Ads 468x60px

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

222. Phân tích không rõ

Nay có kẻ vào vườn người ta hái trộm đào, mận thì ai nghe cũng chê cười, quan bắt được tất trừng phạt. Tại sao vậy? – Tại người ấy làm điều bất nghĩa, lấy của người để làm lợi cho mình.

Kẻ vào nhà người ta bắt trộm gà, vịt, chó, lợn so với kẻ vào vườn nhà người ta hái trộm đào mận, thì lại là bất nghĩa hơn nữa. Tại sao vậy? – Tại lấy của người càng nhiều thì bất nhân càng to, tội càng nặng.

Kẻ vào chuồng người ta bắt trộm trâu, dê, ngựa so với kẻ vào nhà người ta bắt trộm gà vịt, chó lợn thì lại là bất nghĩa hơn nữa. Tại sao vậy? – Tại lấy của người càng nhiều, thì bất nhân càng lắm, tội càng nặng.

Kẻ giết người lương thiện, ăn cướp của cải đồ đạc của người ta, so với kẻ vào chuồng ăn trộm trâu bò, dê ngựa thì lại là kẻ bất nghĩa hơn nữa. Tại sao vậy? – Tại giết người lấy của, bất nhân to lắm, tội càng nặng lắm.
Giết một người là làm một điều bất nghĩa, tất phải chịu một tử tội. Cứ lẽ ấy mà nói rộng ra: giết mười người, tất phải chịu mười tử tội, giết trăm người tất phải chịu trăm tử tội…

Nay, những kẻ làm điều bất nghĩa nhỏ mọn, tầm thường như nói trên thì biết chê cười. Đến như những việc bất nghĩa thậm tệ như cướp nước người, tàn sát sinh linh hàng ức vạn…thường khi thiên hạ không biết chê cười lại còn hùa theo và khen ngợi cho là “nghĩa” và ca tụng ghi chép công đức; như thế thì có gọi được là biết phân biệt “nghĩa” với “bất nghĩa” hay không?

Kẻ nào mà lúc thấy đen ít bảo là đen, lúc thấy đen nhiều lại bảo là trắng, thì ta cho kẻ ấy là người không biết đen với trắng.

Kẻ nào nếm đắng ít cho là đắng, lúc nếm đằng nhiều cho là ngọt, thì ta cho kẻ ấy là người không biết phân biệt đắng và ngọt.

Thiên hạ bây giờ phân biệt phải trái hay lầm lẫn lắm! 

Mặc Tử

GIẢI NGHĨA

Mặc Tử: tên sách của Mặc Địch soạn, chủ nghĩa là “Kiêm ái” yêu người như yêu mình cũng gần giống chủ nghĩa của đạo Cơ Đốc và đạo Thích Ca.

LỜI BÀN 

Tác giả vốn là một nhà kiêm ái nên cốt ý muốn công kích sự tranh đoạt mà khuyến khích người ta không nên hại lẫn nhau, vì đã có ý hại nhau tất chiếm đoạt của nhau, đều là có bụng tổn người để cầu lợi cho mình cả. Cho nên, muốn viện lẽ gì để buộc tội ác cho người ta mà mua tiếng hay cho mình, thì cũng là bất nghĩa đáng chê cả. Thế mà ngán thay thiên hạ đã không biết chê thì chớ, lại còn theo, còn khen, thực là có khác nào như nối giáo cho giặc để tâng bốc thúc đẩy những kẻ làm điều bất nghĩa lên không. Kẻ làm điều bất nghĩa thường vẫn sợ dư luận của thiên hạ lầm lẫn đến thế, thì điều bất nghĩa ở đời càng mạnh, thật là ác hại càng tăng, biết bao giờ nhân tâm biến đổi mà ai nấy cùng được hưởng cuộc Hòa bình? Kể từ đời Mặc Tử đến giờ xa cách bao nhiêu thế kỉ, mà nhân loại đã muốn nuốt lẫn nhau, kẻ khỏe hiếp kẻ yếu, kẻ khôn lừa kẻ ngu, kẻ lớn nạt kẻ nhỏ, số nhiều lấn số ít, xâu xé nhau, tranh cướp nhau, tàn hại nhau, thực là đắm đuối trong các điều bất nghĩa đáng thương, đáng than thở lắm thay!

( Source : Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét