Ads 468x60px

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

147. Một cách lo xa cho con cháu

Sơ Quảng đời nhà Hán, làm quan tri sĩ về, được vua ban cho nhiều vàng lụa.


Con cháu cụ thấy thế, bèn nhờ cậy những người già cả trong họ đến nói với cụ lập nhiều cơ nghiệp và mua ruộng đất.

Một hôm, nhân lúc thư nhàn, những người già cả đem câu chuyện làm giàu cho con cháu thưa lại để cụ nghe, thì cụ nói rằng:

“Ta tuy già lão, há lại không nghĩ đến con cháu hay sao. Hiện ta cũng đã có ít ruộng nương, cửa nhà cũ của tiền nhân để lại. Con cháu ta mà chăm chỉ vào đấy thì cũng đủ ăn đủ mặc bằng người được rồi. Nếu bây giờ, ta lại làm giàu thêm cho chúng để cho thừa thãi dồi dào, thì là ta chỉ làm cho chúng lười biếng thêm ra thôi. Người giỏi mà sẵn có nhiều của, thì kém mất chí hay; người ngu mà sẵn có nhiều của thì càng thêm tội lỗi. Vả chăng của cải mà chứa nhiều thì chỉ tổ làm cho người ta oán. Ta đã không có gì giáo hóa được con cháu ta thì ta cũng không nên làm cho chúng có nhiều tội lỗi và để thiên hạ ai oán chúng cho thêm phiền. 

Những của cải ta đang có đây là ơn của vua trên hậu đãi người bầy tôi già lão, ta chỉ muốn cùng cả anh em, bà con, họ hàng, làng nước cùng hưởng chung cái ơn ấy để trọn tuổi trời, chẳng cũng là phải ư?”
Người trong họ nghe nói thế, ai nấy đều cảm phục.

Hán Thư Sơ Quảng Truyện

GIẢI NGHĨA 

Hán thư: là một tài liệu lịch sử Trung Quốc cổ đại viết về giai đoạn lịch sử thời Tây Hán từ năm 206 TCN đến năm 25. Đôi khi, sách này cũng được gọi là Tiền Hán thư để phân biệt với cuốn Hậu Hán thư, viết về giai đoạn Đông Hán từ năm 25 đến năm 220, được Phạm Diệp viết trong thế kỷ 5. (Chú thích này được trích một phần từ Phụ Lục D; xem thêm Hán thư trong Phụ Lục D).

( Source : Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét