Vợ Nhạc Dương Tử là một bậc hiền minh.
Dương Tử một hôm đi đường bắt được lọ vàng người ta đáng rơi, mừng rỡ đem về nhà đưa cho vợ.
Vợ nói: Thiếp trộm nghe người chí sĩ không ai uống nước suối “Đạo toàn”, người liêm khiết không nhận của ăn “Ta lai”. Chàng nay nhặt được của rơi đường đem về cầu lợi để ô uế phẩm hạnh, thử nghĩ có nên không?
Dương Tử nghe nói thẹn quá, liền đem lọ vàng bắt được bỏ ngoài đồng. Rồi đi xa, tìm thầy để học.
Đi học mới được một năm, Dương Tử về chơi nhà. Vợ quỳ xuống trước mặt, hỏi rằng:
- Chàng có việc gì mà về nhà?
Dương Tử nói:
- Ta đi lâu nhớ nhà thì về, chẳng có việc gì cả.
Vợ cầm con dao đến chỗ khung cửi nói rằng:
- Lụa đang dệt đây là phải làm từ lúc nuôi tằm ươm tơ cho đến lúc mắc lên được khung cửi. Nếu đánh đứt một sợi mà đứt mãi, thì đứt đến hàng tấc, đứt hàng tấc mà đứt mãi thì đứt đến hàng thước, hàng trượng, hàng cả tấm. Nếu bây giờ mà thiếp chặt đoạn đang dệt đây, thì bao nhiêu công phu ngày giờ từ trước đến nay đều mất hết cả. Chàng đi học là để trở nên một bậc tài giỏi, nếu đang học mà bỏ về, thì khác gì tấm lụa đang dệt đây mà chặt đi vậy.
Dương Tử thấy nói, cảm động lắm, đi học luôn bẩy năm đến tốt nghiệp mới về.
Vợ ở nhà chăm chỉ làm ăn trong bấy nhiêu năm, vừa nuôi nấng mẹ chồng, vừa nuôi cho chồng ăn học.
Nhạc Dương Tử nhờ có người vợ hiền như thế mà sau được quí hiển.
Hậu Hán Thư Nhạc Dương Tử Truyện
GIẢI NGHĨA
Hậu Hán Thư: là một trong những tác phẩm lịch sử chính thức của Trung Quốc do Phạm Diệp biên soạn vào thế kỷ thứ 5, sử dụng một số cuốn sách sử và văn bản trước đó làm nguồn thông tin. Nó bao quát giai đoạn lịch sử Đông Hán từ năm 25 đến năm 220.
Dương Tử: người thời Chiến quốc, tên tự là Tử Cư, tôn chỉ học thuyết là: “Mất một cái lông mà lợi thiên hạ cũng không cho, được cả thiên hạ phụng sự một mình cũng không làm, người nào cũng không chịu thiệt, người nào cũng không ham lợi thì thiên hạ tự nhiên thái bình”. Học thuyết ấy rất thịnh hành thời Chiến quốc và người đời bây giờ cho là học thuyết “Vị ngã”.
Hiền minh: có tài, có nết, sáng suốt công việc.
Chí sĩ: người có khí tiết.
Đạo Toàn: tên một cái suối ở huyện Tứ Thủy tỉnh Sơn Đông, Đạo Toàn nghĩa đen là cái suối ăn trộm, tên nghe đáng ghét nên cho nên khát cũng không muốn uống nước ấy.
Ta lai: thương rằng cùng khổ đói khát mà gọi cho ăn và có ý khinh bỉ.
LỜI BÀN
Cứ theo lẽ thường, cái gì nên làm thế nào thì người tài trai phải biết tự chủ trương lấy, không cần người đàn bà dạy bảo rồi mới chịu làm. Tuy vậy lắm khi cũng phải có sự kích thích ở ngoài vào thì mới dễ khiến người ta phấn chấn lên mà cố sức làm cho nên việc, và nhất là sự khuyến khích của vợ.
Như vợ Dương Tử đây thật là khéo biết dạy chồng, làm cho chồng thành ra người được có khí lại có chí và sau quí hiển được. Đúng với những câu ngạn ngữ “giai khôn vì vợ, giá ngoan vì chồng”, “giàu vì bạn sang vì vợ” lắm.
( Source
: Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét