Vào thời gian đó, tôi mới được thăng cấp thiếu tá và tôi được chỉ định làm bác sĩ phẫu thuật của trung đoàn thiết giáp số 11 (trung đoàn ngựa đen), một đơn vị với 500 lính đóng tại phía Tây Bắc Sài gòn. Sĩ quan chỉ huy là George S. Patton III. Bạn có thể đã nghe thấy tên của cha anh ta ở đâu đó.
Tôi đã làm hết sức mình để hoà hợp với môi trường mới. Tôi ở trên trực thăng nhiều lần, vài lần bị bắn, nhận một ngôi sao đồng vì đã kéo một vài chiến binh Việt Cộng ra khỏi nơi nguy hiểm. Nhưng càng tham gia vào cuộc chiến tranh, tôi càng cảm thấy ít tự hào vào công việc của mình. Cái mà chúng ta đang làm là huỷ hoại đất nước và con người ở đó một cách quá tệ hại đến nỗi thật là phi lý khi cứ giả vờ là chúng ta chiến đấu nhân danh người Việt Nam. Chúng ta cũng không tỏ ra tôn trọng họ. Đối với chúng ta, họ là «quê mùa», «ngu ngốc», «kì dị». Tôi phát mệt mỏi. Con số lính Mỹ bị chết trong thực tế đã lên tới 58000 người. Bạn có thể đọc tên họ trên một bức tường bằng đá granito đen ở Washington.
Tôi nhớ lúc tôi biết là chúng ta sắp thua trong cuộc chiến tranh. Quá tức giận về sự thiếu năng lực để tìm diệt Việt Cộng, chúng ta đã phát triển một chương trình tối mật để truy tìm những nơi tập trung của kẻ thù. Nó được gọi là «tiếng khụt khịt », một thiết bị rất nhạy để tìm sự hiện diện của amoniắc vốn có mặt trong nước tiểu và được treo trên một chiếc trực thăng bay là là phía trên rừng. Khi tín hiệu có mật độ cao tìm thấy, người ta bèn rót pháo trực tiếp tới đó. Một đêm năm 1968, tôi tham gia vào một cuộc huấn luyện ngắn cuối ngày của trung đoàn, một đại uý đã mô tả cuộc càn quét vào một khu rừng. Ông ta và người của mình đã tìm thấy một khung cảnh mà không ai có thể giải thích nổi: Những gáo nước tiểu được treo trên những cái cây. Patton và những sĩ quan tình báo của ông ta trao đổi với nhau những cái nhìn thất vọng khi họ lặng người nhận ra sự thật rằng chúng ta đang nã pháo với giá 250$ một quả đạn vào những gáo nước tiểu ở khắp Việt Nam. Điều đó bây giờ nghe có vẻ buồn cười hơn là bi đát.
Tuy nhiên, với tôi thế là đủ. Vào ngày Chủ Nhật - Lễ Phục sinh năm 1969, tôi len lỏi trong một đám khách tại bữa tiệc thay chỉ huy mới cho đại tá Patton và đưa cho các vị khách mỗi người một bản sao của những gì tôi đã viết đêm hôm trước. Tôi gọi nó là «Lời cầu nguyện của ngựa đen»:
Chúa của chúng con. Cha Ở trên trời, xin Người hãy lắng nghe những lời cầu nguyện của chúng con. Chúng cơn nhận thức rõ những gì mình còn thiếu sót và xin Người hãy tạo nên những người lính tốt hơn cho chúng con. Hãy giúp chúng con, thưa Cha, những thứ chúng con cần để làm công việc Người giao có hiệu quả hơn. Hãy đưa cho chúng con nhân ngày này một khẩu súng bắn được một vạn viên một giây, quả bom napal có thể đốt cháy được một tuần. Hãy giúp chúng con để gieo rắc cái chết và sự phá hoại đến tất cả những nơi chúng con đến vì chúng con đã làm điều đó nhân danh Người và do vậy, nó là lẽ phải và công bằng. Chúng con cảm ơn Người về cuộc chiến này, đầy lòng biết ơn vì tuy nó không phải là cuộc chiến tốt đẹp nhất thì cũng còn hơn là không có một cuộc chiến nào. Chúng con ghi nhớ rằng Chúa Trời đã nói: «Ta đến không phải là mang hoà bình tới mà là thanh gươm» và chúng con đã cố gắng hết sức mình để được giống Người. Xin đừng quên những đứa con khác của Người vì chúng đang trốn ở trong rừng, hãy mang chúng đến dưới bàn tay đầy tình thương của chúng con để chúng con có thể chấm dứt sự chịu đựng của chúng. Ôi Chúa Trời, trong mọi điều, xin hãy giúp chúng con vì chúng con đang làm những điều cao quí với hiểu biết rằng chỉ với sự giúp đỡ của Người thì chúng con mới có thể tránh được thảm hoạ hoà bình đang đe doạ chúng ta vĩnh viễn. Đó là tất cả những điều mà chúng con cầu xin nhân danh Người, George Patton, Amen.
Có những sĩ quan cấp cao ở đó, bao gồm cả tướng Creighton Abrams, chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ tại Việt Nam. Có cả một lô các nhà báo nữa, một người trong số họ thậm chí còn hỏi Patton là rằng đó có phải là lời cầu nguyện chính thức của đơn vị chúng tôi không.
Tôi bị bắt giữ và một cuộc điều tra được tiến hành để xem liệu có phải đưa tôi ra toà án binh hay không. Họ quyết định là không. Thật là bất tiện khi một người tốt nghiệp West Point mà phải trải qua cuộc thẩm vấn lần đầu như là một tội phạm chiến tranh. Và thế là họ tống tôi về nước như là «một nỗi nhục cho những người chỉ huy». Tôi xin từ chức khỏi quân ngũ và làm việc ở một số nơi khác cho đến khi chiến tranh chấm dứt. Chúng ta không thành công ngay được. Mất thêm bốn năm nữa và 25000 lính trước khi người lính cuối cùng lên đường về nước.
Hai mươi sáu năm sau tôi quay trở lại Việt Nam. Đi cùng với 17 đồng đội cùng đơn vị cũng như con trai Michael của tôi, đứa trẻ mà tôi đã tìm thấy trong một trại trẻ mồ côi. Chúng tôi đến thăm những nơi chúng tôi đã từng sống và chiến đấu khi xưa. Hướng dẫn viên của chúng tôi bao gồm cả những người lính Bắc Việt và Việt Cộng khi xưa, những người đã mang theo những ký ức của chính họ về cuộc chiến tranh đó. Họ rất thân thiện chào đón bạn. Tôi giả thiết là điều đó dễ dàng hơn cho họ vì đã thắng tất cả chúng ta. Gần như mọi dấu vết của chúng tôi vẫn còn đó. Giờ đây, nơi đồn trú lớn nhất ở Long Bình đang được biến thành khu công nghiệp.
Một nửa dân số Việt Nam đã không còn sống sót sau cuộc chiến tranh. Những người trẻ tuổi mà chúng tôi gặp khi chúng tôi đến thăm lại chiến trường xưa hẳn đang tự hỏi là chúng tôi tìm kiếm gì ở đó vì họ không biết là chúng tôi nhớ những gì. Chúng tôi đã mang một gánh nặng thời gian và số phận, trái tim của chúng tôi trĩu nặng ký ức về những ai đã không thể trở lại và câu chuyện về họ đã mất dần trừ tình yêu đối với họ.
Khi tôi đứng ở nơi đó năm 1969 trong lễ thay chỉ huy, tôi nhớ lại cơn giận dữ, sự nghi ngờ và nỗi sợ mà tôi cảm thấy vào ngày Chủ Nhật - Lễ Phục sinh. Vào ngày đó, với sự giúp đỡ của lời nguyện cầu, tôi đã tái sinh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét