Công tử nước Tấn tên là Trùng Nhĩ gặp trong nước có nạn, phải chạy ra nước ngoài. Công tử đi hết nước này sang nước khác.
Khi sang đến Tề, vua Hoàn Công đem con gái là Khương Thi gả và cho tám mươi con ngựa hay. Công tử được vậy, lấy làm yên thân muốn suốt đời ở nước Tề.
Các quan tòng vong, biết nước Tề không thế tin cậy được, toan đi sang nước khác, mới họp nhau âm mưu ở chỗ vườn dâu.
Có một người đàn bà hái dâu nghe lỏm, biết chuyện, đến mách với Khương Thị.
Khương Thị sợ việc tiết lộ, giết ngay người ấy rồi bảo công tử rằng:
-Công tử có chí tứ phương, đứa nghe lỏm mưu ấy, thiếp đã giết đi rồi.
Công tử nói: Ta thật không có chí đi đâu cả.
Khương Thị bảo: Phải đi mới được! Say một người yêu mà cứ mê mệt, thích một cảnh vui mà cứ yên nhàn, thực là làm bại hoại hết cả công dánh sự nghiệp một đời.
Công tử vẫn không muốn đi.
Khương Thị bèn cùng với Tử Phạm lập kế một hôm cho công tử uống rượu thật say, rồi bỏ lên xe, bắt kéo đi. Công tử tỉnh rượu, biết là mình lìa xa nước Tề, giận quá, cầm giáo đuổi Tử Phạm muốn giết. Nhưng ít lâu công tử tỉnh ngộ, biết hối lại ngay.
Nhờ có thế mà sau công tử về làm vua ở nước Tấn và bá cả chư hầu.
Tả Truyện
GIẢI NGHĨA
Tả Truyện: sách của Tả Khưu Minh nhà Chu làm, kể những sự về lịch sử thời Xuân Thu.
Tả Khưu Minh: quan Thái Sư nước Lỗ theo chí của Khổng Tử mà làm ra chuyện kinh Xuân Thu gọi là Tả Thị Xuân Thu cho nên người ta thường xưng Khổng Tử là Tố Vương, Khưu Minh là Tố Thần.
Công tử: tiếng gọi con vua chư hầu, hay con quan to.
Hoàn Công: vua nước Tề, đứng đầu Ngũ Bá thời Xuân Thu.
Tấn: một nước đời Xuân Thu, đến đời Chiến Quốc bị họ Hàn, họ Triệu, họ Ngụy lấy mất và chia làm ba nước, ở vào tỉnh Sơn Tây và một phần Trực Lệ bây giờ.
Tề: một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
Tòng vong: người theo vua chạy trốn, lúc có quốc nạn.
LỜI BÀN
Trùng Nhĩ gặp nạn nước mà đem thân ra đi, thật là có chí đáng trọng. Song đi đến Tề, được vợ đẹp ngựa nhiều, mà để cho sự vui chơi nồng nàn nó làm nguội lạnh cả chí khí thật lại là đáng tiếc mà cũng đáng khinh. Quả thật " Phong lưu là cạm ở đời, hồng nhan đánh bỏ con người tài hoa" . Người khôn mà lỡ mê thì cái dại to lắm. Trùng nhĩ lúc này, tưởng đã gần như ông" lạc bất tư Thục" (--- Đời Tam Quốc nước Thục mất, vua là Lưu Thiện bị bắt sang ở Lạc Dương, vua Tấn hậu đãi Lưu Thiện, mỗi khi có yến ẩm. Lưu Thiện vui cười như không. Vua Tấn hỏi: có nhớ nước Thục không? Lưu Thiện nói: " Thử gian lạc bất tư thục dã" nghĩa là ở đây vui lắm, chẳng nhớ đến nước Thục nữa. ---) May thay cho Trùng Nhĩ gặp được bọn tòng vong biết lo xa tính sâu mà nhất là được bà vợ là người có kiến thức cao xa, có gan dạ quả quyết, biết rõ cái thói thường, "Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản ( --- nghĩa là cái tình quyến luyến vợ con càng nồng nàn đầm ấm bao nhiên thì cái khí phách anh hùng càng cùn mằn kém cỏi đi bấy nhiêu---) mà bà cố đẩy mãi cái bánh xe đã chết bệt xuống đống buồn phải lăn quay đi cho kỳ được mới nghe. Nên ta khen cái chí Trung Nhĩ phục quốc bao nhiêu thì ta lại phải quý cái công lao Tử Phạm, phải trọng cái kiến thức, cái mưu trí của Khương Thị bấy nhiêu. Sao mà đời cổ có những thần, thiếp giỏi giang như thế!
( Source
: Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét