Đức Khổng Tử ở nước Lỗ vào kinh đô nhà Chu, hỏi lễ ông Lão Đam, hỏi nhạc ông Trành Hoằng, xem xét cả giao xã, minh đường cùng triều đình, tôn miếu.
Khi trở về, ông Lão Đam đưa chân có nói rằng:
- Ta nghe người giàu sang tiễn người thì dùng của cải, người nhân hậu tiễn người thì dùng lời nói. Ta tuy không được giàu sang nhưng mang tiếng là người nhân hậu, vậy xin tiễn người một lời nói vậy.
Này, phàm kẻ sĩ đời này, những người thông minh, sâu sắc, xét nét mà có khi thiệt mạng đều là kẻ hay chê bai, nghị luận tâm sự người ta cả; những người biện bác rộng rãi xa xôi mà có khi khổ thân đều là kẻ hay bới móc phơi bày tội lỗi người ta cả.
Đức Khổng Tử nói: - Vâng, xin kính theo lời người dạy.
Khi Đức Khổng Tử về đến nước Lỗ, đạo của ngài mỗi ngày một tôn, học trò của ngài mỗi ngày một đông.
Gia Ngữ
GIẢI NGHĨA
Khổng Tử: người nước Lỗ về thời Xuân Thu, tên là Khâu tự là Trọng Ni, ông tổ nho học.
Lỗ: tên một nước nhỏ, có tự đời nhà Chu sau phải nước Sở diệt mất, ở vào phủ Duyên Châu và Bĩ tức tỉnh Sơn Đông ngày nay.
Chu: tên chỗ kinh đô thiên tử nhà Chu đóng.
Lão Đam: tức là Lão Tử, họ Lý tên Nhi, người Xuân Thu có làm sách Đạo đức kinh, tổ đạo Lão.
Trành Hoằng: người đời nhà Chu, làm chức đại phu, sau có tội bị giết.
Giao: nơi vua tế trời về ngày đông chí, cho nên tế giao tức là tế trời.
Xã: nơi vua tế đất về ngày hạ chí, cho nên tế xã gọi là tế đất.
Minh đường: nhà của nhà vua, đời cổ làm ra nhà ấy để bày tỏ công việc chính giáo, cùng làm những điền lễ lớn.
LỜI BÀN
Bài này làm ra có ý phơi bày cái học thuyết Khổng, Lão không giống nhau có nhiều điểm lại như phản đối hẳn. Đây là lời Lão Đam như có ý khuyên bảo Khổng Tử là người lúc bấy giờ hay đi chu du các nước định bày cái lẽ trái phải của vua các nước chư hầu, nếu cứ rằng nay đây mai đó như thế mãi thì có khi nguy đến tính mệnh. Câu cuối bài nói vì Lão Đam khuyên bảo như thế mà đạo của Khổng Tử được tôn hơn, học trò của Khổng Tử được đông hơn là vì Khổng Thị biết nghe lời Lão Thị, tự đó về chỉ chuyên có một mặt dạy học trò mà thôi.
( Source
: Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét