LƯỢC SỬ MÔ HÌNH :VẼ BIẾM HỌA LÊN MẶT SAU DANH THIẾP”
Khi cuốn sách này đã đi vào phần kết, tôi nghĩ về quãng thời gian hơn mười năm đã trôi qua thế nào kể từ khi tôi bắt đầu với mô hình “vẽ biếm họa lên mặt sau danh thiếp”. Và dường như khi vừa mới đạt được thành quả bước đầu về mặt thương mại, tôi đã nghĩ rằng nó có khả năng thành công.
Muộn còn hơn không, tôi nghĩ vậy.
Gần đây, có người bạn hỏi tôi rằng nếu biết phải mất nhiều thời gian đến thế, liệu từ đầu tôi có nản hay không? Trong tôi có một con người ảo của chính tôi thường quyết định những điều hợp tình hợp lý. Nếu có thật, có lẽ con người hợp tình hợp lý này đã trả lời: “Không, chắc chắn là không.”
Nhưng điều này chẳng hợp tình hợp lý chút nào. Không hề luôn. Vậy thì vâng, nếu biết trước về những gì tôi đang biết hiện nay, chắc là tôi sẽ chẳng hành động khác đi làm gì. Tôi không tự hào về điều đấy; tôi cũng chẳng xấu hổ. Cứ bình thường thế thôi.
Thành quả đạt được có tượng xứng với cái giá phải trả hay không? Không hẳn thế. Không bao giờ. Van Gogh có lần nói với em trai: “Không bao giờ có bức tranh nào bán được bằng cái giá mà người nghệ sĩ phải bỏ ra để tạo nên nó”. Tôi chưa gặp bất kì người họa sĩ nào bằng xương bằng thịt chứng minh ông sai.
Dù nhìn trên phương diện lạc quan, thật tuyệt sau bao nhiêu năm vật lộn trong tối tăm để có được một công trình vừa khiến bản thân thực sự cảm thấy tự hào, vừa (a) mang lại cuộc sống tươm tất, (b) vượt quá sự kỳ vọng ban đầu về điều bạn nghĩ rằng con người mình có thể đạt được, và có lẽ quan trọng nhất, (c) mang lại rất nhiều niềm vui và giá trị cho rất nhiều người khác.
Khi tôi còn đang học đại học, một họa sĩ biếm họa muốn thành công cũng có rất ít con đường để chọn, thời đó chưa có Internet. Chỉ có báo, tạp chí, sách, TV, phim, truyện tranh, buôn bán, và một vài thứ khác nữa. Bây giờ thật khó mà tưởng tượng về thế giới lúc đó. Hơn nữa, tôi không hề nghĩ rằng công trình của mình có thể kiếm được nhiều tiền, vì vậy cho dù đã cố gắng ở mức cao nhất, tôi vẫn không tin rằng có ngày nó mang lại thành quả vật chất.
Thế là vào năm cuối đại học, để thể hiện mình đã là người lớn, tôi chú tâm tìm một công việc để có tiền chi tiêu khi tốt nghiệp. Theo quan điểm của tôi lúc đó, dường như viết quảng cáo cho TV cũng dùng đến lượng trí tuệ như vẽ biếm họa, trong khi tôi vẽ không tệ chút nào, vì thế tôi quyết định đến Đại lộ Madison. Có vẻ như đây là một điểm đến thú vị.
Dù sao đi nữa, ngay khi vừa ra trường tôi cũng tìm được một chân viết quảng cáo. Một số kĩ năng được sử dụng, phần lớn là nhờ may mắn, nhưng khi bạn mới bước chân sang tuổi hai mươi và lần đầu tiên đặt chân vào lĩnh vực làm việc nghiêm chỉnh, bạn sẽ chấp nhận bất cứ điều gì có được.
Mặc dù ít nhiều dính dáng đến nghề quảng cáo trong hơn một thập kỷ, giờ đây tôi không nghĩ quá nhiều đến nó nữa. Một phần trong tôi đã xóa ký ức đấy đi rồi. Ngoài chuyện hùng hục làm việc, công việc chẳng mang lại được nhiều niềm vui cho lắm. Tôi thuộc hàng ngũ những kẻ mà tôi gọi là “Lưng Chừng” – nghĩa là đủ giỏi để kiếm được và giữ được vị trí hưởng mức lương khá cao trong một công ty quảng cáo, nhưng lại chưa đủ giỏi để tiến sâu hơn vào ngành; chưa đủ giỏi để yêu thích lĩnh vực này. New York năm 1998 là thế giới tôi sống khi bắt đầu nỗ lực về biếm họa. Và giống như bất cứ kẻ Lưng Chừng nào ở tuổi tôi, thời gian này thực sự mệt mỏi và căng thẳng.
Và rồi Internet ra đời…
Trong thời gian vài năm sau đó, vâng, tôi sẽ vẽ rất nhiều tranh biếm họa, nhưng tôi chẳng làm được gì nhiều với chúng. Vẽ tranh chỉ là sở thích. Bên cạnh đó, thời điểm này tôi có nhiều thứ phải làm, vừa hoàn thành công việc vừa duy trì nếp sống ở New York. Hầu hết khán giả biếm họa của tôi thời đó là người quen ở quán bar được tôi cho xem tranh.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Một hôm, tôi bỗng thấy mình thất nghiệp, nhẵn túi và bất mãn với cuộc sống nói chung. Chẳng biết làm gì ngoài việc chờ điện thoại reo, tháng Năm năm 2001 tôi lập blog của mình- gapingvoid.com.
Tôi rất muốn nói rằng trang web này nhanh chóng trở nên nổi tiếng, tranh biếm họa của tôi thành công rực rỡ, và mọi thứ đột ngột được cải thiện, nhưng đáng buồn là điều đó đã không xảy ra. Tôi cứ kiên trì với nó, ngày này qua ngày khác, chậm rãi vun đắp. Cứ thế đến khi thành công, về cơ bản là như thế.
Bản hợp đồng triệu đô vẫn chưa xuất hiện. Tốt thôi; tôi đã mang máng mường tượng ra cách kiếm tiền từ tranh, theo con đường gián tiếp.
Làm thế nào? Giờ đây nhớ lại thì cách này khá đơn giản. Tôi đăng tranh biếm họa lên mạng, và bởi vì tôi có rất nhiều thời gian rảnh rỗi nên tôi dành một khoảng thời gian dài theo dõi xem điều gì xảy ra với chúng khi chúng ở trong không gian ảo này. Năm 2002 là thời điểm blog bắt đầu thịnh hành. Đây là thời điểm Google bắt đầu phát triển lên đỉnh cao của thị trường tìm kiếm. Đây là thời kì hoàng kim của trang Techmorati.com[17], khi mọi người muốn được biết về những gì đang xảy ra trên web, chứ không chỉ về những gì đã xảy ra.
Sau một vài năm quan sát đường đi của những bức tranh biếm họa, quan sát ý định của các blogger khác, tôi bắt đầu có cái nhìn khá rõ ràng về cách vận hành thực sự của Internet, chứ không phải như lời của đám nhà báo và dân tiếp thị vẫn nói. Một thời gian sau, tôi bắt đầu đăng lên những suy nghĩ của mình về thế giới mới mẻ và táo bạo này. Và một thời gian sau, mọi người bắt đầu gửi e-mail về cho tôi, đề nghị được trả một khoản tiền kha khá nếu tôi đồng ý chia sẻ thêm với họ về những gì tôi học được trên mạng.
Đối với tôi, chia sẻ thông tin này mang lại nhiều niềm vui hơn và kiếm được nhiều tiền hơn là tìm cách bán quảng cáo cho khách hàng, vậy là tôi áp dụng luôn.
Cho đến nay, tôi đã thành công trong việc biến nó thành một công việc kinh doanh khá thú vị. Nhiều tiền hơn, ít căng thẳng hơn và đỡ tốn thời gian hơn hẳn Đại lộ Madison. Thành quả không tệ chút nào.
Vấn đề là chẳng có chút nào diễn ra đúng như dự kiến. Mọi việc cứ thế xảy ra, mỗi lần một sự kiện ngẫu nhiên.
Tôi nhận thấy rằng, tìm được hai sợi dây cho cây cung của mình, tranh biếm họa và Internet, khiến công việc thuận lợi hơn rất nhiều. Tôi thích đánh lộn song hai thứ với nhau. Xin lỗi nhé, tôi không vẽ tranh cho anh được đâu; tôi đang bận với mấy việc bên Internet. Xin lỗi nhé, tôi không thể giúp anh xử lý vấn đề Internet này được; tôi đang tối mặt tối mũi lên vì phải vẽ tranh cho khách hàng. Tôi hoàn toàn tin rằng nếu tôi bỏ hẳn đi một trong hai thứ, thứ còn lại sẽ sụp đổ tan tành ngay hôm sau. Chính việc duy trì sức sáng tạo giữa hai lĩnh vực, một dạng mở rộng của “Lý thuyết Tình & Tiền” đã nói ở trên, khiến cho mọi điều trở nên thú vị. Vì cả tôi và công chúng tử tế cùng nhau chi trả cho cuộc sống của tôi.
Trước kia, tôi không hề có ý định trở thành họa sĩ biếm họa chuyên nghiệp. Tôi không hề có ý định sử dụng Internet. Nhưng không hiểu sao hai thứ lại trộn với nhau thành món thứ ba này. Đấy là lý do tại sao tôi nói “Thành công không đến từ hướng mà bạn dự tính”.
Trẻ tuổi và đầy ước mơ cũng tốt thôi. Mơ ước về một ngày nào đó làm được điều “vĩ đại khủng khiếp”. Mơ ước về tình yêu, cái đẹp, thành đạt, và cống hiến. Nhưng hãy hiểu rằng mơ ước cũng có cuộc sống riêng, và chúng chẳng tốt lắm trong việc làm theo chỉ dẫn. Hãy yêu thương chúng, trân trọng chúng, nuôi dưỡng chúng, tôn trọng chúng, nhưng đừng bao giờ trở thành nô lệ của chúng. Nếu không, bạn sẽ giết chết chúng từ trong trứng nước, trước khi chúng có cơ hội trở thành hiện thực.
Chúc bạn may mắn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét