Ads 468x60px

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

198. Hoà vi quý

Đời cổ những người lo toan việc quốc gia, trước hết phải dạy dỗ dân, thân yên dân.

Phép trị dân có bốn điều “bất hòa” cần phải biết.

1) Trong nước mà bất hòa, thì chẳng nên đem quân đi đánh đâu;
2) Trong quân mà bất hòa, thì chẳng nên đem quân ra trận;
3) Quân ở trận mà bất hòa, thì chẳng nên tiến lên đánh;
4) Tiến lên đánh mà bất hòa, thì chẳng nên quyết đánh.

Bởi vậy ông vua hữu đạo khi định dùng dân, trước hết có hòa sau mới gây dựng việc lớn mà chẳng dám tin cái mưu riêng của ai. Không những thế mà thôi, lại còn phải xem cái thời có đáng cử sự sau mới cử sự.

Khi dân trong nước ai nấy đều biết vua đã chịu suy nghĩ đắn đo cẩn thận, quí cái mạng của dân, tiếc cái chết của dân, thì bấy giờ dù có phải ra chỗ nguy nan, ai nấy mới cùng lấy việc tiến lên mà liều chết là vinh, lùi về mà sống thừa là nhục vậy. 

Ngô Tử

GIẢI NGHĨA

Ngô Tử: tức là Ngô Khởi, người nước Vệ về thời Chiến Quốc, làm tướng nước Ngụy là một nhà dùng binh giỏi có tiếng.
Ngụy: Một nước lớn trong bảy nước thời Chiến Quốc, ở vào bắc bộ Hà Nam và phía nam Sơn Tây bây giờ.

LỜI BÀN

Còn ai không biết trong nước đã bất hòa thì dân chúng dễ ngờ vực nhau, dễ tàn hại nhau, quên hết nghĩa công, chỉ biết thù riêng, thậm chí chia rẽ theo cả địch quốc và đi đến diệt vong nữa. Nên trong bài này tác giả nói phép dùng dân rút lại chỉ có một sự cốt yếu là “Hòa”. Dân có hòa và lại nhờ thêm cái thời thuận, tức là cơ hội tốt, nhiên hậu mới khả dĩ khiến dân hết lòng với nước, vì nước mà liều chết được. Bài này nói rộng là phép dụng dân, nhưng nói hẹp mà đúng hơn, thì chỉ là cách dụng binh mà thôi, tác giả là một nhà binh hơn là một nhà chính trị.

( Source : Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét