Blog (hoặc bất cứ phương tiện xã hội nào bạn chọn) có thể đánh đổ đội ngũ gác cổng dễ đến kinh ngạc.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC XUẤT BẢN Ở PHÁP.
Tôi có một người bạn ở Pháp, tên là Marie. Cô đáng yêu, sành điệu, rất thông minh và quyến rũ, có căn hộ xinh xắn ở Twentieth Arrondissenment và một công việc đáng ngưỡng mộ ở một công ty quảng cáo. Vài năm trước cô viết một cuốn sách. Tiểu thuyết. Bằng tiếng Pháp. Rất nhiều tình dục và nội tâm (tình dục và nội tâm đang là bộ đôi ăn khách trong văn học Pháp, tất nhiên). Dù thế nào đi nữa Marie cũng muốn cuốn sách được ra mắt công chúng.
Lần gần đây nhất ăn tối cùng tôi ở Paris, Marie kể cho tôi nghe về nỗi khổ của cô. Cô đã dành nhiều tháng trời lê bước khắp thành phố, cố gắng trong tuyệt vọng mong tìm ra một nhà xuất bản, ở Paris đồng nghĩa với việc cố gắng lấy lòng cộng đồng văn chương Paris. Thực sự rất khó thâm nhập được vào cộng đồng này, nhất là trong bối cảnh có vô số tiểu thuyết tình-dục-và-nội-tâm đang xếp hàng chờ xuất bản. Có lần, một tay biên tập viên làng nhàng, tên tuổi không ra khỏi ranh giới Paris, ngỏ lời giúp đỡ cô, nhưng cuối cùng lại quyết định rút lui khi phát hiện ra rằng cô không chịu lên giường cùng với hắn. Bạn hình dung được vấn đề rồi đấy.
Là một bloger nhiệt tình, tất nhiên, tôi chẳng giúp ích được gì nhiều.
Tôi nói: “Cuốn sách của cậu có mười ba chương. Tuyệt! đấy là mười ba bài viết để đăng lên blog. Đưa lên mạng đi, cậu sẽ nhận được lời mời xuất bản trong vòng sáu tháng. Tin tớ đi.”
Tất nhiên, cứ cho là ở Paris người ta không làm như thế. Cứ cho là bạn sẽ phải có mặt ở tất cả những bữa tiệc đúng đắn, chén tạc chén thù với tất cả những người phù hợp. Cứ cho là nếu bạn làm tốt việc này, bạn sẽ có hợp đồng xuất bản sách. Cứ cho là bạn làm rất tốt công việc này, họ sẽ còn cho phép bạn xuất hiện tại bàn tròn chương trình câu chuyện trí thức trên truyền hình và lên mặt rao giảng về “Văn hóa” với cả lũ kền kền văn hóa uyên bác khác. Cứ cho là họ sẽ cho bạn một cột nào đó trên tờ Le Figaro[15]. Cứ cho là một sự kết hợp tuyệt vời giữa trí thức nổi tiếng và tư cách tư sản. Rất kiểu cách, cứ cho là thế đi. Rất Pháp, cứ cho là thế đi.
Đáng buồn là cô không bao giờ áp dụng phương pháp blog. Chắc chắn rồi, phương pháp này có thể phát huy hiệu quả khá đơn giản (xem nào, nó phát huy hiệu quả đối với Tom Reymolds, tay lái xe cứu thương ở London nhờ các bài viết trên blog mà giành được hợp đồng xuất bản sách), nhưng nếu làm vậy biết đâu lại bị những con mèo sành điệu khác trong giới văn chương Paris coi là vụng về. Và tôi ngờ rằng cô muốn gia nhập câu lạc bộ đó không kém gì muốn thấy tên mình in trên đầu sách.
Tất nhiên, như bất cứ thính giả nào của NPP hay BBC đều biết, trong công đồng nói tiếng Anh của chúng ta cũng có những nhóm văn hóa ưu tú tương tự, có điều chắc không trung kiên bằng. Có điều lạ là không hiểu tại sao khái niệm “Tiểu thuyết”, Le Roman, lại có một vị trí vững chắc như vậy trong trí tưởng tượng của người Pháp; đối với họ, khái niệm Tác giả có cái gì đó hào hứng đến mức khó giải thích được với những người đến từ các vùng kém văn hóa hơn trên thế giới. Xét ở một mức độ nào đó, bạn có thể dễ dàng ngưỡng mộ sự sung kính dành cho một bộ môn nghệ thuật cổ điển. Xét trên mức độ khác, tình cảm quyến luyến này có thể kìm chân bạn lại một cách không cần thiết.
Cái gì cũng vậy. Nếu là Marie, tôi vẫn sẽ cân nhắc lại việc đưa toàn bộ cuốn sách lên blog. Và tôi cũng sẽ đưa cả bản tiếng Anh nữa, để tạo cơ hội tối đa cho cuốn sách đến được với những người ở bên ngoài cộng đồng thành thị nói tiếng Pháp của cô. Chắc chắn rồi, những kẻ sùng bái văn học Paris sẽ chê bai, rên rỉ, nhưng xem nào, một khi đã sùng bái văn học Paris thì thế nào họ chẳng chê bai, rên rỉ.
Chắc chắn một điều là tôi đã thành công với cách làm này. Như tôi nói trong phần giới thiệu, cuốn sách bạn đang đọc được hình thành từ bài luận 13.000 từ trên blog của tôi, gapingvoid.com. Người ta tải xuống và đọc khoảng chừng một triệu lần, và như bạn biết đấy, điều tiếp theo là các nhà xuất bản bắt đầu tiếp cận tôi. Kết thúc có hậu.
Và tất nhiên, tôi không định giới hạn lời khuyên này trong cộng đồng viết văn. Nếu tôi là họa sĩ, tôi sẽ không đến New York làm hầu bàn trong suốt mười năm chỉ để cố gắng tìm được một phòng tranh chịu giới thiệu tác phẩm của mình. Tôi sẽ chỉ đưa tranh lên mạng, xây dựng một cộng đồng khán giả đủ lớn, và trước sau gì tiền bạc cũng sẽ đến.
Và tôi cũng sẽ không dừng ở đây. Bạn đang đọc những dòng này, như vậy có thể bạn đang làm công việc gì đó chịu sự chi phối của ý tưởng, dù đấy là công nghệ thông tin, luật, kế toán, hay bất cứ lĩnh vực gì đi nữa. Vì vậy, hãy đưa một số ý tưởng lên blog và cho chúng được “sổ lồng”. Trước sau gì cá cũng sẽ cắn câu. Chỉ cần nhớ rằng đây không phải là chuyện ngày một ngày hai. Thường thì sẽ mất khoảng vài năm liên tục đăng bài để xây dựng đủ niềm tin đối với những người đang sẵn sàng đầu tư tiền của vào bạn. Nhưng ai mà biết được. Có thể chỉ mất vài tháng, cũng có thể mất vài năm. Nhưng chắc chắn là hiệu quả hơn mười năm phục vụ bàn ở Manhattan.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét