Mưu kế |
Thiên này gồm 34 truyện, thiên sau gồm 37 truyện, tổng cộng là 71 truyện.[1]
Có một số truyện chép cả,
+ Trong Chiến Quốc sách, như:
Truyện XXII.8 tức truyện Ngụy sách 1.1 (Chiến Quốc sách, Lá Bối 1972)
- XXII 10 - Tống sách -1 nt.
- XXII 13 - Đông Chu sách 10 nt.
- XXII 17 - Sở sách IV 8 nt.
- XXII 22 - Ngụy sách 122 nt.
- XXII 28 – 8 - Ngụy sách 11.13 nt.
- XXII 34 - Tề sách 1.3 nt.
+ Hoặc trong Liệt tử, như: Truyện XXII.31 tức truyện Liệt tử II 16 (Liệt tử - Dương tử - Lá Bối 1972)
- XXII.9 - Liệt tử VIII 24 nt.
Những truyện trùng nhau đó chép gần y hệt nhau, chỉ khác nhau ít chữ, không rõ sách nào chép của sách nào.
Chúng tôi bỏ không dịch lại những truyện đó, trừ truyện XXII.10, và chỉ trích trong thiên này 8 truyện để giới thiệu với độc giả, vì cho cả hai thiên đều không quan trọng, chỉ đáng coi là phần phụ lục thôi. Chúng tôi đánh số từng truyện cho dễ kiếm.
°
1. Thang đã diệt nhà Hạ (vua Kiệt), sợ mang tiếng là tham nên (làm bộ) đem thiên hạ nhường cho (một ẩn sĩ là) Vụ Quang, nhưng sợ Vụ Quang nhận, lại sai người thuyết Vụ Quang: “Thang giết vua mà muốn gieo tiếng xấu cho ông đấy”. Do đó, Vụ Quang nhảy xuống sông tự tử[2].
2. Tần Vô vương bảo Cam Mậu tự lựa lấy cho mình một trong hai chức: “bộc” (một chức hầu cận) hay “hành” (sứ thần). Mạnh Mão khuyên Cam Mậu[3]:
- Ông nên xin làm quan “bộc”. Sở trường của ông là đi sứ. Tuy ông giữ chức “bộc”, nhà vua cũng sẽ sai ông đi sứ; mà ông vừa cầm ấn quan “bộc” vừa làm việc của quan “hành”, như vậy là kiêm cả hai chức.
5. Nước Tấn đánh nước Hình, Tề Hoàn Công muốn cứu; Bão Thúc tâu:[4]
- Còn sớm quá! Nước Hình không mất thì nước Tấn không mệt, Tấn không mệt thì Tề không được trọng. Vả lại cái công cứu một nước nguy không lớn bằng cái đức phục hưng một nước đã mất. Tốt hơn, đại vương nên chậm cứu nước Hình để làm cho nước Tấn mệt, đợi cho Hình mất rồi, phục hưng lại cho; như vậy xét về “thực” là có lợi mà xét về “danh” lại càng tốt.
Hoàn Công không cứu Hình nữa.
10. Tề đánh Tống. Tống sai Tang Tôn tử xuống phía Nam cầu cứu với nước Kinh (Sở). Vua Kinh rất mừng, hứa sẽ tận lực giúp. Tang Tôn tử lo lắng ra về, người đánh xe thấy vậy hỏi:
- Việc cầu cứu có kết quả mà sao ngài lại có vẻ lo lắng?
Tang Tôn tử đáp:
- Tống nhỏ mà Tề lớn. Cứu nước Tống nhỏ mà để cho nước Tề lớn ghét, điều đó ai cũng lấy làm lo mà vua Kinh lại mừng, chắc ông ta (hứa hão) để chúng ta kiên tâm chống cự. Chúng ta kiên tâm chống cự, (Tề?) sẽ mệt; đó là điều có lợi cho Kinh.
Tang Tôn tử về nước. (Quả nhiên) Tề chiếm năm thành của Tống rồi mà Kinh vẫn chưa đem quân cứu.
16. Quản Trọng và Thấp Bằng[5] theo Tề Hoàn Công đi đánh nước Cô Trúc. Mùa xuân đi, mùa Đông về, quên đường lạc lối. Quản Trọng bảo:
- Có thể dùng trí nhớ của con ngựa già được.
Họ bèn thả con ngựa già đi trước rồi theo nó mà tìm được đường về. Tới một chỗ trong núi, thiếu nước, Thấp Bằng bảo:
- Loài kiến, mùa đông ở phía nam của núi (vì có ánh nắng, ấm áp), mùa hè ở phía Bắc của núi (vì có bóng mát). Chỗ nào ổ kiến cao một tấc, đào xuống một nhẫn (8 thước thời đó) thì có nước.
Họ cho đào và được nước.
Quản Trọng là bậc thánh, Thấp Bằng là bậc trí, mà có điều không biết cũng không ngại học con ngựa già và loài kiến. Ngày nay, người ta không biết rằng mình ngu để học cái sáng suốt của thánh nhân, chẳng là lầm lẫn ư?
26. Vua Trụ uống rượu suốt đêm[6], vui say[7] không biết ngày nào nữa, hỏi kẻ tả hữu, không kẻ nào biết, bèn sai người hỏi Cơ tử[8]. Cơ tử nói với môn đồ:
- Làm chúa thiên hạ mà tới nỗi cả nước không ai biết ngày, như vậy thiên hạ nguy rồi. Cả nước không ai biết mà ta biết thì ta cũng nguy rồi.
Rồi ông lấy cớ là say cũng không biết ngày.
30. Thấp Tư Di (một vị quan nước Tề) lại thăm Điền Thành tử[9], Điền Thành tử cùng ông ta lên lầu ngắm cảnh bốn phía. Ba phía đều trống, duy có phía Nam là bị cây nhà Thấp tử che khuất. Điền Thành tử không nói gì. Thấp tử sai người đốn cây đó, mới chặt được vài nhát thì ông ta bảo thôi. Người quản gia hỏi sao đổi ý như vậy. Ông ta đáp:
- Người xưa có ngạn ngữ này: “Biết cá trong vực sâu là điều bất tường”. Họ Điền đương mưu tính đại sự[10] mà tôi tỏ cho ông ta thấy rằng tôi hiểu được ẩn ý của ông thì tôi tất nguy. Không đốn cây này, chưa phải là có tội, mà biết được điều người ta không nói ra mới là tội lớn.
Bèn thôi không đốn cây nữa.
32. Một người nước Vệ gả con gái, dạy nó: “Con phải góp nhặt của riêng, nghen. Làm vợ người ta mà bị đuổi về là chuyện thường; sống với nhau tới già mới là chuyện hiếm có”. Người con nghe lời, gom góp của riêng, mẹ chồng cho là quá lo việc riêng tư, đuổi cô ta về. Lúc về nhà tiền của cô ta gấp bội lúc về nhà chồng. Người cha không tự nhận rằng mình dạy con sai mà còn tự đắc rằng mình khôn, đã làm giàu thêm được. Ngày nay bọn bề tôi làm việc quan đều một loại như vậy.
Chú thích :
[1] Vài truyện là ngụ ngôn hoặc danh ngôn.
[2] Truyền thuyết truyền ngôi này không chắc có thực, và được nhiều sách nhắc tới; nhưng chỉ Hàn Phi là cho rằng Thang không thực tâm, chỉ làm bộ nhường thôi và dùng “thuật” đó.
[3] Cam Mậu là tả thừa tướng của Tần Võ Vương, Mạnh Mão làm xá nhân, thuộc quyền Cam Mậu.
[4] Hình là một nước nhỏ ở tỉnh Trực Lệ ngày nay. Bão Thúc là bạn thân của Quản Trọng (Coi tiểu sử Quản Trọng trong phần nhất).
[5] Một bề tôi giỏi của Hoàn Công.
[6] Tương truyền vua Trụ ở trong cung, đóng cửa, đốt đước để dâm lạc, “lấy 120 ngày làm một đêm”, vì vậy mà quên ngày.
[7] Có bản chép là cu (sợ). Chữ cu với chữ hoan (vui) hơi giống nhau.
[8] Cơ tử là chú vua Trụ, can Trụ không được, giả điên, làm tên nô lệ. Chu Võ Vương diệt Trụ rồi, phong ông làm vua Triều Tiên.
[9] Điền Thành tử hay Điền Thành, Điền Thường, Điền Hằng, hay Trần Hằng ở đời Xuân Thu, làm đại phu triều Tề Giản công, giết Giản Công để lập Bình Công. Sau con cháu ông ta cướp ngôi nước Tề.
[10] Ám chỉ việc Điền Thành tử mưu giết Giản Công. Coi thêm chú thích thiên XXXIV,Ngoại trừ thuyết hữu thượng.
( Source : Hàn Phi Tử - Nguyễn Hiến Lê - Giản Chi )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét