Nước Tống có kẻ mất cái áo thâm. Anh ta ra đường tìm. Thấy người đàn bà mặc áo thâm, níu lại đòi rằng: “Tôi vừa mất cái áo thâm, chị phải đền trả tôi cái này”. Rồi cứ giữ chặt cái áo không buông ra nữa.
Người đàn bà cãi: “Ông mất cái áo thâm, tôi biết đấy là đâu. Áo tôi mặc đây là áo của tôi, chính tay tôi may ra”.
Anh kia nói: “Chị cứ phải đền trả áo cho tôi. Cái áo thâm tôi mất dày, cái áo thâm chị mặc mỏng. Lấy áo thâm mỏng của chị đền cái áo thâm dày cho tôi, còn phải nói lôi thôi gì nữa!”
(Tử Hoa Tử)
GIẢI NGHĨA:
Nước Tống: Một nước chư hầu thời Xuân Thu, sau bị nước Tề lấy mất, ở vào huyện Thuợng Khưu tỉnh Hà Nam bây giờ.
Thâm: Sắc đen.
Níu: Giằng dai giữ lại không cho đi.
LỜI BÀN:
Mất áo trong nhà mà ra đường tìm, đã là chuyện bật cười. Mất áo đàn ông mà đòi áo đàn bà lại là chuyện bật cười. Mất áo thâm dày bắt đền áo thâm mỏng mà cho là phải, lại là chuyện bật cười nữa. Ôi cái lợi nó làm cho lòng người mê muội, chỉ biết có mình không biết có ai, chỉ vụ lợi cho mình mà quên cả phải tráị Kẻ nào đã vụ lợi như thế, thì cái gì mà chẳng dám làm, cái gì mà chả dám nói! Than ôi! Cái đời kim tiền bây giờ biết bao nhiêu phường đòi áo như người nói trong truyện này.
( Source
: Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét