Ads 468x60px

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

212. Nhuộm tơ

Mặc Tử thấy người ta nhuộm tơ, ngẫm nghĩ than rằng:

Nhuộm vào màu xanh thì hóa xanh, nhuộm vào màu vàng thì hóa vàng. Nhúng vào màu nào thì biến ra màu ấy. Năm lần nhuộm, hóa ra năm sắc, cho nên nhuộm phải cẩn thận.

Không những tơ nhuộm như vậy. Người ta tiêm nhiễm nhau cũng thế, bạn với người hay thì hóa hay, bạn với kẻ dở thì hóa dở. Vinh hay nhục quan hệ ở những người bạn mình hay giao du. 

Mặc Tử

GIẢI NGHĨA

Mặc Tử: tên sách của Mặc Địch soạn, chủ nghĩa là “Kiêm ái” yêu người như yêu mình cũng gần giống chủ nghĩa của đạo Cơ Đốc và đạo Thích Ca.
Lỗ: một nước chư hầu nhỏ, thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
Tống: Một nước chư hầu thời Xuân Thu, sau bị nước Tề lấy mất, ở vào huyện Thuợng Khưu tỉnh Hà Nam bây giờ.
Tề: một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.

LỜI BÀN

Bài này ý tưởng không có gì là cao lạ, chẳng qua cũng chỉ nói đến sự giao du làm cho người ta chóng giống tính những người mình hằng đi lại với nhau. Nào “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng” (hoặc: gần son thì đỏ), nào: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, nào: “ Mày bảo tao biết mày chơi với ai, tao sẽ bảo mày là hạng người thế nào”. “Vợ bắt tựa chồng, người ăn người ở giống tông chúa nhà”. “Ở nhà hàng mắm thì thối, ở nhà hàng hương thì thơm”, có biết bao nhiêu câu do cái khôn ngoan của loài người đều công nhận một chân lý ấy cả. Sự chơi bời ở đời, gần người hay thì được hay, gần kẻ dở hóa dở cần là như thế, thánh hiền còn phải nghĩ đến, huống chi là ta, lúc muốn kết bạn bè với ai, chẳng nên cẩn thận mà kén chọn trước ru? Nói tóm, bài này khuyên người ta “ chọn bạn mà chơi”.

( Source : Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét