Chúng ta sống trong một xã hội mà nỗi sợ đang ngày một tăng lên. Đó là đất làm ăn của các hãng quảng cáo đã khơi dậy những nỗi lo sợ của chúng ta về việc chúng ta có cái gì, trông ra sao và liệu rằng chúng ta có đủ gợi tình hay không. Một người tiêu thụ không thoả mãn với bản thân thì sẽ sẵn sàng hơn để mua hàng. Cũng tương tự như vậy, mục đích của các tin tức trên ti vi là nỗ lực nắm được sự quan tâm của chúng ta bằng cách làm cho chúng ta sợ qua những câu chuyện về các tội ác đầy bạo lực, những thảm hoạ thiên nhiên, sự đe doạ của thời tiết và sự hoảng loạn về những nguy cơ về môi trường (Liệu nước uống của bạn có an toàn không? Xin hãy xem bản tin lúc mười một giờ).
Một trong những điều xác định chúng ta là cái mà chúng ta thường lo lắng. Cuộc sống đầy những sự không chắc chắn và những thảm hoạ ngẫu nhiên. Do đó rất dễ có cơ sở để lo lắng về một điều gì đó. Danh sách những nỗi sợ ám ảnh chúng ta vừa dài vừa đa dạng, nó là một phần thông tin mà hàng ngày chúng ta bị các phương tiện thông tin đại chúng dội vào.
Những người hay lo lắng thường bắt đầu bằng một nỗi sợ cụ thể nào đó. Dưới dạng phóng đại nhất, người ta gọi nó là những ám ảnh. Hãy tưởng tượng bạn sợ phải đi ra cửa hàng, đi thang máy, lái xe hay đi ngang qua một cái cầu. Và đừng nghĩ gì về chuyện đi máy bay nhé, quá kinh khủng. Mỗi một nỗi sợ như vậy là một sự ám ảnh thông thường, một sự khó chịu khiến cho người ta như bị tê liệt. Những người sợ hãi triền miên như vậy giống như một người lính canh cho tất cả những người còn lại, những người có những nỗi sợ ít bộc lộ ra ngoài hay không mạnh mẽ bằng. Sự phản ứng với bọn khủng bố trong năm 2001 chẳng hạn là một ví dụ rõ ràng về việc nỗi sợ tập thể có thể sản sinh ra những hậu quả khủng khiếp như thế nào. Rất nhiều người đã bán đổ bán tháo hết cả cổ phiếu họ có và không dám đi đường hàng không nữa. Các hãng hàng không suýt nữa thì bị phá sản. Rồi đến nỗi sợ bệnh than, dân chúng sợ hãi thư từ của chính họ và các mặt nạ chống độc đã được bán hết sạch. Ngôi nhà của những con người thường tự coi mình là can đảm bỗng nhiên đầy ắp những kẻ run sợ chết nhát.
Vào năm 2002, ở Washington D.C, vùng đất bị tấn công khủng bố liền trong ba tuần có một sự sợ hãi lan rộng khắp nơi, mọi người giữ con cái ở trong nhà và không cho chúng đi dã ngoại cùng trường học. «Nếu chúng ta có thể cứu một mạng người thì mọi sự đề phòng đều đáng giá», được coi là một câu nói hợp thời hợp lý. Không ai chỉ ra rằng cái lô gích đó sẽ dẫn đến sự đề phòng cao nhất là bạn sẽ không bao giờ rời khỏi nhà mình nữa.
Thậm chí trong những lúc vui đùa, sự đề phòng của công chúng về nguy cơ trở thành nạn nhân của một tội ác nào đó cũng bị phóng đại. Chúng ta tự trang bị vũ khí để chống lại những kẻ xâm nhập huyền bí và thờ ơ với thực tế là các thành viên trong gia đình thường trở thành những nạn nhân hàng đầu của những khẩu súng mà chúng ta đã mua. Trong khi đó, những nguy cơ thực sự đối với hệ thống phúc lợi xã hội của chúng ta - hút thuốc, ăn quá độ, không thắt dây an toàn, sự bất công trong xã hội và những người mà chúng ta đã bầu vào các công sở - thì lại khơi dậy rất ít nỗi lo lắng.
Khi những sự ám ảnh rút ra từ những nỗi sợ có tính chất cơ bản và gây rắc rối khác như nỗi cô đơn chẳng hạn - có thể khiến chúng ta kết lại thành một nhóm để phục vụ một chức năng nào đó trong đời sống quốc gia. Nếu chúng ta tập trung vào bệnh SARS - cúm gà, bệnh bò điên, ong giết người hay chứng mộng du ban đêm, chúng ta sẽ ít quan tâm hơn đến sự xuống cấp của môi trường hay sự xói mòn của quyền tự do dân sự, những vấn đề có thể hoàn toàn ra ngoài khả năng cá nhân của chúng ta để có thể có ảnh hưởng nào đó. Thậm chí chiến tranh dường như cũng có ít ánh hưởng hơn so với những sự lo lắng mà chúng ta có trừ khi nó có ảnh hưởng trực tiếp đến các thành viên trong gia đình.
Những mối quan hệ của chúng ta với nhau bị sự không tin cậy bóp méo. Thay cho việc chia xẻ số phận cùng nhau và tư tưởng đúng đắn rằng chúng ta cùng chung lợi ích, giờ đây chúng ta cư xử như thể cuộc sống là một sự cạnh tranh không ngừng mà cái giá phải trả chính là lợi ích của phía bên kia. Chúng ta luôn sống với nỗi sợ bị kiện cáo. Ở mức độ nào đó, tôi thấy mỗi bệnh nhân tôi gặp đều được đều có một câu cửa miệng là «Thế nếu có hậu quả xấu thì sao?». Đối với các bác sĩ chuyên khoa như bác sĩ sản khoa, bác sĩ phẫu thuật, những bác sĩ cấp cứu - sự chắc chắn và hậu quả của những lỗi lầm thường cao hơn và nghiêm trọng hơn những sai lầm khác trong thao tác. Đôi khi nó lên đến cực điểm là họ phải rời khỏi ngành y và đôi khi ra toà.
Nếu chúng ta thay đổi hệ thống hành pháp và lập pháp của chúng ta thì điều gì sẽ xảy ra? Liệu có đáng cho những người bị tổn hại do lỗi lầm của người khác, không chỉ về kinh tế và tài chính? Nếu người ta cảm thấy cần thiết phải trừng phạt các tập đoàn cho sự thờ ơ chết người của họ đối với lợi ích của người khác, thay cho việc liên quan đến một cá nhân phải ra toà, liệu rằng số tiền mà người ta đền bù cho người bị hại có trở thành «phí tổn cho sự rủi ro», có thể đền bù cho những người đó hay không? Đôi khi có những người phải chịu thiệt thòi rất lớn mà không phải là lỗi của ai cả như cha mẹ sinh ra những đứa con bất bình thường, nạn nhân của các thảm hoạ thiên nhiên...Thì làm sao mà an ủi họ được hay đền bù như thế nào? Chắc chắn là công bằng hơn khi chúng ta chăm sóc những người như họ hơn là làm giàu cho một vài người trúng vé xổ số.
Một hệ thống như vậy sẽ làm tăng cường thêm niềm tin rằng tất cả chúng ta đang chia xẻ những sự bất ổn không thể nào tránh khỏi và sự rủi ro là một phần tất yếu của cuộc sống. Chắc chắn là chúng ta nên nhận thức ra rằng trong khi chúng ta có thể đền bù cho những mất mát về tài chính và kinh tế, không một số tiền nào có thể đền bù được những bất hạnh ngẫu nhiên đối với số phận của chúng ta.
Chúng ta bị lôi cuốn bởi những hình ảnh của những người thành công với rất ít nỗ lực hoặc không có khả năng: Những đứa trẻ được nhận tài trợ khi mới sinh, những người thắng trong khi mua xổ số, những người tham gia những chương trình đố vui có thưởng, những người mua vui cho công chúng mà lại không có tài năng, chỉ theo những trò rẻ tiền... Tự nhiên là điều này sẽ dẫn tới sự rối loạn trong suy nghĩ của chúng ta về việc cái gì có giá trị hay có thể bền lâu. Cuộc sống của chính chúng ta và những mối quan hệ của nó dường như được hình thành trên sự tương phản.
Nếu những thần tượng văn hoá của chúng ta thường có tỳ vết thì các chính khách của chúng ta thật ra cũng chẳng gợi cảm hứng được nhiều. Mức độ thông minh và sự hoà nhập của những người mà chúng ta tin tưởng bỏ lá phiếu cho họ nói chung không gây ấn tượng gì lắm. Trong thực tế dường như hệ thống chính trị của chúng ta được thiết kế ra để tuyển chọn những người chỉ biết yêu bản thân và đói khát quyền lực vượt lên trên mối quan tâm của họ về phúc lợi xã hội giành cho đồng bào của họ.
Lẽ ra nên biết sợ hãi những mối đe doạ thực sự đối với cuộc sống của mình chúng ta lại dễ dàng bị thuyết phục rằng mối nguy hiểm lớn nhất của chúng ta nằm tại một nơi xa lạ nào đó mà những người ở đó chỉ mong chúng ta khốn khổ. Chúng ta cũng dễ dàng bị nỗi sợ của chúng ta điều khiển để tin vào những giải pháp quân sự đối với những vấn đề về con người. Giống như một người thợ mộc chỉ có duy nhất một cái búa, mọi vấn đề đối với chúng ta chỉ có thể giống như một cái đinh.
Mặc dù không hài lòng với kinh nghiệm của mình, nỗi sợ có thể là một tình cảm có thể thích nghi nếu kết quả của nó trong hành động có thể bảo vệ chúng ta khỏi những điều có hại. Khi điều này xảy ra, tuy nhiên, những mối đe doạ phải được xác định một cách thực tế. Điều này đòi hỏi những thông tin chính xác và khả năng để biến nó thành hiểu biết có ích. Nếu chúng ta bị lừa về thông tin ta cần bởi những người mà chúng ta tin tưởng, như chính phủ chẳng hạn hoặc nguồn thông tin của chúng ta có nguy cơ khiến chúng ta sợ hãi (các phương tiện thông tin đại chúng) thì không cần phải hỏi tại sao chúng ta cứ luôn mất thời gian để lo lắng về những nỗi đe doạ xa xôi như là thư từ bị ô nhiễm mà lại thờ ơ với những nguy cơ thực sự như sự nóng lên toàn cầu.
Và nó cũng xảy ra như vậy trong cuộc sống cá nhân của chúng ta. Nỗi sợ và sự khao khát giống như hai mặt của một đồng xu. Rất nhiều cái chúng ta làm bị sự sợ hãi thất bại sai khiến. Một ví dụ đơn giản là sự theo đuổi sự giàu có về vật chất. Đây cũng là động lực chèo lái nền kinh tế của chúng ta và một cách để «giữ điểm». Nhưng những nỗ lực này thực ra lại thiếu ý nghĩa quyết định `đối với chúng ta và ngăn cản chúng ta với hành động vì con người trong khi chính những điều đó mới đem lại cho chúng ta sự hài lòng thoả mãn dài lâu. Nếu thực ra không ai đang đợi chết lại ao ước họ có thể có nhiều thời gian hơn ở trong công sở thì điều gì khiến chúng ta làm điều đó như điên như cuồng ngay vào lúc này?
Nhiều hành vi của chúng ta bị lòng tham và sự cạnh tranh chi phối. Người tự lập thành công là kiểu mẫu cho nền kinh tế và văn hoá Mỹ. Donald Trump là một thần tượng văn hoá. Thành công trong kinh doanh dường như là một sự khẳng định của khái niệm Darwin về sự tồn tại của những gì thích hợp nhất. Chất lượng hay sự hữu ích của công việc không quan trọng gì so với sự giàu có mà nó đã sản sinh ra.
Trong khi ảnh hưởng một cách ngắn ngủi, nỗi sợ không hữu ích trong việc sản sinh ra những thay đổi kéo dài. Việc sử dụng nỗi sợ như một động lực cho hành vi đã bỏ qua một sự thật rằng không có khao khát nào mạnh mẽ hơn sự theo đuổi hạnh phúc và cuộc đấu tranh vì lòng tự trọng. Nếu người ta có thể tìm thấy phương tiện để khiến mọi người hành động theo hướng này: Công việc và học vấn tốt hơn, cơ hội để cải thiện cuộc sống và một cảm giác công bằng, phước lành hấp dẫn và ngắn ngủi do ma tuý sinh ra cũng sẽ nhanh chóng mất vẻ hấp dẫn của nó. Sự nhấn mạnh vào sự trừng phạt ở một phía khác cũng chẳng có tác đụng. Việc giảm nhu cầu bằng cách nhấn mạnh sự xử lý thông tin và những cơ hội thay đổi trong xã hội dẫn tới sự vô vọng sẽ đưa tới một triển vọng duy nhất về việc giành được chiến thắng trong cuộc đấu tranh giữa sự hài lòng ngắn ngủi và sự thoả mãn lâu đài.
Nỗi sợ của chúng ta chính là sự hiểu rõ về khả năng dễ bị thương tổn của chúng ta đối với những sự may rủi ngẫu nhiên và sự chắc chắn trong đạo đức của chúng ta. Nếu chúng ta tiếp nhận sự dễ chịu và ý nghĩa từ một niềm tin tôn giáo nào đó với những hứa hẹn về cuộc sống vĩnh cửu thì còn tốt hơn nhiều. Nhưng thậm chí ngay cả những người đa nghi cũng có thể học cách để níu giữ những khoảnh khắc hài lòng trong cuộc sống ngắn ngủi của chúng ta. Không phải sự chối cãi mà chính là lòng can đảm đã cho phép chúng ta làm điều này. Chính nỗi sợ cho tương lai hay nỗi hối tiếc cho quá khứ và sự không tự nguyện đã rút mất niềm vui sống của chúng ta trong giây phút hiện thực này.
( Source : Già quá sớm, khôn quá muộn - Gordon Livingston )
Mục lục
0 nhận xét:
Đăng nhận xét