Ads 468x60px

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

154. Không phục nước Tần

Nước Tần đánh nước Ngụy.

Vua Ngụy sợ, sai Tân Viên Diễn sang nói với vua Triệu, ý muốn cùng tôn nước Tần lên làm đế để đỡ việc chiến tranh.


Lỗ Trọng Liên được tin ấy, đến bảo Diễn rằng:

Nước Tần là nước bỏ hết cả lễ nghĩa, chỉ chăm dùng võ lực chinh chiến, như thế mà tôn làm đế, thì thực là không còn ra sao nữa. Tần sau này mà thắng thế, có làm được đế, thì Liên đây đành bước ra biển đông mà chết chứ không chịu làm dân nước Tần.

Diễn đứng dậy nói rằng:

Tôi nay mới biết tiên sinh là bậc thiên hạ sĩ. Từ nay tôi không dám nói tôn nước Tần làm đế nữa.

Chu Thư

GIẢI NGHĨA

Chu Thư: hay còn gọi là Bắc Chu thư hoặc Hậu Chu thư là một sách lịch sử theo thể kỷ truyện trong 24 sách lịch sử Trung Quốc (Nhị thập tứ sử) do Lệnh Hồ Đức Phân đời Đường làm chủ biên, cùng Sầm Văn Bản và Thôi Nhân Sư tham gia viết và biên soạn chung vào năm Trinh Quán thứ 3 (năm 629), đến năm Trinh Quán thứ 10 (năm 636) thì hoàn thành. Lệnh Hồ Đức Phân (583–666) người huyện Hoa Nguyên Nghi Châu (nay thuộc huyện Diệu tỉnh Thiểm Tây), là nhà sử học thời Đường của Trung Quốc. (Chú thích này được trích một phần từ Phụ Lục D; xem thêm Chu thư trong Phụ Lục D).
Tần: tên nước mạnh nhất thời Xuân Thu-Chiến Quốc (ở vào tỉnh Thiểm Tây bây giờ) đến đời Thủy Hoàng, nước Tần chiếm được cả sáu nước mà nhất thống thiên hạ.
Ngụy: Một nước lớn trong bảy nước thời Chiến Quốc, ở vào bắc bộ Hà Nam và phía nam Sơn Tây bây giờ.
Triệu: một nước thời Chiến Quốc ở vào tỉnh Trực Lệ và Sơn Tây bây giờ.
Tân Viên Diễn: tướng quân nước Ngụy về thời Chiến Quốc.
Lỗ Trọng Liên: người nước Tề về thời Chiến Quốc, tính khẳng khái, cao thượng, thích vì người bài phân, giải nạn, vua Tề phong tước ông không nhận, khi Tần nhất thống, ông ra ẩn ở biển Đông.

LỜI BÀN

Khi thấy một nước mạnh hơn nước mình mà mình cần giao hiếu, thì cũng là thường tình, vì như thế tức là vừa giữ cho mình còn lại, vừa được thêm vây cánh nữa. Nhưng mình phải biết khi giao hiếu với nước tàn bạo mà chiều họ tức là như mình muốn xúi giục cho họ càng tàn bạo thêm lên. Điều ấy rất không nên, vì như thế chẳng những không lợi gì cho mình mà lại thường nguy cho mình nữa. Họ đã tàn bạo, tất họ không để mình yên, mà dù cho họ có để mình yên nữa, thì cái trò tàn bạo không bền được lâu, chẳng bao lâu họ đổ thì mình tất cũng phải đổ theo. 

Lỗ Trọng Liên nói trong bài đây, dù sau có phải tự đem thân ra ẩn biển Đông, thế nhà Tần quả cũng như lời Trọng Liên đã nói, không được bền lâu, chỉ qua hai đời trong vòng bốn mươi năm là mất.

( Source : Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét