Lừa gạt |
Thiên gồm chín tiết. Mỗi tiết gồm hai phần: bắt đầu từ hai chữ “hoặc viết” (có kẻ bảo) là lời bác bẻ của Hàn Phi. Chúng tôi đánh số mỗi tiết, lại đặt một tiêu đề (tóm tắt đại ý) cho mỗi tiết.
°
1- Trong chiến tranh phải lừa gạt quân địch.
Tấn Văn công sắp khai chiến với Sở, vời cậu Phạm (1) lại hỏi:
- Ta sắp khai chiến với Sở, họ đông, ta ít, làm sao bây giờ?
Cậu Phạm đáp:
- Thần nghe nói người quân tử trọng lễ thì cực lực giữ sự trung tín; (nhưng) trong lúc chiến tranh không ngại trá ngụy, nhà vua cứ dùng mưu mô mà lừa gạt.
Văn công từ biệt Cậu Phạm rồi, vời Ung Quí vô mà hỏi:
- Ta sắp khai chiến với Sở, họ đông, ta ít, làm sao bây giờ?
Ung Quí đáp:
- Đốt rừng để săn bắn thì bắt được nhiều thú, nhưng sau sẽ không còn con nào nữa. Dối trá với dân thì thu lợi được một lần thôi, sau không gạt được lần nữa.
Văn công khen phải. Từ biệt Ung Quí rồi, ông dùng mưu của Cậu Phạm đánh thắng được Sở. Lúc khải hoàn, ông ban tước để thưởng người có công, đặt Ung Quí ở trên Cậu Phạm. Quần thần hỏi: “Trận đánh Thành Bộc là nhờ mưu của Cậu Phạm, dùng lời của cậu ấy mà thưởng công lại đặt cậu ấy ở sau, như vậy có nên chăng?” Văn công đáp:
- Lẽ ấy các ông không biết được. Lời Cậu Phạm chỉ là lời quyền biến dùng tạm một thời, còn lời của Ung Quí là cái lợi muôn đời.
Trọng Ni nghe chuyên đó bảo: “Văn Công làm bá chủ chẳng cũng đáng ư? Đã biết lẽ quyền biến một thời, lại hiểu cái lợi vạn đại”.
°
Có người bảo: Ung Quí không trả lời đúng câu hỏi của Văn công. Trả lời một câu hỏi thì phải tùy vấn đề lớn hay nhỏ, hoãn hay gấp mà đáp. Vấn đề cao lớn mà mình đáp như thể nó nhỏ và hẹp thì bậc minh chủ không nghe. Văn công hỏi về cách lấy ít chống đông, mà đáp rằng: “Sau không gạt được lần nữa”, như vậy là đáp không đúng.
Lại thêm Văn công không biết cái lẽ quyền biến một thời, cũng không biết cái lợi muôn đời. Đánh mà thắng thì nước và thân mình đều được yên; binh mạnh và uy thế vững, sau có chiến tranh nữa cũng không thể lớn hơn vậy, thế thì sao lại lo không có cái lợi muôn đời? Còn như đánh mà không thắng thì nước mất, binh yếu, thân chết, danh mất, lo tránh được cái chết trước mắt còn không kịp, đâu còn rảnh để đợi cái lợi muôn đời? Cái lợi muôn đời ở trong cái thắng lợi ngày nay, mà cái thắng lợi ngày nay ở chỗ gạt kẻ địch. Cho nên bảo Ung Quí không đáp đúng câu hỏi của Văn công.
Vả lại, Văn công không hiểu lời của Cậu Phạm. Cậu Phạm bảo “Không ngại trá ngụy” không phải là bảo lừa gạt dân của mình mà bảo là lừa gạt địch. Địch là nước mình đánh, sau dù không lừa gạt được lần nữa thì có hại gì đâu? Văn công sở dĩ đặt Ung Quí lên trên Cậu Phạm, là vì ông ấy có công chăng? Nhưng thắng được quân Sở là do mưu của Cậu Phạm, vậy lời của Cậu mới đúng? Ung Quí chỉ nói “sau không gạt được lần nữa”, lời không có gì là hay cả. Mà Cậu Phạm thì đã có đủ cả công lẫn lời nói hay. Cậu bảo: “Người quân tử trọng lễ thì cực lực giữ sự trung tín”; trung là để yêu kẻ dưới, tín là để không gạt dân, còn lời nào hay hơn lời đó nữa? Nhưng Cậu lại nói trá ngụy phải là mưu kế hành quân. Vậy Cậu Phạm trước đã nói được lời hay, sau lai có công chiến thắng, thế là có hai công mà lại bị để ra sau, còn Ung Quí không có công nào lại được thưởng trước. “Văn công làm bá chủ, chẳng cũng đáng ư?” Trọng Ni nói vậy là không biết thưởng đúng.
2 - Trị dân không phải là đem thân mình ra làm gương để cảm hoá dân mà là dùng cái thế để trừng trị dân, sửa đổi họ.
Nông phu ở Lịch sơn lấn ruộng nhau, ông Thuấn lại đó cày ruộng được một năm thì bờ ruộng đều chỉnh tề cả. Dân chài ở bờ sông (Hoàng Hà) tranh nhau các bãi trên sông, ông Thuấn đến đó đánh cá, được một năm thì người trẻ nhường những bãi đó cho người lớn tuổi. Đồ gốm thợ Đông Di làm đều xấu dễ vỡ, ông Thuấn lại đó làm lò gốm, được một năm, các đồ gốm đều tốt, chắc chắn. Trọng Ni khen: “Làm ruộng, đánh cá, làm đồ gốm không phải là chức vụ của ông Thuấn, mà ông đích thân tới làm tại chỗ, là muốn sửa khuyết điểm cho dân. Ông quả thực là bậc nhân đức. Ông chịu khó nhọc mà dân chịu theo ông, cho nên bảo: “Thánh nhân dùng đức mà cảm hóa người”.
°
Có người bảo (…)
Ông Thuấn sửa khuyết điểm (cho dân), một năm mới sửa được một tật, ba năm được ba tật. Tuổi thọ của ông có hạn mà tật của dân thì vô cùng: lấy cái hữu hạn để trừ cái vô cùng, thì trừ được bao nhiêu đâu. Nếu dùng sự thưởng phạt bắt dân thi hành, mà ra lệnh rằng: “Hễ làm đúng phép thì được thưởng, trái phép thì bị phạt” thì sáng ban lệnh, chiều sự tình đã thay đổi rồi, chiều ban lệnh, sáng hôm sau đã thay đổi, chỉ trong mười ngày là khắp nước thay đổi cả, đâu phải đợi tới một năm? Ông Thuấn không biết khuyên vua Nghiêu bắt dân theo lệnh của ông, mà lại đích thân chịu lao khổ, chẳng phải là không biết thuật trị dân ư? Vả lại nếu phải đích thân chịu lao khổ rồi mới cảm hoá được dân, thì ngay Nghiêu, Thuấn cũng khó làm được, còn dùng (quyền) thế mà uốn nắn kẻ dưới thì vị chúa tầm thường nào cũng cho là dễ. Muốn trị thiên hạ mà lại bỏ cái cách một vị chúa tầm thường cũng dễ dàng làm được, để theo cái cách mà Nghiêu, Thuấn cũng cho là khó làm, thì kẻ đó chưa có thể cho làm chính trị được.
3 - Thuật dùng bề tôi: không cho một người kiêm nhiệm nhiều chức, không để cho bọn tả hữu ngăn cách vua với quần thần.
Quản Trọng không biết giảng điều đó cho Hoàn công.
Quản Trọng đau. Tề Hoàn công lại thăm, hỏi: “Trọng phụ đau, nếu bất hạnh mà tận số thì có khuyên quả nhân điều gì không?” Quản Trọng đáp:
- Nhà vua không hỏi thì thần cũng đã tính tâu với vua. Thần xin nhà vua đuổi Thụ Điêu, trừ Dịch Nha và xa công tử Khai Phương nước Vệ. Dịch Nha lo việc ăn uống cho nhà vua, biết chỉ có thịt người là nhà vua chưa được nếm, bèn luộc đầu con mình để dâng lên. Tình người là không ai không yêu con, nay con mình mà không yêu thì làm sao yêu vua được? Nhà vua hay ghen mà thích các cung tần, Thụ Điêu bèn tự thiến để được cai quản các cung tần. Nhân tình không ai không yêu bản thân, nay bản thân mà mình không yêu thì làm sao yêu vua được? Khai Phương thờ nhà vua mười lăm năm, Tề cách Vệ chỉ vài ngày đường, mà Khai Phương bỏ mẹ đi làm quan lâu như vậy không về thăm, mẹ mà còn không yêu thì làm sao yêu vua được? Thần nghe nói cố giả dối (giả đạo đức) thì không được lâu, che sự hư nguỵ thì không được bền. Xin nhà vua đuổi ba người đó đi.
Quản Trọng chết rồi, Hoàn công không làm theo lời khuyên đó, đến khi chết, giòi trong thây bò ra tới cửa (2) mà chưa chôn.
°
Có người bảo:
Lời Quản Trọng khuyên Hoàn công đó không phải là lời của một người biết pháp độ. Ông ta muốn đuổi Thụ Điêu, Dịch Nha là cho rằng họ không yêu thân họ để làm thoả ý muốn của vua. “Bản thân mà mình không yêu thì làm sao yêu vua được?” Nếu vậy thì có bề tôi nào tận lực tới chết để thờ vua, Quản Trọng tất sẽ không dùng, mà bảo: “Họ không yêu cái sức của họ mà làm cho tới chết thì làm sao yêu vua được?” Như thế là muốn vua đuổi hết các trung thần đi. Vả lại, nếu lấy lẽ họ không yêu thân họ mà suy đoán rằng họ không yêu vua, thì cũng có thể lấy lẽ Quản Trọng không chết vì công tử Củ để suy đoán rằng ông sẽ không chết cho Hoàn công, vậy thì ông cũng thuộc hạng bề tôi phải đuổi đi.
Đạo của bậc minh chủ không phải vậy. Lập ra cái mà dân muốn để họ làm việc cho mình, vì vậy mà đặt ra tước lộc để khuyến khích họ; lập ra cái mà dân ghét để ngăn cấm sự gian tà, vì vậy mà đặt ra hình phạt để ra oai với họ. Khen thưởng mà xác thực, hình phạt mà cương quyết thì bề tôi có công được cất nhắc mà kẻ gian tà không được dùng, như vậy dù có Thụ Điêu, hắn cũng không làm gì được vua; mà bề tôi sẽ tận lực thờ vua, vua ban tước lộc để báo đáp bề tôi. Vua tôi đối với nhau không có cái tình cha con, đều là tính toán với nhau cả; hễ vua có đạo (tức thuật) thì bề tôi tận lực mà việc gian tà không phát sinh, vua vô đạo thì bề tôi trên che lấp cái sáng của vua, dưới thực hành tư dục của mình. Quản Trọng không làm cho Hoàn công hiểu rõ pháp độ đó (chỉ khuyên đuổi Thụ Điêu), giả sử đuổi Thụ Điêu rồi thì một Thụ Điêu khác lại đến, đó không phải là cách tận diệt được sự gian tà.
Hoàn công sở dĩ chết, giòi bò ra tới cửa mà không được chôn, là vì bề tôi thế lực mạnh quá, thế lực mạnh quá thì nắm hết quyền của vua; bề tôi nắm hết quyền của vua thì lệnh của vua không đạt tới cấp dưới mà tình thực của bề tôi không thông lên vua được. Sức của một người có thể ngăn cách được vua tôi với nhau, khiến vua không biết được thiện và ác, không thấy được hoạ và phúc, do đó mà có cái hoạ chết không được chôn. Cái đạo của bậc minh chủ là một bề tôi không được kiêm nhiều chức, một chức không kiêm nhiều việc; kẻ hèn thấp không phải nhờ kẻ tôn quí mới được tiến dụng, đại thần không phải nhờ kẻ tả hữu của vua mới được yết kiến vua; bách quan đều được trình ý kiến lên vua, quần thần cùng nhau lo việc công; vua có thấy công bề tôi rồi mới thưởng, biết tội bề tôi rồi mới phạt; sự thấy, biết đó phải đúng, mà sự thưởng phạt không lầm, như vậy thì làm sao có cái hoạ chết không được chôn? Quản Trọng không giảng rõ lẽ đó cho Hoàn công hiểu, chỉ xin đuổi ba người. Vì vậy mà tôi bảo Quản Trọng không có pháp độ.
4- Không có công thì không thưởng, không có tội thì không phạt (lược bỏ)
5- Vua phải giữ đạo vua, bề tôi phải giữ lễ bề tôi.
Tóm tắt: Tấn Bình công giữa đám bề tôi, bảo không gì sướng bằng làm vua vì nói ra, không ai dám cãi. Sư Khoáng, một nhạc sư đui có tư cách, ngồi ở bên, làm bộ không biết rằng chính vua đã nói câu đó, cầm cây đàn đập, Bình công đỡ được, hỏi Sư Khoáng, Sư Khoáng thưa: “Có kẻ tiểu nhân nào nói đó nên thần đánh nó”. Bình công nhận chính mình nói. Sư Khoáng không tạ tội, chỉ đáp: “Bậc vua chúa không nên nói như vậy” Bình công đã không trừng trị mà còn khen.
Hàn Phi chê Bình công không giữ đạo vua, Sư Khoáng không giữ lẽ bề tôi.
°
6- Bề tôi mà khinh vua thì là loạn.
Tóm tắt: Hàn Phi chê thái độ Tề Hoàn công trọng một ẩn sĩ là Tiểu Thần Tắc tới nỗi hạ mình năm lần đến tìm Tiểu Thần Tắc rồi mới được gặp, và bảo: “Nếu Thần Tắc có tài mà giấu tài (không chịu thờ vua) thì đáng bị tội; nếu không có tài mà kiêu căng với vua như vậy thì đáng giết”.
7 – Không tha kẻ có tội. (lược bỏ)
8 - Bề tôi phải trọng vua, làm sáng tỏ pháp luật, không được đòi vua tăng tước lộc cho mình.
(Truyện 5b thiên Ngoại trừ thuyết tả hạ, Hàn Phi đã chép lại việc Quản Trọng xin Hoàn công ban cho mình nhà Tam qui, cho mình ở trên họ Cao, họ Quốc, lại được vào hàng công tộc, để khuyên các vua chúa nên tiết độ trong việc ban tước lộc, nếu không sẽ bị đại thần áp bức.
Ở đây ông nhắc lại truyện đó để bác ý kiến của một số người đã bênh Quản Trọng. Chúng tôi bỏ đoạn đầu chép những yêu sách của Quản Trọng).
(…) Tiêu Lược (không rõ là ai) bảo:
- Quản Trọng cho rằng hèn thì không trị được người sang nên xin được ở trên họ Cao, họ Quốc; nghèo thì không trị được người giàu, nên xin được có nhà Tam Qui; sơ thì không trị được người thân, nên xin được gọi là Trọng phụ. Xin như vậy không phải vì tham mà để cho tiện việc trị nước.
°
Có người bảo: Sai một kẻ tôi tớ đem mệnh lệnh của vua đến các quan khanh tướng thì không ai dám không nghe, không phải vì khanh tướng là hèn mà tôi tớ là sang mà vì lệnh vua ban xuống, không ai dám không theo. Nếu Quản Trọng trị nước mà không có lệnh của Hoàn Công thì là nước không có vua; nước không có vua thì không thể trị được. Còn như dựa vào uy của Hoàn Công để ban phát lệnh của Hoàn Công thì dù kẻ đó là tôi tớ, mọi người cũng phải tin (mà thi hành) chứ không phải đợi được ở trên họ Cao, họ Quốc, được vua tôn là Trọng phụ, rồi lệnh mới được thi hành! Các viên hành sự, đô thừa (quan chức rất nhỏ) ngày nay khi phụng mệnh vua đi trưng thu đâu có né tránh các bậc tôn quí mà chỉ tới các kẻ nghèo hèn? Cho nên hành sự mà hợp pháp thì dù (ti tiện như) hoạn quan cũng được khanh, tướng phục, hành sự mà phi pháp thì dù là quan lớn cũng phải thua một tên dân thường. Quản Trọng không lo tôn vua, làm sáng tỏ pháp độ, mà chỉ nghĩ đến việc được vua thêm sủng ái, thêm chức tước, thì nếu không ham giàu sang cũng là mờ ám, không biết thuật. Cho nên tôi bảo rằng Quản Trọng là bậy mà Tiêu Lược đã ca tụng ông ta thái quá.
°
9 – Có thuật thì dùng hai cận thần cũng không sao; không có thuật mà dùng họ thì họ sẽ tranh quyền nhau mà kết giao với nước ngoài, nếu chỉ dùng một thì người đó sẽ chuyên quyền giết mình.
Hàn Tuyên vương hỏi Cù (3) Lưu:
- Ta muốn dùng cả hai ông Công Trọng và Công Thúc, nên chăng?
Cù Lưu đáp:
- Xưa nước Ngụy dùng cả hai ông Lâu và Địch (4) mà mất đất Tây Hà. Sở dùng cả hai ông Chiêu và Cảnh mà mất đất Yên và đất Dĩnh, nay nhà vua dùng cả Công Trọng và Công Thúc thì họ tranh quyền nhau, mà kết giao với nước ngoài, sẽ là mối lo cho nước.
°
Có người bảo: Xưa Tề Hoàn công dùng cả hai ông Quản Trọng và Bão Thúc; Thành Thang dùng cả hai ông Y Doãn và Trọng Huỷ. Nếu dùng cả hai người mà là mối lo của nước thì Hoàn Công đã không làm nên nghiệp bá, Thành Thang không làm nên nghiệp vương, (Tề) Mân vương chỉ dùng một mình Náo Xỉ mà bị (Náo Xỉ) giết ở miếu Đông, (Triệu) Chủ phụ chỉ dùng một mình Lí Đoái mà bị (Lí Đoái) bỏ đói tới chết. Vậy nếu vua quả có thuật thì dùng hai người không phải là mối lo; không có thuật mà dùng hai người thì họ tranh quyền nhau, mà kết giao với nước ngoài, dùng một người thì họ sẽ chuyên quyền mà giết mình. Cù Lưu không có phép thuật để làm qui tắc cho vua, khuyên vua đừng dùng hai người mà dùng một thôi, như vậy nếu tránh được cái lo mất Tây Hà, Yên, Dĩnh thì tất mắc cái nạn bị giết hoặc bị bỏ đói tới chết (…) (5).
Chú thích :
(1) Tức Hồ Yển, cậu của Tấn Văn Công, có công giúp Văn công dựng nghiệp bá.
(2) Có bản chép là giòi từ thây (尸) bò ra. Sửa là từ cửa (户) bò ra thì đúng hơn vì Hoàn Công chết mấy tuần rồi chưa được chôn.
(3) Ta quen đọc là cù, chính ra phải đọc là cu hoặc cưu.
(4) Có sách bảo là Lâu Hoãn và Địch Hoàng; có sách bảo là Lâu Tị và Địch Cường.
(5) Bỏ câu cuối: Thi Cù Lưu vi hữu thiện dĩ tri ngôn dã, mà bản Trần Khải Thiên giảng là: thế là Cù Lưu chưa làm điều thiện (hữu = vị) mà biết nói (dĩ: nhị). Thật lúng túng, khó hiểu.
( Source : Hàn Phi Tử - Nguyễn Hiến Lê - Giản Chi )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét