Ads 468x60px

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Truyện 64 - Vong Tần Giả Hồ Dã

Vạn lý trường thành
Ngày qua tháng lại, Từ Phúc đi quá lâu, cả năm trời mà không nghe tin tức gì. Vua Tần bụng nóng như lửa đốt liền kêu Lưu Sinh bảo:

- Trước đây ngươi khoe với ta từng biết Chân nhân. Ngươi và Tống Vô Kỵ bảo tấu cho Từ Phúc. Từ Phúc đi đến nay không có âm hao gì. Ngươi phải đi tìm hắn, nếu không được thì ngươi phải đi tìm cho được Chân nhân. Nếu không ngươi đừng gặp ta nữa!

Mặt Lưu Sinh cắt không còn giọt máu, lãnh lệnh ra đi.


Giữa trời nước mênh mông không biết tìm đâu cho ra Từ Phúc. Một hôm Sinh đến địa phận Thái Hoa thấy một người hình dạng cổ quái ngồi trên tảng đá, Sinh động tâm bước tới vái chào. Quái nhân hỏi:

- Có việc gì vậy?

Sinh thưa:

- Tiểu sinh vâng lời vua Tần đi tìm thuốc trường sinh. Dám xin tiên sinh dạy giúp một lời!

Quái nhân cười rộ, nói:

- Thủy Hoàng là một bạo chúa lại muốn sống lâu sao? Con người ta sống chết ở trời, sao vua Tần lại có ý ngông cuồng như thế. Làm gì có thuốc trường sinh bất tử?

Lưu Sinh cầu khẩn:

- Tiểu sinh là người phàm mắt thịt óc não ngu muội. Tiên sinh có cách nào cứu giúp tiểu sinh.

Quái nhân một thoáng suy nghĩ, nói:

- Ta cho ngươi vật này.

Nói rồi ông bước vào động lấy quyển sách đưa cho Lưu Sinh, nói:

- Hãy đưa cho vua Tần xem quyển sách này trong đó có nói đến lẽ sinh tồn vong.

Lưu Sinh xem lại, sách có tên “Thiên Lục Bí Quyết”. Sinh muốn hỏi lại một vài điều chưa rõ, nhưng quái nhân đã vào cõi nhập định. Sinh đem sách về dâng cho vua Tần rồi thuật lại cho mọi việc. Nhà vua mở xem, thấy sách viết theo lối “khoa đẩu”. Vua không đọc được, bèn sai Thừa tướng Lý Tư đọc. Lý Tư đọc và giảng cho vua nghe, lời trong sách huyền nhiệm khó hiểu, đại ý nói về sự biến dịch của trời đất. Ngoài ra còn có câu: “Vong Tần giả, Hồ dã” (kẻ làm mất nhà Tần là Hồ).

Tần Thủy Hoàng thất kinh nói:

- Cứ như sách, thì rợ Hồ sẽ xâm lược nước Tần ta!

Vua Tần lo sợ, liền sai Đại tướng Mông Điềm đem 30 vạn quân đi đánh hung Nô, lại còn bắt thêm 80 vạn dân đi xây Vạn lý trường thành!

Lời Bàn:

Dĩ nhiên đám Từ Phúc như chim trời cá nước biền biệt trời mây tìm đâu cho rả Đoàn người đi tìm thuốc trường sinh không về. Tần Thủy Hoàng bắt Lưu Sinh đi tìm cho được Từ Phúc, nếu không tìm ra, thì phải tìm cho được Chân nhân! Hỡi ơi!… Nếu Chân nhân có thực thì đời nào đến ông vua bạo ngược? Cũng may Lưu Sinh tìm được vị “Dị nhân” cho một quyển “bí quyết” trong đó có câu sấm: Vong tần giả, Hồ dã. Năm chữ này khiến vua Tần lo sợ mà xây Vạn Lý Trường Thành. Bức Trường thành này trước đây thời chiến quốc, Yên, Triệu đã xây từ Miên huyện Cam Túc chạy đến Liêu Đông (Trường thành này dài trên 4000km, cao từ 15 m tới 30 m, rộng từ 12 tới 20 m, không phải hoàn toàn do công của Tần Thủy Hoàng. Sau này, Tấn, Bắc Ngụy, Đường, Minh đều có xây thêm). Người chết ở bên hào Vạn Lý Trường Thành cả chục vạn! Với năm chữ đó, khiến cho diện mạo chính trị của nhà Tần cũng thay đổi hết sức to lớn.

Sự thất bại trong việc tìm thuốc trường sinh để Lý Tư có cớ phỉ báng Nho học, để không có học sĩ nào tâu trình những việc của họ Lý làm. Kết quả Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt hết sách vở có từ trước đến đương thời (trừ sách thuốc, sách canh nông và sách bói toán). Cấm ngặt sự trước tác. Chỉ có 70 vị bác sĩ nhà Tần mới có quyền tác trước. Ai vi phạm sẽ bị tự tử. Lý Tư còn tâu lên vua Tần cho chôn sống hơn 460 nho sinh, nhữg người bị tình nghi có liên quan đến việc “tìm thuốc trường sinh”, làm sách phỉ báng chế độ, xúi giục dân chúng nổi loạn…

Năm chữ “Vong Tần giả, Hồ dã” mà vua Tần hiểu là nước Tần mất do Hồ, đã khiến chiến tranh Tần, Hồ kéo dài ngót 10 năm, xương trắng phơi đấy trên khắp thung lũng, bên dưới chiến hào Vạn Lý.

Nhưng “Vong Tần giả, Hồ dã” đã khiến vua Tần phải hiểu nghĩa một cách lệch lạc như vậy là do Lý Tư cắt nghĩa! Lý Tư là kẻ khát máu, là một tay dùng chiến tranh để trục lợi. Thử hỏi Hồ dân số bao nhiêu? Văn minh Hồ là là những gì? Thủ đô ở đâu? Tần bấy giờ là một đế quốc to lớn phía nam đến tận Nhật Nam (Quãng Bình Hà Tĩnh ngày nay), phía Bắc đến Mông Cổ, phía Tây đến Tây Tạng. Dân số toàn lục địa Trung Hoa thời đó trên 50 triệu, can gì bị Hồ với dân số chưa đầy một triệu tiêu diệt?

Nếu có ai đặt ngược lại vấn đề, tại sao Mông Cổ lại có cơ hội đè bẹp Trung Hoa? Hai bối cảnh ấy khác nhau. Vì nhà Tống kể từ Huy Tôn trở đi, vua tới quan đều hèn nên bị thống thuộc vào Liêu Kim. Còn Mông Cổ lo thống nhất các bộ lạc, xong, lần lượt thôn tính các nước Trung Á, Tây Á, Đông u, quay lại đánh Liêu Kim, rồi mới thôn tính nhà Tống, chương trình ấy hết đời Thành Cát Tư Hãn vẫn chưa xong. Và Thành Cát Tư Hãn là một Đại Hãn hùng tài đại lược từ Tần đến 5 thế kỷ sau Hồ đã làm được những gì? Sách lược của Lý Tư đã làm hao tổn nhân mạng và của cải. Có Vạn Lý Trường Thành đó tại sao đời Đông Tấn có nạn “Ngũ Hồ loạn Hoa”? Tại sao đời Nam Tống có nạn quân Mông? Nếu quân lực của Hồ hùng cường thì chồng lên 10 Vạn Lý Trường Thành, người Hồ vẫn vượt qua như thường!

Sau này ta mới biết rằng, năm chữ “Vong Tần Giả, Hồ dã” có nghĩa rất rõ là: “Kẻ làm mất nước Tần chính là Hồ Hợi” Thừa tướng Lý Tư có tài, nhưng ông cũng là người rất đa đoan quỷ quyệt, một tay trục lợi thứ thiệt. Đại sứ gia Tư Mã Thiên nói: “Tần Thủy Hoàng đến cùng Lương Sơn, đứng trên núi nhìn xuống thấy đoàn xe đi săn của Thừa tướng đến ngàn cỗ, quân kỵ rất đông, vua rất không bằng lòng… sau đó có kẻ thóc mách lại cho Lý Tư, Lý bèn bớt lại… Vua Tần ra lệnh cho giết những kẻ đó!”

“Vong Tần giả, Hồ dã” đó là câu sấm đã biết. Biết nhưng có tránh được không? Trước đây nhà thao lược Ngô Khởi nói: “Giữ nước cốt ở Đức chứ không dựa vào núi sống hiểm trở”. Tần có ải Hàm Cốc, “một người giữ muôn người khó qua”, cớ sao lại mất nước? Cả triều đình nước Tần đều là những kẻ bạo ngược: Tần Thủy Hoàng, Hồ Hợi (Tần Nhị Thế), Lý Tư, Triệu Cao, Diêm Nhạc, Triệu Thường… Là những kẻ bạo ngược. Khi nhà Tần thống nhất thiên hạ 221 trước Công Nguyên, cho đến khi chấm dứt nhà Tần 206 trước Công Nguyên vỏn vẹn có 15 năm so với nhà Chu 870 năm thì đủ biết cái đức của nhà Tần không có! Đáng để tang cho giấc mộng của Tần Thủy Hoàng! Ông ta nói: “Ta là hoàng đế đầu tiên, con ta sẽ là Nhị Thế, cháu ta là Tam Thế… truyền mãi mãi vạn thế”.

(Source : Thuật xử thế của người xưa - Ngô Nguyên Phi)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét