Khi người khác bắt đầu bỏ tiền ra mua tác phẩm thì nghệ thuật đã phải hứng chịu tổn thương rồi. Bạn càng cần tiền thì càng có nhiều người bảo bạn phải làm cái này, làm cái kia. Quyền kiểm soát trong tay bạn càng ít. Niềm vui mà nghệ thuật mang lại cho bạn ít đi. Hãy biết điều này để lên kế hoạch cho phù hợp.
Cách đây không lâu, tôi nghe nói Chris Ware, hiện là một trong hai, ba họa sĩ biếm họa hàng đầu được tôn vinh nhiều nhất trên thế giới, đã mô tả nghề nghiệp của mình là ‘‘vô bổ’’
Khi kẻ đứng chót vót trên ngọn thang mà bạn đang trèo lên mô tả quang cảnh nhìn trên đó là ‘‘vô bổ’’ thì bạn nên lo dần đi là vừa. He he.
Tôi biết Chris hồi còn ở Đại học Texas. Sau đó, đầu những năm 1990, tôi biết anh lúc còn lang thang ở Công viên Wicker ở Chicago, khu vực nổi tiếng của dân mỹ thuật, khi anh đang lấy bằng thạc sĩ của Viện Mỹ thuật Chicago, còn tôi là tay viết quảng cáo quèn cho một công ty quảng cáo trong thành phố. Chúng tôi không thân nhưng có nhiều bạn bè chung. Anh rất tử tế. Thông minh kinh khủng.
Vậy là tôi đã có nhiều năm quan sát anh từ một sinh viên tài năng đến một ngôi sao vẽ biếm họa nổi tiếng. Thật tuyệt khi được chứng kiến điều này, hẳn rồi – bạn sẽ thấy được khích lệ khi người quen trở nên nổi tiếng một cách xứng đáng. Nhưng cũng nhờ quan sát anh, ngay từ đầu tôi đã nhận ra một thực tế là làm họa sĩ biếm họa chuyên nghiệp có cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Thật bổ ích khi nhìn lướt qua được thực tế.
Tấm gương của anh đã thực sự khai sáng cho tôi rất nhiều từ mười đến mười lăm năm trước, khi biếm họa của tôi đủ tốt để nghĩ đến việc vẽ tranh chuyên nghiệp. Tôi quan sát thị trường, nhìn thấy cuộc sống của Chris và những người như anh, nhìn thấy dân trong nghề đang hét ra lửa, nhìn thấy cái thế giới giả dối mà hầu hết các nhà xuất bản biếm họa đang sống, và hét lên ‘‘Khôôôông”
.
Suy nghĩ thêm một chút, tôi nghĩ một trong những lý do chính là để tôi ở trong ngành quảng cáo bao nhiêu năm như vậy chỉ là vì đối với tôi, nghe câu ‘‘Thay đổi mẫu quảng cáo này” còn đỡ nhức óc hơn câu ‘‘Thay đổi bức biếm họa kia.” Mặc dù khi viết quảng cáo, thường người ta có thể phải thỏa hiệp rất nhiều, nhưng cũng có vô số việc chỉ một mình bạn mới giải quyết được. Đấy là sản phẩm của họ, tiền bạc của họ, vì vậy, việc duy trì các giới hạn lành mạnh sẽ dễ dàng hơn. Trong lĩnh vực vẽ biếm họa đơn thuần, tôi nhất định không chấp nhận điều này.
Điều quan trọng nhất một người sáng tạo có thể nắm bắt thành thạo là xác định được nơi vạch ra đường chỉ đỏ phân chia giữa những gì bạn sẵn sàng thực hiện và những gì không. Chính đường chỉ đỏ này sẽ phân định ranh giới cho sự tự chủ của bạn; xác định lãnh địa sáng tạo của riêng bạn. Loại rác rưởi nào bạn sẵn sàng chấp nhận, loại nào không. Điều gì bạn sẵn sàng giao quyền kiểm soát, điều gì không. Cái giá nào mà bạn sẵn sàng trả, cái giá nào không. Mỗi người một khác; mỗi người đều có đường chỉ đỏ của riêng mình. Mỗi người đều có riêng một Lý thuyết Tình & Tiền.
Khi tôi thấy ai đó ‘‘chịu đau khổ vì nghệ thuật,” thường là họ không biết đường chỉ đỏ đấy nằm ở đâu, không biết tự chủ ở chỗ nào.
Không hiểu sao anh lại nghĩ rằng nhà sản xuất dù xấu xa đến mấy cũng không thể khiến anh phá hỏng bộ phim bằng những kịch bản viết lại vô nghĩa được, nhưng hỡi ôi ! Không hiểu sao anh lại nghĩ rằng chủ phòng tranh có thể biến thành một doanh nhân giỏi giang, nhưng hỡi ôi ! Không hiểu sao anh lại nghĩ rằng nhà xuất bản sẽ quảng bá cuốn tiểu thuyết mới của anh đến nơi đến chốn, nhưng hỡi ôi ! Không hiểu sao anh lại nghĩ rằng nhà đầu tư mạo hiểm sẽ bớt khốn nạn đối với nguồn tiền đầu tư ban đầu, nhưng hỡi ôi ! Không hiểu sao anh lại nghĩ rằng giám đốc sẽ ủng hộ sáng kiến tiếp thị của anh, nhưng hỡi ôi !
Biết được nơi để vạch ra đường chỉ đỏ cũng giống như hiểu được bản thân hay biết được ai là bạn bè chân chính của mình. Có người thấy dễ, có người thấy khó. Đời thật chả công bằng gì cả.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét