Ads 468x60px

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

172. Thấy lợi, nghĩ đến hại

Liệt Tử nghèo khổ, có khi đói khát không có gì mà ăn uống.


Có người nói với vua Tử Dương nước Trịnh rằng:

- Liệt Tử là một người cao thượng, nay ở nước nhà vua mà phải bần cùng, thì hóa ra nhà vua không biết quí trọng người giỏi ư?

Tử Dương nghe nói, sai sứ giả đưa cho Liệt Tử vài mươi xe thóc.

Liệt Tử ra yết kiến sứ giả, vái hai vái, xin từ không nhận.

Sứ giả đi, Liệt Tử vào nhà trong. Vợ ngóng trông bực tức, tự đập vào ngực mà nói rằng:

- Thiếp nghe vợ con những bậc đạo đức cao thượng đều được an nhàn vui vẻ, nay vợ con tiên sinh túng đói, vua đưa cho tiên sinh thóc gạo, tiên sinh lại từ. Thế chẳng phải là số mệnh xui ra vậy hay sao?

Liệt Tử cười, bảo vợ rằng: Vua mà biết ta, không phải là tự chính vua biết ta, tại nghe có người nói mới biết ta. Vua nghe người nói mới biết ta mà cho ta thóc, thì lúc bắt tội ta, tất vua cũng lại nghe người nói mà thôi. Vì thế mà ta không nhận thóc. Vả chăng chịu bổng lộc của người hoặc khi người mắc hoạn nạn, không liều chết giúp người là bất nghĩa. Mà nếu liều chết giúp kẻ vô đạo thì lại còn gọi là nghĩa thế nào được.

Tử Dương sau quả bị nạn chết. 

Liệt Tử

GIẢI NGHĨA 

Liệt Tử: sách của Liệt Ngữ Khấu hay người truyền học thuyết của Liệt Ngữ Khấu soạn ra, có tám quyển, sau nhà Đường, nhà Tống đặt tên là Sung Hư Chân Kinh, hay Sung Hu chí đức chân kinh.
Trịnh: nước nhỏ thời Xuân Thu, ở vào huyện Tân Trịnh, một phần đất phủ Khai Phong tỉnh Hà Nam ngày nay.
Sứ giả: người thay mặt và nhận lời người trên để đi nói hay làm một việc gì đó với ai.
Yết kiến: đi chào người trên.
Số mệnh: những sự hay dở, được, hỏng của đời người hình như định sẵn tự trời, không phải sức người làm nổi.
Vô đạo: ăn ở không theo lẽ phải.

LỜI BÀN

Đương lúc túng đói, gặp được vua chúa quý trọng, lại cho vài mươi xe thóc, người ta được thế chắc lấy làm vinh hạnh sung sướng, mà còn lên mặt với đời là khác. Liệt Tử đây khác hẳn, vái sứ giả hai vái, nói xin từ. Thái độ khiêm nhã thật đáng trọng! Xin từ mà không lộ vẻ tự ái, tự cao, không có một lời nghị luận đến thời sự, thậm chí phải vợ con giày vò mà Liệt Tử vẫn thản nhiên, chỉ ôn tồn nói qua mấy câu “ăn ở phải biết lui biết tới, biết ân biết nghĩa”. Người sao sáng suốt khôn ngoan mà như ngu dại, thật đáng phục lắm thay! Vì không thế không sống còn được ở đời loạn. Liệt Tử đây phần biết người hay dở, phần hiểu việc sâu xa. Thật là bực “minh triết bảo thân” vậy. (Câu chữ Hán là: Đã không ngoan lại sáng suốt để bảo toàn tấm thân.)
Ở đời, sẵn có máu tham, thấy của tối mắt, đỏ đâu bâu đấy, sống chết mặc bay, đó là bệnh thông thường. Anh em chúng ta như muốn tránh bệnh ấy, tưởng nên học Liệt Tử biết rõ nghĩa lợi, hiểu đường lui tới mới là hơn.

( Source : Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét