm thì lúc đó luật pháp mới được thượng tôn, đất nước mới thực sự hùng cường và tiến bộ. Tư Mã Nhương Thư là vị tướng lãnh tiêu biểu vậy.
Nhương Thư viết để lại cho đời bộ"Tư Mã Binh Pháp" là một trong bảy bộ binh thư có giá trị của Trung Hoa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét