Ads 468x60px

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

163. Đây mới thật là thầy

Từ Tuân Minh, người ở Hoa Âm, thân thể to lớn, mồ côi từ thuở nhỏ, tính hiếu học, mười bảy tuổi theo Mao Linh Hòa sang học Vương Thông ở Sơn Đông. 


Học một năm thì từ biệt. Rồi sang Yên, Triệu lại học ông Trương Ngô Quý. Học trò ông Ngô Quý rất đông. Tuân Minh dụng tâm học vài tháng sau nói chuyện riêng với bạn học rằng:

- Thầy ta đây danh tiếng tuy lẫy lừng, song nghĩa lý không được quán triệt. Phàm những câu ngài giảng thuyết, phần nhiều nghe chẳng được thỏa tâm ta. Ta muốn tìm thầy khác.

Rồi bèn cùng Điền Mãnh Lược sang Phạm Dương thụ nghiệp ông Tôn Mãi Đức. Nhưng học vừa được một năm, lại muốn bỏ đi, Mãnh Lược bảo Tuân Minh rằng:

- Anh tuổi còn trẻ, theo thầy học hành, chẳng chịu chuyên học một thầy, cứ nay thầy này, mai thầy khác, nay đến tìm, mai bỏ đi, nghìn dặm xa xôi, sách vở mang cắp, học hành như vậy, sợ không thành được.

Tuân Minh nói: Ta nay mới biết chỗ ở của ông thầy đích thật là ông thầy.

Mãnh Lược hỏi: Ở đâu?

Tuân Minh chỉ vào “tâm” nói: Đây, chính ở chỗ này.

Rồi tự bấy giờ Tuân Minh học lấy một mình, hết sức suy nghĩ, sáu năm không ra khỏi nhà. Khi mỏi mệt thường đàn địch để di dưỡng tính tình. Sau thành một bậc đại nho.

Ngụy Thư Từ Tuân Minh Truyện

GIẢI NGHĨA

Từ Tuân Minh: một bậc đại nho đời Hậu Ngụy.
Mao Linh Hòa, Vương Thông, Trương Ngô Quý, Điền Mãnh Lược, Tôn Mãi Đức: cũng là mấy bực đại nho thời bấy giờ.
Yên: một nước mạnh trong bảy nước thời Chiến Quốc, tức là Phụng Thiên (Liêu Ninh), Trực Lệ (Hà Bắc) và một phần phía bắc nước Triều Tiên (Cao Ly bây giờ).
Triệu: tên một nước lớn thời Chiến Quốc, ở vào phía nam tỉnh Trực Lệ, phía bắc Tỉnh Sơn Tây bây giờ.

LỜI BÀN

Học cần phải có thầy, cần phải có sách, đó là lẽ thường, ai đi học cũng khó vượt được hai điểm ấy. Song khi học đã cao, nhất là về mặt tâm học, bảo muốn tìm cho thực có thấy giỏi để thụ nghiệp, không phải là dễ. Bấy giờ tất nhiên phải như Từ Tuân Minh đây, lấy “tâm” làm thầy là hơn cả. Vì cội rễ muôn nghìn điều phải, điều lành đều do ở tâm. Đem tâm chính trực trị tâm gian tà, đem tâm trung hậu trị tâm bạc ác, đem tâm ôn hoà trị tâm táo bạo, đem tâm cần lao trị tâm lười biếng...v.v.
Học thế nào cho tâm được thư thái, tâm được yên thỏa, tâm được quang minh như gương sáng trong, như nước im lặng, ngoại vật lại chẳng loạn được tâm, ngoại vật đi chẳng lưu lại ở tâm thế mới gọi là có tâm học vậy.

( Source : Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét