“... Việc làm của người quân tử: tĩnh để tu tỉnh lấy thân, kiệm để bồi dưỡng lấy đức. Nếu không đạm bạc thì không thể nào nào sáng được cái chí. Nếu không ninh tĩnh thì không thể nào đi đến được xa.
Lấy lý mà nói: muốn học cần phải tĩnh, có tài cần phải học. Không học, thì không rộng được tài; không tĩnh thì không thành được học. Lười biếng khinh mạn thì chẳng thể biết được tường. Hiểm hóc táo bạo thì chẳng thể sửa được tính.
Một năm một tuổi, mỗi tuổi mỗi kém, rồi thành ra con người khô héo, dài thở vắn than trong chỗ xó nhà, bấy giờ mới hối còn sao kịp nữa...”
Gia Cát Lượng
GIẢI NGHĨA
Gia Cát Lượng: người đời Tam Quốc, tự là Khổng Minh, trước ẩn ở Nam Dương, sau giúp Lưu Huyền Đức làm tướng trị nước Thục. Ông là người trí mưu trung nghĩa có tiếng ở nước Tàu. (Xin xem thêm Gia Cát Lượng ở Phụ Lục C).
Thục: tức là Thục Quân ở vào vùng Thành Đô về đất Tứ Xuyên bây giờ.
LỜI BÀN
Có những thói xấu như nông nổi, nóng nảy, thô thiển, khinh bạc, người thường còn hại vừa, người thông minh hại mới càng nặng. Hại nặng nghĩa là thiệt đời tài hoa như không. Cho nên Khổng Minh dạy con phải theo gương quân tử ngay từ thưở còn ít tuổi cho thành thói quen. Quân Tử dùng cách gì để tu thân, để dưỡng đức, để có tài năng, để thành học nghiệp, để rộng được trí thức, để gánh vác được công việc trọng đại ở đời. Ông nói tóm tắt mà rất phân minh. Câu “ Một năm một tuổi...” lại càng thống thiết. Ý ông lại còn mong cho con làm thế nào để cho tư tưởng cùng ăn nhịp với thời đại mà một ngày một tiến bộ mãi lên, chớ đừng để tư tưởng cứ cùng theo tuổi lão đại mà cằn cỗi dần thì ươn hèn lắm. Nói tóm: ông chú ý mong con sao cho thành người đừng để sau hối mà lỡ hóa ra con người sống thừa ở đời vậy.
( Source
: Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét