Ads 468x60px

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

159. Hiếu tử, trung thần

Vương Tôn được bổ làm Thứ sử châu Ích.


Quan Thứ sử trước ở đây là Vương Dương, lúc đi kinh lược trong hàng châu, qua một con đường núi rất cheo leo, than rằng: 

- Thân ta là thân của cha mẹ ta. Ta nỡ nào xông pha vào những nơi nguy hiểm này. Bèn quay lại, không đi, rồi cáo bệnh về nhà.

Lúc Vương Tôn đến thay Vương Dương, đi tuần phòng, cũng phải qua con đường ấy, hỏi nha lại rằng:

- Có phải con đường này là con đường quan Thứ sử trước sợ không dám đi không?

Nha lại thưa: Phải.

Vương Tôn bảo xe cứ đi và nói rằng:

- Vương Dương trước là người hiếu tử, Vương Tôn đây là người trung thần.

Hán Thư Vương Tôn Truyện

GIẢI NGHĨA

Hán thư: là một tài liệu lịch sử Trung Quốc cổ đại viết về giai đoạn lịch sử thời Tây Hán từ năm 206 TCN đến năm 25. Đôi khi, sách này cũng được gọi là Tiền Hán thư để phân biệt với cuốn Hậu Hán thư, viết về giai đoạn Đông Hán từ năm 25 đến năm 220, được Phạm Diệp viết trong thế kỷ 5. (Chú thích này được trích một phần từ Phụ Lục D; xem thêm Hán thư trong Phụ Lục D).
Vương Tôn: Quyển 46 trong Hán thư; xin xem Hán thư trong Phụ Lục D.
Thứ sử: chức quan cai trị một châu một quận đời cổ.
Ích: tên một châu, tức là Tứ Xuyên đời nay.
Kinh lược: đi xét qua việc trị an trong hạt mình cai trị.
Nguy hiểm: cheo leo, không được yên ổn vững vàng.
Cáo bệnh: có bệnh không làm được việc quan xin về nghỉ để chữa.
Tuần phòng: đi tuần để phòng bị sự xảy ra.
Nha lại: những người theo làm việc tại dinh các quan.
Hiếu tử: người con ăn ở hết lòng với cha mẹ.
Trung thần: bầy tôi hết lòng đem thân giúp vua, giúp nước.

LỜI BÀN

Đối với gia tộc, Hiếu là trọng; đối với quốc gia, Trung là quý. Người ta ở đời, đáng lẽ ai cũng phải cố giữ cho trọn cả Trung lẫn Hiếu. Nhưng khốn nỗi, có lắm cảnh ngộ khiến người ta khó mà giữ cho cả Trung lẫn Hiếu được lưỡng toàn; được Hiếu thì mất Trung, được Trung thì mất Hiếu.
Kể như bài này, Vương Dương vì gia tộc mà giữ thân cũng là phải, nhưng so với Vương Tôn, thì Vương Tôn phải hơn. Vì cứ theo cái chủ nghĩa “ở đời thân ta không phải của riêng ta, lúc nhỏ là thân của cha mẹ, lúc lớn là thân của quốc gia, lúc già là thân của thiên hạ, hậu thế trông mong vào đấy” thì lúc ta đã ra làm việc nước, chính là lúc thân ta thuộc về quốc gia, ta há lại còn tiếc mà không làm cho trọn vẹn nghĩa vụ của ta đối với quốc gia hay sao! Đã đem thân phụng sự tổ quốc, thì tổ quốc phải để trên hết, chính thế cũng là hiếu lắm, vì cha mẹ ta cũng kỳ vọng cho ta phải thế kia mà.

( Source : Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét